Mẹ Xu Sim: Chọn trường cho con, không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp
Các ba mẹ ạ, mình nghĩ không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp. Vừa sức con và vừa sức mẹ. Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền.
Với tất cả các phụ huynh, khi con cái kết thúc lứa tuổi mầm non và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa tiểu học, việc chọn trường nào cho con theo học luôn là vấn đề thực sự “ cân não”. Trường công hay trường tư, quốc tế? Liệu con sẽ phù hợp với môi trường nào? Trường nào sẽ là lựa chọn phù hợp với kinh tế gia đình… Là một bà mẹ 2 con, nhà báo Thu Hà – mẹ Xu Sim cũng từng trải qua giai đoạn cân nhắc lên xuống khi chọn trường cho con. Và với kinh nghiệm sống của mình, chị Thu Hà sẽ giúp phụ huynh gỡ rối phần nào trong việc chọn trường cho con theo học trong bài viết dưới đây:
Hôm trước, ngồi tâm sự với một bạn. Bé nói: “ Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường Chuyên. Các bạn ấy học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi thân được với ai và con cũng không muốn chơi với ai. Mỗi sáng con muốn khóc khi nghĩ tới việc tới trường và lại phải đối mặt toàn với người khổng lồ. Ngày mai cũng thế, ngày nào cũng thế, lúc nào cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã!
Mẹ thấy con lo lắng, học thua bạn bè, mẹ lại đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm. Mà chắc là có cố gắng cả đời cũng chả đuổi kịp được, trí tuệ của các bạn đã ở sẵn trong não các bạn ấy rồi, và con sẽ vĩnh viễn thua cuộc“.
Mình đã khóc!
Nhà báo Thu Hà – mẹ Xu, Sim.
Một giáo viên trường Trần Đại Nghĩa nhận xét, điều đáng sợ nhất ở Trần Đại Nghĩa là phụ huynh, nhiều người cạnh tranh, ghen tỵ và kèn cựa nhau đến khổ. Suốt ngày vẫn lùng sục để đi học thêm hết nơi này tới nơi khác, phân bì tỵ nạnh nhau từng nửa điểm. Ở trong cái nôi toàn học sinh giỏi, sự cạnh tranh trong họ càng như được nhân lên, chắp cánh. Tội nghiệp đứa trẻ, mỗi ngày đi học lại thấy một ngày chưa hài lòng bản thân mình và hài lòng ba mẹ.
Còn trường quốc tế thì sao? Khi hầu hết những vấn đề bức xức cuả trường công lập được giải quyết: không nặng lý thuyết, không ghi nhớ từ chương, không quá tải, học sinh được tự do và được tôn trọng…
Nhưng văn hoá gia đình và môi trường xã hội đã đồng bộ chưa? Nếu ba mẹ cứ mải mê kiếm tiền, rồi tới trường thả bụp 1 cái cho con vào tự do thì không phải học sinh nào cũng ổn.
Giờ học, giờ ăn, học sinh muốn ngồi đâu thì ngồi, nên trong lớp phân biệt đẳng cấp khá khắc nghiệt. Áp lực thuộc về 1 nhóm rất là lớn.
Bài tập thì thầy không ép, nên chẳng làm cũng không sao. Nhiều bé vốn quen bị ủn mông ép học, không quen tự học, vào trường quốc tế vài lần kiểm tra thấy không đạt, thầy sẽ hạ level, thành ra học bài dưới sức. Chương trình quốc tế đa dạng và linh hoạt nên thấy con mình điểm cao, thấy giáo viên khen, mà phụ huynh không biết được là con mình chỉ đang đứng cao trong chương trình dễ nhất, thấp nhất của lứa tuổi.
Hơn nữa, với học phí 30 triệu tới 50, 60 triệu/tháng thì rất nhiều phụ huynh cảm thấy mình đã chi trả quá nhiều, hi sinh quá nhiều. Và tất nhiên, họ sẽ kỳ vọng rất nhiều và đòi hỏi rất rất rất nhiều!
Những năm tháng làm việc trong trường song ngữ, trường Quốc tế, mình nhìn thấy nhiều giáo viên căng thẳng và sợ hãi với áp lực từ phụ huynh. Con bạn học với 1 giáo viên căng thẳng vì sợ bạn, vì sợ sai, điều đó có tốt cho con không?
Video đang HOT
Nếu ba mẹ cứ mải mê kiếm tiền, rồi tới trường thả bụp 1 cái cho con vào tự do thì không phải học sinh nào cũng ổn (Ảnh minh họa).
Một giáo viên đã dạy cả công lập và quốc tế nói: Trường công thì quyền lực nằm trong tay giáo viên, trường quốc tế thì quyền lực nằm trong tay phụ huynh. Vẫn chưa thấy có nơi nào học sinh làm trung tâm!
À, còn trường tư chất lượng cao thì sao? Hè rồi, mình được giới thiệu tới 1 trường được nhiều người nhận xét rất tốt. Quy định tuyển sinh của trường: Yêu cầu phải khá giỏi trở lên, điểm tổng kết lớp 4 và 5 tối thiểu phải là 36 điểm 2 môn văn toán. Ưu tiên cộng điểm với những giải thưởng thi học sinh giỏi tiểu học cấp thành phố, cấp quốc gia, cộng điểm nếu có bằng cấp tiếng Anh…
Ồ, lạm phát học sinh giỏi ở đâu mà ra? Vấn nạn trẻ con tiểu học bị nhồi nhét học và nhồi nhét thi ở đâu mà ra? Các trung tâm tiếng Anh, trung tâm luyện Toán Văn, học thêm tới 8 -9h tối, học suốt thứ 7, chủ nhật ở đâu mà ra? Chính là ở quy định đầu vào của những trường mệnh danh là lá cờ đầu của ngành giáo dục này!
Và nếu cứ chạy đua trong các cuộc cạnh tranh tuyển chọn khốc liệt, nếu cứ cố đạt điểm cao, vậy có làm triệt tiêu tính sáng tạo, dám khác biệt của con? Con có khó bao dung và hợp tác, những điều con rất cần trong cuộc sống tương lai không?
Nếu ở Mỹ, áp lực muốn con học trường tốt sẽ đổ lên đầu ba mẹ, phải cày ra nhiều tiền, mua nhà giá cao ở những khu vực có trường tốt, thì ở Việt Nam thì áp lức đó chủ yếu đổ lên đầu tụi nhỏ: phải cày học và cày thi!
Mình biết nhiều học sinh vẫn đang phát triển tốt ở trường chuyên, trường Quốc tế, nhưng nếu con mình không may rơi vào vài phần trăm không thích hợp?
Nhà mình có Xu và Sim rất khác nhau. Xu ham học, nỗ lực vươn lên, nhưng lại hay tự gây áp lực cho mình, con dễ mặc cảm, nên mình nghĩ Xu không hợp với trường chuyên. Sim lười hơn, nhưng ưu điểm là vô tư trong chuyện đậu – rớt và không áp lực, có thể Sim sẽ sống trong trường chuyên được.
Nhưng nếu 2 đứa 2 trường thì áp lực lại đổ lên mẹ Hà. Và thêm nữa, mình vẫn muốn chị em thân nhau hơn, mình chọn tình cảm hơn là thành đạt, nên đã thôi 1 đứa thì thôi luôn. Và, thú thực, nỗ lực thì tốt, nhưng nỗ lực hoài thì cũng mệt lắm.
Các bạ mẹ ạ, mình nghĩ không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức và phù hợp. Vừa sức con và vừa sức mẹ. Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền.
Có lẽ vậy nên ba mẹ đã quá dày công tìm trường và quá đầu tư vào trường, mà bỏ lơ mất trường học quan trọng nhất, thầy giáo quan trọng nhất, mà học phí rẻ vô cùng, là chính ba mẹ và chính gia đình mình! (Ảnh minh họa)
Nếu con thong dong vào trường chuyên, không cần học thêm gì thì trường chuyên ok. Nếu mẹ trả vài trăm triệu học phí/năm mà không phải băn khoăn, không thấy đang hi sinh vì con, thì trường Quốc tế ok.
20 năm nay, mình đã từng làm việc với hàng trăm học sinh trường chuyên và trường quốc tế ra, trường nào cũng có giỏi, có kém, và cũng có những bạn bị gọi là “khùng khùng”, luôn lạc lõng, bất đắc chí. Thậm chí, sau khi học ở trường chuyên và trường quốc tế thì nếu thất bại, cái thất bại đó còn đau hơn.
Nhớ lại bạn học sinh lớp 11 khóc vì cô giáo im lặng 3 tháng không giảng bài nhận được đồng cảm từ hàng trăm bài báo và phụ huynh cả nước. Nhưng nếu một bé học trường quốc tế 50 triệu/tháng, hay 1 bé học trường chuyên tỷ lệ 1 chọi 20, khóc vì áp lực, liệu chúng ta có thương nhiều? Mà nước mắt nào chẳng mặn, áp lực nào chẳng đau?
Cô Trân Phượng (Hiệu trưởng trưởng ĐH Hoa Sen) nói: “Truyền thống Việt Nam mình quá trọng ông thầy, nghĩa là có thầy tốt mới học tốt được”. Có lẽ vậy nên ba mẹ đã quá dày công tìm trường và quá đầu tư vào trường, mà bỏ lơ mất trường học quan trọng nhất, thầy giáo quan trọng nhất, mà học phí rẻ vô cùng, là chính ba mẹ và chính gia đình mình!
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: “Con nghĩ đi, mẹ không biết”. Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Theo Helino
Đích đến của giáo dục là gì?
Có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người "triết lý giáo dục", "đích đến của giáo dục" vẫn khá mơ hồ.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, chia sẻ quan điểm về triết lý giáo dục.
Một lần, khi đứng lớp giảng chuyên đề "Bàn về sự học", một học viên bỗng hỏi tôi đầy băn khoăn: "Trong thời buổi bây giờ, em không biết phải dạy con em thành con người ra sao và không biết nhà trường nào có triết lý giáo dục rõ ràng cho con em học đây? Trường công thì có quá nhiều vấn đề, trường tư thì sợ họ chạy theo lợi nhuận, mà trường quốc tế thì lại sợ con mình nó thành... con Tây mất!".
Những câu hỏi tương tự như thế tiếp tục được đặt ra cho tôi nhiều lần nữa, trong nhiều dịp khác nhau. Đại để giờ không biết dạy con ra sao, dạy trò như thế nào, mỗi trường mỗi kiểu, mỗi thầy mỗi cách, còn mình cũng có kiểu của mình.
Tôi đã trả lời bằng một câu hỏi "Theo anh chị, dạy con để làm gì?". Họ trả lời "Để làm người". Tôi hỏi lại "Thế làm người là làm gì?". Hầu như ai cũng lúng túng và không trả lời được.
Điều đó khiến tôi nhận ra rằng, đã có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người, "triết lý giáo dục", "đích đến của giáo dục" vẫn còn là cái gì đó khá mơ hồ.
Theo tôi, đi tìm triết lý giáo dục chính là trả lời ba câu hỏi sau: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào? Làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?
Câu hỏi dạy con, dạy trò hay chọn trường ở trên thực chất là nỗi trăn trở về câu chuyện: Chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc sẽ là gì, cụ thể như thế nào?
Mỗi người, mỗi nhà, mỗi trường, mỗi quốc gia đều có thể mô tả "chân dung" ấy theo kỳ vọng, nhận thức và cách thức của riêng mình. Cá nhân tôi cho rằng, con người với "nhân tính, quốc tính và cá tính" là đích đến của giáo dục.
"Nhân tính" là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với "con khác", phân biệt con người với những giống loài khác; khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc. Đó phải là nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ như là "tự do, bình đẳng, bác ái", hay "chân, thiện, mỹ", chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.
Chúng ta suốt ngày răn dạy con trẻ "học để làm người", nhưng rốt cuộc "làm người" là... làm gì? Nếu một ngôi trường khiến con trẻ trở thành người dối trá để đạt được thành tích, hay vô cảm với nỗi đau của đồng loại thì liệu ta có thể tin tưởng vào "nhân tính" của ngôi trường ấy chăng!?
Con người với "nhân tính, quốc tính và cá tính" là đích đến của giáo dục.
"Cá tính" lại chính là bản thể của mình; là "bề trên" (đức tin), "bề trong" (phẩm giá) và "bề ngoài" (tính cách) của riêng mình; là thứ để phân biệt mình với người khác, khiến mình khác với đồng loại của mình; là cái mà chúng ta muốn đề cập đến khi thốt lên "Tôi muốn được là chính mình!", "Tôi muốn được sống đúng với lòng mình!".
Lâu nay chữ "cá tính" thường được hiểu theo nghĩa là một nét dị biệt khác người, cũng như chữ "tự do" hay được hiểu là "muốn làm gì thì làm". Nhiều cha mẹ ngày nay sẵn sàng cày cuốc sớm hôm để đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con vào những ngôi trường học phí cao chót vót, nơi con "thoải mái thể hiện cá tính không sợ bị ai la rầy".
Nhưng rồi vẫn có không ít đứa trẻ lớn lên trong sự nổi loạn, hoang mang đi tìm chính mình. Bởi lẽ, cá tính nếu không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành... "quái tính", cũng như tự do không có văn hóa sẽ trở thành thứ tự do hoang dã. Bởi lẽ, muốn "được là mình" thì trước hết cần "được là người" cái đã.
"Quốc tính" được cấu thành bởi "dân tính" và "tộc tính". "Dân tính" tức là "năng lực làm dân", là dân quyền. Còn "tộc tính" có thể được hiểu là "hồn cốt dân tộc", căn tính quốc gia; là tâm thức về gốc gác; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là "cái neo văn hóa" của mình trong "chốn năm châu".
Một đứa trẻ có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt, nhưng lại không rành tiếng Việt lắm, thường chỉ thích ăn đồ Tây, không quan tâm cội nguồn dân tộc Việt, ít có nét văn hóa Việt nào trong người thì liệu có thể được coi là một "người Việt"? Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng trên thực tế đang tồn tại không ít trường hợp như thế, như anh học viên của tôi đã mô tả là "con mình thành con Tây" (dù vẫn chỉ là "da vàng mũi tẹt").
Thế nhưng, trong tính cách của dân tộc nào, bao giờ cũng có cả cái tốt lẫn cái xấu, có cả hủ tục lẫn mỹ tục, vậy thì sẽ lấy cái gì để minh định đâu là "quốc tính" mà ta nên giữ và nên bỏ? Chẳng hạn, từng xảy ra tranh cãi về chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Nghi lễ ấy đã tồn tại hơn 800 năm, lẽ nào không xứng đáng là "quốc tính"? Nhưng liệu "quốc tính" của người Việt có máu me và bạo lực như thế!?
Từ ví dụ đó, có thể thấy "quốc tính" trong giáo dục cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng "nhân tính". Nói cách khác, "nhân tính" sẽ là một màng lọc để loại ra những "quốc tính" trái với nó. Một "quốc tính" (dân tính và tộc tính) cho dù ăn sâu bén rễ lâu và sâu đến đâu, nếu đi ngược lại với "nhân tính" sẽ không bao giờ là điều đáng để giữ gìn.
Mọi cải cách giáo dục sẽ lại rơi vào tình trạng sáo mòn và bế tắc, nếu chúng ta (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, phụ huynh, học sinh...) không cùng nhau làm rõ được đích đến thực sự của giáo dục là gì. Khi ấy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ "điểm số cao" nhưng ít tình người, một thế hệ hoang dã mà thiếu cá tính, một thế hệ người Việt mà không phải người Việt, một thế hệ mang danh "công dân toàn cầu" mà không có "tổ quốc". Bởi lẽ, "công dân toàn cầu" đúng nghĩa sẽ không chỉ có sức vóc, có chuyên môn, mà còn là những con người rất "nhân loại", rất "dân tộc", và cũng rất là "chính mình".
Thế nên, bất kể sự học hay sự dạy nào cũng cần hướng về đích đến "nhân tính, quốc tính và cá tính". Bởi lẽ, đó chính là đặc tính của một con người tự do, và cũng là đích đến của một nền giáo dục khai phóng.
Ông Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ông cũng là Ủy viên Hội đồng Điều hành của Hội Giáo dục So sánh châu Á (CESA), nhà nghiên cứu hợp tác của Đại học Giáo dục Hong Kong (EdUHK) và là thành viên Hội Nghiên cứu Giáo dục quốc gia Mỹ (AERA).Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã vinh danh ông là "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu" trong vai trò một "Nhà hoạt động giáo dục" năm 2013.
Giản Tư Trung
Theo vnexpress.net
5 điểm du học lý tưởng cho sinh viên hâm mộ bóng đá Nhiều đại học chất lượng nằm ở những quốc gia đam mê bóng đá. Nếu hâm mộ môn thể thao vua, bạn hãy xem xét điều này khi chọn trường. Brazil Bóng đá được công nhận là niềm đam mê của cả Brazil và thậm chí môn thể thao vua được yêu thích hơn cả Internet. Trong kỳ World Cup 2014, Google đã...