Mẹo tránh các lỗi mất điểm trong bài thi Ngữ văn THPT
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Văn trường THPT Chu Văn An, khi làm đề, thí sinh cần phân tích từng dạng bài, không để mắc lỗi phần kỹ năng.
Phân tích và xử lý từng dạng bài
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây theo mô hình đề tham khảo lần hai năm 2020 cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT, về cơ bản không thay đổi. Đề gồm hai phần: Đọc hiểu (3 điểm), Làm văn (7 điểm) với hai câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm), bài nghị luận văn học (5 điểm).
Cô Trịnh Thu Tuyết.
Chia sẻ đặc điểm của từng phần trong bài thi Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết cho biết:
Phần đọc hiểu gồm hai phần: Ngữ liệu đọc hiểu và bốn câu hỏi đọc hiểu. Ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa, có thể là thơ hoặc văn xuôi, có thể là bất kỳ phong cách ngôn ngữ nào học sinh đã được học như: tư chính luận, khoa học, nghệ thuật… Sau đó là bốn câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao.
Câu hỏi nhận biết thường tập trung vào hai yêu cầu: Thứ nhất là yêu cầu xác định một đặc điểm của hình thức văn bản như thể thơ/ phong cách ngôn ngữ/ phương thức biểu đạt… Thứ hai là yêu cầu tìm những chi tiết thuộc về nội dung văn bản phù hợp với nội dung định hướng trong câu lệnh – khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải.
Câu hỏi thông hiểu thường yêu cầu giải thích cách hiểu nội dung một khái niệm/ nhận định/câu văn/ câu thơ… trong văn bản, như “Anh/ chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào: ‘Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm’? – Đề 2019). Học sinh cần giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, biểu tượng (nếu có) của khái niệm, nhận định…
Câu hỏi vận dụng (thấp) thường yêu cầu xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ, tác dụng của việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ… trong văn bản trong câu, đoạn văn bản. Học sinh cần vận dụng kiến thức tiếng Việt, tu từ học, văn học, cuộc sống… để xác định đúng và phân tích giá trị biểu đạt (diễn đạt nội dung gì?) và biểu cảm (đưa tới cảm xúc gì?).
Video đang HOT
Câu hỏi vận dụng cao thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định, thông điệp, vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Với dạng câu hỏi này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu…
Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân/ ý nghĩa/ hậu quả/ giải pháp/ bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài.
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài.
Cô Trịnh Thu Tuyết cũng nhấn mạnh: “Những kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm, những giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung (nghệ thuật xây dựng tình huống, giá trị nhân đạo…) của tác phẩm là những mảng kiến thức học sinh cần đặc biệt lưu ý khi ôn luyện. Dù đề bài đưa ra kiểu dạng như thế nào đều không thể không dựa vào những vấn đề trên”.
Chú ý không bị mắc lỗi phần kỹ năng
Chia sẻ về lỗi mất điểm khi làm bài thi môn Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết cho biết, đa phần học sinh thường mắc phải các lỗi sai ở phần kỹ năng.
Với kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, các em thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản. Các em có thể không phân biệt các cấp độ yêu cầu của bốn câu hỏi đọc hiểu, khiến sa đà phân tích ở câu nhận biết nhưng lại sơ sài trong câu thông hiểu hoặc chưa tự tin thể hiện suy nghĩ, cách kiến giải độc lập của mình trong câu hỏi vận dụng.
Bên cạnh đó, học sinh hay nhầm lẫn và viết thành dạng bài văn thu nhỏ, viết khuôn sáo, hời hợt, chưa thể hiện cái tôi độc lập trong tư duy khi thể hiện kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội.
Cuối cùng là kiến thức và kỹ năng viết bài nghị luận văn học, các em không nắm vững kiến thức tác phẩm, không nhớ chính xác các chi tiết văn xuôi hoặc các câu thơ quan trọng, phần nghị luận nhiều khi hời hợt, thậm chí viết theo văn mẫu, sai lạc với yêu cầu của đề bài.
“Học sinh cần rèn luyện kiến thức và kỹ năng theo định hướng, điều chỉnh của thầy cô. Các em nên chú trọng rèn luyện những kỹ năng quan trọng: Xác định đúng yêu cầu của đề, kỹ năng diễn đạt chuẩn xác, sáng tạo và độc lập trong từng dạng bài thi”, cô Trịnh Thu Tuyết lưu ý thêm.
Cũng theo cô Tuyết, để làm tốt câu hỏi đọc hiểu và câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần dành thời gian cập nhật những thông tin thời sự mới nhất, có thêm sự hiểu biết về cuộc sống xã hội sẽ là nguồn kiến thức phong phú, sinh động giúp các em hoàn thành tốt câu nghị luận xã hội. Thêm nữa, thời điểm này, học sinh nên ôn luyện theo sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp kết hợp với luyện đề, học trực tuyến ở các trang uy tín.
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Trường tốp đầu tăng sức nóng
Ngày 23.6, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học tới, để học sinh và phụ huynh cân nhắc nguyện vọng dự tuyển.
Phụ huynh xem điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm 2019 - NGỌC THẮNG
Căng thẳng "tỷ lệ chọi" trường tốp đầu
Tỷ lệ chọi vào các trường tốp đầu vốn đã căng thẳng thì năm nay có vẻ càng tăng thêm sức hút khi nhiều trường có tỷ lệ học sinh (HS) đăng ký dự tuyển nguyện vọng (NV) 1 tăng đến 20% so với năm trước.
Cao nhất là Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi 1/3,4 trong khi năm trước là 1/2,4. Tiếp đến là Kim Liên với 1/2,6; Yên Hòa có tỷ lệ chọi là 1/2,4; Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn (Hà Đông) đều có tỷ lệ chọi 1/2,3.
Các trường tốp đầu khác như: Việt Đức và Trần Phú (Hoàn Kiếm) đều có số lượng đăng ký dự tuyển NV1 tăng khoảng 15% so với năm trước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có thay đổi đáng kể. Những trường như Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Kim Liên năm nay số chỉ tiêu được giao giảm từ 2 - 3 lớp (tương ứng là 120 và 90) nhưng số đăng ký NV1 lại có xu hướng tăng. Như vậy, cuộc đua vào các trường này năm nay sẽ căng thẳng hơn.
Nhiều trường thuộc tốp 2 của Hà Nội (căn cứ vào điểm chuẩn các năm, so sánh trên từng khu vực tuyển sinh) năm nay lại có tổng số đăng ký tăng vọt, nhưng đa số vào NV2.
Chẳng hạn, Trường THPT Đoàn Kết có 3.842 HS đăng ký, trong đó NV2 là 3.058; Thạch Bàn có tổng đăng ký là 3.056, trong đó riêng NV2 có trên 2.000; Quang Trung có tổng đăng ký là 3.263, riêng NV2 là 3.058 HS...
Năm ngoái Trường THPT Thăng Long, một trường vốn đứng đầu trong danh sách tốp đầu, đã gây "sốc" trong dư luận khi điểm chuẩn lần 1 tụt dốc, chỉ có 40 điểm nhưng vẫn không tuyển đủ HS và phải hạ tới 10 điểm (còn 30 điểm). Trường này còn phải tuyển NV3 các HS thuộc khu vực tuyển sinh số 1, 2, 3, 4 có tổng điểm xét tuyển từ 42 trở lên. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng năm nay có thể HS sẽ đổ xô đăng ký dự thi vào trường này vì những tiếc nuối của năm trước. Trên thực tế, nhìn vào số lượng đăng ký dự thi mà Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố thì số lượng dự tuyển vào trường có cao hơn nhưng không phải quá nhiều. Năm nay, THPT Thăng Long có 1.122 HS đăng ký NV1 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 600 (tỷ lệ chọi là 1/1,9) trong khi năm ngoái chỉ tiêu là 675 HS nhưng chỉ có 901 HS đăng ký, tỷ lệ chọi là 1/1,3. Đáng chú ý, năm nay có tới 454 HS đăng ký NV2 vào trường, trong khi năm ngoái chỉ có 49 HS đăng ký.
Cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, HS muốn thay đổi NV dự tuyển thì nộp đơn (có mẫu) tại các phòng GD-ĐT trong 2 ngày 24 - 25.6. Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, lưu ý: "HS có thể thay đổi NV dự tuyển nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, HS chỉ được thay đổi NV dự tuyển giữa các trường trong cùng một khu vực tuyển sinh đã đăng ký; riêng NV dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên thì không được thay đổi".
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, một trong những trường dẫn đầu về chất lượng đầu ra của Hà Nội, cho biết HS lớp 9 của trường hầu hết đăng ký vào 2 trường THPT tốp đầu là THPT Chu Văn An và Phan Đình Phùng... Kinh nghiệm mọi năm cho thấy có khoảng 20% HS sẽ thay đổi NV sau khi biết số lượng đăng ký dự thi vào từng trường.
"Tôi thường nói với HS từ trước khi đăng ký NV là trước hết phải căn cứ vào lực học của mình, so sánh với mức điểm chuẩn ổn định của trường THPT và ưu tiên thuận tiện trong việc đi lại để tránh phải di chuyển quá vất vả mỗi ngày đến trường. Tỷ lệ chọi cũng chỉ là một thông tin để tham khảo, cân nhắc nhưng không nên chỉ căn cứ vào đó để thay đổi NV", ông Hà nói.
Xung quanh việc HS phải cân não chọn rồi đổi NV, nhiều ý kiến cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như các địa phương khác cần xem xét lại, có thể có cách làm phù hợp hơn để HS không bị trượt một cách tức tưởi. Một bạn đọc gửi bình luận đến Báo Thanh Niên: "Tại sao không để thi xong, có kết quả, em nào có kết quả cao thì chọn vào trường có tiêu chuẩn cao, em nào thấp thì vào trường tiêu chuẩn thấp hơn. Như vậy đảm bảo ai cũng có chỗ học vừa sức của mình".
Trả lời Thanh Niên về bình luận này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ở các nước cũng vậy, HS phải định hướng vào trường nào trước rồi mới dự tuyển. Khả năng của mỗi cá nhân HS đã được thể hiện và biết qua quá trình học tập ở cấp học đó; không phải qua kỳ thi mới biết được khả năng. Việc đăng ký NV trước hay sau chỉ là vấn đề kỹ thuật. "Đề xuất chọn NV sau khi có kết quả thi cũng là nội dung các nhà quản lý đã và đang nghiên cứu. Việc lựa chọn kỹ thuật nào ở thời điểm nào đều được tính toán để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho số đông người dân", ông Toản thông tin thêm.
Học sinh "né" đăng ký vào THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ?
Trường THPT chuyên "căng" nhất là Chu Văn An, có 2.406 HS đăng ký dự thi trong chỉ tiêu cho 10 lớp chuyên 350 HS. Tiếp đến là THPT chuyên Nguyễn Huệ, có tới 2.606 HS đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu là 525 cho 12 môn chuyên với 15 lớp. Trong khi đó, tỷ lệ chọi của THTP chuyên Hà Nội - Amsterdam lại "dễ thở" hơn với 2.322 HS đăng ký, tổng chỉ tiêu là 595 cho 16 lớp của 12 môn chuyên. Điều này có thể được lý giải HS có xu hướng "né" đăng ký vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trường công tốp đầu "hút" thí sinh Theo số liệu công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, những trường THPT công lập tốp đầu năm nay có lượng thí sinh đăng ký khá cao. Trường THPT Phạm Hồng Thái chỉ tiêu tuyển sinh 585 em, có 929 em đăng ký nguyện vọng (NV) 1; THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) có 720 chỉ tiêu, học sinh đăng ký 1.702 NV1 (2,38);...