Miễn học phí ở bậc THCS: Phụ huynh không “mặn mà”?
Chủ trương miễn học phí bậc THCS lẽ ra phải là tin vui với mọi nhà, mọi người nhưng thực tế không quá nhiều “mặn mà” với chính sách này. Thậm chí, còn lo ngại “cắt” được khoản nhỏ lại dễ thêm nguy cơ “phình” các khoản phụ phí trong nhà trường.
Phụ huynh “chê” tin vui
Theo Nghị quyết số 104/NQ-CP, Chính phủ đã đồng ý với chủ trương miễn học phí bậc THCS. Cách đây vài ngày, UBND TPHCM cũng chính thức có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS thuộc các trường công lập ở địa bàn thành phố. TPHCM hy vọng có thể thực hiện miễn học phí cho bậc học này bắt đầu từ năm năm 2019.
Đây chủ trương nhân văn và cần phải làm khi chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Tin vui này tác động trực tiếp đến hầu hết các gia đình, thế nhưng không nhiều người phấn chấn hay “mặn mà” với việc được miễn giảm học phí ở bậc THCS.
Từ đầu năm 2019, học sinh THCS ở TPHCM sẽ được miễn học phí (ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Tiến Đạo, nhà ở Gò Vấp, TPHCM, có con đều đã trải qua bậc THCS cho hay, ở TPHCM, ai có con đi học đều hiểu con số thực mà phụ huynh nghèo lo lắng không phải tiền học phí. Mà đó là vô số các khoản trong nhà trường theo quy định cho đến các khoản “ tự nguyện” không có trong một văn bản, quy định nào.
Chủ trương chạm đến một khoản đóng có thể gọi là hợp lý, cần thiết. Khoản này không đáng kể, không gây áp lực và căng thẳng cho phụ huynh… Trong khi, gánh nặng cho phụ huynh là các khoản ngoài quy định.
Mức học phí bậc THCS tại TPHCM hiện nay là 85.000 đồng và 100.000 đồng/tháng/học sinh tùy thuộc nhóm khu vực. Đây cũng là mức học phí thấp nhất trong tất cả các bậc học tại thành phố.
Không ít kiến cũng thấy làm tiếc khi TPHCM đi đầu trong việc triển khai lộ trình để miễn học phí cho học sinh THCS. Chính sách này sẽ cần thiết hơn với nhiều địa phương khó khăn, nơi với nhiều gia đình, đóng học phí cho con là một gánh nặng khi đến trường.
Chị Vũ Quỳnh Giang, có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TPHCM cho hay miễn học phí là một chính sách nhân văn nhưng không nên áp dụng đại trà, mà thực hiện ở các địa phương khó khăn sẽ hiệu quả hơn.
Video đang HOT
Tại TPHCM, điều kiện kinh tế cao hơn, phụ huynh giờ rất chú trọng đầu tư cho việc học của con, ai cũng muốn con có môi trường học chất lượng cao, hướng đến các chuẩn quốc tế. Việc đóng học phí là điều kiện giúp các trường nàng cao chất lượng, đầu tư thiết bị dạy học cũng như đảm bảo cho đời sống giáo viên.
Theo chị Giang, ngân sách nhà nước khó khăn, miễn học phí từng phụ huynh chưa chắc đã thấy được cái lợi nhưng kéo theo những thiệt hại khác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Miễn học phí, có “cắt” luôn các khoản ngoài quy định?
Một giáo viên ở TPHCM đánh giá, miễn học phí cho HS để nhiều học sinh có cơ hội học tập là một chính sách phúc lợi nhân văn, và tiền thuế của dân rất cần được dùng vào những việc như vậy. Vấn đề ở chỗ, “học phí” của học sinh trường công lập lại khá nhập nhằng.
Ngoài học phí, tại trường công lập, phụ huynh học sinh phải “gánh” rất nhiều khoản thu ngoài quy định (Ảnh mang tính minh họa)
Cô phân tích, ở các trường tư, học phí được công bố một cách công khai, phụ huynh được thông báo đầy đủ 1 năm học cần đóng những khoản nào, phụ huynh thanh toán theo tháng hoặc theo năm mới được vào học. Chi phí học tập của học sinh trường tư được thu 1 lần (học phí, bán trú, bus, sách vở, ngoại khoá, đồng phục,…) và yên tâm học hết năm. Mọi thứ rất rõ ràng.
Nhưng ở trường công lập, học phí và chi phí học tập của học sinh tại trường là hai con số hoàn toàn khác nhau. Ngoài học phí, học sinh, phụ huynh còn được đề nghị tự nguyện đóng nhiều khoản phí khác như quỹ phụ huynh, phí bảng tương tác, tài liệu lưu hành nội bộ của các môn học, đầu tư cơ sở vật chất…
Điều đáng nói, theo giáo viên này, các khoản phí đó, người học hoàn toàn không thể biết trước được cho đến khi vào học rồi, và số tiền đó so với học phí là bao nhiêu cũng không biết. Thế nên, điều cô quan tâm, nếu chủ trương của thành phố là miễn học phí cho HS thì các khoản chi phí khác mà thành phố không quy định có được yêu cầu bỏ luôn hay không? Học sinh có được yên tâm nhận giấy nhập học và đến trường với những khoản chi phí được biết trước?
Cô cũng nói thêm, ngân sách nhà nước đang thiếu, việc miễn học phí cũng không giảm áp lực cho người học nên cần xác định thêm miễn học phí nhằm giải quyết bài toán gì, đem lại hiệu quả gì. Cần có số liệu khảo sát việc không miễn học phí bao nhiêu trẻ mất cơ hội học tập. Còn nếu miễn hay không miễn học phí không tác động nhiều thì tốt nhất vẫn nên thu học phí và sử dụng hiệu quả cho chất lượng học tập.
Được biết, năm 2017, TPHCM thu được hơn 350 tỷ đồng tiền học phí từ bậc THCS. Đối với việc miễn học phí, lãnh đạo thành phố cho biết nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của thành phố.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Ban đại diện phụ huynh: "Chọn vàng gửi mặt"!
Hầu hết những thành viên nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được nhà trường, giáo viên "chọn vàng gửi mặt", là những người có tiềm lực về tài chính. Thế nên họ rất "mạnh dạn" trong việc đề xuất thu và chi tiền.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Chị Nguyễn Thu Trang (tên phụ huynh đã được thay đổi) có con học lớp 6, tại một trường THCS ở quận 1, TPHCM kể, ngay buổi đầu họp phụ huynh đầu năm, của học sinh đầu cấp nhưng mọi thứ đã được "an bài" sẵn. Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) đã được giáo viên "gửi gắm" từ trước, là những người cực kỳ mạnh về tài chính.
Vô họp, chẳng phải ý kiến hay bàn cãi nhiều, họ thông báo những khoản cần đóng cho con như tiền lắp điều hòa, tiền cơ sở, tiền quỹ hoạt động.... và phụ huynh cứ vậy mà đóng.
Tiền quỹ phụ huynh tại một trường THPT ở TPHCM được chi cho nhiều "hạng mục" trong nhà trường.
"BĐD CMHS là toàn những người cực giàu, họ đưa ra những khoản chung cho mọi người, một vài người không bằng lòng thì cũng rất khó để mà có ý kiến. Chẳng lẽ con mình vào học đây, ai cũng đóng, con mình không đóng", chị than thở.
Câu chuyện được chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng một tổ chức xã hội tại TPHCM kể, đầu năm học khi con chị vào lớp 10, thấy "chức danh" của chị trong hồ sơ phụ huynh, giáo viên đã đề nghị chị vào BĐD CMHS. Biết đang bị "hiểu nhầm" nên nói thẳng với giáo viên, chị chỉ hoạt động xã hội, còn tiền chị... không có thì có phù hợp không. Giáo viên ngờ ngợ rồi... im re, tìm những ngời "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" khác tham gia hội.
Ngay tiêu chí "chọn vàng gửi mặt" lựa chọn BĐD CMHS đã cho thấy mục tiêu của Hội Phụ huynh trong trường học, rất nặng đến vấn đề về thu chi, tiền bạc. Chính điều này, trở thành ám ảnh đối với nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo với nỗi lo, không biết rồi mấy ông bà trong BĐD sẽ nghĩ ra những cái gì, đề xuất những cái gì. Được gọi là BĐD CMHS nhưng trên thực tế mục tiêu, hoạt động... của ban này lại ít khi đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh.
Một giáo viên tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM thừa nhận, hoạt động của BĐD CMHS liên quan rất nhiều đến vấn đề tiền bạc. Nhiều khoản chi tiêu, vận động trong trường học "không tách rời" với Hội phụ huynh, vậy nên khi tìm người vào ban đại diện, ngoại việc "chịu làm" thì không thể thiếu tiêu chí là người có tiềm lực về tài chính.
"Méo mó" Hội Phụ huynh
Hội Phụ huynh liên dễ dàng "can thiệp" quá nhiều nhiều đến các hoạt động trong nhà trường ở khía cạnh tiền bạc, đã làm méo mó ý nghĩa thật sự của Hội phụ huynh. Thế nên, rất nhiều tiêu chí, hoạt động của BĐD theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐD CMHS đều bị "ngó lơ".
Theo quy định, các thành viên BĐD CMHS lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.
Phụ huynh có thể hợp tác với nhà trường trong nhiều hoạt động giáo dục trẻ
Về nhiệm vụ của BĐD CMHS, Thông tư nhấn mạnh: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác...
Thế nhưng, những nhiệm vụ này đang bị lu mờ, thay vào đó, BĐD CMHS lại "dốc sức" cho nhiều khoản xây dựng, cơ sở, đầu tư trong trường học; cho nguyện vọng của ban giám hiệu. Như thể, ở đâu cần tiền, ở đó có... hội phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, nguồn lực xã hội hóa giáo dục rất đa dạng. Mỗi phụ huynh một ngành nghề, một thế mạnh... chính là nguồn lực rất lớn trong xã hội hóa để cùng góp công với nhà trường trong nhiều hoạt động, trải nghiệm chứ xã hội hóa không chỉ là đóng góp về vật chất. Nhưng thực tế, hiện nay các trường chưa quan tâm tốt đến nguồn lực này, thu hút phụ huynh tham gia hỗ trợ vào các hoạt động của con trẻ.
Đầu năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM cũng ra văn bản yêu cầu các trường phải đề cập đến các vấn đề của HS nhiều hơn trong buổi họp phụ huynh như tăng cường quản lý giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em; chú trọng đến việc thay đổi tâm sinh lý của con em để có giải pháp giáo dục cho phù hợp...
Theo bà Nguyễn Thanh Thúy, các trường cần đa dạng hơn hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như đưa ra những ý tưởng các hoạt động mang tính giáo dục như hoạt động xã hội, đọc sách, chia sẻ... tác động đến con trẻ chứ không chỉ đóng tiền cho nhà trường.
Hoài Nam
Theo Dân trí
TPHCM gửi văn bản kiến nghị miễn học phí THCS Sáng nay 15/9, UBND TPHCM chính thức có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS thuộc các trường công lập ở địa bàn thành phố. Ảnh minh họa Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, UBND TPHCM cho biết nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn...