Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ về thời đi học: Làm đau, làm tổn thương một đứa trẻ có thể để lại những kí ức xấu xí suốt cả cuộc đời
Trong mắt những đứa trẻ mới chập chững đi học, thầy cô là siêu anh hùng, là cuốn bách khoa toàn thư sống biết mọi thứ.
Nhưng nếu thầy cô không chịu giải đáp những thắc mắc thậm chí còn “trù dập”, tỏ thái độ không thích thì tâm lý đứa trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Chị Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (ĐH Sư Phạm Hà Nội) hay còn được biết đến với biệt danh thân mật “mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam”, mới đây đã chia sẻ lên trang cá nhân mẩu truyện thời đi học hồi bé của mình. Thời đi học cấp 1 có thể là quãng thời gian tươi đẹp với nhiều người nhưng với chị Điệp, những kỉ niệm với một “cô giáo rất không thích mình” đã hình thành trong đầu chị những ấn tượng không tốt về mái trường đó.
Rồi từ đó, mỗi lần đi dạy chị lại tự nhủ với chính mình rằng trẻ con hiểu cách người lớn đối xử với nó và việc làm đau, làm tổn thương một đứa trẻ có thể để lại những kí ức xấu xí suốt cả cuộc đời.
Cụ thể nội dung chị chia sẻ như sau:
“ Năm mình 3 tuổi thì chị gái mình bắt đầu đi học lớp 1. Mẹ mình có “sáng kiến” là để mình đến lớp theo chị. Hồi đó trường làng nhỏ xíu, mẹ lại quen hết các cô giáo nên các cô đồng ý ngay. Thế là mình hàng ngày lẽo đẽo đi học theo chị.
Cứ tưởng đi chơi thế mà đến cuối năm cô giáo gọi mẹ ra hỏi: Chị có muốn cho cái Điệp lên lớp không?
Đến đây thì mẹ mình choáng. Mẹ bảo, ôi thôi, nó còn bé như cái kẹo, lên lớp thế nào được, chờ nó 5 tuổi thì chị cho đi học lớp 1.
Thế là mình vào lớp 1 năm 5 tuổi. Hồi đó, việc đi học sớm cũng không phải là cá biệt.
Mình đi học với tâm lý vẫn nhẩn nha vẫn như đi chơi với chị. Nhưng mình học giỏi với cả xinh, hồi bé mình rất xinh. Các cô giáo rất yêu quý và hay gọi là “Điệp búp bê”.
(Ảnh minh họa)
Xong đến một năm học thì có một cô giáo rất không thích mình mà không hiểu vì sao. Cô càng không thích, mình càng hay làm ngược lại ý cô.
Một hôm trong giờ Chính tả, mình hỏi: “Thưa cô, sao chữ “tay” không thể viết là “tăy”? Vì em đánh văn ă – y ay – t – ay – tay vẫn được cơ mà. Với cả chữ “cuốc” với “quốc” thì tại sao vần giống nhau mà âm đầu lại phải viết khác nhau?
Thay vì giải thích, cô bảo: Không hỏi, ngồi xuống!
Mình ngồi xuống rất ấm ức. Rồi khi cô đọc “Hai bàn tay em”, mình đã viết vào vở: “Hai bàn tăy em”. Đang viết thì mình bị cô lấy cái thước rõ to, gõ một cái rất mạnh vào tay. Mình nhớ chính xác không phải vào mu bàn tay mà vào phần xương nhô lên ở đốt ngón tay nên nó đau khủng khiếp.
Nhưng có lẽ không khủng khiếp bằng việc đó là lần đầu tiên trong đời mình bị đánh.
Video đang HOT
Mình khóc sưng cả mắt. Và mình ghét trường học từ lúc đó. Nhưng mình không kể với bố mẹ.
Hồi đó trường làng nên bàn ghế lỏng chỏng, cái rụng cái rơi. Không hiểu sao bàn mình luôn không có ghế. Mình đến lớp là đã không có ghế ngồi. Cô không cho phép đi lấy nên phải đứng viết. Cũng có mấy bạn phải đứng cùng.
Một hôm, trong khi quá buồn bã, mình về kể với bố. Dịp đó lại đúng dịp họp phụ huynh. Về sau nghe mọi người kể lại là bố đến họp nhưng cô mời nhất định không ngồi vì lý do: Tôi muốn đứng để hiểu cảm giác của con gái xem khi đứng một giờ học như thế nào.
Kể từ đó, thấy cô dịu dàng hơn với mình và cũng không có chuyện đến học không có ghế nữa.
Nhưng mãi mãi, ấn tượng về ngôi trường không còn vẻ thân thương, hiền lành nữa. Đến nỗi sau này nhà mình chuyển nhà có lần quay lại, chị gái hỏi có muốn về thăm trường cũ không, mình nhất định lắc đầu.
Sau này mình đi dạy học, đứng trong đám trẻ con, mình luôn tự nhắc hai điều:
1.Trẻ con hiểu biết về cách đối xử của người lớn với nó: Công bằng hay không công bằng, phân biệt hay không phân biệt. Trẻ con hiểu hết, thật đó.
2. Làm đau, làm tổn thương một đứa trẻ có thể để lại những kí ức xấu xí suốt cả cuộc đời.
Nên khi đọc ở đâu đó những chuyện như thầy cô “trù” học sinh vì em đó không đi học thêm, vì em đó “khác”… mình thấy rất buồn. Thấy như bóng dáng mình trong em học sinh ấy.
Nhưng có một “vĩ thanh” trong câu chuyện của mình, đó là: Khi học đại học, lần đầu tiên mình gặp được một người giải thích rất khoa học, rất đầy đủ về trường hợp “tăy”, về ngữ âm, về những bất hợp lý của chữ quốc ngữ và còn nói, nếu ai biết thắc mắc những vấn đề đó là… thông minh.
Để trả ơn, mình bèn… cưới làm chồng.
Về sau này, đôi lần trong bữa ăn, mình chống đũa chép miệng: Biết thế em chả thắc mắc, tay hay tăy cũng kệ, thì có phải em đỡ khổ.
Ông ấy thì bảo: “Còn anh mà biết thế anh đã chẳng chọn nghiên cứu ngữ âm”.
Tóm lại vẫn là “lỗi lầm” từ kí ức“.
Theo Trí Thức Trẻ
Chân dung chị Phan Hồ Điệp - người mẹ đứng sau thành công của 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam
Mới đây, thông tin thần đồng Đỗ Nhật Nam đã xuất sắc tốt nghiệp THPT Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ) đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng có lẽ người tự hào hơn cả là chị Phan Hồ Điệp - điểm dựa tinh thần làm nên Đỗ Nhật Nam hôm nay.
Vậy là cậu bé "thần đồng" Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đây đã trở thành chàng trai 18 tuổi xuất hiện vô cùng chững chạc trong bộ lễ phục nhân ngày tốt nghiệp THPT tại Mỹ. Ngắm Đỗ Nhật Nam bây giờ, người ta cảm thấy sao thời gian trôi nhanh thế. Mới ngày nào, cậu bé 7 tuổi đã được gọi là "thần đồng" vì những bảng thành tích trong và ngoài nước. Thần đồng nào cũng phải lớn lên, và Đỗ Nhật Nam cũng không là ngoại lệ. Nhưng có một người - dù Đỗ Nhật Nam có lớn đến đâu, có đạt thêm nhiều thành tích khủng cỡ nào đi chăng nữa - thì trong mắt chị, Đỗ Nhật Nam vẫn là một cậu bé hay nói, hay cười, luôn bé bỏng và hồn nhiên. Đó chính là chị Phan Hồ Điệp, mẹ của Đỗ Nhật Nam, người đã luôn xuất hiện cùng Nam trong suốt 18 năm qua, góp công rất lớn vào thành công của Nam ngày hôm nay.
Chị Phan Hồ Điệp sinh ngày sinh ngày 26-6-1975 tại thành phố Hải Phòng, là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từng được xếp hạng nổi tiếng thứ 2102 trên thế giới và thứ 2 trong danh sách Giảng viên nổi tiếng ở Việt Nam.
Chồng chị là PGS.TS Ngôn ngữ học Đỗ Xuân Thảo, hiện đang đảm nhận chức Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Từ xa của trường Đại học Sư phạm. Tháng 3/1998, anh Đỗ Xuân Thảo bay sang Nhật Bản để giảng dạy tại Đại học Osaka. Năm sau, chị cũng lên đường sang đất nước mặt trời mọc theo chồng. Khi có bầu Đỗ Nhật Nam, chị đang ở bên Nhật nên quyết tâm thực hiện việc nuôi dạy con theo kiểu Nhật.
Bố mẹ Đỗ Nhật Nam đã bay sang Mỹ để chung vui ngày tốt nghiệp với con trai.
Bằng kinh nghiệm của giảng viên Sư phạm và tình yêu thương con vô tận, chị đã có những bài học hữu ích, đầy giá trị cho cậu con trai Đỗ Nhật Nam. Luôn đồng hành với con từ những ngày chập chững đầu tiên đến ngày hôm nay, chị luôn cố gắng trở thành một điểm tựa tinh thần vững chắc, tôn trọng mọi quyết định của con mình.
Cách dạy con của Phan Hồ Điệp.
Nhắc tới Đỗ Nhật Nam, mọi người thường nghĩ, để có được sự thành công như ngày hôm nay, chắc hẳn cậu bé đã bị gia đình đưa vào một thời gian biểu dày đặc chỉ có học và học. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Chị Phan Hồ Điệp từng chia sẻ rằng gia đình không có phương pháp gì cao siêu trong việc dạy dỗ Đỗ Nhật Nam. Từ khi còn bế ẵm, vợ chồng chị đã thống nhất cách dạy con nhẹ nhàng, tinh tế theo kiểu "lạt mềm buộc chặt". Sự kiên trì chính là bí quyết lớn nhất của chị Điệp khi nuôi dạy Đỗ Nhật Nam. Gia đình chị còn áp dụng công thức 3T với Đỗ Nhật Nam: Tự tin, Tự Trọng và Tự lập.
Với mong muốn giúp các bậc phụ huynh đang đau đầu trong việc tìm cách dạy con sao cho đúng, làm sao để có thể nuôi dạy trẻ phát triển hoàn thiện bản thân, kết hợp vừa chơi vừa học mà không đánh mất tuổi thơ của mình, chị Phan Hồ Điệp cũng có nhiều chia sẻ từ kinh nghiệm nuôi dạy con của bản thân như: Quy tắc bàn tay giúp con giỏi tiếng Anh, 8 bước dạy con khi 3 tuổi, cách dạy con tích hợp 15 phút mỗi ngày, cách giúp con học toán... Những chia sẻ, bí quyết của chị rất nổi tiếng và được nhiều bậc cha mẹ áp dụng thành công. Có lẽ đó không phải là những gì cao siêu nhưng nó đánh được vào tâm lý của trẻ, giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc nuôi dạy con.
Được biết đến là bà mẹ thành công trong cách giáo dục "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp đã có nhiều lời chia sẻ thẳng thắn về cách nuôi dạy con, những sai lầm mà các bậc phụ huynh Việt Nam hay mắc phải trong việc định hướng cho trẻ. Theo chị, để dạy con hiệu quả, trước tiên các bậc cha mẹ phải thay đổi, phải sửa mình, phải làm gương cho con chứ không phải bắt con sống theo ý mình. Lời chia sẻ của chị trong một buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều lời khen và tác động tích cực: " Ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con khi lớn lên sẽ trở thành người tử tế. Nhưng tôi cho rằng, thành công không phải giáo dục một đứa trẻ trở thành người giỏi nhất hay xuất sắc nhất, mà đích đến cuối cùng là khiến đứa trẻ ấy trở nên hạnh phúc".
Trong quá trình chia sẻ cách dạy con, cũng đã có lúc chị Phan Hồ Điệp nhận về sự chỉ trích của mọi người. Nhất là sau khi Đỗ Nhật Nam phát biểu " Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Nhiều người đã cho rằng, sau này Đỗ Nhật Nam sẽ khô khan, không biết tưởng tượng, mơ mộng là gì. Nhưng thành tích hiện tại cũng như con đường Nam chọn - Âm nhạc - đã khiến những "chụp mũ" kia trở nên sai lầm. Chúng ta thấy gì sau chuyện này? Đó là mỗi ông bố, bà mẹ đều có cách dạy con khác nhau phù hợp vừa từng đứa con của mình. Có cô bé thích đọc truyện tranh, thích mơ mộng, nhưng cũng có cậu bé chỉ thích đọc sách thôi. Chị Phan Hồ Điệp cũng sẽ không ép được nếu bản thân Đỗ Nhật Nam không mê đọc truyện tranh Vì thế, chị đã hướng em đi theo những hướng đi khác mà em thật sự muốn.
Thông tin Đỗ Nhật Nam chọn ngành Âm nhạc để học khi lên ĐH cũng khiến nhiều người bất ngờ vì ai cũng nghĩ, Đỗ Nhật Nam sẽ chọn những ngành như kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu gì đấy lớn lao hơn... Và trước quyết định của con trai, chị Phan Hồ Điệp luôn thể hiện sự tôn trọng. "Nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành. Mẹ rồi sẽ già đi, khó tính hơn, yếu thêm nhưng mẹ vẫn ở ngôi nhà có đầy tình yêu của mẹ, để chờ đợi và thương mến em..." - chị viết vào ngày con trai tốt nghiệp. Có thể thấy, "Tôn trọng lựa chọn của con" cũng chính là một cách dạy con hiệu quả. Bởi suy cho cùng, đó là cuộc đời của con, không phải của cha mẹ. Nhiêm vụ của cha mẹ là luôn cổ vũ và ủng hộ con trên con đường đó mà thôi.
"Con có lớn cũng là con của mẹ"
Dù cách dạy con có "khác người", có nhận về nhiều chỉ trích hoặc phê phán nhưng sau tất cả, chị Phan Hồ Điệp vẫn chỉ là một người mẹ bình thường như bao người phụ nữ khác, luôn mong con thành tài, tự do theo đuổi ước mơ và đam mê, vẫn rưng rưng nước mắt khi con đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Mẹ của "thần đồng", và Mẹ của một người bình thường - thì cũng chỉ là Mẹ mà thôi.
Điều này được thể hiện rõ nhất qua đoạn chia sẻ mà chị dành tặng riêng cho con trai nhân ngày tốt nghiệp THPT vừa qua.
"Ngày hôm nay đối với mẹ thực sự đặc biệt.
Em tốt nghiệp phổ thông và mẹ, mẹ cũng tốt nghiệp khoá học làm mẹ để chuyển sang một giai đoạn mới, học hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, thương nhớ cũng đầy hơn.
18 năm qua, trong khóa học đặc biệt ấy, bề bộn những sai lầm và vấp ngã nhưng cũng ngọt ngào và hạnh phúc. Nếu hỏi mẹ đi lại con đường đó, mẹ có làm tốt hơn không, mẹ không dám chắc. Chỉ có điều chắc chắn mẹ vẫn thương em như thế. Tình thương ấy ĐẦY và TRÒN rồi nên luôn và mãi là như vậy thôi em.
Nên thành quả 18 năm là giây phút mẹ vừa xuất hiện ở sân trường, mẹ chân thấp chân cao chạy về phía em còn em khi nhìn thấy bóng mẹ thì bỏ cả hàng đang xếp để chạy ùa ra ôm mẹ vào lòng: Mẹ ơi, em đợi mẹ mãi.
Nên thành quả 18 năm là khi em lên phát biểu vẫn đưa mắt tìm mẹ và mỉm cười.
Nên thành quả 18 năm là khi em hát bài hát chia tay, em nói trong bài hát có câu: Hãy biết ơn người vì bạn mà khóc thầm, em đã nghĩ đến mẹ.
Nên thành quả 18 năm là khi quay về phòng dọn đồ cho em, mẹ thấy dưới gối có ảnh mẹ và dòng chữ: Mom, I love you!
Chỉ vậy thôi Nam là quá đủ cho lễ tốt nghiệp của... mẹ.
Một chặng đường đã đi qua. Mới ngày nào mẹ còn nghĩ không biết bao giờ được đi họp phụ huynh cho em, giờ thì em đã là chàng trai 18 tuổi.
Nam ơi, ai rồi cũng nên có câu chuyện để kể về cuộc đời mình. Đó có thể là chuyện vui hay buồn, thành công hay thất bại nhưng nhất định là nên có, để cuộc đời không trôi đi nhạt nhẽo.
18 tuổi quả trẻ cho những dự định và ước mơ. Nên cứ đi và cứ kể vì hành trình còn là phía trước.
Hôm nọ em chia sẻ rằng có thể em sẽ học ngành âm nhạc. Mẹ thực sự bất ngờ. Vì đó là điều mẹ chưa nghe thấy em nói bao giờ. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười. Vì mẹ làm sao có thể lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình để đặt lên em. Nên nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành.
Mẹ rồi sẽ già đi, khó tính hơn, yếu thêm nhưng mẹ vẫn ở ngôi nhà có đầy tình yêu của mẹ, để chờ đợi và thương mến em.
Hôm nay, mẹ tự chúc mừng mẹ vì đã là học sinh luôn cố gắng trong khoá học làm mẹ đấy thiêng liêng và kì diệu.
Mẹ vui lắm, Nam à..."
Lời chia sẻ đầy cảm xúc của chị Phan Hồ Điệp đã chinh phục trái tim nhiều người. 18 năm làm mẹ, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của chị không phải là việc con mình được tung hô là "thần đồng", mà là sau khi theo đuổi học khóa học "làm mẹ" đầy khó khăn, thách thức nhưng vô cùng thiêng liêng và kì diệu, nay người mẹ ấy cũng đã tốt nghiệp thành công. Và thành công ấy đơn giản lắm - là khi quay về phòng dọn đồ cho con, chị thấy dưới gối có ảnh mẹ và dòng chữ: Mom, I love you!
Theo saostar
Cha mẹ Việt dạy con điều hay lẽ phải nhưng khi ra đường lại hay khôn vặt, lách luật trước mặt chính con của mình Chị Phan Hồ Điệp từ lâu đã nổi tiếng trong giới phụ huynh khi là người đứng sau sự thành công của con trai, thần đồng Đỗ Nhật Nam. Mới đây chị Hồ Điệp đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con đến những phụ huynh thay vì dạy điều hay lẽ phải, thì thường xuyên có hành động sai trái trước mặt con...