Mẹ Đỗ Nhật Nam chỉ ra 8 điều bố mẹ có con vào lớp 1 thường hay nhầm lẫn khi dạy con
Kiến thức lớp 1 rất đơn giản nhưng có những điều bố mẹ có con chuẩn bị học lớp 1 thường hay nhầm lẫn khi dạy con.
Theo chị Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), người được biết đến nhiều hơn với biệt danh thân mật mẹ Đỗ Nhật Nam, phản đối cho con đọc và viết trước khi vào lớp 1 không có nghĩa là bạn bỏ mặc con. Đồng hành cùng con vào lớp 1, bạn vẫn nên dạy con đánh vần, nhận mặt chữ cái, con số, làm vài phép tính đơn giản… Nhưng trong quá trình hướng dẫn, bố mẹ thường có những nhầm lẫn.
Mẹ Đỗ Nhật Nam đã chỉ ra những điều rất dễ nhầm lẫn khi dạy con học lớp 1 mà bố mẹ nên chú ý:
1. Đọc bảng chữ cái theo tên chữ mà không phải theo tên âm, ví dụ bạn dạy con đọc là a, bê, xê, dê, đê…
Sửa lại: Đọc là: a, bờ, cờ, dờ… Với những trường hợp c, k, q thì đọc là cờ, ka, cu. Nhưng riêng q vì kết hợp chặt với u nên thường dạy chung thành một tổ hợp qu, đọc là “quờ”. G (gờ) và I tạo thành tổ hợp gi (giờ).
Khi hướng dẫn con, bố mẹ nên đọc chuẩn tên nét (Ảnh minh họa).
2. Đánh vần theo kiểu cũ, ví dụ tiếng “thành” đánh vần là t-h a- nờ- anh huyền thành.
Sửa lại: a- nh- anh- thờ- anh- thanh- huyền- thành (đánh vần phần vần trước sau đó ghép với âm đầu, thanh rồi tạo thành tiếng).
3. Lẫn lộn khái niệm CHỮ khác với CHỮ CÁI
Ví dụ chữ “thơ” có ba chữ cái là t, h, ơ và 2 âm là âm th và âm ơ. Như vậy, ÂM có thể do 1 chữ cái hoặc có âm có 2, 3 chữ cái, ví dụ âm th, tr, gi, nh, ngh…
Khi một chữ được đọc lên thì gọi là TIẾNG. Nên khi chỉ vào chữ thì có thể nói: Đây là chữ “thành”. Còn khi đọc thì nói: Mẹ đọc tiếng “thành”.
Video đang HOT
4. Đọc sai tên nét
Luyện cho bé tập tô các nét cũng được (nếu các bé thích), nhưng các bố mẹ cũng cố gắng đọc đúng tên nét: Nét hất, nét móc ngược, nét móc xuôi, nét xổ thẳng, nét cong kín, nét cong hở… Có thể bạn chưa cần dạy bé tên các nét này nhưng mỗi khi con tô, bạn nhắc: Con tô cho mẹ nét móc chẳng hạn thì cũng giúp bé dễ làm quen khi vào lớp 1.
5. Cho con tập tô chữ giữa chừng
Nếu đã thực sự tô chữ thì chỉ tô ít (đừng tham tô nhiều vì sẽ làm bé chán việc học). Nhưng khi đã tô một chữ thì nhất định phải hướng dẫn bé liền tay, đừng tô rồi dừng lại giữa một con chữ sẽ tạo thành thói quen xấu, cô giáo sẽ rất khó sửa.
Bố mẹ hãy giữ cho con cảm xúc vì được dùng một một dụng cụ viết “rất đặc biệt”, ban đầu cứ để con dùng bút chì thôi (Ảnh minh họa).
6. Cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô
Đừng cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô, tập viết: Vào lớp 1, đến hết học kì I cô giáo mới cho dùng bút mực nên bố mẹ hãy giữ cho con cảm xúc vì được dùng một một dụng cụ viết “rất đặc biệt”, ban đầu cứ để con dùng bút chì thôi.
7. Cho con tập tô trên vở không dòng kẻ
Đừng cho con tập tô, tập viết trên các cuốn vở không có dòng kẻ hoặc không phải dòng kẻ có 5 li. Vào lớp 1, các con sẽ viết trên vở có dòng kẻ 5 li, các con sẽ học khái niệm về đường kẻ ngang trên, ngang dưới… vì thế nếu dùng không thống nhất sẽ làm các bé bối rối.
8. Đọc cong lưỡi âm tr, s, r…
Khi đọc cho con, các bạn không cần cố gắng đọc cong lưỡi ở những chữ có phụ âm đầu là gi, tr, s, r trừ trường hợp các bạn ở vùng phương ngữ vốn đã phát âm như vậy. Việc cố gắng cong lưỡi sẽ làm bé cảm thấy khó đọc khi đọc thành tiếng, đọc thiếu tự nhiên. Nên bạn cứ đọc bình thường ( như cách đọc của phát thanh viên người Hà Nội).
Có thể những điều dễ nhầm lẫn trên sẽ khiến các bố mẹ cảm thấy: “Chà, mệt thật đấy”, nhưng chị Phan hồ Điệp cũng nhắn nhủ rằng: “ Các bạn đừng lo, những điều này sẽ được các bé học tự nhiên trong suốt cả năm lớp 1. Và mục đích cuối cùng của giáo dục không phải để khiến cho các phụ huynh có khả năng sư phạm như một giáo viên.
Sẽ chỉ khó tha thứ nếu bạn mắc lỗi này, đó là: Ép uổng con, bắt con phải học cho bằng bạn bằng bè, làm cho con vừa học vừa mếu máo sợ hãi.
Nhưng bạn cũng nhớ: Bỏ mặc con hoặc tặc lưỡi: lớp 1 dễ ợt đấy mà, học kiểu gì chả được… cũng là lỗi đó. Dù sao thì: Lớp 1 ơi, đừng sợ!“.
Theo helino
Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách biến Internet thành thầy của con
Thay vì cấm trẻ dùng iPad hay máy tính, chị Điệp cho rằng phụ huynh nên bên cạnh tương tác với con và đưa ra những điều khoản phù hợp.
Trong buổi ra mắt kho truyện tiếng Việt VMonkey ngày 15/3 tại Hà Nội, chị Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), mẹ Đỗ Nhật Nam, đã chia sẻ cách giúp trẻ sử dụng Internet hiệu quả.
Theo chị Điệp, mạng Internet cũng giống cuộc đời, có phần tốt, phần xấu. "Phụ huynh không thể vì những điều không được tốt đẹp để cấm con tiếp xúc với một thế giới thông tin rộng lớn. Điều đó cũng giống như việc bạn cấm con không được ra đường vì ngoài đường có nhiều hiểm họa", chị Điệp nói và cho rằng thay vì cấm cản, bố mẹ nên dạy con cách vượt qua những thách thức.
Chị Điệp chỉ ra một số thực trạng đang rất phổ biến như bố mẹ ngồi cùng con nhưng ba người dùng ba chiếc điện thoại/Ipad, phụ huynh coi thời gian sử dụng Internet và các thiết bị điện tử làm phần thưởng cho con, hay để trẻ xem điện thoại nhằm bón cơm được nhanh.
Ở những trường hợp này, dù ở bên con, chị Điệp cho rằng nó vẫn là tình trạng bỏ rơi con với thế giới mạng vì bố mẹ không hề biết, không kiểm soát được những gì con đang xem, không quản lý được về mặt thời gian và cũng không chỉ dẫn rõ ràng cho con trong quá trình sử dụng mạng. Điều đó khiến trẻ bị hoang mang hoặc bị dẫn dụ vào những nội dung không tốt.
Chị Phan Hồ Điệp. Ảnh: Dương Tâm
Từ thực tế trên, chị Điệp đưa ra một số lời khuyên dành cho cha mẹ. Đây cũng là những biện pháp chị đã áp dụng trong quá trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam.
Thứ nhất, phụ huynh không nên sử dụng thiết bị điện tử làm phần thưởng cho con hoặc làm công cụ để được rảnh tay hơn trong việc chăm sóc con cái.
Thứ hai, phụ huynh cần đưa ra một cam kết về mặt thời gian sử dụng điện thoại, Ipad hay máy tính với con. Điều này cần được theo dõi nghiêm ngặt hàng ngày. Nếu hôm nay cho con sử dụng 20 phút rồi ngày mai lại thả cho dùng thoải mái thì sẽ không có tác dụng.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên có ghi chú rõ ràng và dán ở vị trí nào đó để con dễ nhận thấy. Chẳng hạn, chị Điệp làm một bản hợp đồng dán ở ngay máy tính Đỗ Nhật Nam sử dụng, trong đó có những điều khoản liên quan đến việc bố mẹ được quyền biết lịch sử mà con đã truy cập và được quản lý về mặt thời gian.
Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội khuyên phụ huynh dạy con đối mặt với những cái xấu vì bất kỳ ai cũng không thể lẩn tránh nó. Chị đưa ra ví dụ về thử thách Momo đang khiến nhiều người lo sợ và cho rằng bố mẹ có thể trực tiếp nói chuyện với con, hỏi xem chúng cảm thấy thế nào về nhân vật này, sẽ làm gì khi tình cờ bắt gặp khi vào Internet hay nghĩ sao khi bắt gặp những thử thách mang tính dẫn dụ làm điều tổn hại đến bản thân...
Cuối cùng, chị Điệp nhấn mạnh bố mẹ cần luôn luôn ở bên cạnh để đặt câu hỏi về những gì con đã thực hiện hoặc đã làm trên Internet. "Đó không chỉ là cách để giúp con hạn chế tiếp xúc với nội dung xấu mà còn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe chia sẻ từ con", chị nhận định.
Mẹ Đỗ Nhật Nam cho biết luôn cho con 20 phút trước giờ học để vào Internet xem bất kỳ điều gì mà không có bố mẹ ở cạnh. Tuy nhiên, sau 20 phút đó, chị sẽ yêu cầu con nói cho nghe về một bài báo, một công thức nấu ăn hay bài phát biểu của ai đó mà con đã xem. Nếu không hoàn thành, con sẽ bị cắt 20 phút sử dụng Internet vào ngày hôm sau. Nhờ đó, dù xem cái gì, trẻ cũng nhớ nhiệm vụ mẹ đã giao. Và khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng lại hứng khởi hơn để bắt đầu việc học vào buổi tối của mình.
"Đỗ Nhật Nam không đi học tiếng Anh ở ngoài nhiều mà chủ yếu là học trên mạng. Vì vậy, tôi biết ơn thế giới mạng vì đã cho con những người thầy tốt", chị Điệp nói. Tuy nhiên, chị không khuyến khích trẻ dùng Internet quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến mắt của con. Trẻ từ 3 đến 6 tuổi chỉ nên sử dụng không quá 20 phút mỗi ngày và cần thời gian để hoạt động thể chất.
Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu "Dịch giả nhỏ tuổi nhất" năm 7 tuổi, "Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất" năm 11 tuổi.
Năm lớp 1, Nam đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers (15/15). Năm lớp 2, Nam thi TOEIC đạt 940/990 điểm và thi TOEFL ITP đạt 617 điểm. Lớp 5, Nam đạt 8.0 IELTS với điểm Reading đạt tuyệt đối (9.0). Hiện Nam là du học sinh Mỹ.
Chị Phan Hồ Điệp được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giáo dục và định hướng việc học tiếng Anh cho Đỗ Nhật Nam. Ngoài là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện chị còn là giám đốc dự án VMonkey - một ứng dụng đang có 200 truyện tiếng Việt và 100 truyện audio.
Dương Tâm
Theo VNE
Chân dung chị Phan Hồ Điệp - người mẹ đứng sau thành công của 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam Mới đây, thông tin thần đồng Đỗ Nhật Nam đã xuất sắc tốt nghiệp THPT Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ) đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng có lẽ người tự hào hơn cả là chị Phan Hồ Điệp - điểm dựa tinh thần làm nên Đỗ Nhật Nam hôm nay. Vậy là cậu bé "thần đồng" Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ...