Miễn học phí, nhưng đừng lạm thu các khoản khác
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7.2018 vừa được ban hành mới đây, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các bậc phụ huynh; nhiều phụ huynh cũng mong muốn khi miễn học phí rồi thì ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cần có những giải pháp giám sát chặt chẽ các trường để tránh tình trạng “miễn học phí, nhưng lại lạm thu những khoản khác”.
Sẽ miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS
Liên quan đến dự án Luật giáo dục (sửa đổi) được nêu tại Nghị quyết 104 ngày 8.8.2018 của Chính phủ đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi (hiện nay đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh cấp tiểu học – PV), học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI. Chính phủ giao Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Trong một diễn biến khác tại TPHCM, vào ngày 13.8, khi làm việc với Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1.2019 sẽ miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại TPHCM. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trong năm học 2017 -2018 vừa qua, tổng số học phí bậc THCS của học sinh thành phố đóng khoảng 310 tỷ đồng. Vì vậy, thành phố đang bàn sẽ tiến tới không thu học phí THCS. Việc này đã được thành phố giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, dự kiến thông qua vào cuối năm nay. Quan điểm của thành phố, việc đi học là quyền của công dân, để mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học.
Theo nhận định của một số chuyên gia thì việc TPHCM tính toán miễn học phí cho bậc THCS là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, năm học 2017 vừa qua, tổng số học phí thành phố thu được đối với học sinh bậc THCS khoảng hơn 310 tỉ đồng, con số này thật sự không quá lớn so với ngân sách thành phố, do dó thành phố có thể cân đối được ngân sách để miễn học phí. Được biết, TPHCM hiện có khoảng hơn 1,6 triệu học sinh các cấp, trong đó học sinh cấp THCS khoảng hơn 400.000 học sinh. Trong những năm qua, TPHCM được xem là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc chăm lo và tạo điều kiện để tất cả các em trong độ tuổi đi học được đến trường. Và một trong những việc làm cụ thể đó là không tăng học phí trong những năm gần đây.
Ngay cả năm học mới 2018-2019, UBND TPHCM cũng chính thức có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM giữ nguyên mức học phí năm học 2018 – 2019 như năm học 2017-2018. Theo đó, mức học phí áp dụng đối với cấp nhà trẻ (dưới 3 tuổi) từ 140.000 – 200.000 đồng/tháng/học sinh (tùy địa bàn thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2); cấp mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) từ 100.000-160.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THCS và bổ túc THCS 85.000 – 100.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THPT và bổ túc THPT 100.000 -120.000 đồng/tháng/học sinh…
Hiện nay, ngoài khoản học phí, học sinh còn đóng thêm những khoản khác. Ảnh: CTV
Video đang HOT
Cần giám sát chặt chẽ để không lạm thu những khoản ngoài học phí
Chúng tôi làm một khảo sát nho nhỏ khi hỏi ý kiến của khoảng 15 phụ huynh học sinh về chính sách miễn học phí dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới thì 100% ý kiến đều tỏ ra vui mừng và đồng tình ủng hộ chủ trương miễn học phí cho cả trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Đa phần ý kiến cũng cho rằng, việc miễn học phí còn thể hiện tính nhân văn và sự chăm lo của nhà nước đối với thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các em trong độ tuổi đi học, nhất là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được đến trường như bao bạn trẻ khác mà không phải lo lắng về vấn đề học phí.
Chị Đặng Thị Oanh (làm nghề buôn bán tại chợ Tân Bình) cho biết: “Hiện tôi có 2 đứa con đang học bậc THCS: Một đứa vào lớp 6, một đứa lớp 8. Nếu có chính sách miễn học phí đối với bậc THCS thì với gia đình buôn bán nhỏ lẻ như tôi sẽ góp phần giảm được một phần chi phí hàng tháng lo cho con cái ăn học. Bởi ở TPHCM hiện nay, việc lo cho con cái ăn học luôn là gánh nặng của nhiều gia đình. Do vậy, khi nhà nước có những chính sách chăm lo, miễn giảm các chi phí cho học sinh, chúng tôi rất mừng”.
Dù đa phần ý kiến ủng hộ và cho rằng việc miễn học phí cho trẻ mầm non và bậc THCS là rất cần thiết, song nhiều phụ huynh cũng mong muốn chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần phải có giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ để làm sao tránh tình trạng: Học phí thì miễn, nhưng các khoản phụ thu khác lại tăng. Trên thực tế theo phản ánh của không ít phụ huynh, hiện nay đối với cấp tiểu học đã được miễn học phí, vậy mà tại nhiều trường lại phát sinh thêm các khoản phụ thu khác còn tốn kém hơn cả mức học phí được miễn. “Với mức học phí của bậc THCS tại TPHCM phải đóng hiện nay khoảng 85.000 – 100.000 đồng/tháng/học sinh – tính ra cả một năm học khoảng 1 triệu đồng – tuy số tiền không nhiều, nhưng nó mang tính nhân văn và có tác động tâm lý rất lớn đến phụ huynh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, để chính sách miễn học phí càng có ý nghĩa thì theo tôi chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần phải giám sát chặt chẽ những khoản thu ở các trường, vì nếu không khéo nó rất dễ biến tướng, phát sinh thêm các khoản thu khác ngoài học phí dưới hình thức là các khoản thu xã hội, vận động khác sẽ làm xấu đi tính nhân văn này” – ông Nguyễn Văn Cường (Q.2) phản ánh.
Theo các phụ huynh, miễn học phí chỉ thật sự có ý nghĩa khi tổng chi phí cả năm học cho mỗi học sinh không tăng, góp phần giảm gánh nặng cho phụ huynh. Bởi vì thực tế, mức học phí hiện nay chỉ chiếm một tỉ trọng khá nhỏ trong các khoản mà phụ huynh phải đóng cho con cái khi học ở các trường. “Miễn học phí là điều rất tốt. Tôi ủng hộ. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi chỉ yên tâm khi miễn học phí mà không phải đóng những khoản ngoài học phí quá nhiều như lâu nay” – Chị Nguyễn Thị Ngọc (Q.11) chia sẻ.
Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM): Cứ đầu năm học mới là các phụ huynh kêu ca rất nhiều về các khoản phải đóng cho nhà trường và đóng cho Ban phụ huynh học sinh. Người dân, phụ huynh kêu không phải vì khoản học phí, vì thật ra mức học phí nó chẳng đáng là bao. Vấn đề mà phụ huynh than phiền nhiều là các khoản ngoài học phí như: Tiền cơ sở vật chất, đồng phục, vệ sinh…Và đáng nói nhất là các khoản thu theo kiểu “hỗ trợ”, “vận động”, “tự nguyện” mà phụ huynh phải đóng thông qua Ban phụ huynh học sinh. Vì vậy theo tôi, Bộ GD-ĐT và chính quyền các địa phương cần quy định công khai những khoản thu bắt buộc đối với học sinh ở các cấp học, ngoài các khoản đã công khai thì nhà trường không được thu thêm các khoản khác, kể cả việc thu dưới hình thức thu “tự nguyện” thông qua Ban phụ huynh học sinh. Trong trường hợp trường nào thu ngoài các khoản quy định thì chính quyền địa phương, ngành giáo dục cần phải vào cuộc quyết liệt xử nghiêm. Có như vậy, người dân mới cảm thấy yên tâm.
Theo laodongtre.laodong.vn
Miễn học phí với mầm non và THCS: Vui đấy nhưng cũng lại lo đấy
Chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS của Chính phủ được đông đảo người dân và dư luận ủng hộ, hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lo lắng liệu khi triển khai về địa phương có biến tướng ra nhiều các khoản phụ thu khác.
Hình minh họa - Ảnh Nam Nguyễn
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 đã nêu rõ chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Hiện chưa rõ khi nào học sinh được miễn, bởi dự Luật giáo dục sửa đổi (quy định về miễn học phí) đã được Bộ Giáo dục xin lùi thông qua sang kỳ họp Quốc hội thứ 7 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Xung quanh vấn đề này PV Báo Điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận một số ý kiến của một số người dân và phụ huynh học sinh.
Chủ trương rất nhân văn
Anh Nguyễn Văn Thắng, một giáo viên tại Bắc Ninh chia sẻ: Cá nhân tôi cho rằng đây là một chủ trương rất hay và thiết thực. Thủ tướng, Chính phủ đưa ra chủ trương này sẽ góp phần cho giáo dục, đặc biệt ở nông thôn và vùng khó khăn phát triển. Số tiền học phí dưới 100 nghìn đồng đối với người dân ở khu vực thành thị không là vấn đề gì lớn, nhưng đối với các vùng nông thôn, khó khăn thì khoản tiền này của cả một năm học lại là vấn đề lớn. Là một người dân nói chung và một giáo viên nói riêng, tôi hoàn toàn ủng hộ và vui mừng khi đón nhận thông tin này. Trước thềm năm học mới, đây là một điều rất đáng ghi nhận. Mong rằng chủ trương đúng đắn này sớm được triển khai trong thực tế để các em học sinh được hưởng lợi.
Đồng quan điểm này, chị Dương Giao Linh (hiện đang công tác tại Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh) cho rằng, chủ trương này của Chính phủ hoàn toàn đúng đắn và nhân văn. Vì như vậy các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ có điều kiện phổ cập hết THCS. Đành rằng số tiền học phí không chiếm quá nhiều nhưng đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống của người dân còn thiếu thốn thì chủ trương này rất có ý nghĩa. Nó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, phần nào động viên các gia đình và bản thân các em học sinh cố gắng phấn đấu hơn nữa trong học tập...
Có con gái nhỏ chuẩn bị năm học tới vào bậc mầm non, chị Nguyễn Thanh Tâm (Minh Khai - Hà Nội) cũng cho rằng, "chủ trương này tốt quá, nếu được triển khai sớm thì tốt. Mọi người cứ nói ở thành phố thì không quan tâm hay để ý cái này vì tiền học phí chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đâu phải ở thành phố nhà nào cũng có điều kiện. Hơn nữa, theo tôi thì đây là chủ trương chung và dành cho toàn bộ ngành giáo dục, cho cả nước chứ không phân biệt vùng miền nào. Điều này thể hiện sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, của nhà nước đối với nền giáo dục nước nhà. Vì thế chúng ta nên vui mừng và mong chủ trương sớm được triển khai.".
Lo vì sợ sẽ "đẻ ra" nhiều khoản phụ thu khác
Danh sách những khoản tiền mà một học sinh trường mầm non tư thục tại Hà Nội phải đóng góp
Cùng với tâm trạng vui mừng đón nhận chủ trương đúng đắn và nhân văn này của Chính phủ, nhưng không ít phụ huy, người dân cũng lo lắng chia sẻ rằng, không biết khi triển khai vào thực tế sẽ ra sao. Các địa phương, các nhà trường có lại "vẽ" ra thêm nhiều khoản phụ thu để "tận thu" nữa hay không?
Về vấn đề này, chị Đặng Thị Huyên (một phụ huynh có con năm nay bước vào lớp 6 tại Bắc Ninh) nói: Chủ trương như thế thì quá tốt. Nhưng chỉ sợ nhà trường lại vẽ thêm ra nhiều khoản phụ thu nữa. Vì thực tế hiện nay khoản học phí không chiếm nhiều trong các khoản phải đóng góp của một học sinh. Mỗi năm học, học sinh phải đóng nhiều khoản phụ thu, trong đó rất nhiều khoản nhà trường không đứng ra thu trực tiếp mà "ủy quyền" cho hội phụ huynh thu, dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng thực chất là "bắt buộc". "Con nhà người ta đóng, con nhà mình không đóng không được. Đó là chưa kể, chỉ cần chậm đóng góp thôi là đại diện hội phụ huynh học sinh sẽ gọi điện để hỏi thăm ngay"....
Chị Lê Thị Tình (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang theo học mầm non tư thục cho biết, chủ trương thì tốt, nhưng thực ra học phí thì chẳng đáng bao nhiêu. Miễn hay không cũng không cải thiện mấy. Vì nếu học công lập thì tính ra có mấy chục nghìn một tháng. Thay vì thế giảm các khoản khác như xây dựng... Bây giờ trường công đều quá tải. Con em đi học trường tư nhiều nên miễn hay không thì cũng không giảm được mấy.
Cũng theo chia sẻ của vị phụ huynh này, hàng tháng bé nhà chị phải nộp 3.300.000đ tiền học. Trong đó học phí là 2.000.000đ/tháng. Đó là chưa tính học thêm ngày thứ 7, rồi gửi thêm giờ vì đón muộn...Học thêm ngày thứ 7 nhà trường sẽ thu thêm 120.000đ/buổi.
Bác Trần Đức Minh (cán bộ nghỉ hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng: Miễn học phí, nhưng tiền xây dựng trường, tiền bàn ghế, tiền quần áo, tiền các kiểu cũng khổ. Nếu đã thế nên cấm tuyệt đối các trường thu các khoản của học sinh. Đặc biệt là việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu các khoản tiền nào là tiền 20/11, tiền sinh nhật thầy cô, tiền 20/10, mồng 8/3...Chủ trương của trên rất đúng và rất ý nghĩa, nhưng khi đến cơ sở thì thường bị bóp méo đi. Chủ trương này cũng vậy, theo tôi cần phải quán triệt, Bộ Giáo dục cần chỉ đạo và đưa ra bảng danh sách các đầu mục phải đóng góp chung, còn lại cấm phụ thu. Đừng lợi dụng xã hội hóa và đừng biến hội phụ huynh là cánh tay nối dài của nhà trường, khiến dư luận bức xúc.../.
Theo toquoc.vn
Miễn học phí cho học sinh THCS: Một tín hiệu vui Biết được thông tin học sinh bậc THCS sẽ được miễn học phí, tôi như 'vớ phải vàng' và liền nghĩ ngay đến học sinh trường tôi - một ngôi trường cấp hai ven biển quanh năm đầy nắng và gió với những gương mặt học sinh đen nhẻm và lấm lem. Thông tin miễn học phí mang lại niềm vui không tưởng...