Miễn học phí cho giáo sinh: Không thay đổi là lãng phí
Hàng năm, Nhà nước phải chi khoản ngân sách rất lớn để miễn học phí cho sinh viên khối ngành sư phạm. Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng lại không theo nghề giáo.
Vậy có nên tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM – cho biết: “Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện đã gần 20 năm nay. Vào thời điểm đó Chính phủ quyết định thu học phí đại học. Chính sách miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm lúc đó thật sự là phương thức hữu hiệu, nếu không nói là “phương thuốc nhiệm mầu” để thu hút sinh viên. Kết quả là chúng ta đã có một thế hệ vàng những học sinh phổ thông giỏi vào các trường ĐH sư phạm”.
“Hiện nay, Nhà nước không thực hiện phân công công tác sau tốt nghiệp, và cũng chẳng có những ràng buộc pháp lý rõ ràng sau tốt nghiệp nên sinh viên không phải chịu trách nhiệm gì cả. Phần thiệt thòi dĩ nhiên thuộc về Nhà nước, và sự đầu tư như hiện nay là lãng phí” – PGS.TS Nguyễn Kim Hồng.
Một tiết học tiếng Anh của sinh viên năm 3 khoa Anh, ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Phải giải quyết được bài toán việc làm
- Ông đánh giá thế nào về chính sách này khi triển khai trên thực tế, hiện nay vẫn đang áp dụng?
- Như tôi đã nói, giai đoạn đầu chính sách này thật sự có tác dụng thu hút học sinh phổ thông giỏi vào các trường sư phạm.
Nhưng sau này, do tác động của cơ chế thị trường, nhất là khi thu nhập sau tốt nghiệp là yếu tố quyết định việc sinh viên chọn ngành, nên miễn học phí không còn là phương thuốc nhiệm mầu nữa, nhiều học sinh giỏi không chọn nghề giáo.
- Một trong những mục tiêu của việc miễn học phí nhằm thu hút người học, thu hút người tài… Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cho rằng khoản học phí ưu đãi được miễn suốt bốn năm học không phải là sức hút hấp dẫn và họ chọn nghề khác vì dễ kiếm việc và có thu nhập cao hơn, tương xứng với giá trị lao động của mình?
- Trường sư phạm có rất nhiều sinh viên vốn sinh sống ở nông thôn nên việc miễn giảm học phí rất có ý nghĩa. Nhưng muốn thu hút người tài vào các trường sư phạm thì phải giải quyết được bài toán việc làm (nhiệm sở sau tốt nghiệp) và thu nhập.
Nếu thu nhập của thầy cô vẫn thấp như hiện nay thì khó có người giỏi vào sư phạm.
Duy trì thực hiện chế độ bổ nhiệm viên chức giáo dục
Video đang HOT
- Có ý kiến cho rằng thay vì miễn học phí, Nhà nước cần có chính sách khác dành cho sinh viên sư phạm, như có quỹ học bổng riêng với giá trị lớn dành cho các thầy cô tương lai để khuyến khích người tài, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên… Ý kiến của ông về việc này ra sao?
- Tôi ủng hộ việc có chính sách ưu đãi tín dụng cho sinh viên sư phạm (được vay và không phải trả lãi nếu làm việc cho các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục ít nhất là năm năm).
Bên cạnh đó, Nhà nước duy trì thực hiện chế độ bổ nhiệm viên chức giáo dục (thay vì phải tự chạy vạy xin việc như hiện nay), cấp học bổng (sinh hoạt phí) đủ sống cho sinh viên giỏi, và sau cùng vẫn phải là có chế độ đãi ngộ giáo viên cho xứng với công sức của họ (chế độ thâm niên là một trong những chính sách tốt, nhưng cần thêm những chính sách khác đảm bảo thu nhập cho giáo viên khi hành nghề)…
- Thực tế cho thấy vấn đề không còn ở chính sách miễn giảm học phí mà nằm trong chính sách tiền lương, kèm các ưu đãi khác dành cho giáo dục thì mới thu hút được học sinh giỏi chọn nghề dạy học… Theo ông, cần có điều chỉnh chính sách thế nào cho phù hợp?
- Đó là việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Nhà nước phải quy hoạch lại những trường được đào tạo giáo viên.
Theo tôi, chỉ cần khoảng 10 trường (hoặc khoa) đào tạo giáo viên là đủ cung cấp giáo viên cho cả nước. Trong đào tạo khối ngành sư phạm, chúng ta cần tinh hơn là cần số lượng. Hai là cải thiện chế độ tiền lương (thu nhập). Và thứ ba là bổ nhiệm viên chức giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
Làm được vậy chất lượng giáo dục sẽ tăng. Nên nhớ, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, cho tương lai.
Cần có điều chỉnh phù hợp hơn
Ở góc độ của cơ quan đại diện cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Hải Thập (Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD&ĐT) cho rằng mỗi chính sách thường chỉ có giá trị trong một giai đoạn lịch sử, đến giai đoạn tiếp theo cần có điều chỉnh phù hợp hơn.
Nhưng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thực hiện từ năm 1997 đến nay chưa hề được điều chỉnh.
“Trước đây, học phí là gánh nặng nên thí sinh và gia đình tìm đến các cơ sở giáo dục để không phải đóng học phí. Bây giờ, học phí không còn là gánh nặng với nhiều gia đình như trước thì cần thiết phải điều chỉnh chính sách. Thực tế, vấn đề này đã từng được đặt ra để nghiên cứu, nhưng đúng là chưa được đưa vào văn bản cụ thể nào” – ông Thập nói.
Theo ông, ngành sư phạm đào tạo giáo viên là một ngành đặc thù vẫn cần có chính sách ưu đãi riêng, thể hiện đúng quyết tâm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
“Thứ nhất là cần điều chỉnh chính sách để tính đúng, tính đủ trong chi phí đào tạo sinh viên sư phạm. Thứ hai, phải có chính sách phù hợp cho giáo viên, để chính sinh viên khi vào trường nhìn thấy được tương lai sau này của mình, thêm gắn bó với nghề. Thứ ba, cần nâng cao tiêu chí tuyển sinh sư phạm, sàng lọc được người giỏi. Tất nhiên, để thực hiện được điều thứ ba thì phải thực hiện tốt hai giải pháp đầu tiên” – ông Thập nói.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ
Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm?
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đang bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh để nâng cao chất lượng, thu hút sinh viên giỏi vào ngành.
"Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua", đó là những câu ví von mà người ta mô tả về ngành Sư phạm cách đây gần 20 năm.
Để ngành học này thoát cảnh "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã ra đời. Thế nhưng, hiện chính sách này đang bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh để vừa nâng cao chất lượng, thu hút sinh viên giỏi vào ngành, vừa cân đối chỉ tiêu đào tạo khớp với nhu cầu thực tế...
Thi sinh xêp hang chơ nôp hô sơ xet tuyên vao ĐH Sư phạm TP HCM mua tuyên sinh 2015 . Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hiện tại, ngoài một số trường đa ngành có đào tạo sư phạm, cả nước có 13 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường CĐ sư phạm.
Theo GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, năm học 1995 - 1996, cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông. Trong khi đó, hầu như không thí sinh nào muốn thi vào ngành này.
Loạt bài "Báo động đỏ từ những "cỗ máy cái" giáo dục" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 30-9 và 2-10 năm 1993 của tác giả Bùi Thanh và Hà Thạch Hãn đoạt giải báo chí TP.HCM năm 1993 đã nêu rõ hiện trạng của ngành giáo dục thời điểm này.
Từ thiếu...
GS Phạm Minh Hạc cho biết chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm được chính thức áp dụng từ năm 1997 nhằm thực hiện tinh thần nghị quyết trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 mà ông là người được giao nhiệm vụ biên thảo.
Nghị quyết trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chủ trương không thu học phí và thực hiện chế độ học bổng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm. Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, hút người giỏi vào học ngành này xuất phát từ tình trạng đội ngũ giáo viên mà trung ương nhận định là "vừa thiếu vừa yếu". Theo đó, năm học 1995-1996 cả nước còn thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông.
"Người ta nhìn thấy việc tuyển người vào ngành còn nhiều bất cập, thấy không công bằng, không minh bạch, có tiêu cực thì làm sao dám tha thiết với nghề?"
GS Phạm Minh Hạc.
GS Hạc cho biết, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thật sự đã tạo ra bước ngoặt trong việc thu hút sinh viên giỏi, tăng số lượng và chất lượng người học sư phạm trong 7-8 năm liền sau đó.
GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - nhớ lại thời điểm trước khi có chính sách miễn học phí, giáo viên thiếu, nhiều địa phương - nhất là các tỉnh phía Nam - lại có tình trạng giáo viên bỏ việc càng làm cho lực lượng giáo viên mỏng hơn.
Đến thừa...
Tuy nhiên, từ thời điểm áp dụng chính sách miễn học phí, ngành sư phạm trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều sinh viên giỏi.
"Chúng tôi gọi đó là thế hệ "ba con chín". Từ năm 1997-2006, điểm chuẩn vào trường tăng cao và duy trì ổn định. Năm 1997, điểm chuẩn ngành sư phạm văn là 25, ngành sư phạm toán lên đến 27 điểm, cao vọt so với chính trường sư phạm các năm trước và so với các trường ĐH khác. Có phụ huynh có con đạt 25 điểm mà không đỗ đã lên gặp ban giám hiệu nói Nhà nước bảo phải thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, con tôi 25 điểm là giỏi rồi, sao không được vào trường?" - GS Báo nhớ lại.
Thí sinh xếp hàng chờ đến lượt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại ĐH Sư pham TP HCM trưa 3/8. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, ông Báo thừa nhận thời hoàng kim đó không kéo dài được lâu. ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn được xếp "đầu bảng" về điểm chuẩn một thời, đến năm 2009-2010, điểm chuẩn ngành cao nhất là sư phạm toán cũng chỉ 21-22 điểm, sư phạm tin học và sư phạm sinh học chỉ 16-16,5 điểm...
"Bây giờ đã khác trước rất nhiều. Nếu cơ hội việc làm tốt thì không miễn học phí, thí sinh vẫn lao vào học" - GS Đinh Quang Bảo.
Bắt nguồn bởi chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm, từ chỗ thiếu cả trăm nghìn giáo viên phổ thông, đến nay lại xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên khá trầm trọng - dù Bộ GD-ĐT chưa từng tiết lộ số lượng dư thừa cụ thể.
Theo ông Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT, tình trạng dư thừa giáo viên, nguồn cung sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm cao hơn so với nhu cầu thực tế bắt đầu diễn ra vào những năm 2008-2009 và đặc biệt bộc lộ mạnh mẽ từ năm 2010.
Giáo viên dư thừa nhiều nhất ở cấp THPT, ở các tỉnh khó khăn có tình trạng di cư mạnh. Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận có tình trạng "dư thừa nguồn cung giáo viên". Vì vậy, trong xác định chỉ tiêu ngành sư phạm những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thường xuyên nhấn mạnh thông điệp cắt giảm chỉ tiêu ngành này.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012, cả nước có 20.000 chỉ tiêu tuyển mới ĐH sư phạm (đào tạo giáo viên) và 5.000 chỉ tiêu CĐ sư phạm, giảm nhẹ với mức giảm từ 2,5-5% chỉ tiêu so với năm trước đó tùy từng trình độ đào tạo.
Mức độ giảm này được Bộ GD&ĐT đánh giá là phản ánh xu hướng điều chỉnh giảm cơ cấu đào tạo giáo viên của các trường trước thực trạng dư thừa nguồn cung giáo viên trong những năm gần đây.
Cũng trong năm 2013, khi đánh giá thực hiện chỉ tiêu năm 2012, Bộ GD&ĐT đồng thời đặt ra kế hoạch năm 2013 sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm do tình trạng thừa giáo viên và tiếp tục phải giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. Vì vậy, năm 2013 Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu giảm chỉ tiêu ĐH sư phạm xuống 20%, còn 16.000 và chỉ tiêu CĐ sư phạm cũng giảm 10%, xuống còn 2.900.
Theo Ngọc Hà/Tuổi Trẻ
Trường đại học công rục rịch tăng học phí Nhiều trường đại học đang tính toán để tăng học phí trong học kỳ II theo nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo lắng trước khi áp dụng mức học phí mới. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống...