Mê hồn trận thông tin tuyển sinh sai lệch
Xuất hiện trang web tuyển sinh ĐH, CĐ không đáng tin cậy, nhiều cẩm nang tuyển sinh được phát hành vội vã dẫn đến nhiều sai sót…
Những ngày qua, trên mạng xuất hiện một website có địa chỉ truy cập là http:// tuyensinhdhcd.vn. Khi truy cập vào website này, trang chủ nổi bật dòng chữ Thông tin tuyển sinh đại học – cao đẳng, với lời giới thiệu: Website tuyensinhdhcd.vn là nơi cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh hằng năm của các trường ĐH, CĐ và TCCN trên cả nước và những trợ giúp thiết thực nhất cho các em học sinh trước các kỳ thi quan trọng trên bước đường học tập.
Trang web tuyển sinh giả
Trang web còn thông tin: Để có thể duy trì hoạt động, tuyensinhdhcd.vn cũng thực hiện hợp đồng quảng cáo cho các đơn vị đào tạo có nhu cầu tăng thêm các thông tin và hình ảnh đến với người học, đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ học sinh. Mọi thông tin liên hệ của trang web chỉ vỏn vẹn địa chỉ email: tuyensinhdhcd.vn@gmail.com và số điện thoại di động.
Qua số điện thoại cung cấp trên website, một người đàn ông xưng tên là Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết ông chính là chủ trang web này. “Tôi lấy thông tin tuyển sinh trên trang web của Bộ GD&ĐT và từ các trường để đưa lên trang web. Hiện các thông tin này đưa miễn phí, còn trường nào cần đặt banner quảng cáo thì cứ liên hệ với tôi qua email và số điện thoại trên trang web. Banner 200.000-400.000 đồng tùy vị trí. Tôi có một tài khoản ngân hàng, các trường cứ chuyển vào, còn thông tin thì sẽ đăng trước, nhận tiền sau” – ông Đông nói.
Trong mục “Đăng ký trực tuyến” (thông tin tuyển sinh của tất cả các trường) của trang web này có câu: Nhà trường sẽ căn cứ vào những thông tin trong bản đăng ký tuyển sinh trực tuyến để xét tuyển và gửi giấy báo nhập học theo đường bưu điện nếu học sinh trúng tuyển. Khi nhập học yêu cầu học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh theo mẫu quy định. Nếu hồ sơ không trùng khớp, học sinh tự chịu trách nhiệm.
Giao diện trang web giả
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, cho biết: “Thời gian này thí sinh đang nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thông tin như vậy sẽ làm mất cơ hội thí sinh vào ĐH, CĐ vì nếu thí sinh đăng ký vào đây sẽ ngồi chờ trường xét tuyển. Trong khi theo quy định, tất cả thí sinh muốn vào ĐH, CĐ đều phải trải qua kỳ thi tuyển. Bộ GD&ĐT không có một quy định nào cho phép trường đăng ký trực tuyến để xét tuyển thí sinh. Tư vấn hướng nghiệp của trang web hết sức sơ sài”.
Trong khi đó, theo ông Đông: “Đây là thông tin để trường có cơ sở nắm thông tin từ thí sinh. Khi học sinh đăng ký thì tôi nhận thông tin này và chuyển cho các trường để liên hệ với thí sinh” (?).
Theo tìm hiểu của PV, trang web này chưa đăng ký với bất kỳ cơ quan nào. Mặc dù vậy, đã có một số trường ĐH, CĐ đặt banner quảng cáo. Trong đó, Trường CĐ Công nghệ và Kinh doanh Việt Tiến đưa hẳn thông tin trái ngược quy định của Bộ GD&ĐT: Đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ trực tuyến năm 2012: 1.000 thí sinh đầu tiên đăng ký đầy đủ thông tin, khi nhập học sẽ được giảm 30% học phí!
Cẩm nang tuyển sinh sai lệch
Bộ sách Những điều cần biết tuyển sinh ĐH năm 2012 và Những điều cần biết tuyển sinh CĐ năm 2012 (chỉ nêu các trường khu vực TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM bán với giá 30.000-32.000 đồng/cuốn nhưng nội dung sai sót rất nhiều. Năm nay có tổ chức thi khối A1 nhưng bộ sách này không cập nhật. Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT đã quy định mã ngành gồm một ký tự và sáu chữ số nhưng trong quyển này mã ngành vẫn còn ba chữ số, thí sinh sẽ không thể ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi được. Ngoài ra, nhiều trường có mã trường sai, sẽ gây khó cho thí sinh. Chẳng hạn Trường ĐH Thủy lợi (Cơ sở 2 TP.HCM) có mã là TLS nhưng lại ghi là CS2; Trường ĐH Võ Trường Toản có mã là VTT thì ghi là VHS (đây là mã của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM). Hay các trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định đều không để mã trường…
Bộ sách Tìm hiểu các trường H qua những số liệu tuyển sinh gồm sáu cuốn (ba cuốn về ĐH và ba cuốn về CĐ theo khu vực Bắc, Trung, Nam với giá 25.000-35.000 đồng/cuốn) của Nhà xuất bản Thống kê do nhóm tác giả Nguyễn Văn Thân (chủ biên), Phạm Thị Yến, Thanh Tiến Thọ, Trần ức Thành và Nguyễn Quang Dũng biên soạn cũng nhiều sai sót. Cuốn sách này có hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chỉ có ba ô ở mã ngành, trong khi năm nay quy định đến bảy ô. Hay trong hồ sơ theo quy định của Bộ có mục “tên ngành”, “tên chuyên ngành” nhưng sách này không kịp cập nhật. Sách này cũng thiếu khối A1 của hầu hết các trường. Một điểm quan trọng là năm nay quy chế tuyển sinh không còn xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nhưng sách này có hướng dẫn thí sinh xét tuyển nguyện vọng 2, 3!
Hai kênh quan trọng để tìm hiểu về tuyển sinh Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thí sinh phải cẩn trọng trước những thông tin tuyển sinh hiện nay. Chắc chắn nhất là tại website http://thi.moet.gov.vn của Bộ GD&ĐT và tại website của trường mà thí sinh muốn dự thi. “Tốt nhất thi vào trường nào, thí sinh nên xem trực tiếp thông tin từ website trường đó để đăng ký dự thi cho đúng. Không biết website của trường, thí sinh lên Google để tra cứu” – ông Cường khuyên. Đối với quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ, chỉ có quyển do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành là đúng nhất. Hiện nay quyển sách này đã được cập nhật thông tin mới và đưa lên website của Bộ GD&ĐT. Theo ông Cường, thí sinh nộp hồ sơ tại Sở GD&ĐT đến ngày 16-4 là hết hạn. Sau ngày này thí sinh được phép nộp tại trường tổ chức thi từ ngày 17 đến 23-4. Học sinh đang học lớp 12 trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí đăng ký dự thi tại trường đó.
Theo PL TP.HCM
Đăng ký trường phía Nam nhưng dự thi ngoài Bắc?
Những vấn đề liên quan đến khâu nộp hồ sơ ĐKDT, quy ước về mã? Thắc mắc về điểm ưu tiên, quy định ưu tiên xét tuyển? Ngành Toán - Tin có phải là CNTT hay không? Hệ CĐ của các trường ĐH có tổ chức thi không?...
Video đang HOT
Hỏi: Năm ngoái em thi không đậu phải học hệ cao đẳng trường Đại học khoa học tự nhiên ngành CNTT, năm nay em tính thi lại đại học thì hồ sơ của em cần những gì và có phải về địa phương nơi em sinh sống để xác nhận không? (hoamongdu90@gmail.com)
*Trả lời:
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, sinh viên muốn dự thi lại phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Như vậy so với năm đầu dự thi em cần phải có thêm giấy xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường đồng ý cho dự thi.
Về nguyên tắc hồ sơ đăng ký dự thi phải có dấu xác nhận của địa phương hoặc của cơ quan đang công tác. Thông thường đối với các trường ĐH, CĐ không bao giờ xác nhận hồ sơ dự thi cho thí sinh, chính vì thế em cần phải về địa phương để xin dấu xác nhận.
Học chuyên ngành Kinh tế đầu tư của trường đại học kinh tế quốc dân sau này có phải chỉ làm về lĩnh vực đầu tư hay không? Có thể làm việc ở các ngân hàng không? Nếu muốn làm việc ở các ngân hàng thì sau khi tốt nghiệp ĐH cần học thêm chuyên ngành nào? (cuongpolo@yahoo.com.vn)
Ngành Kinh tế đầu tư nhằm cung cấp cho sinh viên nắm vững được các quy luật kinh tế cơ bản và áp dụng vào thực tiễn trong lĩnh vực mình hoạt động, hiểu biết và có khả năng đánh giá, thẩm định, lập và phân tích dự án đầu tư. Có khả năng quản lý và điều hành một dự án đầu tư cụ thể. Hiểu về thị trường vốn đầu tư từ đó có phương pháp đầu tư hiệu quả. Có khả năng tổ chức và tham gia hoạt đấu thầu có hiệu quả; có kiến thức về thủ tục đầu tư...
Với mục tiêu như vậy, em hoàn toàn có thể tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính. Bên cạnh đó có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến địa phương. Làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Làm việc tại các tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư...
Em muốn hỏi là trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên có ngành CNTT không? Và ngành Toán-Tin của trường đấy có phải học về CNTT không? (minhhien199211@gmail.com)
ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội không đào tạo ngành CNTT, còn cũng trường này nhưng thuộc ĐH Quốc gia TPHCM thì có đào tạo bậc CĐ ngành Tin học.
Xét về một khía cạnh nào đó thì ngành Toán - Tin là một chuyên ngành hẹp của CNTT. Mục đích của ngành học này là đào tạo những cử nhân khoa học có kiến thức chuyên sâu về Toán ứng dụng, Tin học và có khả năng áp dụng kiến thức Toán học - Tin học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội. Sinh viên được trang bị những kiến thức đại cương về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và những kiến thức cơ bản về Toán ứng dụng - Tin học, đồng thời trang bị những kiến thức cơ sở của ngành và bước đầu đi sâu vào chuyên ngành. Sinh viên có khả năng xây dựng mô hình toán học cho các bài toán thực tế, sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ lập trình, các kiến thức về thuật toán và công nghệ phần mềm.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực giảng dạy Toán - Tin tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và kinh doanh có sử dụng kiến thức Toán ứng dụng và Tin học, các công ty lập trình, gia công phần mềm, hay phân tích thiết kế hệ thống.
Năm nay em thi đại học nhưng đến giờ em vẫn chưa chọn được ngành nào. Từ nhỏ em rất thích sáng tạo máy móc hay các thiết bị điện tử, tự động. Mong ban tư vấn giúp em chọn được ngành và trường ưng ý, em dự đoán mình thi được khoảng từ 18-21 điểm? (truongap.ars@gmail.com)
Theo ban tư vấn với sở thích của em thì có thể theo học các chuyên ngành về cơ khí chế tạo, điện, điện tử, cơ điện tử... Hiện nay các chuyên ngành này đều được đào tạo ở các trường thuộc khối kỹ thuật như ĐH Bách khoa, ĐH Công nghiệp,...Với mức điểm đạt từ 18-21, em có thể đăng ký dự thi vào khối các trường công thuộc tốp giữa hoặc tốp trên.
Em muốn học ngành Kế toán kiểm toán nhưng lại không biết mình có phù hợp với ngành nghề đó không? Em học khá toán và cũng thích học môn đó nữa nhưng lại sợ là mình chọn lộn ngành. Em cũng muốn biết rõ hơn về ngành Kế toán kiểm toán như lúc mình học ra trường rồi thì sẽ làm những công việc gì? (a_mi_105@yahoo.com.vn)
Thật ra việc chọn ngành cần phải xác định dựa vào một số yếu tố chính như sở thích, sức học và cơ hội đầu ra. Đối với ngành Kế toán kiểm toán thì không cần những tố chất đặc biệt. Những người học tốt khối A, có khả năng suy luận phân tích thì đều có thể theo học. Tuy nhiên ngành này đòi hỏi sự tỉ mĩ và tính cẩn thận.
Hiện nay nhiều trường đào tạo chuyên ngành này nhưng khoảng chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường là khá lớn. Hầu hết các trường thuộc khối kinh tế tốp trên thì mức điểm chuẩn thường rất cao. Còn đối với các trường ngoài công lập thì ở mức trung bình hoặc ngang với mức điểm sàn ĐH, CĐ. Nhu cầu nhân lực của ngành này là khá rộng mở nhưng đòi hỏi đội ngũ chất lượng cao.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán kiểm toán có thể làm ở các cơ quan quản lý nhà nước về kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng và viện nghiên cứu kinh tế, tài chính, ngân hàng; Các định chế tài chính trung gian (các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư thuộc các khu vực, thành phần kinh tế trong ngoài nước, trung tâm giao dịch chứng khoán); Các tổ chức kinh tế tài chính; Các đơn vị tư vấn kế toán, tài chính, công ty đầu tư, tư vấn dịch vụ kế toán kiểm toán trong và ngoài nước.
Em không thể mua được quyển Tìm hiểu hệ cao đẳng trong các trường đại học và cao đẳng qua những số liệu tuyển sinh. Em muốn hỏi trong khu vực phía Bắc, những trường nào có hệ cao đẳng mà mình phải thi (tức là không qua xét tuyển)? (voikoi93@gmail.com)
Em không nhất thiết phải mua quyển sách nói trên. Đối với thông tin tuyển sinh của từng trường em có thể truy cập vào web tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có tên miền là http://ts.edu.net.vn/ để tra cứu.
Về vấn đề em nêu, xin khẳng định như sau: Năm 2011 tất cả các hệ CĐ của các trường ĐH đều không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển từ những thí sinh tham dự kì thi ĐH.
Cho em hỏi em định thi khối V nhưng em không kịp học vẽ nên em không đăng kí dự thi vào khối V ngành kiến trúc công trình của trường ĐH Kiến trúc được. Vậy nếu em thi khối A ngành Quản lí đô thị của trường Kiến trúc Hà Nội thì học một năm em muốn xin sang ngành kiến trúc công trình có được không ? Và có phải là sinh viên của trường từ khối A sang khối V chỉ cần thi môn năng khiếu nếu đạt điểm vẽ theo yêu cầu thì sẽ được chuyển phải không? (pandas_inthewild@yahoo.com)
Theo quy định tuyển sinh chung của trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội, thí sinh trúng tuyển ngành học nào sẽ phải học ngành đó, không được phép chuyển sang ngành khác. Vấn đề của em càng khó khăn hơn vì đây là hai khối thi khác biệt nhau nên không có sự đánh giá để chuyển đổi do liên quan đến điểm chuẩn và môn thi.
Em muốn hỏi là: cháu đăng ký khối A và D của 1 trường đại học tưởng vẫn được chứ ạ? Em đọc được thắc mắc của 1 bạn về vấn đề này thì Ban tư vấn bảo không được. Vậy thi 2 khối có được không? (linhanhanh@gmail.com)
Có thể do sự nhầm lẫn nào đó nên thông tin em đọc được ở trên chưa chính xác. Xin khẳng định lại với em: Do khối A và D được tổ chức ở hai đợt thi khác nhau (nghĩa là không trùng về thời gian dự thi) nên em hoàn toàn có thể dự thi được cả hai khối này.
Việc em đăng ký nhiều bộ hồ sơ vào các khối thi hoặc các ngành của một trường ĐH nào đó là quyền của em. Không có quy định nào cấm thí sinh nộp nhiều hồ sơ.
Hiện em đang học cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh, nếu em thi liên thông đại học ngành kế toán, khác ngành đang học thì liệu có được không? Em có phải học bổ sung kiến thức ngành Kế toán trước khi thi tuyển không? Nếu có thì em sẽ phải học bổ sung như thế nào? (saobangx89@gmail.com)
Theo quy định đào tạo liên thông, em chỉ có thể dự thi lên với đúng hoặc gần đúng với ngành mình đã tốt nghiệp trước đó. Khái niệm gần đúng ở đây có thể hiểu theo nghĩa các chuyên ngành hẹp trong cùng một ngành. Em tốt nghiệp ngành QTKD nên không thể dự thi liên thông lên ngành kế toán vì đây là hai nhóm ngành hoàn toàn khác nhau.
Em hiện đang là học sinh lớp 12. Em muốn hỏi trường đại học Y Hà Nội có hệ cao đẳng không? Nếu có thì điểm tuyển sinh cụ thể là như thế nào? (goodlifesmile@gmail.com)
Đến thời điểm hiện tại, trường ĐH Y Hà Nội chưa đào tạo hệ CĐ. Trường chỉ đào tạo bậc ĐH và sau ĐH.
Xin hỏi tôi đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý lớp 12 THPT năm 2011. Vậy Trường Học viện Cảnh sát nhân dân có xét điểm sàn không? Hình thức xét như thế nào? (quachhieu69@gmail.com)
Học viện Cảnh sát nhân dân tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Để được ưu tiên xét tuyển vào trường, em bắt buộc phải tham dự kì thi do HV Cảnh sát nhân dân tổ chức. Theo Ban tư vấn được biết thì những năm qua HV Cảnh sát nhân dân chỉ ưu tiên bằng hình thức cộng điểm khuyến khích.
Em đang băn khoăn về việc điểm vùng. Gia đình em ở Tây Ninh nhưng vì 1 vài lý do riêng nên năm lớp 11 và 12 em xuống TPHCM học và tốt nghiệp THPT tại TPHCM. Năm 12 em không có điểm vùng thi ĐH. Do năm 2010 em thi rớt năm 2011 em thi lại. Vậy ban tư vấn cho em hỏi nếu em chuyển về ôn thi tại Tây Ninh như năm nay thì e có được điểm vùng không? Hay là em không được điểm vùng vì tốt nghiệp THPT tại TPHCM như năm 2010?(bloodoftheorc2712@yahoo.com)
Em nên lưu ý điều này, đối với học sinh phổ thông (bao gồm cả thí sinh tự do) điểm ưu tiên khu vực không tính theo hộ khẩu thường trú mà tính theo khu vực cư trú của trường THPT em học trước đó. Như vậy về điểm ưu tiên khu vực của em vẫn giữ nguyên như năm 2010. Nếu năm trước em không có điểm ưu tiên khu vực thì năm nay cũng vẫn như vậy.
Cho em hỏi, trong các bài thi môn Toán hoặc Địa em có thể dùng bút chì để vẽ đồ thị hoặc biểu đồ không? (gamap_cute@yahoo.com.vn)
Theo quy chế thi, thí sinh không được phép sử dụng hai loại mực để làm bài thi. Nếu vi phạm được liệt vào danh sách đánh dấu bài thi và xử lý theo quy chế. Bút chì chỉ được phép dùng khi em vẽ hình tròn. Đối với vẽ đồ thị và biểu đồ thì không được phép sử dụng. Em có thể vẽ phác bằng bút chì sau đó tô lại bằng bút bi. Sau khi tô xong em dùng tẩy phần bút chì đi là được.
Cho em hỏi về mã ĐKDT ghi như thế nào? Em xem trong danh sách họ nói nếu có hộ khẩu thường trú tại đó thì ghi 99, còn nếu không thì ghi như thế nào? (blaa_oh@yahoo.com)
Mã ĐKDT là một quy ước trong công tác tuyển sinh để dễ quản lý hồ sơ của thí sinh. Liên quan đến mã này em chỉ cần nhớ như sau:
- Nếu em nộp hồ sơ ĐKDT tại nơi mình có hộ khẩu thường trú thì mã đơn vị ĐKDT sẽ theo quy định của từng Phòng GD-ĐT em nộp. Em có thể hỏi cán bộ tuyển sinh nơi nộp hồ sơ để biết mã này.
- Nếu em nộp hồ sơ ĐKDT tại nơi mình không đăng ký hộ khẩu thường trú thì mã đơn vị ĐKDT được xác định là mã vãng lai. Đối với mỗi tỉnh thì chỉ có 1 mã vãng lai duy nhất (trừ TPHCM là có 2 mã). Mã vãng lai của các tỉnh được ghi chi tiết trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011".
- Nếu em nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ thì mã ĐKDT được quy ước chung là 99.
Ngoài ra nếu em nộp hồ sơ ĐKDT tại văn phòng đại diện của Bộ GD-ĐT ở TPHCM thì mã được quy định là 98.
Em thi trường ĐH Tôn Đức Thắng không đậu, giờ em muốn xét vào hệ Cao đẳng của trường HV Công nghệ Bưu chính Viễn Thông có được không? Và cần những hồ sơ như thế nào? (tuanvu1368@gmail.com)
Do em không nói rõ nên Ban tư vấn giải thích thành hai khía cạnh như sau:
Nếu em sử dụng kết quả thi năm 2010 để xét tuyển vào hệ CĐ trường HV Công nghệ Bưu chính vào thời điểm này là không thể được. Kết quả tuyển sinh năm 2010 đến nay coi như là không còn giá trị (trừ các trường hợp bảo lưu kết quả).
Nếu em sử dụng kết quả năm 2011 thì hoàn toàn được phép. Để được xét tuyển vào hệ CĐ của trường HV Bưu chính em phải đáp ứng hai điều kiện: Có điểm thi đạt từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên để được cấp giấy chứng nhận điểm thi số 1 và số 2. Điểm thi phải đạt từ mức điểm nhận hồ sơ mà nhà trường đưa ra.
Em đáp ứng được cả hai điều kiện này thì có thể điền thông tin đầy đủ vào phiếu số 1 để làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào hệ CĐ của trường. Xin lưu ý với em, hầu như NV2 hệ CĐ đều là chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách. Chính vì thế ngoài hồ sơ xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT thì em phải làm đơn xin cam kết chấp nhận mức học phí mà nhà trường đưa ra.
Em là thí sinh tự do có hộ khẩu ở Bắc Giang, em muốn dự thi một trường ĐH trong TPHCM. Vậy em phải làm những gì? (nộp hồ sơ như thế nào, tại đâu và nếu được chấp nhận thì em có được thi tại cụm miền Bắc thay vì vào trong Nam không?) (copekeomut307@gmail.com)
Trước hết về việc nộp hồ sơ ĐKDT thì dù thi trong Nam hay ngoài Bắc thì em đều có thể nộp theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nơi mình cư trú. Nếu có điều kiện em có thể đến trực tiếp trường mình dự thi để nộp.
Về việc dự thi em cần phải lưu ý: Không có cụm thi miền Bắc. Chỉ có các cụm thi Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ. Do em có hộ khẩu ở Bắc Giang nên không thuộc 3 cụm thi này.
Việc em có phải vào TPHCM dự thi hay không phụ thuộc vào quyết định ĐKDT vào trường nào. Nếu đó là trường không tổ chức thi thì em có thể mượn một trường ngoài Bắc để dự thi sau đó chuyển kết quả vào trong TPHCM để xét tuyển. Nếu em ĐKDT vào trường có tổ chức thi thì bắt buộc phải vào TPHCM để dự thi.
Theo kênh14
Du học Nhật Bản - Đỉnh cao công nghệ Nghe đến robot mọi người thường hay liên tưởng đến SF phim (Phim khoa học viễn tưởng) và phim hoạt hình. Nhưng tại Nhật Bản việc sử dụng robot đã trở thành quen thuộc. Những bước tiến mới về công nghiệp robot của Nhật Bản Các bạn đã từng xem những bộ phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới của Nhật Bản...