Mexico phê duyệt vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford
Ngày 4/1, Mexico đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế tại nước này.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin trên đã được Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell xác nhận trên mạng Twitter. Trước đó, Anh, Ấn Độ và Argentina cũng thông qua việc sử dụng vaccine của AstraZeneca. Đây là vaccine thứ hai được Mexico cấp phép. Ngày 24/12/2020, Mexico đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất, trong đó các nhân viên y tế là nhóm được ưu tiên hàng đầu.
Tính đến ngày 4/1, Mexico ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 127.000 ca tử vong. Chính phủ nước này đã cam kết cung cấp vaccine miễn phí cho gần 129 triệu người dân. Trước đó, Mexico đã đạt thỏa thuận mua 77,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Mexico và Argentina cũng đã có thỏa thuận với các hãng dược phẩm lớn của Anh về sản xuất vaccine cung cấp cho các nước Mỹ Latinh.
Cùng ngày, công ty dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết Bộ Y tế Israel đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của hãng. Đây là lần thứ 3 vaccine của Moderna được cấp phép và là lần đầu tiên được phê duyệt sử dụng bên ngoài Bắc Mỹ.
Thông báo của Moderna nêu rõ Bộ Y tế Israel đã đặt mua 6 triệu liều và các chuyến hàng đầu tiên sẽ bắt đầu được chuyển đi ngay trong tháng 1. Trước đó, Mỹ và Canada đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Moderna, và sản phẩm này cũng đang được xem xét tại Liên minh châu Âu (EU), Singapore, Thụy Sĩ và Anh.
Israel đã bắt đầu tiêm phòng vaccine của Pfizer/BioNTech cho người dân từ ngày 19/12/2020 và hiện là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền Israel đã đặt mục tiêu tiêm phòng cho tất cả những người dân thuộc diện dễ bị tổn thương vào cuối tháng này.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, công ty dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ đang đặt mục tiêu sản xuất khoảng 700 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay.
Video đang HOT
Vaccine COVAXIN của Bharat Biotech hiện đã được Tổng cục Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 3/1. Tuy nhiên, một số chuyên gia và nghị sĩ đối lập đã bày tỏ hoài nghi vì thiếu dữ liệu về tính hiệu quả. Ông Krishna Ella, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bharat Biotech, khẳng định công ty sẽ cung cấp các dữ liệu về tính hiệu quả của giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và giai đoạn cuối vào tháng 3 tới. Theo Giám đốc Ella, Bharat Biotech có 4 cơ sở và đang lên kế hoạch sản xuất khoảng 200 triệu liều ở Hyderabad và 500 triệu liều ở các thành phố khác. Bharat Biotech hiện đang có sẵn 20 triệu liều vaccine. Giám đốc Ella bày tỏ tự tin về chất lượng của COVAXIN, cho rằng vaccine này không thua kém chất lượng sản phẩm của Pfizer.
Trước đó, ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan nêu rõ COVAXIN được cấp phép sử dụng khẩn cấp “trong chế độ thử nghiệm lâm sàng”, theo đó tất cả những người được tiêm vaccine sẽ được theo dõi và giám sát chặt chẽ như trong quá trình thử nghiệm.
Các nguồn thạo tin cho biết do lo ngại về khả năng Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, Brazil đang viện đến biện pháp ngoại giao để có thể mua được 2 triều liều vaccine từ Ấn Độ. Ngày 4/1, Viện Fiocruz được Chính phủ Brazil tài trợ xác nhận Bộ Ngoại giao Brazil đang thúc đẩy các cuộc thương lượng nhằm đảm bảo có được vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ.
Trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil đã gần tới 200.000 ca, chỉ xếp sau Mỹ và chính phủ đối mặt với nhiều chỉ trích về phản ứng chậm trễ, Brazil đã khẩn trương nhập khẩu vaccine để có thể theo kịp các quốc láng giềng đang tiến hành tiêm chủng gồm Chile và Argentina.
Điểm khác biệt giữa vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca
Hôm 30/12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, bổ sung thêm một loại vaccine vào "kho vũ khí" ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan.
Một nhân viên y tế giới thiệu vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech tại một bệnh viện vùng ngoại ô Monterrey, Mexico. Ảnh: Reuters
Hiệu quả của vaccine Astrazeneca so với các loại vaccine khác?
Theo dữ liệu tạm thời, vaccine của AstraZeneca/Oxford có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm có triệu chứng lên tới 70,4%. Trong khi đó, hiệu quả của 2 liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất, một loại vaccine khác trước đó đã được chấp thuận sử dụng ở Anh, lên tới 95%.
Mặc dù hiệu quả sau khi tiêm một liều AstraZeneca duy nhất chỉ ở mức 52,7%, Cơ quan Ban hành Qui định về Thuốc men và Các sản phẩm y tế Anh (MHRA) tiết lộ một "phân tích thăm dò" những người tham gia thử nghiệm đã được tiêm một liều cho thấy loại vaccine này có hiệu quả đến 73% sau 22 ngày tiêm mũi đầu tiên.
Cơ quan này cũng khuyến nghị nên tiêm mũi nhắc lại từ 4 đến 12 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, vì hiệu quả đạt được sẽ tăng lên đến 80% trong 3 tháng giữa các lần tiêm, một quan chức tham gia phê duyệt vaccine cho biết.
"Hiệu quả của liều đầu tiên cho thấy loại vaccine này có thể bảo vệ con người khỏi virus trong một thời gian ngắn giữa hai liều, liều thứ hai tăng cường phản ứng miễn dịch và dự kiến sẽ cung cấp một phản ứng miễn dịch lâu hơn," Đại học Oxford, đối tác của AstraZeneca, cho biết.
Trước đó, sự nhầm lẫn về hiệu quả của vaccine đã xuất hiện sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối tạm thời được công bố vào cuối tháng 11, khi AstraZeneca thừa nhận rằng những người trong thử nghiệm lâm sàng của họ được tiêm liều lượng khác nhau.
Sự khác biệt về công nghệ, giá cả và cách bảo quản
Vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca. Ảnh: Reuters
Vaccine của AstraZeneca là một loại vaccine mang vector của virus, được sản xuất từ một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng ở tinh tinh. Nó đã được thay đổi chỉ dẫn di truyền để áp dụng cho tế bào con người nhằm làm cho các protein đột biến nhô ra bên ngoài bề mặt virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer/BioNtech và Moderna sử dụng công nghệ mới là RNA thông tin (mRNA), gói gọn trong những giọt chất béo nhỏ. Những giọt chất béo này che chắn RNA, ngăn phá vỡ RNA và chỉ thị các tế bào tạo protein đột biến.
AstraZeneca cam kết loại vaccine của họ chỉ có giá vài USD một liều và được bán không lợi nhuận. Trong khi đó, vaccine Pfizer được định giá từ 18,40 - 19,50 USD một liều. Còn một liều vaccine mRNA của Moderna, đã được chấp thuận tại Mỹ, có giá lên đến 37 USD.
Vaccine AstraZeneca không yêu cầu được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh là -70 độ C như vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và đã được sản xuất hàng triệu liều. Loại vaccine này có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường đến 6 tháng.
Vaccine AstraZeneca này cũng không tốn quá nhiều chi phí trong việc sản xuất, tạo hy vọng cho những quốc gia đang phát triển có cơ hội tiếp cận vaccine.
Ai sẽ được tiêm loại vaccine nào?
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh không cho người dân lựa chọn vaccine. Tuy nhiên với một vài loại vaccine sẵn có, các nước cần quyết định người nào sẽ nhận được vaccine nào, vì một số người có thể muốn được tiêm loại vaccine có hiệu quả thử nghiệm cao hơn.
Các chuyên gia cho biết sự khác biệt giữa tỉ lệ hiệu quả của các loại vaccine là khá đáng kể, khiến cho việc lựa chọn vaccine trở nên khó khăn.
"Nếu ở quốc gia có cả vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, bạn sẽ quyết định tiêm loại vaccine kém hiệu quả hơn cho ai?", ông Claire-Anne Siegrist, trưởng khoa tiêm chủng và miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Geneva, nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự lựa chọn đó có thể là điều xa xỉ mà nhiều quốc gia khác không thể với tới.
"Vào thời điểm này, chúng tôi không có đủ số lượng vaccine để cung cấp cho tất cả những người cần nó. Lúc này, mọi loại vaccine đều có hiệu quả tương đối tốt, nghĩa là ít nhất từ 60 - 70%, nên được đưa vào sử dụng, khi nó có dữ liệu an toàn thích hợp", ông Thomas Klimkait, Giáo sư và nhà nghiên cứu của Đại học Basel, người đang thực hiện dự án vaccine SARS-CoV-2 của Thụy Sĩ cho biết.
Ấn Độ xin cấp phép khẩn cấp vaccine Oxford Viện Huyết thanh Ấn Độ dự kiến xin cấp phép khẩn cấp vaccine của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca trong hai tuần tới. Hôm 28/11, Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawala xác nhận viện có thể sản xuất ít nhất 100 triệu mũi vaccine mỗi tháng, kể từ đầu năm 2021. Ông đưa ra tuyên bố này sau...