“Mệnh lệnh” của văn minh học đường
GD&TĐ -Thời gian qua, ngành GD&ĐT nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tạo điều kiện hỗ trợ các trường học triển khai thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường (NS – VSMT).
Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế và cô Đào Kim PhượngPhó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình – nhằm hiểu rõ hơn về công tác thực hiện chương trình này.
- Chương trình Môi trường Quốc gia NS-VSMT trong trường học giai đoạn 2013-2015 đã được triển khai và có kết quả như thế nào sau gần 2 năm Bộ GD&ĐT ra chỉ thị về vấn đề này, thưa thầy Phạm Văn Hùng và cô Đào Kim Phượng?
TS. Phạm Văn Hùng: Sau gần 2 năm thực hiện với sự nỗ lực của toàn Ngành, tại các điểm trường ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, hệ thống nhà tiêu, nước sạch được cải tạo, xây dựng mới đáp ứng khá tốt nhu cầu của học sinh và giáo viên. 100% trường học thực hiện công tác truyền thông giáo dục NS – VSMT, vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường theo quy định của chương trình chính khóa.
Ngành đã tích cực triển khai việc tích hợp, lồng ghép nội dung trong các môn học có liên quan; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với đối tượng học sinh của mỗi cấp học, bậc học với hình thức và phương pháp truyền thông phong phú.
Ngoài ra, hàng năm Sở GD&ĐT đều tổ chức tập huấn công tác Y tế học đường, chuyên đề NS – VSMT với hơn 600 cán bộ quản lý giáo dục, 200 nhân viên y tế trường học cùng tham gia. Riêng các chỉ số đánh giá có sự cải thiện lớn: Tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96,4%.
Video đang HOT
Hiện chúng tôi đang tiếp tục triển khai chương trình, dự kiến cuối 2015 tỷ lệ trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%.
Đó là mệnh lệnh của văn bản hành chính nhưng cũng là “mệnh lệnh” của sự sống, văn hóa, văn minh học đường. Đặc biệt trong cuộc thi viết với chủ đề Bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nguồn nước, chống biến đổi khí hậu do Sở GD-ĐT tổ chức trong năm qua đã có 152/ 9.885 bài viết của các em đạt giải A.
Cô Đào Kim Phượng: Đối với việc xây dựng các công trình NS – VSMT trong trường học, năm 2013, toàn ngành đã xây dựng mới 192 công trình, trong đó sử dụng kinh phí chương trình MTQG 16 công trình.
Năm 2014, xây dựng mới 195 công trình, trong đó sử dụng kinh phí chương trình MTQG 4 công trình. Dự kiến năm 2015, toàn Ngành xây dựng mới 186 công trình, trong đó sử dụng kinh phí chương trình MTQG 9 công trình.
Đến nay, đã có 100% số trường có nguồn nước hợp vệ sinh (nước máy, nước mưa, giếng khoan), trên 90% số trường có công trình vệ sinh hợp quy cách.
- Một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành giáo dục đạt mục tiêu 100% các trường học mầm non, trường phổ thông (điểm trường chính) đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh là nhờ công tác XHH, huy động các nguồn lực trong xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ các trường học triển khai thực hiện công tác NS – VSMT. Thầy và cô có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện nội dung này?
TS. Phạm Văn Hùng: Để tăng nguồn kinh phí truyền thông, Sở Giáo dục đã hướng dẫn các trường sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu – Bảo hiểm y tế học sinh để lại tại các trường học.
Ngành giáo dục Thừa Thiên – Huế đã đẩy mạnh công tác XHH, huy động các nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ các trường học cải tạo cảnh quan môi trường học đường; lồng ghép công tác NS- VSMT trong thực hiện các phong trào; lồng ghép trong các hạng mục của các dự án; lồng ghép vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra chúng tôi đã kêu gọi các nhà hảo tâm, hội CMHS hỗ trợ cho các hạng mục xây dựng nhà vệ sinh, nước sạch, các thiết bị rửa tay; tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Cô Đào Kim Phượng: Sở GD&ĐT Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội… tổ chức các chiến dịch, hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch, vệ sinh và thực hành hành vi vệ sinh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, giáo viên, học sinh, cộng đồng.
Những chiến dịch tuyên truyền này đã tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng xã hội để cùng xây dựng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình nước sạch và vệ sinh trong và ngoài cơ sở giáo dục.
Tổ chức giảng dạy lồng ghép, tích hợp nội dung nước sạch vệ sinh môi trường trong các môn học, tạo cho học sinh có ý thức, có kỹ năng bảo vệ nguồn nước, môi trường…
Chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị, kịp thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể… tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện kế hoạch từng năm…
- Thầy và cô cho biết giải pháp tiếp tục triển khai công tác nước sạch và vệ sinh môi trường trong ngành Giáo dục địa phương thời gian tới?
TS Phạm Văn Hùng: Giải pháp của Sở trong những tháng tiếp theo của năm 2015 là sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh, nước sạch trong trường học.
Sở sẽ chủ động lập kế hoạch đầu tư, duy tu bảo dưỡng từng năm và đề xuất xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo mục tiêu CTQG về NS – VSMT; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về NS&VSMT để nâng cao nhận thức cho mọi người.
Cô Đào Kim Phượng: Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong Chỉ thị số 5909 trong các đơn vị giáo dục trong tỉnh; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác XHH để xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, cải tạo môi trường.
Tích cực hưởng ứng và tổ chức Tuần lễ quốc gia NS – VSMT (29/4-6/5), ngày Môi trường Thế giới (5/6)… tạo sự chuyển biến nhận thức sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh trong các trường học, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm chăm lo đến công tác NS – VSMT.
- Trân trọng cảm ơn thầy Phạm Văn Hùng và cô Đào Kim Phượng!
Theo GD&TĐ