‘Mẹ thấp vậy thì làm sao con có thể cao?’
Cảm thấy con gái 2 tuổi khá thấp so với bạn cùng lứa, Karimah không quá bất ngờ khi được thông báo bé bị suy dinh dưỡng.
“Tôi có bốn đứa con, nhưng hai đứa đã mất”, Karimah chia sẻ thẳng thắn với CNA.
“Đứa bé thứ hai được sinh tại nhà. Khi sinh ra, con trai tôi không khóc, không làm gì cả. Đứa bé thứ ba được sinh ra trong bệnh viện. Ngày dự sinh còn rất lâu mới đến nhưng tôi bị đau bụng. Họ nói với tôi rằng tôi bị nhiễm trùng nước ối. Con trai tôi nằm trong NICU (Đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh) 4 ngày, và sau đó, cậu bé đã ra đi”.
Karimah là người bán rau ở làng Sukadami, tỉnh Tây Java (Indonesia), đang đưa Najwa, con gái út của mình, đi khám. “Hai tháng sau khi Gafar qua đời, tôi lại mang thai bé Najwa”, Karimah cho biết.
Najwa Syaqila mặc bộ quần áo màu hồng rực rỡ, và giống hầu hết đứa trẻ 2 tuổi khác, cô bé bồn chồn, vặn vẹo trong vòng tay của mẹ để được tự do chạy nhảy. Hiện Karimah lo lắng chính là con gái út của mình. Cô đã phải vật lộn với những lần mang thai của mình. Và với Najwa, cuộc đấu tranh này tập trung vào thức ăn.
Karimah cho biết 2 tháng đầu mang thai, cô không thể ăn cơm, chỉ ăn trái cây và bánh quy. Sau khi sinh con, Karimah nghi ngờ có điều gì đó không ổn. “Tôi đã nghi ngờ ngay từ đầu. Khi so sánh cháu với các bạn cùng lứa trong làng, tôi thấy cháu khá lùn. Vì vậy, khi hay tin con bé bị suy dinh dưỡng, tôi không quá bất ngờ”, người mẹ 4 con cho biết.
Lúc đầu, những người hàng xóm của Karimah ở Sukadami thường nói với giọng giễu cợt: “Mẹ thấp vậy thì làm sao con có thể cao?”.
Najwa được đo chiều cao tại phòng khám ở làng Sukadami, Tây Java. Ảnh: CNA.
Chỉ cách trung tâm thành phố Jakarta, thủ đô Indonesia, 50 km, ngôi làng Sukadami có tỷ lệ thấp còi cao nhất trong khu vực đô thị. Quốc gia này ngày càng có tỷ lệ trẻ em còi cọc tử vong trước sinh nhật đầu tiên. Và những đứa trẻ như Najwa sống sót sau thời thơ ấu thường có hệ miễn dịch yếu.
Điều này có nghĩa là các bé dễ mắc bệnh như tiêu chảy, và sau này là bệnh thoái hóa như tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim mạch vành.
Tỷ lệ thấp còi cao thứ 5 thế giới
Có rất nhiều đứa trẻ như Najwa trên khắp Indonesia. Tính đến đầu năm 2020, cả nước có khoảng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Theo cuộc điều tra sức khỏe quốc gia năm 2019, một trong 4 đứa trẻ (27,7%) được phân loại là thấp còi. Tỷ lệ này tăng mạnh ở các vùng sâu, vùng xa, nơi dịch vụ y tế có thể kém phát triển hơn, và những vùng có tỷ lệ dân số cao sống dựa vào canh tác tự cung tự cấp.
Video đang HOT
Ông Jee Hyun Rah, Trưởng phòng dinh dưỡng của UNICEF ở Indonesia, cho biết: “Indonesia được coi là quốc gia có số lượng trẻ em thấp còi cao thứ 5 trên thế giới”.
Nhận thấy tác động tiêu cực của tình trạng này với tăng trưởng kinh tế của đất nước, Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi xuống 14% vào năm 2024. Vào năm 2017, Chiến lược quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi được xây dựng nhằm tập hợp 22 bộ ngành, chính quyền khu vực, khu vực tư nhân và các nhóm xã hội dân sự để giải quyết tình trạng thấp còi.
Phương pháp tiếp cận đa hướng đã có bước phát triển tích cực, giảm tỷ lệ thấp còi trên toàn quốc xuống gần 10% so với mức 36,8% vào khoảng một thập kỷ trước, vào năm 2008. Nhưng những thách thức vẫn còn đó, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch toàn cầu.
Thiếu dinh dưỡng không phải là lý do duy nhất
Suy dinh dưỡng thấp còi chắc chắn là vấn đề đáng lo ngại vì những hậu quả tức thì của chế độ dinh dưỡng kém gây ra đối với sức khỏe trẻ. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhận thức của trẻ.
Những đứa trẻ như Najwa phải đối mặt cuộc chiến khó khăn về thành tích học tập và có khả năng bỏ học trước khi học xong trung học. Điều này khiến chúng khó khăn khi tìm việc và thu nhập thấp hơn, khả năng cao hơn là họ sẽ sống trong điều kiện nghèo đói suốt đời.
Tuy nhiên, thiếu dinh dưỡng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến trẻ thấp còi. Các nguyên nhân gây ra tình trạng thấp còi rất nhiều mặt và phức tạp, bao gồm thiếu kiến thức, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, sức khỏe bà mẹ, yếu tố môi trường…
Khi nói đến dinh dưỡng, nó không chỉ đơn giản là vấn đề số lượng – trẻ ăn bao nhiêu – mà còn là chất lượng. “Có nhiều người cho rằng điều quan trọng chỉ là trẻ ăn được bao nhiêu. Tuy nhiên, họ lại không xem xét về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm”, Tiến sĩ Sri Eni Meniarti, Giám đốc y tế của Bekasi, cho biết.
Việc thiếu kiến thức về những gì tạo nên dinh dưỡng tốt khiến nhiều người ngạc nhiên khi bác sĩ thông báo con cái của họ bị suy dinh dưỡng.
Đó là trường hợp của Fahmi Aryati, bà mẹ ba con. Năm ngoái, tại trung tâm y tế cộng đồng, cô được thông báo rằng đứa con út của mình, Intan Ayu, 2 tuổi, bị suy dinh dưỡng.
“Tôi rất buồn, vì tôi nghĩ rằng con đã được ăn uống đầy đủ. Nhưng điều đó có nghĩa là con bé không đủ dưỡng chất. Tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Làm thế nào mà con lại bị còi cọc? Tại sao điều này có thể xảy ra?”, Aryati tự hỏi.
Các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng việc trẻ em có bị thấp còi hay không, cả về lương thực và vệ sinh môi trường. Ở Bekasi, nơi Aryati sống, hạn hán thường xuyên xảy ra. Những người sống dựa vào nông nghiệp phải đối mặt với mất thu nhập và không thể đủ tiền nuôi con cái của họ đầy đủ hoặc ổn định.
Cô Fahmi Aryati và con gái Intan Ayu tại một phòng khám sức khỏe cộng đồng. Ảnh: CNA.
Ở nhiều khu vực khác, lũ lụt do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao đe dọa hệ thống vệ sinh. Nhiều gia đình không có nhà vệ sinh riêng, sử dụng chung phương tiện hoặc buộc phải đi vệ sinh ở kênh rạch hay bãi đất trống.
Theo một báo cáo chương trình giám sát chung do Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF công bố, hơn 41 triệu người sống trong các khu đô thị đông đúc ở Indonesia không có thiết bị rửa tay trong nhà của họ.
Tất cả điều này có nghĩa những người gặp khó khăn về vệ sinh, ở cả thành thị và nông thôn, dễ mắc các bệnh như kiết lỵ, tả và tiêu chảy. Với trẻ thấp còi, có hệ miễn dịch suy yếu, điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn, có thể gây tử vong.
Ông Rah cho biết: “Với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất sống ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thiết yếu”.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế, song song việc theo dõi, tầm soát, điều trị suy dinh dưỡng thể thấp còi là yếu tố khác góp phần tạo nên sự chênh lệch về tỷ lệ thấp còi giữa các vùng.
Sức khỏe của người mẹ là nguyên nhân khác gây ra tình trạng thấp còi, và nó không giới hạn ở thời gian phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Đó là vấn đề có thể kéo dài qua nhiều thế hệ.
“Những đứa trẻ thấp còi có nhiều khả năng trở thành những bà mẹ thấp còi hơn. Và những người này có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân và có nguy cơ còi cọc. Đó là lý do chúng tôi nói rằng trẻ thấp còi thực sự kéo dài vòng luẩn quẩn của suy dinh dưỡng”, ông Rah nói.
Nhiều đứa trẻ ở Indonesia chưa biết rửa tay đúng cách. Ảnh: CNA.
Cuộc chiến dài của Indonesia
Chính phủ Indonesia đang phải chiến đấu với cuộc chiến kéo dài với suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Một hệ thống y tế với hơn 1,5 triệu tình nguyện viên được tạo ra nhằm cải thiện tình trạng này. Các tình nguyện viên làm việc tại các trạm y tế cộng đồng trên khắp Indonesia.
Phần lớn trong số này là phụ nữ đến từ cộng đồng mà họ phục vụ, cung cấp dịch vụ như tư vấn, theo dõi tăng trưởng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như điều trị các bệnh thông thường, tư vấn dinh dưỡng.
Tư vấn dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng và làm việc với khu vực tư nhân, chỉ là một số trong nhiều cách mà Chính phủ Indonesia đang giải quyết tình trạng thấp còi.
Chiến lược bao gồm các can thiệp cụ thể, như cải thiện dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, thúc đẩy giáo dục và trao quyền cho cộng đồng. Ước tính khoảng 14,6 tỷ USD Mỹ đã được phân bổ cho chiến lược này.
Tiến sĩ Gondomartojo thuộc Chương trình Lương thực Thế giới cho biết: “Chính phủ cũng cam kết mở rộng hệ thống an sinh xã hội, mang phúc lợi cho các gia đình nghèo để họ có thể quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ em và phụ nữ mang thai trong gia đình”.
Trẻ được coi là không còn thấp còi nếu đạt chiều cao phù hợp với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, hầu hết tác động về thể chất và nhận thức của tình trạng thấp còi là không thể đảo ngược.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nó kéo theo những thách thức riêng. Đối với nhiều gia đình ở Indonesia, điều này khiến thu nhập giảm mạnh. Aryati kiếm sống bằng nghề bán rau. Nhưng khi đại dịch ập đến và mọi người phải ở nhà, khách hàng của cô ngày càng giảm dần.
“Trước đây, công việc bán rau giúp gia đình tôi đủ ăn, nhưng giờ thì không. Các bà mẹ phải thông minh trong cách ứng phó với đại dịch như thế này. Trước kia chúng tôi có thịt gà, bây giờ là đậu phụ”, Aryati chia sẻ.
Karimah, người bán rau ở Sukadami, thì lại cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà cô cần cho con gái mình.
“Nếu con bạn bị ốm, bạn phải tìm một nữ hộ sinh hành nghề, hoặc cố gắng tìm một phòng khám tư nhân mở cửa. Nhưng đôi khi tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất khó”, cô nói.
Ông Jee Hyun Rah, Trưởng phòng dinh dưỡng của UNICEF ở Indonesia, cho biết: “Cuộc khảo sát do UNICEF thực hiện vào năm 2020 cho thấy hơn 1/4 trung tâm y tế ban đầu trên toàn quốc cung cấp ít hơn một nửa hoặc hoàn toàn không cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu”.
Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, Sitompul, ở Bekasi, lo lắng cho tương lai của con mình. “Tôi lo lắng cho con mình, nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin. Chúng tôi cố gắng không nghĩ về những điều tiêu cực và sẽ nghĩ tích cực hơn”, Sitompul chia sẻ.
Tiến sĩ Meniarti, Giám đốc y tế của Bekasi, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều mong muốn loại bỏ tình trạng thấp còi để những đứa trẻ trở thành nhà lãnh đạo giỏi trong tương lai. Hy vọng rằng họ sẽ tốt hơn nhiều so với chúng tôi”.
Ăn hạt điều và các loại hạt giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành có thể giảm mạnh nhờ ăn thường xuyên các loại hạt, trong đó có hạt điều.
Ăn thường xuyên các loại hạt (gồm cả hạt điều) sẽ giảm mạnh nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Ảnh: TL .
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, với những người tiêu thụ các loại hạt (trong đó có hạt điều) nhiều hơn 4 lần/tuần thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành có thể thấp hơn 37% so với những người không bao giờ hoặc không thường xuyên tiêu thụ các loại hạt.
Vì vậy, trong thời gian tới, tiêu thụ các loại hạt, trong đó có hạt điều, sẽ tiếp tục tăng lên trên toàn cầu. Hạt điều có thể được sử dụng trong sản xuất các thanh bánh snack, thay vì sử dụng sô cô la có hàm lượng calo cao.
Thời gian gần đây, sữa hạt điều cũng được sử dụng nhiều hơn. Hạt điều được sử dụng làm các sản phẩm thay thế sữa, như: sữa hạt điều, pho mát làm từ hạt điều, nước sốt kem làm từ hạt điều và kem chua.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đạt 9,94 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 13,48 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,2% trong giai đoạn 2018 - 2024.
Nhận định trên dựa vào nhu cầu thị trường tăng đối với đồ ăn nhẹ lành mạnh, trong đó nhu cầu ngày càng tăng từ các nước châu Âu và số lượng các cơ sở chế biến chính ở châu Phi tăng.
Ngày nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt điều đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ lợi ích đối với sức khỏe.
Điều gì xảy ra nếu bạn chỉ thích ăn đồ chiên? Đồ chiên giòn rụm, thơm nức mũi, ngon khó cưỡng, là món khoái khẩu của nhiều người. Những người ăn nhiều đồ chiên nhất có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 22% so với những người ăn ít nhất - SHUTTERSTOCK Nhưng biết đến những nhược điểm của đồ chiên, bạn có thể tránh xa cám dỗ này, theo Best Health. Cho...