“Messi” của toán học 7 lần đến VN
Cuộc gặp gỡ diễn ra đêm 7-3-2012 tại thư viện Tạ Quang Bửu, nơi vừa làm lễ ra mắt Viện Toán cao cấp. GS Groetschel đến dự Hội nghị quốc tế về tính toán khoa học hiệu năng cao lần 5.
Hội nghị do GS Hoàng Xuân Phú ở Viện Toán học VN đứng ra tổ chức và làm chủ tịch, với sự tham gia của 292 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu quốc tế, gồm rất nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới.
GS Đặng Vũ Minh, chủ tịch Viện Khoa học & công nghệ VN, trao bằng TS danh dự cho GS M. Groetschel. (Ảnh: Xuân Sơn)
Theo sáng kiến của Hội Toán học VN, GS M. Groetschel – tổng thư ký và nữ GS I. Daubechies – chủ tịch Liên đoàn Toán học thế giới – đã đọc hai bài giảng đại chúng về toán học cho các bạn trẻ VN, phần lớn là sinh viên ngành toán và tin học, trong một cuộc gặp gỡ thân mật vào buổi tối.
Với lời khẳng định: “Toán học là đẹp và cần”, bà Daubechies kể nhiều câu chuyện thú vị về nén và truyền ảnh trong khuôn khổ lý thuyết về sóng nhỏ (wavelets), còn ông Groetschel trình bày vô số ví dụ về tối ưu tổ hợp, để rồi chứng minh một cách thuyết phục rằng toán học chính là bản thân cuộc sống của chúng ta: “Khi bạn đi máy bay hay lên xe buýt, khi bạn mua sữa chua hay gọi một cuộc điện thoại…, bạn đều đang sử dụng những thành tựu của toán học”.
Chưa bao giờ gọi được phở
Thật ra Martin, như tên gọi thân mật mà các nhà toán học VN vẫn dùng để gọi ông, đã là một người quen cũ. Chính ông đã làm rất nhiều, rất tận tình để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân dịp GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Nhưng chúng ta chưa biết Martin gắn bó với VN đến mức độ nào: ông đã thăm chúng ta tới bảy lần. Nếu hiểu hết tài năng, tầm ảnh hưởng và sự bận rộn của Martin, chúng ta biết sự ưu ái ông dành cho nền toán học VN, sự tận tâm ông dành cho các bạn trẻ yêu toán ở VN.
Trong câu chuyện đêm 7-3, Martin kể rằng ông đến VN lần đầu năm 1991, lập tức mê món phở. Như bản tính “toán học” muốn tự mình làm lấy mọi việc, ông đã rất cố gắng tự gọi món này khi vào cửa hàng ăn sáng nhưng chưa bao giờ thành công, vì âm “phở” ông phát ra chỉ làm những người phục vụ cười ngặt nghẽo.
Nếu bạn vào trang web của cá nhân, danh xưng đầy đủ của ông là Prof. Dr. Dr. h. c. mult. Martin Groeschel. Ông là tiến sĩ danh dự của rất nhiều trường đại học, rất nhiều quốc gia (Dr. h.c. mult.). Cần phải hiểu rằng có hai loại TS danh dự, một dành cho các nhà hoạt động chính trị xã hội, và hai dành cho các nhà khoa học vô cùng tài năng.
GS H.G.Bock, giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán ở Heidenberg, nói vui: “Ở chỗ chúng tôi, phải cỡ các nhà toán học nhận giải Fields mới được nhận bằng TS danh dự”. Từ năm 1982-2011, chỉ tính riêng trong một danh sách rút gọn, GS Groetschel đã nhận 24 giải thưởng khoa học lớn, trong đó có giải Leibniz, giải Jon von Neumann, giải vàng châu Âu… Nói một cách ngắn gọn, ông thuộc về những nhà toán học đương đại tài năng nhất.
Video đang HOT
GS Hoàng Xuân Phú, bạn thân của Martin từ năm 1991, nhận xét:”Điều đặc biệt nhất ở ông là sức làm việc khủng khiếp, là sự sáng suốt và tính quy tắc rất nghiêm chỉnh trong mọi công việc”.
Nhận bất cứ email nào Martin cũng sẽ trả lời. Nếu trả lời gọn dưới 3 phút tự ông sẽ viết. Nếu trả lời dài hơn 3 phút, ông sẽ đọc vào máy cho thư ký viết lại. Tốc độ đọc của ông cực nhanh: nếu ông đọc trong 5 phút thì thư ký phải hoàn thành văn bản trong vòng 50 phút. Và vì Martin làm việc ở ba cơ quan khác nhau, nên ông có tới năm thư ký riêng giúp việc. Có lần Martin hẹn đồng nghiệp khoảng 12 giờ trưa sẽ gặp nhau để cùng hoàn thành văn bản cho một dự án. Ông đến đúng giờ hẹn, rồi nói: “Xin lỗi, cho tôi nghĩ thêm ít phút”.
Ông nhắm mắt lại, rồi 10 phút sau mở mắt ra, tuyên bố xong rồi, và đọc một mạch hơn nửa giờ. Đấy chính là toàn văn dự án, mà sau đó hầu như không còn phải sửa chữa gì. Thiết bị quan trọng nhất của Martin chính là máy ghi âm mini, và ông sử dụng cái thiết bị nhỏ nhoi này rất thường xuyên trong các chuyến đi. Martin thuộc về số các nhà toán học mà tên tuổi gắn với nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại.
Bạn thấy đấy, Martin chính là Messi trong toán học. Bạn có thể tưởng tượng ra rằng Messi đến VN chỉ một lần? Thế mà Martin đến với chúng ta đã những bảy lần, riêng lần này ông dành hẳn một buổi tối cho các bạn trẻ.
Lòng yêu toán và tối ưu tổ hợp
Có thể chúng ta chưa thể hiểu hết những gì GS Groetschel nói, vì ngay bản thân các thuật ngữ đã khó hiểu rồi, nhưng tình yêu dành cho toán, ý nghĩa của việc học – hiểu rồi dùng toán, và một phần con đường của toán thì bạn có thể lĩnh hội được, lĩnh hội với lòng mê say.
Vì nói chuyện với các bạn trẻ, Martin bắt đầu cũng rất trẻ: “Tôi sống ởBerlin. Berlin là một thành phố rất… sexy” (trên màn hình hiện ra ảnh một cô gái Berlin, và quả thật cũng không kín đáo cho lắm!). Cử tọa cười vui, và ngay lập tức cái ngại ngần khi đứng trước toán học, đứng trước một bậc kỳ nhân của làng toán thế giới cũng biến mất. Đấy là lúc Martin biểu dương lực lượng của toán học: “Nhưng Berlin cũng nổi tiếng nhờ toán học”.
Đến đây, ông chiếu lên những đường phố Berlin mang tên các nhà toán học: Lambert, Euler, Crelle, Kronecker, Kepler, Gauss… Liền sau đó là những cơ sở toán học ở Berlin mà Martin đang làm việc: Viện Zuse (người phát minh máy tính đầu tiên), Viện Toán Trường TU (Tổng hợp kỹ thuật), FU (Tổng hợp tự do), HU (Tổng hợp Humbolt), rồi Matheon-được hiểu là “Toán học cho những công nghệ chìa khóa”, nơi tập hợp 200 nhà toán học ứng dụng của ba trường và hai viện toán lớn nhất Berlin).
Đấy là chưa kể Liên đoàn toán học thế giới cũng có trụ sở ở Berlin (vì GS Broetschel là tổng thư ký)… Martin quả là một diễn giả kỳ tài khi ông nhanh chóng dẫn người nghe về tâm trạng yêu toán để thích nghe về toán.
GS Groetschel kể về những ứng dụng toán học của ông trong những năm 1991-1993. Khi đó ông giải bài toán tối ưu cho giao thông, cụ thể xe buýt công cộng. Bài toán lúc đầu khá đơn giản, nhưng lời giải đã chỉ ra một khả năng tiết kiệm lớn: giảm 12 xe với không ít các tuyến đường liên quan, trong khi vẫn giữ nguyên khả năng và chất lượng phục vụ.
Và ông nói khá bất ngờ với người nghe: “Rồi công trình của tôi cũng kết thúc ở chính kết luận này. Một số người không thích lời giải của tôi”. Hóa ra ứng dụng toán vào thực tế, ngay ở Đức đôi khi cũng gặp không ít rắc rối ngoài toán học. Lại nhớ bài trả lời phỏng vấn của Groetschel khi GS Ngô Bảo Châu nhận Giải Fields, đại ý: toán học phải tham gia vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng muốn làm được điều ấy cần sự phối hợp của các nhà toán học, các nhà công nghiệp và các nhà chính trị.
Hiện nay, lĩnh vực hoạt động của các nhà toán học theo hướng tối ưu tổ hợp như GS Groetschel đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của toán học như đa số chúng ta vẫn nghĩ. Họ thâm nhập sâu vào thực tế, cùng các nhà kinh tế lập ra bài toán, tổ chức ngân hàng dữ liệu, lập mô hình toán, làm mô phỏng, tìm lời giải, tìm thuật toán, viết chương trình, giải rồi so sánh với thực tiễn, hiệu chỉnh… Cho đến khi thực tế hành động theo những chỉ dẫn có lợi của toán học.
Danh sách các lĩnh vực ứng dụng của tối ưu tổ hợp có thể nói là vô cùng, từ những bài toán về giao thông (ôtô, tàu hỏa, máy bay, bến cảng…) đến những bài toán về viễn thông (ăngten, kênh truyền sóng…) hay tổ chức một mạng khoa học cho toàn nước Đức…
Ông nói rằng đấy là những bài toán rất phức tạp, như bài toán xe buýt ở Berlin lên đến 70 triệu bến, còn lợi ích cho Công ty xe buýt Berlin được hưởng lên đến hơn 400 triệu euro.
TS Hoàng Nam Dũng, học trò của GS Groetschel, kể một chuyện vui: “Khi Martin dọn ra nhà mới, nhà nước chỉ làm ống dẫn nước thải đến một điểm trung tâm cả khu dân cư. Còn mỗi nhà phải tự làm ống nối từ nhà mình vào điểm chung ấy. Martin lập tức nghĩ ngay ra bài toán: nếu làm đơn độc từng người sẽ đắt. Vậy thì cùng làm chung nhau. Nhưng mạng ống dẫn từ các nhà sẽ thiết kế thế nào, và mỗi gia đình chịu một cái giá là bao nhiêu?”.
Sau này đấy chính là một hướng nghiên cứu mà TS Dũng đã theo đuổi, gọi là “bài toán phân chia chi phí”. Chúng ta có thể tin rằng bài toán tối ưu tổ hợp là bài toán của mọi khía cạnh trong cuộc sống.
GS Groetschel đã sớm chọn cho mình một con đường riêng: ở Bochum, ông theo học đồng thời ngành toán và ngành kinh tế. Ông được phong giáo sư tại khoa toán ứng dụng ở ĐH TH Ausburg từ năm 34 tuổi. Gần chín năm sau, ông về Berlin giữ ghế giáo sư ngành kỹ thuật thông tin (chính là ngành công nghệ thông tin hiện nay).
Ông tham gia hoạt động và lãnh đạo các hoạt động toán học không chỉ trên nước Đức mà cả trên phạm vi toàn thế giới, ông trực tiếp làm việc trong cương vị đầu não ở những cơ sở nghiên cứu và giảng dạy toán học mạnh nhất nước Đức. Lĩnh vực nghiên cứu của ông cũng vô cùng rộng rãi: toán học rời rạc, vận trù, tối ưu ứng dụng toán học trong viễn thông, hậu cần và vận tải, trong thiết kế chip, trong sản xuất công nghiệp và phân phối năng lượng…
Có thể nói GS Groetschel là nơi gặp gỡ giữa thực tiễn và khoa học, giữa nhiều ngành khoa học khác nhau, và chính ở cái điểm giao lý thú ấy, cây cối đã nảy nhánh, sinh cành, ra hoa và kết trái.
Điều quan trọng không kém: Martin là người có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Ông tài năng mà giản dị, nghiêm khắc mà chân thành, tự vắt kiệt mình trong công việc nhưng lại luôn có niềm vui sướng của sáng tạo, tự mình đi tiên phong nhưng bao giờ cũng tổ chức được một cộng đồng gắn bó xung quanh. Martin là nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà tổ chức và nhà tuyên truyền không mệt mỏi cho toán học.
Thật hạnh phúc khi nhìn ông cười, khi nghe ông nói, khi ăn cơm và nói chuyện thoải mái cùng ông. Bạn có thể không hiểu toán, nhưng bao giờ bạn cũng có thể hiểu con người ông.
Tôi đề nghị ông viết đôi dòng cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Ông nhíu mày chăm chú: “Viết đôi dòng thì khó đấy, chứ một hai trang thì đơn giản hơn nhiều”. Rồi ông cặm cụi viết, gạch xóa, sửa chữa, rồi chép lại trên một tờ giấy sạch.
Bây giờ bạn đọc có những dòng ông viết trước mặt: “Tất cả chúng ta đều mơ ước thấu hiểu thế giới. Toán học là gốc rễ cho sự thấu hiểu ấy. Nhưng không thể có niềm vui thấu hiểu nếu không lao động miệt mài”.
Prof. Dr. Dr. h. c. mult. Martin Groetschel
* Sinh ngày 10-9-1948. * 1969-1973: học ngành toán và kinh tế * 1977: được cấp bằng tiến sĩ, 1981: tiến sĩ khoa học. * 1982: GS toán, 1991: GS kỹ thuật thông tin. * 1993-1994: chủ tịch Hội Toán học Đức * Từ 2007: tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới. * 2002-2008: thuộc thành phần đoàn chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Matheon. Đứng đầu ngành công nghệ thông tin, Viện Toán, TU Berlin Phó chủ tịch Viện ZIB (Viện nghiên cứu mang tên Zuse)…
Theo Vũ Công Lập
Tuổi Trẻ
"Chìa khóa" giúp học sinh giỏi toán
Các nhà khoa học đã tìm ra lời giải đáp cho thắc mắc tại sao con gái lại học giỏi môn Số học hơn con trai.
Các nhà khoa học đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tiến hành một loạt thử nghiệm đối với học sinh từ 8 đến 11 tuổi ở các trường tiểu học tại Bắc Kinh và khu vực lân cận. Kết quả cho thấy, học sinh nữ có kỹ năng tốt hơn ở môn Số học, bao gồm cả việc thực hiện các phép tính phức tạp, trong khi học sinh nam vượt trội hơn ở lĩnh vực Hình học.
Cùng với đó, học sinh nữ cũng tỏ ra khá hơn học sinh nam ở việc ghép vần cũng như khả năng ngôn ngữ. Và các nhà nghiên cứu cho rằng, đó chính là "chìa khóa" để học sinh nữ học tốt môn Số học hơn các bạn nam.
"Khi thực hiện phép tính có nhiều con số, cần có sự lưu giữ kết quả nhờ "môi trường trung gian" trong bộ nhớ là từ ngữ. Do vậy, có kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn có thể giúp xử lý các phép tính tốt hơn" - giáo sư Xinlin Zhou thuộc nhóm nghiên cứu nói. Nghiên cứu này sẽ giúp cho việc cải thiện môn Toán học đối với cả học sinh nam và nữ.
Theo ANTĐ
Hoàng Linh - cậu bạn lớp 11 nhất Toán quốc gia "không phải mọt sách" Không chỉ đoạt giải nhất mà Hoàng Linh còn có điểm số cao nhất ở môn Toán quốc gia với tổng điểm "khủng" là 35. Cậu học trò lớp 11 cho biết mình không hề... mọt sách, ngoài học ra thì chơi cũng nhiều. Mùa thi học sinh giỏi quốc gia năm nay không có nhiều giải Nhất Nhì và trong số các...