Mẹ không “trúng đạn”, con nhẹ nhàng vào lớp 1
TTO – Nhất quyết không theo đám đông, nhiều phụ huynh cho biết con mình vừa có tuổi thơ đẹp vừa nhẹ nhàng với lớp 1 và cả những năm tiếp theo.
“Tuổi thơ bé có một lần, sao nỡ…”. Đó là lý do mà chị Thiên Hương (Q.Tân Bình, TP.HCM) quyết định không cho con học trước bất cứ chữ viết hay bài toán nào trước khi vào lớp 1.
“Mình muốn bé có một tuổi thơ trọn vẹn, mới 4-5 tuổi đầu mà đã áp lực học hành, căng thẳng làm bài, học chữ thì tội bé quá. Nhiều nghiên cứu nói 6 tuổi là xuất phát điểm tốt. Sao nỡ bắt con học sớm hơn?” – chị Hương nói.
Có cùng suy nghĩ này, chị Đoàn Cẩm Anh (Q.1, TP.HCM, phụ huynh của hai bé lớp 2 và lớp 7) cũng cho rằng nên để trẻ phát triển tự nhiên, đừng tạo áp lực bắt trẻ học hành quá sớm.
“Trước 6 tuổi con mình chỉ học bơi, học múa, học bóng rổ… chứ không đụng gì đến toán hay tập viết” – chị Cẩm Anh nói.
Chị Thu Hà (TP.HCM) thì nhận định việc bắt con học trước chương trình lớp 1 là không cần thiết. Con chị tuy không học trước, cũng chẳng học thêm nhưng vẫn đứng ở top 5 của lớp.
Phụ huynh tên Thanh cho biết con gái chị không học thêm trước khi vào lớp 1. Trong thời gian đầu, cô bé có thua sút bạn bè nhưng dần dần bé tiến bộ thấy rõ. “Trẻ nên được vui chơi thoải mái trong dịp hè, vừa giải trí vừa bổ sung kiến thức hay học những môn năng khiếu mà trẻ thích” – vị phụ huynh này nói.
Video đang HOT
Nói con biết thực tế
Biết rằng nếu không cho con học trước chương trình có thể bé sẽ bỡ ngỡ khi những bạn cùng lớp đã đọc thông viết thạo, làm toán giỏi, còn mình chưa biết gì cả nên các vị phụ huynh này cũng đã chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách nói chuyện với con về “thực tế” đó. Nhiều ba mẹ còn trao đổi với con kỹ năng giao tiếp với bạn, kỹ năng hỏi thế nào để cô giáo không cáu…
Mình nói với bé là lớp con có nhiều bạn biết chữ và đọc được rồi nhưng con đừng lo, cứ theo cách cô dạy ở lớp, từ từ con cũng sẽ biết như các bạn thôi. Cu cậu cũng không nao núng gì và chỉ sau một tháng là bắt kịp các bạn” – chị Thiên Hương kể.
Không đồng tình với ý kiến không cho con học thêm trước khi vào lớp 1 sẽ thua sút các bạn, phụ huynh Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ quan điểm: “Thông thường, sau ba tháng mà chậm lắm thì sau học kỳ một là các cháu không đi học trước có thể bắt kịp bạn bè trong lớp. Bé nhà tôi là một ví dụ. Đúng là hai tháng đầu cháu có vất vả hơn các bạn, cũng sợ cô, sợ đi học nhưng dần dần cháu đã theo kịp và vượt trội một số bạn về làm toán và viết chinh tả. Cuối năm cháu còn đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh kỳ thi Violimpic toán. Các ba, các mẹ đừng lo quá, khi vào học các cháu sẽ quen”.
Trong khi đó, phương pháp của chị Cẩm Anh là học cùng con.
“Bé có chút bối rối nên phụ huynh có thể động viên, buổi tối ngồi học cùng bé. Theo mình, không nên so sánh bé với các bạn khác, chỉ khen là hôm nay bé viết tốt hơn hôm qua hay bé làm toán nhanh hơn tuần trước rồi… Hết lớp 1 thì hai môn toán và tiếng Việt bé được hai điểm 10. Cậu em trai thì ầm ĩ khoe với mẹ là mẹ không thể tin được đâu, con được một điểm 8, một điểm 9 nhé” – chị Cẩm Anh chia sẻ.
Quan trọng là tạo ra hứng thú học tập
Quan điểm mà các vị phụ huynh này đưa ra là tạo niềm hứng thú, say mê cho con khi học, không quá quan trọng về điểm số và thành tích.
Một giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa cho biết những bé đã được học trước chương trình đôi khi chủ quan và lơ là khi nghe cô giảng bài. Mặt khác, cô cho biết thường chú ý nhiều hơn đến những em chưa được học trước, khuyến khích các em phát biểu, khơi gợi để các em mạnh dạn và dần có đà bắt kịp những bạn đã học trước. “Mình nghĩ việc thay điểm số bằng nhận xét cũng giảm thiểu được sự so sánh giữa các bé đã được học trước chương trình và bé chưa học. Thay vì nói tớ được 10 điểm, sao cậu có 7 điểm thì học trò sẽ xem bài của nhau, xem cô nhận xét thế nào và sửa những chỗ mình chưa đúng” – giáo viên này chia sẻ.
“Mình biết nhiều vị phụ huynh đòi hỏi tuyệt đối quá. Như vậy việc học không nặng cũng sẽ trở thành nặng vì đòi hỏi của chính phụ huynh. Giáo viên nhận xét là “Khá tốt” thì thấy chưa hài lòng, phải là “Rất tốt” thì mới chịu”,- chị Khuyên Phạm (Đồng Nai) nói.
“Con tôi chỉ cần học hết sức thôi, vợ chồng tôi không quan trọng điểm số. Chúng ta cần nuôi dưỡng ý chí học, vui thú trong học tập hơn là học vì áp lực” – chị Cẩm Anh bày tỏ quan điểm.
Còn chị Thu Hà thì viết trên trang cá nhân của mình rằng: “Xu nhà mình do sức khỏe yếu, đi học chậm một năm. Do lưng yếu nên để toàn bộ sách vở ở trường. Do khó ngủ và muốn chơi với em, nên tối không học bài. Do không thuộc 5% giỏi cá biệt nên không làm hết bài trong sách giáo khoa. Hú vía, tới giờ này thì Xu vẫn thích đi học. Với mình, vậy là đủ xài!”.
Từ góc nhìn của mình, chị Thu Hà cho rằng việc nhiều phụ huynh, giáo viên nói chương trình lớp 1 quá tải là không hợp lý.
“Theo mình nghĩ, các đề thi, các đề bài tập bao giờ cũng có những bài khó tới mức chỉ khỏang 5% giỏi cá biệt làm được. Giờ thành con ai cũng nằm trong 5% thông minh cá biệt đó, nên mới quả tải!” – chị Thu Hà thẳng thắn nói.
Phải chuẩn bị nhưng cần tôn trọng trẻ
Không chuẩn bị gì cho trẻ trước khi vào lớp 1 là không khoa học, nhưng ép trẻ học trước cũng là điều không nên làm, đó là ý kiến của tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm – chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. TS Nguyễn Tùng Lâm nói: “Để biết cần chuẩn bị gì cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý những phương diện sức khỏe, năng lực và sở thích của trẻ. Bên cạnh đó là chuẩn bị tâm lý, tạo cho trẻ sự náo nức, hứng khởi khi được đi học và tập cho trẻ thói quen tập trung chú ý trong thời gian dài (thay vì vừa học vừa chơi như khi mẫu giáo)”.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng phụ huynh đừng nên “hăng hái” quá mà bắt ép con học chữ, học cộng trừ nhân chia. “Nếu bé nào muốn học thì mình giúp, cháu nào không muốn học thì cũng không sao. Khi vào lớp 1, giáo viên sẽ có cách khuyến khích trẻ học cùng các bạn” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Tuổi tiểu học cần vừa học vừa chơi như thế này – Ảnh: TTO
Tuy nhiên theo ông Lâm, vẫn còn những hiện tượng giáo viên vì muốn học sinh đi học thêm nên tìm cách phàn nàn với phụ huynh khi trẻ học chậm hơn các bạn đã được học trước.
“Bản thân giáo viên phải có trách nhiệm và ý thức rằng mình dạy các bé từ điểm khởi đầu, không thể ưu ái bé đã biết đọc, biết viết mà chê bai bé mới bắt đầu học” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói thêm.
Chương trình lớp 1: không nặng mà nặng Trao đổi với TTO, TS Hoàng Tuyết (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết thực tế chương trình lớp 1 “không nặng mà nặng” cho cả giáo viên và học sinh bởi các lý do sau: sĩ số lớp quá đông, sự không đồng đều về hiểu biết của học sinh (nhiều em đã học trước chương trình), cách thức tổ chức hoạt động học tập và điều kiện học tập trên lớp cứng nhắc… “Học phần không nặng nhưng lớp đông, phương pháp dạy đơn điệu, không gắn với thực tiễn, học sinh không được kích thích đa giác quan khi học tập… nên học sinh đã chán và thấy chương trình học nặng nề” – TS Hoàng Tuyết chia sẻ. Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Định – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cũng cho biết nguyên nhân chính của tình trạng bắt trẻ học trước chương trình lớp 1 là do cha mẹ lo lắng con mình không theo kịp các bạn, hoặc muốn con mình phải có kết quả học đứng đầu trong lớp. Đó là những phụ huynh không được hướng dẫn cách phối hợp với trường mầm non chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1.
Theo TTO