“Mẹ nuôi” của trẻ vùng cao
Từ năm 2016 đến nay, cô Nguyễn Thị Thanh Minh, Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) dù hoàn cảnh vất vả nhưng đã nhận nuôi 14 trẻ từ 3 – 5 tuổi là con em các gia đình dân tộc nghèo.
Cô Minh gắn bó 32 năm với giáo dục mầm non vùng cao. Ảnh: NTCC
32 năm cống hiến cho sự nghiệp “ươm mầm” nơi rẻo cao, song lúc nghỉ hưu cô vẫn tiếp tục nhận nuôi trẻ em nghèo và giúp các em có cơ hội được chăm sóc, giáo dục tốt hơn…
“Ươm mầm” nơi rẻo cao
Cô Nguyễn Thị Thanh Minh lớn lên trong gia đình có bố làm nghề giáo. Sống trong môi trường giáo dục nên tình yêu nghề, mến trẻ thấm và lớn dần. Khi lựa chọn nghề nghiệp, cô Minh chỉ mong ước duy nhất trở thành cô giáo mầm non.
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1988 cô theo học trường “Cô nuôi dạy trẻ” thị xã Yên Bái hệ sơ cấp 1. Năm 1999 – 2000, cô học Trung cấp Mầm non tại Trường Cao đẳng Lào Cai; Năm 2006 – 2009 theo học hoàn thiện đại học. Hành trình học tập của cô Minh ở nhiều thời điểm song hành với vai trò dạy học.
Cô Minh cho biết: Nhận nuôi trẻ nghèo, con em đồng bào dân tộc đến với mình như duyên định sẵn. Khi lên xóm Sảng Tả (thôn Tồng Già, thị trấn Phong Hải) vận động gia đình đưa trẻ đủ tuổi ra lớp thì hầu hết bố mẹ lắc đầu với lý do: “Xuống trường xa và khó đi lắm. Đưa đón con đi học mất 4 giờ/ngày, như vậy sẽ không còn thời gian để lao động kiếm sống…”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Minh hàng ngày đưa đón trẻ.
Nhận thấy cái “khó” của phụ huynh, cô Minh liền nghĩ tới việc nhận trẻ về nuôi tại nhà sau giờ học. Như vậy, bố mẹ chỉ phải đưa trẻ tới trường vào đầu tuần và đón con về cuối tuần. Sau các buổi học hàng ngày, cô sẽ thay gia đình đón trẻ về nhà chăm sóc, nuôi ăn ngày 2 bữa, sáng đưa trẻ tới lớp. Nhà cô Minh sẽ thay trường bán trú và cô thay bố mẹ chăm sóc trẻ.
Quyết là làm, cô Minh đưa ra đề nghị với các gia đình, nhà trường và nhận sự đồng ý. Năm học đầu tiên (2016 – 2017), cô thuyết phục thành công và đưa 4 trẻ xuống núi học tập, nuôi dưỡng. Năm thứ 2, cô nuôi 5 trẻ. Tiếng lành đồn xa, số trẻ được cô nhận nuôi tăng từng năm. Có gia đình nhờ cô nuôi giúp 3 con. Đặc biệt, có trẻ ở với cô 2 – 3 năm liên tiếp.
Từ khi cô Minh nhận nuôi, trẻ đi học đều đặn, việc huy động và duy trì sĩ số trên lớp của Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải được “tháo gỡ”. Các gia đình tin tưởng gửi con cho cô Minh bởi nhìn thấy tình yêu nghề, yêu trẻ cũng như sự “thay da đổi thịt” của con mình.
Video đang HOT
Cô Minh chăm sóc trẻ tại nhà. Ảnh: NTCC
Tất cả vì yêu nghề, yêu trẻ
Nhận nuôi 4 – 5 đứa trẻ cùng lúc đối với cô Minh tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui và hơn hết giúp được nhiều trẻ nghèo được học tập, chăm sóc ngay từ lứa tuổi mầm non. Các con cô thấy mẹ tâm huyết và có niềm vui nên đều đồng thuận. Thậm chí chúng mua gạo, lương thực “tiếp tế” để mẹ nuôi các em.
6 năm qua, cô Minh không quản ngại sáng dậy sớm nấu ăn, chiều tối tất bật nấu ăn, tắm giặt, dạy học, chăm sóc, trò chuyện với trẻ. Có những khi trẻ đau sốt, đêm hôm cô lại chăm sóc, thuốc thang.
Không chỉ nuôi miễn phí, cô Minh còn tiết kiệm tiền lương mua sắm thêm quần áo cho trẻ mặc, đồ chơi, đồ dùng hàng ngày. Cô yêu thương, chăm sóc từng đứa trẻ tận tâm như chính con cháu mình. Do đó, chỉ sau một thời gian chăm sóc, cháu nào cũng “căng tròn”, khỏe mạnh, tự biết vệ sinh cá nhân và đặc biệt nói lưu loát.
Cô Minh chăm sóc trẻ như chính con, cháu mình. Ảnh: NTCC
Nhớ ngày đầu đón trẻ về nuôi đầy vất vả cô Minh kể: Mới xuống núi, đứa nào cũng đen nhẻm, gày còm, quần áo thiếu thốn. Lạ nhà, nhớ bố mẹ nên có bé khóc suốt 2 – 3 tuần đầu. 1 đứa khóc thì kéo theo 2 – 3 đứa ảnh hưởng, thậm chí khóc theo. Những lúc như thế, cô mua sẵn bánh, kẹo, sữa… để dỗ chúng nín.
“Cũng may, nhờ tình yêu trẻ và phương pháp dạy nhẹ nhàng mà các bé dần đi vào nền nếp. Sau vài tuần, các bé quen và trở nên thân thiết, “bện” cô. Nhiều khi, cuối tuần bố mẹ tới đón nhưng các bé chẳng chịu về, cô lại phải động viên. Có đứa về nhà hôm trước hôm sau đã đòi đưa xuống học và ở với cô giáo…”, cô Minh kể.
Tháng 9/2021, cô Nguyễn Thị Thanh Minh nghỉ hưu, nhưng với tình yêu nghề, yêu học trò cô tiếp tục xin làm hợp đồng cấp dưỡng tại trường và nhận nuôi 4 trẻ. Trong đó, em Ma Seo Hoàng (5 tuổi) và em gái Ma Thị Thương (4 tuổi); Giàng Seo Vang (5 tuổi); Cư Seo Tùng (5 tuổi). Các em đều là người Mông ở thôn Tồng Già, thị trấn Phong Hải.
Với mức lương hưu hơn 6 triệu đồng nên để nuôi trẻ tốt nhất, cô Minh còn nuôi gà, thả cá và trồng rau… để có thêm nguồn thực phẩm sạch. Đặc biệt, dịp đầu năm 2021, cô Minh mua chiếc xe máy cũ 4,5 triệu đồng và sửa lại mất hơn 1 triệu đồng để tặng gia đình anh Ma Seo Chỉnh (bố 2 cháu Ma Seo Hoàng, Ma Thị Thương). Bởi: “Gia đình nghèo, có tới 4 đứa con, nhà quây bằng tấm fibro xi-măng, không có xe đưa con đi học. Tuần nào không mượn được thì trẻ lại ở nhà. Mua xe tặng gia đình là nhằm giúp trẻ có điều kiện đi học đều đặn…”, cô Minh kể.
Tấm lòng, tình yêu trẻ của cô Minh được nhiều đồng nghiệp ghi nhận. Thế nhưng người không hiểu lại nói: “Tuổi nghỉ hưu, làm gì cho bận vào thân…” và khuyên cô nghỉ ngơi. Cô Minh không lấy đó làm phiền lòng, hoặc xoay chuyển quyết định giúp trẻ em nghèo. Thậm chí, cô còn nỗ lực hơn chăm sóc trẻ tốt hơn để mọi người thấy được việc làm của mình không vô ích.
Anh Ma Seo Chỉnh có 2 con được cô Minh nuôi giúp chia sẻ: Từ ngày cô Minh nhận nuôi, 2 đứa trẻ được chăm sóc đầy đủ. Đứa nào cũng lớn nhanh và khỏe mạnh. Cô mua quần áo, đồ dùng, đồ chơi cho các bé và mua cả xe máy để gia đình đưa con đi học. Gia đình biết ơn cô giáo vô cùng, có sự giúp đỡ của cô, các con sẽ được đi học đều đặn.
Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Lê Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải – trao đổi: Cô Minh công tác lâu năm tại trường. Quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuyên môn vững vàng, tâm huyết và yêu trẻ.
Việc nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh khó khăn của cô Minh đều được nhà trường đồng thuận, hỗ trợ nhất định. Việc làm này vô cùng ý nghĩa, cần thiết bởi tại thị trấn Phong Hải còn nhiều trẻ em vùng cao, dân tộc có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Việc làm của cô Minh đã và đang lan tỏa tới tất cả đồng nghiệp trong trường về tình yêu nghề, yêu trẻ. Cô Minh là tấm gương để các thế hệ trẻ noi theo.
Gắn bó 32 năm với giáo dục mầm non vùng dân tộc, cô Minh thấu hiểu đặc tính của trẻ vùng cao. Dù có lúc mệt mỏi, áp lực nhưng cô chưa từng mắng các em một câu. Trong cô luôn là tình yêu thương, sự bao bọc với những đứa trẻ khó khăn, thiếu thốn.
GS. Nguyễn Lân Dũng: Mong ngành giáo dục không ngừng sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn
Ai cũng biết giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến mọi gia đình, mọi thế hệ trong xã hội, vì dễ so sánh với các nước trên thế giới...
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt từ khi thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện. (Nguồn: VTC)
Bức tranh giáo dục Việt Nam có thể hình dung cả hai phía, phía sáng và phía tối, nói cách khác là cả thành tựu và tồn tại.
Về thành tựu, không thể phủ nhận những bước tiến của sự nghiệp giáo dục từ khi thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Về giáo dục mầm non, đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tháng 8/2018, đã thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em diện phổ cập.
Về giáo dục phổ thông, đã có trên 67% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đồng thời, đã dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan. Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức cao.
Về giáo dục đại học, đến năm 2018 có 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong nhóm 400 trong bảng xếp hạng đại học châu Á của QS World Rating.
Lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học quốc tế, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng đại học QS World (thế giới có hơn 21.000 trường đại học).
Ngoài ra, cũng đã có 3 trường đại học khác đạt mức 3 sao, 1 trường đạt mức 4 sao theo chuẩn gắn sao đại học thế giới. Trong đó, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 150 trường tốt nhất châu Á (châu Á có 6.000 trường đại học).
Về giáo dục thường xuyên, đã có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 80,3% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Cái khó nhất đối với ngành giáo dục chính là tìm cách khắc phục các yếu kém còn tồn tại trong ngành giáo dục. Đó là nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn nặng, chưa quan tâm đúng mức tới giáo dục kỹ năng sống; đổi mới phương pháp dạy học có nhiều cải tiến nhưng chưa thật ổn định; một số vấn đề như dạy thêm học thêm, lạm thu... chưa được giải quyết triệt để.
Tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới chưa đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Chất lượng sách giáo khoa mới chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Chính sách tiền lương đối với nhà giáo chưa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp còn chênh lệch và nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Việc dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên không đạt yêu cầu mong muốn.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng muốn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì cần phải có chiến lược thế nào? Chính sách thu hút hiền tài ra sao? Làm sao để xây dựng chính sách để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai?
Ở vấn đề này, tôi đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi ông phát biểu: Đổi mới để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy..., làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt...
Tôi muốn nhắc lại phần giáo dục và đào tạo mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo... Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đường lối đã rõ ràng, chỉ cần có quyết tâm thực hiện, có biện pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã được xác định.
Bước sang năm mới, tôi rất tin tưởng vào sự đổi mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tôi muốn có một đóng góp cụ thể, dù nhỏ bé vào sự đổi mới này. Qua truyền hình, tôi được biết câu chuyện một nữ sinh đạt giải thưởng Olympic và được Chính phủ tặng Huân chương Lao động.
Truyền hình kể lại việc em này được cô giáo bồi dưỡng bằng cách cho đọc thêm một cuốn sách tham khảo. Qua màn hình tôi thấy đó là bản dịch sách Sinh học của Campbell và cộng sự. Một cuốn sách dành cho sinh viên, dày đến 1.277 trang và giá đến 1.750.000 đồng.
Tôi nảy ra ý định viết một cuốn Sinh học - Khoa học về sự sống, đúng chương trình Sinh học ở bậc phổ thông nhưng sâu hơn nhiều. Tôi đã cộng tác với hai giáo viên phổ thông để hoàn thành cuốn sách này.
Sách đã được xuất bản, như vậy là giáo viên Sinh học nào (hoặc các học sinh chuyên ban) đều có thể mua được. Có nội dung cao hơn sách giáo khoa rõ rệt, tôi tin tưởng thầy cô giáo sẽ dạy hay hơn, tốt hơn rất nhiều.
Các em học sinh chuyên ban có điều kiện tốt hơn để ôn tập khi muốn thi vào các trường đại học có tính cạnh trao cao, hay thi Olympic quốc tế. Hồi âm của các giáo viên Sinh học khi sử dụng cuốn sách này làm tôi rất phấn khởi.
Tôi đã gặp Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và mong Liên hiệp Hội đề nghị với các Hội Khoa học chuyên ngành đều in các cuốn sách tương tự cho tất cả các môn học. Nếu làm được điều này tôi tin sẽ có sự thay đổi rõ rệt cho việc dạy và học ở tất cả các trường phổ thông. Đó có phải là một đóng góp đáng hy vọng hay không?
Đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành giáo dục gặp vô vàn khó khăn nhưng đã chuyển mình, thích ứng bằng hình thức học online, để học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học. Đặc biệt, Việt Nam có chương trình rất nhân đạo là "Sóng và máy tính cho em"...
Mong rằng ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo, không ngừng học hỏi, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo quyền được học tập của trẻ. Đồng thời, cần giảm những áp lực học tập, áp lực thành tích cho học sinh, nhất là trong bối cảnh dạy học trực tuyến.
4 nỗi lo của nghề giáo Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý, là quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, nghề giáo vẫn còn nhiều nỗi lo và nhiều điều trăn trở. Gần 15 năm theo nghề, được đồng hành với không ít những thay đổi về chủ trương, chính sách đối...