‘Mẹ’ của 12 trẻ khuyết tật
Khi cô giáo đang giảng bài, dưới lớp có em ngồi co chân lên ghế, em ngủ, em đứng nói luyên thuyên… Đó là cảnh bình thường trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hội, Trường tiểu học Sơn Lạc, H.Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Lớp học của cô Nguyễn Thị Hội – ẢNH: VŨ THƠ
Làm công việc mà nhiều người từ chối
Cả 12 học sinh (HS) từ 6 – 14 tuổi trong lớp học của cô Hội đều bị khuyết tật nặng và có những thói quen không giống ai.
Chúc Minh Đức bị nhũn não bẩm sinh, kết hợp câm điếc, khi đến lớp chỉ đòi ngồi vào lòng cô giáo. Ma Văn Khánh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ, nghịch ngợm, luôn chạy nhảy, không ngồi yên một chỗ. Lâm Thùy Nhung bị liệt 2 chân, không có cơ vòng hậu môn, không làm chủ được việc đại tiện. Chúc Thị Hoa đã đến tuổi dậy thì nhưng cũng không tự chăm sóc được bản thân do thiểu năng trí tuệ. Còn 1 em bị bệnh huyết tán, hằng tháng gia đình phải đưa đi lọc máu…
Cả 12 HS trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em thuộc hộ nghèo, không có tiền chữa bệnh. “Tuy vậy, những lúc bên các em tôi thấy rất vui vẻ, yêu công việc mà nhiều người từ chối làm”, cô Hội tâm sự.
Kể về cơ duyên đến với nghề dạy học trẻ khuyết tật, cô Hội cho biết khi mới ra trường (năm 1989) cô có 5 năm dạy ở một trường vùng sâu của H.Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, cô được chuyển về Trường tiểu học Sơn Lạc (xã Kim Phú, H.Yên Sơn) công tác. Từ năm 2008, cô bắt đầu nhận dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật của trường, rồi gắn bó với các em từ đó đến nay. Nhiều năm liền cô được công nhận giáo viên giỏi cấp trường. “Dạy HS khuyết tật rất vất vả vì không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em biết tự phục vụ. Dạy HS bình thường ở lớp 1 đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần kiên trì, có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm… đối với HS”, cô Hội chia sẻ.
Video đang HOT
Từ tình yêu thương của cô Hội, nhiều em đã tiến bộ và khôn lớn. “Với nhiệm vụ dạy chữ, ban đầu cháu viết chữ rất to, có cháu cả năm chỉ hoàn thiện được một chữ cái, sau đó cháu đã viết được chữ nhỏ như các cháu khác và nét chữ rõ ràng, tròn trịa, khá đẹp. Có những em như Nhung và Khánh rất ham học và học rất nhanh, nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá trong học tập”, cô Hội tự hào kể.
Yêu học sinh như con
“Khi được chuyển về dạy học ở Trường tiểu học Sơn Lạc, khó khăn chồng chất, cha lâm trọng bệnh, gia đình tôi phải bán hết nhà đất lo chữa bệnh mà ông cũng không qua khỏi. Chồng tôi cũng do lao động quá sức mà lâm bệnh chết, bỏ lại cho tôi đứa con trai cùng mẹ già ốm nằm liệt một chỗ. Nơi ở không có, mẹ con tôi thuê một căn nhà để ở. Nhưng nhờ sự yêu thương đùm bọc, hỗ trợ của đồng nghiệp, công đoàn nhà trường mà nay mẹ con tôi cũng có căn nhà để ở, tôi cũng yên tâm công tác hơn”, cô Hội chia sẻ.
Điều trân trọng ở cô Hội là dù hoàn cảnh éo le nhưng cô vẫn hết lòng giúp đỡ các HS, chăm lo cho các cháu như con của mình. Sáng sáng cô đến trường sớm hơn đồng nghiệp để đón em Đức vì mẹ em bán hàng ăn sáng, gửi con rất sớm; dành tiền lương của mình mua bỉm hằng tháng cho em Nhung… Mỗi lần HS bị bệnh, cô đều trích tiền lương thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, khi có những biến cố xảy ra với các em, cô cũng đau đớn như những người đã sinh ra chúng.
“Có một kỷ niệm buồn mà tôi không bao giờ quên, đó là em Triệu Phúc Lập bị tim bẩm sinh, không có vách ngăn, hở van tim. Tình trạng bệnh của em không thể phẫu thuật được, thời gian em ốm nhiều hơn đi học. Nhưng Lập rất thích học và là một HS ngoan, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Gia đình em lại quá khó khăn. Mỗi lần em đi truyền máu, tôi và các thầy cô trong nhà trường cũng đã quyên góp để giúp đỡ. Nhưng sau nhiều năm chạy chữa, kinh tế gia đình không còn, tình trạng bệnh xấu đi. Đến ngày 7.3.2017 em đã ra đi mãi mãi…”, cô Hội xúc động kể lại.
Với sự tận tụy vì học sinh khuyết tật, cô Nguyễn Thị Hội sẽ được tôn vinh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp 20.11 năm nay.
Theo thanhnien
Học văn có lăn tăn?: Những tiết học 'nối văn với đời'
Nếu không hữu dụng tức thì cho việc làm văn thì cũng là bài học sống để dạy chữ không xa với dạy người... Đó là mong muốn của giáo viên dạy văn luôn trăn trở với nỗi lo học sinh sẽ không còn thấy môn học này cần cho cuộc sống.
Học sinh học trồng lúa để hiểu hơn những câu ca dao, tục ngữ về nông thôn - LẠI PHÚC
Cô giáo "tiếp thị" cho môn văn mỗi ngày
Theo cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), người thầy phải như nhà "kinh doanh", sống còn với sản phẩm của mình. Với tâm niệm ấy, cô Kim Anh chia việc "tiếp thị" môn văn với học sinh (HS) thành các bước cụ thể để các em thấy được sự cần thiết và bổ ích của văn học. Làm sao để người học cần thấy vui với niềm vui được hiểu biết và có thể vận dụng trong đời sống. Sau đó mới bàn tới khoái cảm văn chương, khoái cảm thẩm mỹ...
Mỗi học kỳ, cô đều cố gắng tổ chức cho HS 2 buổi học thực tế. Cô đưa học trò đi thăm bảo tàng văn học, nhà lưu niệm nhà thơ, thăm mộ nhà văn, dự ngày thơ VN, các lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà văn do Hội Nhà văn tổ chức. Nếu khó sắp xếp, cô tham dự rồi quay, chụp ảnh để cài vào bài dạy cho HS. Đó cũng là cách làm sống động bài dạy và tạo ấn tượng cho học trò.
Học để ứng phó với thực tế cuộc sống
Với trẻ thành phố, những hình ảnh về người nông dân "một nắng, hai sương", cây lúa, con trâu, cánh đồng trong các câu ca dao, tục ngữ càng trở nên xa lạ với cuộc sống hiện đại. Vậy làm sao để HS có thể biến những kiến thức sách vở khô cứng ấy trở nên sống động và thực sự có cảm xúc khi nghe đến bài ca dao: "Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"...
Từ trăn trở ấy, thầy cô Trường phổ thông liên cấp Olympia hiểu rằng không bài học nào, lời giảng nào quý giá bằng những kiến thức do chính HS đúc kết được thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế.
Vì vậy, các thầy cô đã thực hiện dự án học tập tích hợp liên môn, trong đó có môn văn với chủ đề "Tìm hiểu nền nông nghiệp lúa nước" kéo dài suốt 8 tháng (từ 12.2017 - 8.2018) dành cho HS khối 11 tại một xã ngoại thành của Hà Nội.
Tham gia dự án, HS sẽ trở thành những người nông dân thực thụ khi trực tiếp thực hiện tất cả các công đoạn như: gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, gặt, phơi thóc, xay xát... Quá trình thực hiện dự án là cơ hội để HS chiêm nghiệm lại các kiến thức đã học trong các tác phẩm văn học viết về nông thôn và người nông dân. Ngoài ra, HS còn phải tính toán, lên kế hoạch tài chính để giải bài toán kinh tế chi phí đầu vào - đầu ra (bán thành phẩm có lãi). Điều quan trọng và ý nghĩa nhất của dự án là số tiền lãi thu được sẽ sử dụng trong các hoạt động phục vụ cộng đồng. Đây là một trong những nội dung giáo dục của nhà trường, hướng HS tới cách ứng xử văn minh, nhân hậu, xem xét bản thân với tư cách là một thành viên của cộng đồng.
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, HS khối 10 được tìm hiểu về văn học dân gian (vè, ca dao, dân ca, tục ngữ) qua dự án học tập mang tên "Hội xuân làng Chòng". HS có chuyến đi về quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh) để trực tiếp tìm hiểu và trải nghiệm không gian văn hóa làng quê Bắc bộ xưa với những làn điệu dân ca quan họ trữ tình do chính các liền anh, liền chị thể hiện...
Với những bài học như vậy, HS không chỉ được thu nạp kiến thức sách vở mà còn được vận dụng kiến thức của nhiều môn học vào trong các hoạt động, sự việc cụ thể nhằm phát huy sự sáng tạo, chủ động ứng phó với mọi tình huống thực tế của cuộc sống.
Học văn qua mạng xã hội
Hơn 10 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Quang Trung và tổ xã hội của Trường THPT chuyên ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã áp dụng phương pháp "trả tác phẩm về cho HS" để dạy môn ngữ văn.
Với phương pháp học này, mỗi lớp được chia làm 2 nhóm để chuẩn bị về một tác phẩm trong khoảng 2 tuần tới 1 tháng theo các ban: Ban tiểu phẩm có nhiệm vụ dàn dựng tiểu phẩm khoảng 10 phút dựa vào nội dung tác phẩm thành kịch nói, múa, hát, ngâm thơ, nhạc kịch, thời trang, hoạt cảnh... Ban đạo cụ chuẩn bị trang phục, phông màn, trang trí cho tiết mục. Ban tiểu luận có trách nhiệm soạn thảo văn bản phần nội dung tiểu luận, cuộc đời, sự nghiệp của tác giả; về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, phân tích đánh giá về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ban hội thảo chịu trách nhiệm về những câu hỏi thảo luận xung quanh tác giả, tác phẩm và chủ trì buổi thảo luận. Sau đó, mỗi nhóm sẽ trình bày trước lớp "tác phẩm của mình".
Còn tại Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội), các thầy cô giáo còn áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới để việc "học đi đôi với hành". Ngoài ra, học văn qua Facebook cũng là một phương pháp được nhiều HS hứng thú. Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên dạy văn của trường này, cho biết: "Các thầy cô giáo sẽ chia lớp thành từng nhóm để lập và quản lý các trang Facebook của một tác giả văn học nào đó. Muốn có được những dòng trạng thái (status) hay, HS phải tự tìm kiếm trên internet, qua sách báo... Như thế, nội dung của những tác phẩm văn học sẽ được HS tiếp thu qua quá trình sàng lọc thông tin mà không phải ngồi học thuộc lòng như cách học văn cũ".
Theo thanhnien
Cô giáo mỉm cười khi bị... học trò đánh Ở các ngôi trường phổ thông khác, cô giáo bị học trò đánh là 'chuyện động trời' nhưng với cô Phạm Thị Thảo (giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai Huế) lại là chuyện thường ngày. Và mỗi lần như vậy, cô chỉ mỉm cười dỗ dành các em... Cô giáo Phạm Thị Thảo cùng những học trò đặc biệt - BÙI NGỌC...