Micro Influencer là gì? Tại sao lại bùng nổ thành xu hướng mới trên thị trường quảng cáo số tại Việt Nam?
Năm 2020, thị trường quảng cáo số của Việt Nam đối mặt với nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch cũng như những thay đổi trong xu hướng công nghệ.
Một trong những điểm sáng của nửa đầu 2020, là sự bùng nổ của Micro Influencer – tập người “nhỏ nhưng có võ” của thị trường Marketing.
Micro Influencer, từ những đốm lửa âm ỉ thành ánh sáng mới dành cho các marketers.
Khác với những người ảnh hưởng lớn hay người nổi tiếng có cộng đồng người theo dõi phủ rộng, các Micro Influencer thường là những người được biết đến hoặc có tiếng nói trong một lĩnh vực nhất định. Micro Influencer xuất hiện từ năm 2016 nhưng đến khoảng thời gian gần đây, khi mạng xã hội trở thành một công cụ thiết yếu trong lĩnh vực quảng cáo, thì Micro Influencer trở thành lựa chọn hàng đầu của các marketers.
Theo báo cáo State Of Influencer Marketing in Vietnam 2020 của 7SAT, 60% ngân sách của các nhãn hàng được sử dụng cho micro influencer, trong khi đó ngân sách dành cho các mega influencers chỉ chiếm 40%. Lý giải cho sự ưu ái của các nhãn hàng đối với Micro Influencer chính là tỉ lệ tương tác cùng tỉ lệ chuyển đổi của tệp người ảnh hưởng này hiệu quả hơn so với nhóm Mega Influencer.
Trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, chỉ số tương tác của nhóm người có ảnh hưởng nhỏ thậm chí gấp 7 lần tương tác của tệp người ảnh hưởng còn lại (theo CreatorIQ). Micro Influencer tuy không có độ phủ sóng lớn nhưng người theo dõi của tệp người này có tính trung thành cao, họ thường lắng nghe và tin tưởng lời khuyên của các Micro Influencer mà họ theo dõi. Đây cũng là lí do mà thương hiệu sẽ cân nhắc chú trọng vào việc sử dụng Micro Influencer.
Các Macro và Micro Influencer cùng nhau xuất hiện trong một chiến dịch marketing.
Một trong những ngành nghề tiên phong sử dụng hiệu quả các Micro Influencer chính là ngành game ở Việt Nam. Các nhà phát hành game đã khéo léo sử dụng các gaming streamer vừa và nhỏ trong các chiến dịch quảng bá của mình. Hoặc các showmatch thử skin mới, chơi thử sự kiện mới của các tựa game, các hoạt động bên lề của các giải đấu e-sports đều có sự góp mặt của các gaming streamer có tiếng nói nhất định trong giới. Thậm chí các gaming streamer còn xuất hiện trong các quảng cáo của các nhãn hàng khác như Shopee, nước giải khát Warrior,..
Video đang HOT
Streamer Mina Young tham gia quảng cáo của Shopee
Hướng đi nào cho các Micro Influencer trong thời điểm bùng nổ về số lượng người ảnh hưởng.
Trong năm 2020, khi các nội dung video sáng tạo đang trở thành một xu hướng mới trên các nền tảng mạng xã hội, số lượng các Micro Influencer với 1.000 đến 10.000 lượt theo dõi tăng cao hơn bao giờ hết. Trước sự bùng nổ này, chính các Micro Influencer và các thương hiệu đều gặp phải các trở ngại khác nhau.
Đứng trước thị trường bão hoà và đông đúc, các Micro Influencer có thể gặp phải các khó khăn trong việc định hình thương hiệu bản thân cũng như thu hút thêm người theo dõi. Trong khi đó, các thương hiệu cũng khó mà tiếp cận đến các Micro Influencer phù hợp với sản phẩm hay chiến dịch của mình. Chính vì vậy, các nền tảng mạng xã hội hoặc các mạng lưới đa nền tảng bắt đầu thâm nhập thị trường màu mỡ này bằng các chương trình, dịch vụ kết nối của mình. Hầu hết các mạng lưới đa nền tảng đều đóng vai trò là bên thứ ba kết nối thương hiệu với influencer.
Tuy nhiên cũng có các chương trình hoặc dự án vừa để kết nối thương hiệu và influencer, vừa đặt ra các định hướng phát triển cho influencer, điển hình như OTA Network và Facebook Gaming Việt Nam. Bên cạnh chương trình hiện tại – mạng lưới các sáng tạo video chơi game trên nền tảng Facebook Gaming, OTA Network cùng Facebook Gaming một lần nữa kết hợp để triển khai một chương trình mới trong tháng 7 này.
Theo các trang thông tin chính thức của OTA Network, chương trình OTA Plus tập trung đến đối tượng dành cho các Micro Influencer liên quan đến sáng tạo nội dung video với các điều kiện đầu vào vô cùng đơn giản. Đây là một cơ hội vàng để các nhà sáng tạo nội dung video phát triển sự nghiệp, cũng như giúp các thương hiệu trong cùng một thời điểm có thể tiếp cận được nhiều Micro Influencer phù hợp nhất với kế hoạch của mình.
Micro Influencer đang là một xu hướng hiệu quả của thị trường Marketing Việt Nam trong nửa đầu năm 2020. Với sự xuất hiện của các bên thứ ba đóng vai trò hỗ trợ và phát triển tệp người ảnh hưởng đầy tiềm năng này như OTA Network và OTA Plus, Micro Influencer chắc chắn sẽ trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu đối với mỗi chiến dịch marketing trong tương lai.
Xu hướng lạ ở mảng bán lẻ công nghệ ở VN bất chấp COVID-19
Các chuỗi bán lẻ đang nghĩ khác đi trong đại dịch. Thay vì chỉ chăm chăm bán hàng, họ tạo ra không gian trải nghiệm.
COVID-19 đang có những tác động tiêu cực đến hành vi và thói quen của người dùng với loại hình mua sắm trực tiếp. Dĩ nhiên, ngành hàng công nghệ không phải một ngoại lệ. Dù vậy, nhiều chuỗi bán lẻ các thiết bị di động ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng trong năm 2020. Điều này phần nào đó đi ngược lại với xu hướng chung trên thế giới.
Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động mở rộng
Không khí vắng lặng trong một Apple Store thời COVID-19. Đại dịch đang phủ bóng đen lên mảng bán lẻ toàn cầu.
Trong ba năm tính tới thời điểm năm 2019, chuỗi Thế Giới Di Động luôn giảm dần quy mô qua các năm. Cụ thể, nếu như ở thời điểm cuối năm 2017, chuỗi này có 1.072 cửa hàng thì đến năm 2018 con số chỉ còn là 1.032. Cuối năm 2019, theo báo cáo hoạt động kinh doanh, Thế Giới Di Động có 996 cửa hàng. Dù vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2020, chuỗi Thế Giới Di Động (cộng thêm một số ít cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ) bật tăng lên con số 1.009.
Đồ công nghệ không nằm trong nhóm các sản phẩm, dịch vụ người dùng ưu tiên mua, nâng cấp trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Mặc dù số lượng cửa hàng tăng lên không nhiều song điều này vẫn thể hiện một sự nỗ lực của thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 bắt đầu bùng phát. Thực tế, trong những tháng vừa qua, có thời điểm Thế Giới Di Động nói riêng và các chuỗi bán lẻ hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu khác nói chung đã phải đóng cửa trong nhiều tuần trong lúc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tương tự Thế Giới Di Động, kết thúc quý III năm 2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584. Tuy nhiên, đến hết Quý I năm 2020, FPT Shop cũng đón nhận số lượng cửa hàng tăng lên 603 bất chấp những tác động từ dịch bệnh.
Khi các ông lớn bán lẻ nghĩ khác đi
Các chuỗi bán lẻ đang nghĩ khác đi trong đại dịch. Thay vì chỉ chăm chăm bán hàng, họ tạo ra không gian trải nghiệm.
Phong Vũ, một chuỗi bán lẻ các thiết bị công nghệ của Việt Nam với quy mô nhỏ hơn Thế Giới Di Động và FPT Shop khá nhiều, mới đây cũng mở cửa showroom mới của mình tại quận Tân Bình, TP. HCM. Điều đáng nói là trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, các chuỗi công nghệ cũng đang nghĩ khác đi để mang đến trải nghiệm mới cho người dùng trong lúc nhiều người "thắt lưng buộc bụng" vì dịch bệnh và có thể chưa tính đến chuyện mua sắm các thiết bị công nghệ mới.
Nhiều công nghệ mới cũng được đưa về VN trong thời gian này.
Showroom mới của Phong Vũ là nơi công ty này giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ mới và hiện đại như máy in 3D, kính thực tế ảo, laptop, màn hình, linh kiện máy tính, và đặc biệt là các sản phẩm Gaming đến từ các hãng hàng đầu thế giới... Điểm khác biệt của showroom này đến từ việc nó không chỉ giới thiệu các sản phẩm đại trà, quen thuộc mà còn là nơi người dùng có cơ hội tận hưởng những công nghệ còn chưa kịp phổ biến tại Việt Nam. Dĩ nhiên, nó cũng có chức năng bán lẻ đơn thuần.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy các chuỗi bán lẻ công nghệ tại Việt Nam đang "căng mình" sáng tạo để vượt khó.
Với các hãng bán lẻ, câu chuyện trong thời kì bình thường mới là "thay đổi hay là chết."
Trước đó, mặc dù phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội ở Việt Nam, các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng đẩy mạnh quảng bá dịch vụ mua hàng trực tuyến.
Nắm bắt được tâm lí người dùng khi mua các thiết bị công nghệ là cần phải được trải nghiệm trước đó, hồi tháng 3, một chuỗi phân phối các sản phẩm công nghệ lớn hiện tại đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến với nhiều hỗ trợ cho khách hàng, ví dụ như mang nhiều mẫu mã đến để người dùng lựa chọn, không mua không sao hoặc mang cả máy cà thẻ tới nếu người dùng muốn thanh toán không tiền mặt. Đáng chú ý, chuỗi này cũng nhấn mạnh người giao hàng sẽ luôn đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, các chuỗi phân phối lớn còn áp dụng nhiều hình thức giảm giá cho người dùng khi mua trực tuyến để kích cầu trong giai đoạn khó khăn này.
Tạm kết
Hoà chung với sự khó khăn đang bao trùm hoạt động bán lẻ trên toàn thế giới, các nhà bán lẻ công nghệ tại Việt Nam chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn ít nhiều trong khi chờ đợi COVID-19 được xử lí và cuộc sống của người dân bình thường trở lại. Dù vậy, những ví dụ nói trên vẫn nhen nhóm cho thấy những đổi thay tích cực mà các hãng bán lẻ đang thực hiện trong giai đoạn bình thường mới.
Tương lai của truyền thông là xu hướng kỹ thuật số Theo Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters, sự bùng phát Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể trong việc tiêu thụ tin tức nhưng sự bất ổn kinh tế đang buộc các doanh nghiệp tin tức đẩy nhanh việc chuyển sang kỹ thuật số. Việc phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng toàn cầu trong...