Mê mẩn vườn rau quả trên sân thượng tại Sài Gòn: Bí đao nặng 34kg
Sống ở TP. Hồ Chí Minh, diện tích đất chỉ vừa đủ để xây một căn nhà nhỏ nhưng anh Phan Văn L. (46 tuổi, trú tại Tân Phú) vẫn sở hữu một vườn cây xum xuê rau trái làm nhiều người ngưỡng mộ.
Vườn cây đặc biệt này được anh L. xây dựng trên sân thượng, nhằm phục vụ gia đình.
Chia sẻ với báo VnExpress, anh L. làm nghề kinh doanh tự do nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm làm vườn trên sân thượng. Mặc dù chỉ dùng trong gia đình nhưng “ông chủ vườn” thường tìm tòi những giống cây lạ, kỹ thuật trồng mới để thử nghiệm.
Anh L. thử nghiệm giống bí đao “siêu to khổng lồ” ngay trong khu vườn trên sân thượng. (Ảnh: VnExpress)
Vào năm 2020, anh còn sử dụng giống bí đao “siêu to khổng lồ” và trồng chúng trong thùng xốp. Kết quả, cây trồng không chỉ cho số lượng cực nhiều mà mỗi trái còn nặng tới 34kg. Thành quả này được anh L. chia sẻ lên mạng, nhận được khá nhiều sự quan tâm của dân tình. Bên cạnh bí đao hơn 30kg, người đàn ông trú tại quận Tân Phú này còn trồng thêm hồ lô, mướp đắng trắng, bụp giấm,…mỗi loại lên tới 10kg, to bằng chai nước 1,5 lít.
Cây được trồng trong thùng xốp hoặc thùng sơn cũ. (Ảnh: Văn L.)
Chia sẻ về thành tựu sau 3 năm làm nông trên sân thượng, anh L. tâm sự: ” Bà xã không ngờ rau tôi trồng lại cung cấp đủ cho cả nhà. Không những thế, mỗi lần thu hoạch còn đủ tặng người thân, bạn bè nữa “. Vào năm 2020, sau đợt lũ lớn khiến hoa màu tại miền Trung bị hư hỏng, anh còn gửi hạt giống hỗ trợ người dân nơi đây trồng trọt lại. Hiện tại, thi thoảng anh vẫn vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau và gửi hạt giống 0 đồng cho các bạn quen biết trên các hội nhóm “nông dân” sống ở thành phố.
Thành quả bất ngờ sau nhiều lần nghiên cứu trồng trọt của anh L. (Ảnh: VnExpress)
Trước đó, không ít khu vườn đặc biệt giống của anh L. đã được chia sẻ, gây sốt trên mạng xã hội. Tại Hà Nội, vườn hồng trên ban công và sân thượng 70m2 của chị Đinh Diệu H. cũng gây chú ý. Vườn hồng đó có hơn 70 loại giống, bao gồm như Robe A La Francaise, Mac Spice,… Dù chỉ được trồng trên sân thượng nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo của chị H., loại cây nào cũng rất sai hoa, thơm nức khắp nhà.
Vườn hồng hơn 70 chủng loại của cô gái Hà Nội. (Ảnh: Thanh Niên)
Theo trang Sohu, tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), trường hợp một người đàn ông tên Peng Quiugen trồng lúa trên sân thượng rộng 120m2 cũng là chủ đề được quan tâm. Mặc dù sản lượng không nhiều nhưng đối với ông Peng, đây là thú vui tuổi già khi sống trong thành phố chật chội. Dẫu vậy, mô hình trồng lúa trên nóc nhà gây khá nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng khi đến mùa thu hoạch, bụi đất và rơm rạ sẽ dễ gây ô nhiễm không khí.
Nhiều gia đình Châu Á lựa chọn trồng lúa trên nóc nhà. (Ảnh: Sohu)
Một số chuyên gia cho biết, việc trồng cây trên sân thượng có thể ảnh hưởng tới chất lượng nhà, thế nhưng điều này có thể khắc phục bằng cách trồng trong thùng xốp, thủy canh. Hiện nay, mô hình tận dụng sân thượng để xây dựng vườn cây riêng đang được mọi người ưa chuộng, đặc biệt là các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
Mẹ Tây Bắc hé lộ cách làm sân thượng trồng cả trăm loại rau, hiếm khi phải ra chợ mua
Với chị Q. sân thượng vừa là nơi gieo trồng, kho chứa rau củ quả sạch cung cấp cho nhu cầu của gia đình; là nơi thư giãn sau giờ làm việc; vừa là nơi các thành viên trong gia đình lao động chân tay, để các con biết thêm giá trị của lao động...
Chị Q. đang sinh sống ở một thành phố miền núi phía Tây Bắc của tổ quốc. Chị có 1 khu vườn nhỏ với diện tích 50m2 trên tầng thượng của ngôi nhà phố 75m2. Ngay sau khi xây nhà vợ chồng chị đã kiến tạo sân thượng theo hướng đa mục tiêu: vừa là nơi gieo trồng, kho chứa rau củ quả sạch cung cấp cho nhu cầu của gia đình; là nơi thư giãn sau giờ làm việc; vừa là nơi các thành viên trong gia đình lao động chân tay, để các con biết thêm giá trị của lao động,...
Thành quả của vườn rau sân thượng được chị Q. chăm chút.
Sau 2,5 năm làm vườn, chị nhận được nhiều giá trị tích cực mà khu vườn mang lại cho bản thân và gia đình, đồng thời rất nhiều bạn quan tâm nhắn tin hỏi kinh nghiệm. Từ những lý do đó, chị đã quyết định chia sẻ kinh nghiệm làm vườn sân thượng nhà phố đến với các chị em với hy vọng sẽ giúp ích phần nào đến những ai có chung sở thích làm vườn và đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.
Video đang HOT
Những vựa rau xanh mướt mắt.
1. Chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu
- Tải trọng và chống thấm sàn sân thượng.
Theo chị Q. đối với các bạn xây nhà mới nên đề nghị bên thiết kế thiết kế sàn sân thượng chịu lực tốt hơn (để yên tâm trước sức nặng của đất trồng cây sau này), xử lý chống thấm sàn, nếu chọn xây bồn trồng trực tiếp trên sàn thì khâu chống thấm càng cần lưu ý kỹ hơn.
Đối với các bạn đã xây nhà mà chưa làm chống thấm thì nên thuê thợ chống thấm chuyên nghiệp để xử lý chống thấm trước khi làm vườn.
Trường hợp không làm chống thấm thì ở bước chuẩn bị vật tư sẽ phải thêm kệ, giá đỡ để kê cao chậu trồng cây, tránh nước tưới đọng trên sàn.
Từng công đoạn được chị chăm sóc tỉ mỉ.
Khu vườn sân thượng của chị gần như có đủ tất cả các loại rau củ.
- Chuẩn bị vật tư
Sau khi tính tải trọng chịu lực, chống thấm sàn. Cần chuẩn bị các loại vật tư ban đầu, cơ bản gồm:
Chậu, bồn trồng cây. Với gia đình mình, chị Q. làm 2 hệ thống chậu, bồn trồng cây.
Bồn xây trực tiếp trên sàn: ưu điểm là bền lâu dài, chứa được nhiều đất thích hợp trồng tất cả các loại rau và các loại cây dài ngày, cây ăn quả cần nhiều đất trồng (chanh, cóc, khế, ổi, bầu...). Kích thước tùy diện tích và sở thích, nhà chị xây các bồn kích thước dài rộng cao 2x0,5x0,5m và 0,6x0,6x0,6m
Đóng chậu gỗ: 2/3 diện tích khu vườn chị sử dụng chậu gỗ tự nhiên. Các chậu này tự thiết kế và gửi xưởng gỗ gần nhà đóng. Kích thước đặt đóng phù hợp với mục đính trồng từng loại rau và hiện trạng vườn. Ưu điểm của chậu gỗ tự nhiên là có tính thẩm mỹ cao, gần gũi với tự nhiên, không lo các yếu tố gây hại, nhược điểm là chi phí hơi cao so với các loại chậu nhựa phổ thông, thời gian sử dụng 3-5 năm có thể phải thay thế.
- Thiết bị tưới tiêu: Vì quy mô vườn nhỏ xinh, đồng thời làm vườn còn để lao động chân tay sau 1 ngày ngồi văn phòng nên chị không lắp hệ thống tưới tự động. Để thuận tiện tưới tiêu, chị lắp 1 bộ vòi phun có dây rút tự động thương hiệu Gardena của Đức. Ưu điểm là nước tưới đều, có thể điều chỉnh tốc độ phun của tia nước, đỡ tốn công xả nước ra doa tưới, trung bình tưới cho toàn bộ khu vườn của chị hết 20-25 phút.
- Thiết bị làm vườn: Cần chuẩn bị các thiết bị cơ bản như xẻng xới đất (2-3 chiếc), giá mua ở siêu thị loại thông thường từ 40-45k/ chiếc là sử dụng tốt, 1 -2 xô nhỏ (xách theo cơ động để đựng cỏ, rễ khi cải tạo đất, chăm sóc vườn, đựng phân bón,...); kìm bấm cành (nên mua 1 chiếc kìm bấm của Gardena), kéo nhỏ cắt lá, cắt rau khi thu hoạch; găng tay chuyên dụng làm vườn; bình xịt nhỏ để phun phòng/trị bệnh.
- Thiết bị cây leo:
Giàn: Vườn nhà chị Q. có 3 hệ thống giàn cho cây leo: 1 giàn to khoảng 12m2 hàn khung inox cao 2m thích hợp trồng bầu, bí, mướp, 1 giàn inox bé khoảng 7m2 thích hợp trồng cà chua, bầu, bí, mướp đắng và 1 giàn gỗ đóng cố định cùng các chậu gỗ thích hợp trồng dưa chuột, cà chua... diện tích sân thượng để bố trí giàn leo cho hợp lý.
Cọc: Để sử dụng lâu dài chị Q. dùng cọc nhựa lõi thép (oder trên mạng đều có) và mua thanh chẻ từ tre ngâm của người dân gần nhà (giá thành rẻ hơn, sử dụng thân thiện với môi trường).
Dây thít: Mua các loại dây thít kích cỡ khác nhau ở của hàng thiết bị điện nước để buộc giàn, cọc leo và cố định thân cây rất thuận tiện.
2. Chuẩn bị đất và cách làm đất
- Chuẩn bị đất: Với diện tích 50m2 vườn, chị chuẩn bị tầm 50 bao đất đã trộn sẵn và 5 bao phân bò hoai mục khi bắt đầu làm vườn, nhờ thợ làm nhà tời bằng tời điện đất và chậu, vật tư làm vườn lên tầng thượng nên không phải bê vác thủ công, khâu này là mất sức nhất nếu không tính toán kỹ ngay khi làm vườn.
- Cơ bản, cách làm đất trồng rau cần để ý 2 yếu tố cơ bản: Độ tơi xốp (bổ sung chất làm tơi xốp đất như trấu hun hoặc xơ dừa), dinh dưỡng (bổ sung các loại phân hữu cơ). Tiện mua loại gì thì bổ sung đảm bảo nguyên tắc đủ độ tơi xốp và đủ dinh dưỡng chứ không nhất thiết phải dùng 1 loại phân.
Đất khi mới làm vườn chị trộn gồm: khoảng 60% đất thịt (lấy ở vườn), 20% trấu hun dở, còn lại là phân bò hoai mục và phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh/Quế Lâm, ít vỏ trứng đập nhỏ. Đất trộn như vậy cơ bản đã đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các loại rau ăn lá ngắn ngày như xà lách, cải cúc, cải canh, ... các loại này suốt quá trình trồng chị chỉ cần tưới nước sạch và tưới 1 - 2 lần phân rác pha loãng.
Các loại rau ăn lá, củ, quả dài ngày hơn (cà chua, bầu, bí, su hào, bắp cải, súp lơ, ...) cần nhiều dinh dưỡng để cây ra hoa, đậu quả ngoài thành phần đất trộn như trên, chị bón lót bổ sung một số loại phân hữu cơ khác như bã phân rác nhà bếp ủ, chuối chín hoặc vỏ trứng, vỏ tôm, lòng cá nước ngọt có rắc men vi sinh Emuniv. Sau mỗi 7-10 ngày chị xới đều đất quanh gốc và tưới bổ sung dinh dưỡng bằng phân rác pha loãng và phân trùn quế hoặc rắc bổ sung phân bò quanh gốc cây.
Sau mỗi vụ thu hoạch, cần xới tơi đất, nhặt hết cỏ rể, rắc ít vôi bột, để đất nghỉ 2-5 ngày rồi lại trộn thêm trấu hun (tùy độ tơi xốp của đất để bổ sung cho phù hợp), phân bò, phân vi sinh Sông Gianh/Quế Lâm rồi lại trồng tiếp vụ mới.
3. Cách gieo hạt giống, ươm cây
Hạt giống: nên mua hạt F1 để đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao. Hạt giống chưa sử dụng hết cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để mùa sau lại trồng được tiếp. Mùa nào ươm cây mùa đấy, không ươm hạt trái vụ.
Ngâm, ủ hạt giống: đa số các loại hạt giống cần ngâm nước ấm (1 sôi, 3 lạnh) trong vòng 3-4h, sau đó vớt ra ủ vào khăn giấy ẩm. Chị Q. thường trải 1 lớp khăn giấy ẩm vào đĩa nhỏ, rải hạt giống đã ngâm lên, phủ 1 lớp khăn giấy ẩm nữa lên bề mặt sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín bề mặt đĩa, cất đĩa hạt giống ủ vào hộc tủ bếp kín không có ánh sáng lọt vào. Các loại hạt thông thường nứt nanh sau 2-3 ngày (hạt bí sau 2 ngày, hạt cà chua sau 3 ngày, hạt ớt 4-5 ngày).
Các loại hạt giống nhỏ như hạt cải, xà lách, cải củ, hạt có bọc men, ... hoặc các loại hạt đậu như đậu cove, đậu nành, đậu Hà lan,... bỏ qua bước ngâm ủ này mà gieo trực tiếp.
Gieo hạt:
- Chuẩn bị dụng cụ gieo hạt như khay ươm, bầu ươm, chậu nhỏ,... đều được nhưng thuận tiện nhất là túi ươm cây.
- Giá thể ươm: trộn giá thể ươm gồm: đất tribat mua sẵn, phân trùn quế, đất thịt tỷ lệ lần lượt khoảng 60%, 20%, 20%
- Giá thể ươm sau khi đã trộn được cho vào từng túi ươm, xếp vào khay, chậu dễ thoát nước. Mỗi túi ươm dùng ngón trỏ ấn nhẹ 1 lỗ sâu 1cm và cho hạt đã nứt nanh vào và lấp nhẹ đất lên.
Các loại hạt như hạt cải củ Hàn Quốc, xà lách, cải ngọt,.. không cần thiết gieo bầu ươm mà chỉ cần gieo xạ, rắc hạt vào chậu đất sau này tách cây ra trồng. Cà rốt, củ cải đỏ mini gieo trồng trực tiếp mà không tách cây, nếu tách cây sẽ bị vẹo/chột củ.
Chăm sóc cây ươm: sau ươm hạt, hàng ngày tưới nhẹ, (dạng bình xịt là tốt nhất), ngày tưới 2 lần sáng và chiều tối. Tuỳ loại hạt ươm mà sẽ nảy mầm lên sau 1-5 ngày (các loại hạt rất nhanh nảy mầm như hạt bí, hạt cải nảy mầm sau 1-2 ngày; hạt dưa leo sau 2-3 ngày, cà chua sau 3-4 ngày, hạt ớt sau 4-6 ngày,...)
Khay, chậu ươm cây để chỗ có ánh nắng nhẹ, có mái che để tránh mưa to gây hỏng hạt. Cây ươm khi lên 2-3 lá thật có thể trồng vào chậu to. Thông thường từ 10-15 ngày sau ươm hạt là trồng được
4. Cách chăm sóc cây sau trồng
- Ánh nắng : Các loại rau đều cần ánh nắng, nên chọn các vị trí đủ nắng từ 6-8h/ngày là tốt nhất; 1 số loại có thể trồng ở vị trí ít nắng hơn như rau thơm, xà lách, mồng tơi,...
- Nước tưới: Tùy thời tiết để tưới đảm bảo nguyên tắc không để đất bị khô hạn, cũng không để đất quá ẩm ướt dễ gây thối rễ và úng cây. Thông thường mùa đông tưới ngày 1 lần, khi trời lạnh âm u thì 2 ngày 1 lần; mùa hè nắng hanh tưới ngày 2 lần sáng sớm và chiều mát. Tránh tưới lên lá 1 số loại cây như cà chua, bầu bí vì dễ gây nấm bệnh khi lá bị ướt. Tránh tưới tất cả các loại rau vào buổi tối.
- Bón phân: Tùy loại rau để bón bổ sung dinh dưỡng cho phù hợp, các loại rau ăn lá ngắn ngày nên tưới 1-2 lần phân rác pha loãng hoặc phân trùn quế sau khi trồng 15 ngày. Các loại rau dài ngày hơn (trồng 2-3 tháng mới cho thu hoạch) thì định kỳ 7- 10 ngày xới tơi đất quanh gốc, tưới phân rác pha loãng hoặc trùn quế và phân bò quanh gốc, tỉa bớt lá già úa để thoáng gốc.
- Phòng sâu bệnh: Chị Q. thường rất ít phun phòng sâu bệnh vì không có nhiều thời gian. Kinh nghiệm phòng/trị sâu bệnh là trồng thưa cây, xen canh giữa rau không có sâu bệnh với rau hay có sâu (ví dụ xà lách với su hào/bắp cải; hành với rau cải, ...), trồng đúng mùa vụ, đủ ánh nắng, mua hạt giống tốt sẽ kháng sâu bệnh tốt hơn.
Một số loại rau họ cải nhiều sâu xanh thì có thể quây lưới sau trồng khoảng 1 tháng, khi cây lớn, cứng cáp có thể bỏ lưới quây cho cây phát triển tốt hơn. Mỗi ngày lên vườn tưới rau cần để ý tình trạng sâu bệnh để bắt sâu nếu có. Cây nào rệp nhiều thì nhổ bỏ luôn tránh lây lan sang cây khác.
Để có thành quả rau tươi tốt, theo chị Q. là do nhiều yếu tố: Đúng mùa vụ, khí hậu thuận lợi, vị trí trồng cần đủ nắng 6-8h/ngày, hạt giống tốt, biết cách chăm sóc và nhu cầu dinh dưỡng của từng loại rau, tìm hiểu kỹ thuật trồng từng loại rau cho phù hợp, ...
Chị chia sẻ: "Mình hoàn toàn không học gì về nông nghiệp, chỉ là kinh nghiệm cóp nhặt từ đọc sách, mạng internet và tham khảo các anh/chị trồng rau trước mình, hi vọng những chia sẻ của mình sau 2,5 năm thực tế tự tay tìm hiểu và thực hành khá thành công trên khu vườn nhỏ sẽ giúp ích các bạn có chung sở thích. Sau hơn 2 năm mình đã trồng thử hàng trăm loại rau quả khác nhau như hình dưới đây và rất hiếm khi phải mua rau ngoài".
Chị Q. cũng nhấn mạnh, những kinh nghiệm của chị trên đây phù hợp với những ai thích làm vườn có thời gian rảnh ít nhất 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày, có nhà với sân thượng không mái che; có đủ nắng chiếu vào từ 6-8 tiếng/ngày; diện tích sân thượng cần có để đủ trồng rau, đủ cung cấp nhu cầu rau sạch cho gia đình 4 người khoảng 40m2 trở lên.
Sân thượng là kho chứa rau củ quả sạch cung cấp cho nhu cầu của gia đình.
Giữa lòng thủ đô, thanh niên làm vườn ao chuồng, thu về cả tạ cá, cà chua, su hào...đủ loại Theo Mạnh Tùng, trồng cây cũng giống như chăm một đứa trẻ, cần phải quan tâm và nâng niu chúng. Gần 10 năm bén duyên với việc làm vườn, Nguyễn Mạnh Tùng 28 tuổi ở Hà Nội đã gây dựng nên một khu vườn xanh tốt ngay tại sân thượng của gia đình. Chàng trai trẻ cho biết, đó cũng chính là "kho"...