“Mì tôm vẫn còn trong túi, sao con nỡ ra đi?”
Cha mẹ đi làm đồng xa, đứa được phát cho gói mì tôm thay bữa trưa, đứa được gửi ăn nhờ người quen gần trường để chờ đến buổi học chiều. Một đầu đạn phát nổ, 2 em tử nạn, trong túi áo vẫn còn gói mì tôm cha mẹ cho…
Ngày 17/4, người dân xã Thuận An huyện Đắk Mil – Đắk Nông vẫn chưa hết bàng hoàng và thương tâm trước vụ nổ đầu đạn làm 8 học sinh thương vong. Anh Trần Văn Toàn, một người dân trong xã, giọng buồn buồn kể: “Tôi đang làm cạnh thao trường Núi Lửa thì nghe một tiếng nổ. Khi tôi chạy tới thì thấy khói bốc lên. Nhìn lên phía trên sườn đồi thấy 2 em nằm bất động, phía dưới có 6 em kêu gào trong đau đớn, nhìn rất thê thảm. Có em bị đạn nổ bay một bên cánh vai, cằm… Chúng tôi gọi xe cấp cứu nhưng chờ lâu quá, mà các em đang nguy cấp nên dùng xe ben cạnh đó chở các em lên bệnh viện”.
Năm chiếc xe đạp của các em nằm chỏng chơ tại hiện trường
Trong căn nhà gỗ lụp xụp, hàng trăm người dân đã đến thắp hương chia buồn cùng gia đình em Trần Hoài Giang. Từ đêm qua tới giờ, chị Hoàng Thị Bích Kiều (mẹ Giang) không ăn, không uống mà vật vã bên linh cữu của đứa con trai thứ 2. Chị ôm khư khư chiếc giỏ thường ngày gia đình vẫn để sách vở, đồ dùng cá nhân của Giang. Trong tiếng khóc nghẹn, chị Kiều luôn miệng lẩm bẩm: “Trả con lại cho tôi”.
Video đang HOT
Chị Hoàng Thị Bích Kiều ôm chiếc giỏ đựng vật dụng của con và luôn miệng nói sảng: “Trả con lại cho tôi”
Tỉnh táo hơn một chút, anh Trần Văn Phương (bố Giang) cho biết: Hằng ngày, trưa nào gia đình cũng đón cháu về nhà ăn cơm rồi chiều chở tới trường. Hôm qua, do bận làm rẫy, sáng anh chở con tới trường rồi nhờ một người bán tạp hóa trước cổng trường nấu cơm cho con ăn trưa để chiều học, ai ngờ xảy ra thảm họa.
Cách đó, khoảng 1km, gia đình anh Châu Ngọc Hải và chị Nguyễn Thị Như Trúc cũng đang nát từng khúc ruột, tiến hành tang lễ cho con là em Châu Ngọc Trung. Từ khi nhận tin dữ, chị Trúc đổ sụp khi đang mang bầu sắp đến ngày sinh.
Anh Hoàng Thanh Cường, dượng của Trung cho biết: Hôm đó, cả nhà đều đi làm rẫy xa. Gia đình mua cho cháu một gói mì tôm để trưa ăn tạm rồi đi học. “Vậy nhưng gói mì tôm vẫn còn nằm trong túi áo của cháu, cháu chưa kịp ăn đã vội ra đi…” – anh Cường nghẹn ngào nói.
Di ảnh em Châu Ngọc Trung, nạn nhân tử vong đầu tiên của vụ nổ
Ngày 17/4, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác khám nghiệm, rà phá bom mìn trong khu vực. Lực lượng rà phá bom mìn cũng đã tìm thấy một quả đạn khá nguyên vẹn cạnh khu vực xảy ra vụ nổ. Theo một cán bộ quân đội có mặt tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ một số mảnh đạn gửi đi giám định.
Ông Hoàng Công Thắng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết: Hầu hết gia đình các em đều khó khăn, bố mẹ đi làm nông cả ngày nên không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Trước đây, khu vực này là thao trường của các lực lượng vũ trang tập luyện; hiện đã được UBND tỉnh quy hoạch làm điểm du lịch sinh thái và đang tiến hành xây dựng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương, nhà trường đã hỗ trợ kinh phí để gia đình nạn nhân lo mai táng. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk sẽ miễn phí toàn bộ chi phí điều trị ban đầu cho các em bị nạn.
Chiều 17/4, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, cho biết: Hiện vẫn còn 3 học sinh đang trong tình trạng nguy kịch và diễn biến sức khỏe hết sức phức tạp. Trong đó, em Phạm Quý bị tràn dịch màng tim, một mảnh đạn nằm trong não, dập phổi… được các bác sĩ tiên lượng tử vong.
Theo 24h
8 HS thương vong: Chưa xác định vật nổ
Bệnh viện Đa Khoa Đăk Lăk cho biết, hiện còn 1 trong 6 cháu sống sót sau vụ nổ kinh hoàng hôm qua vẫn trong thời kỳ nguy hiểm vì bị thủng tim, thủng phổi, nhiều mảnh đạn găm vào não...
Liên quan đến vụ nổ đạn làm chết 2 học sinh và làm 6 em khác bị thương xảy tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil, Đăk Nông. Đến chiều 17/4, Bệnh viện Đa Khoa Đăk Lăk cho biết 5 cháu sau khi được cấp cứu, phẫu thuật lấy mảnh đạn nay đang phục hồi tốt. Còn lại một cháu do bị thủng tim, thủng phổi, nhiều mảnh đạn ngăm vào não dù đã được phẫu thuật khâu tim, thông đường thở nhưng vẫn phải dùng máy thở, đang trong tình trạng hôn mê sâu và phục hồi chậm.
Chưa xác định được tên vật nổ
Sáng 17/4, chúng tôi có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Tại đây các lực lượng chức năng gồm Cơ quan công an huyện Đắc Mil, Điều tra Hình sự Quân khu 5, Cơ quan quân sự huyện Đắc Mil, Trung đoàn bộ binh 994 và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Nông cùng chính quyền xã Thuận An, UBND huyện Đắc Mil đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, bảo vệ hiện trường, xác minh vật nổ và vị trí nổ để đi đến kết luận cuối cùng.
Có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường, điều tra vụ việc, Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết: "Ngay sau vụ việc xảy ra, Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự Đăk Nông tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, nhằm bảo đảm cho Cơ quan công an và cơ quan Điều tra hình sự tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra xác minh rõ vụ việc. Hiện tại, chưa xác minh được vật nổ là gì?".
Gần với vị trí được xác định là nơi các cháu tìm thấy quả đạn, lực lượng chức năng còn phát hiện được 1 quả đạn cối 61mm của Mỹ. Và theo xác định ban đầu, thì quả đạn cối này sót lại sau chiến tranh.
Chiều ngày 17/4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk, qua xem hình ảnh quả đạn cối 61 mm chúng tôi chụp về dưới sự chứng kiến của cha mình, cháu Phạm Tín cho biết: "Quả đạn này có hình dạng gần giống quả đạn hôm qua các cháu đùa nghịch!"
Một nạn nhân đang được chăm sóc đặc biệt
Tai nạn xảy ra ở khu vực thao trường
Năm 2000, trước khi chia tách tỉnh Đăk Nông, Quân khu 5 có quyết định thành lập thao trường Thuận An, có diện tích 24 ha. Nhưng trước và sau khi thành lập thao trường này, việc quản lý, đất quá lỏng lẻo nên người dân lấn chiếm để sản xuất cà phê và hoa màu, vì vậy cho đến nay vẫn chưa bàn giao trên thực địa diện tích thao trường này cho cơ quan, đơn vị nào quản lý.
Thực tế cho thấy, trong tổng diện tích 24 ha, hiện đã có hơn 22 ha đất thao trường bị người dân lấn chiếm sản xuất, chỉ còn lại gần 2 ha đất được các đơn vị quân đội, công an, biên phòng và dân quân tự vệ sử dụng làm thao trường kiểm tra bắn đạn thật và ném lựu đạn trong quá trình huấn luyện.
Được biết, tại núi lửa Thuận An - nơi quy hoạch thao trường, trước giải phóng là vị trí đóng quân của một đồn địch, nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Vì vậy mà tại khu vực này còn khá nhiều bom, mìn, vật liệu nổ, thậm chí có cả những phuy thuốc độc hóa học sót lại sau chiến tranh mà cho đến nay vẫn chưa có điều kiện để xử lý.
Ngay trong buổi sáng ngày 17/4, tại xã Thuận An, một hộ dân đã tự giác giao nộp lại cho cơ quan chức năng 2 quả mìn mà trước đây họ thu gom được trong quá trình làm rẫy.
Chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình 8 nạn nhân, sau khi xảy ra vụ việc thương tâm trên UBND tỉnh Đăk Nông, UBND huyện Đăk Mil và Bộ chỉ huy Quân sự Đăk Nông tổ chức đoàn thăm hỏi, chia buồn và hỗ gia đình có nạn nhân tử vong 12 triệu đồng/cháu, gia đình có cháu bị thương tổng cộng 5 triệu đồng/cháu; các cơ quan, đơn vị, nhà trường và cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con thôn xóm cũng đến động viên, giúp đỡ gia đình các nạn nhân vượt lên nỗi đau thương mất mát.
Theo 24h
Giây phút 8 HS thương vong do vướng mìn "Các cháu nằm la liệt, người đầy thương tích, máu vương khắp nơi; có một cháu đã chết. Chúng tôi vội vàng bế các cháu lên một chiếc xe máy cày chở đến bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil cấp cứu..." Đó là lời thuật lại trong thảng thốt của người nhà 1 trong 8 nạn nhân là học sinh vừa bị...