Mẹ chồng lôi dâu Hà Nội về quê để ‘cải tạo’
Mỗi lần lên thành phố thăm con trai, mẹ chồng Lam lại lắc đầu thở dài với nàng dâu người Hà Nội. Cái gì của cô, bà cũng thấy cần uốn nắn.
Dâu Hà Nội “du học” ở quê
Có một dạo, bạn bè thấy Lam (27 tuổi, Hà Nội) mất tăm mất dạng, không online trên Yahoo, không “chém gió” hay “show hàng” trên Facebook, điện thoại khi tắt, khi không nghe máy. Đến nửa tháng, cô bạn trong nhóm mới nhận được điện thoại của Lam. Đáp lại một lố câu hỏi, Lam bảo: “Tao đang đi du học”, Lam đáp.
“Cái gì? Đi du học mà như đi ăn trộm thế hả? Im lặng biến mất, không một lời từ biệt. Thế mày đi nước nào?”. “Tao đi Thái mày ạ, Thái Nguyên ý”.
Thái Nguyên là quê chồng Lam, nơi bố mẹ chồng đang sống. Huyền đã ở đây hơn 2 tuần, không có chồng bên cạnh, và đang ngày đêm tính kế để sớm quay lại Hà Nội. Lý giải chuyện lạ lùng này, Huyền kể: “Đợt ấy tao ốm, ông xã thì đang vào đợt bận điên cuồng ở công ty. Chẳng hiểu sao mẹ chồng biết mà lên thăm. Rồi bà ngon ngọt dỗ tao về quê chơi ít hôm để bà chăm sóc, không khí ở quê thoáng đãng này nọ, rằng đằng nào tao cũng đang thất nghiệp, ông bà ngoại thì bận một lũ cháu làm sao chăm tao được…”
Lam chẳng đời nào muốn về ở nhà chồng, nhất là khi không có chồng đi cùng, nhưng mẹ chồng nói tha thiết quá, ông xã cũng thuyết phục là đi ít hôm để thắt chặt tình cảm gia đình, nể quá nên cô đành đồng ý.
Những ngày ở quê, Lam bận rộn từ sáng đến tối, không có lúc nào được trốn riêng ra một chỗ để vào mạng hay gọi điện kêu than với bạn bè. (ảnh minh họa)
Video đang HOT
Về đến quê, sau vài ngày nghỉ ngơi, Lam mới nhận ra rằng mẹ chồng đưa cô về đây không phải để chăm sóc mà là để dạy dỗ, vì trong mắt bà, làm vợ, làm dâu như cô là chưa được. Ai đời vợ gì bắt chồng gấp quần áo, vợ gì suốt ngày ôm lấy cái máy tính, cơm nấu quấy quá mấy món cốt cho nhanh, sểnh ra là rủ chồng đi ăn tiệm, nhà cửa thì tanh bành. Con dâu gì mà chả nhớ nhà chồng có những ngày giỗ nào, mẹ chồng ăn chưa xong đã mang bát đũa của hai vợ chồng đi rửa… Bà đã nhẹ nhàng nhắc nhở mấy lần rồi, mà nàng dâu vô tư cứ vâng dạ rồi để đó.
Những ngày ở quê, Lam bận rộn từ sáng đến tối, không có lúc nào được trốn riêng ra một chỗ để vào mạng hay gọi điện kêu than với bạn bè. Sáng cô phải dậy cùng mẹ chồng quét dọn sân vườn, nấu bữa sáng. Dọn rửa xong xuôi, mẹ chồng lôi đám quần áo đứt khuy, tuột chỉ của cả nhà ra khâu vá, bảo Lam ngồi cạnh xâu kim hộ, nhưng thực chất là để bà tỉ tê trò chuyện, bảo ban. Mỗi ngày một tí, bà kể việc họ hàng, những lề thói, phép tắc, chuyện về chồng Lam, những sở thích của anh …
Sau đó hai mẹ con ra vườn tưới rau, hái rau, rồi lại cơm nước…, cứ loay hoay cũng mất cả ngày. Có thời gian rảnh, mẹ chồng lại dắt Lam đi chơi nhà họ hàng, làng xóm… Lam chẳng phải làm gì vất vả, nhưng lúc nào cũng có mẹ chồng kè kè bên cạnh, đêm cũng ngủ cùng. “Muốn thức xem tivi thì mẹ bảo đi ngủ sớm cho khỏi hại nhan sắc, mà ti vi ở quê cũng chẳng có gì hay để xem. Nằm cạnh mẹ chồng, làm sao mà online chat chit được, bà khó ngủ. Hôm nay bà có việc đi vắng, tao mới gọi buôn với mày được”, Lam nói với bạn.
Mấy lần Lam xin quay lại Hà Nội, nhưng mẹ chồng bảo cô không phải đi làm thì vội gì, cứ ở quê nghỉ ngơi, chơi với mẹ. Mẹ nói khéo quá, cô chẳng từ chối được, nên cứ thế ở hơn một tháng. Trước vẻ nhăn nhó kêu than của vợ ngày quay lại Hà Nội, chồng Lam cười nhăn nhở: “Em chả muốn giảm cân còn gì? Bây giờ dáng em gọn đi thấy rõ, mắt lại còn long lanh, không lờ đờ như trước nhé”.
Nhắc với bạn bè về những ngày “du học” ở Thái Nguyên, Lam thường lè lưỡi. Thế nhưng cô cũng thầm thừa nhận là cô học được nhiều từ mẹ chồng và ngày càng gần gũi với bà hơn.
Cơn ác mộng ở quê chồng
Cũng được mẹ chồng “mời” về quê để chăm sóc nhưng những ngày ở đây đối với Kiều Linh lại là cơn ác mộng.
“Hồi đó tôi mới sinh con. Vợ chồng con cái vẫn ở với ông bà ngoại ở Hà Nội, nhưng khi tôi sinh xong thì bố mẹ chồng lên xin phép đón con dâu và cháu về quê chăm sóc mấy tháng, vì ông bà ngoại còn bận đi làm. Lúc đó bố mẹ tôi chưa về hưu nên bận thật, nhưng đã thuê osin nên chả vấn đề gì. Có điều, bố mẹ nghĩ tôi cũng nên đưa con về nội ở ít lâu mới phải đạo, nên đồng ý ngay”, Kiều Linh kể.
Cũng được mẹ chồng “mời” về quê để chăm sóc nhưng những ngày ở đây đối với Kiều Linh lại là cơn ác mộng. (ảnh minh họa)
Quê chồng của Linh là một thị xã cách Hà Nội gần 200 cây số. Ngay từ ngày đầu tiên, mẹ chồng đã rũ bỏ vẻ ngọt ngào lâu nay, hiện nguyên hình là một bà thái hậu khắc nghiệt, trút lên đầu nàng dâu đang ở cữ cả một đống quy tắc mà cô phải thuộc nằm lòng một khi muốn làm dâu nhà này. Nói là về cho mẹ chăm, nhưng Kiều Linh dù mới sinh vẫn phải tự làm các việc cho bản thân và em bé, vì bà giúp việc không được phép theo về quê chồng. Việc nào cô cũng phải làm dưới con mắt săm soi của mẹ chồng và việc nào cũng bị chê bai, chỉnh huấn.
Đêm, cô một mình đánh vật với những cơn quấy khóc của thằng bé thích thức đêm, nhưng hễ nó khóc là cô lại bị mẹ chồng đay nghiến với những từ “mẹ quạ mổ”, “vụng thối vụng nát”… Dù bận bịu với con nhỏ, Linh vẫn bị mắng mỏ vì là con dâu mà không phục vụ bố mẹ chồng, không chăm sóc em chồng, rằng cô mang cái bản mặt tiểu thư lá ngọc cành vàng về đây cho ai xem…
Một lần, Linh nghe được mẹ chồng nói chuyện với bà dì: “Tôi phải cho nó nếm mùi một chút, kẻo lại quen thói tiểu thư sung sướng, không biết kính trọng nhà chồng. Nó lấy thằng Cường nhà này mấy năm rồi nhưng cứ ở ru rú Hà Nội, có phải làm dâu như chị em mình đâu”. Và thêm nhiều câu nói, nhiều tình huống nữa, Linh hiểu ra, sở dĩ trước đây mẹ chồng ngọt nhạt với cô vì hai vợ chồng ở với nhà ngoại, bà không tiện thể hiện quyền lực. Mẹ chồng cô cảm thấy không cam lòng nếu như không để cô nếm trải chút ít cái gọi là đời làm dâu.
Cắn răng chờ hết 4 tháng thai sản, Linh như muốn sụp xuống khi bố mẹ chồng tuyên bố rằng thằng bé còn quá non nớt, cô phải xin cơ quan nghỉ thêm 2 tháng nữa. Tưởng đã có thể về Hà Nội, nay nghĩ đến 2 tháng đằng đẵng trước mặt, cô thấy kiệt sức và không còn khả năng chịu đựng. Vì thế, được thêm 2 tuần, Linh gọi điện cho chồng, bảo nếu muốn vợ vào trại điên thì cứ để cô ở đây đến lúc nào cũng được. Chồng Linh vội trở về, thấy vợ thần sắc tệ hại, chán chường như không còn thiết sống thì sợ quá, vì anh cũng đã nghe nói nhiều về chứng trầm cảm sau sinh. Thế là anh phải tìm cớ để đưa vợ con về Hà Nội.
Sau trận ấy, Kiều Linh sợ mẹ chồng như sợ cọp. Có điều càng sợ, cô càng cố sức né tránh, bất đắc dĩ mới dám về quê, về rồi lại xúi chồng kiếm cớ đi ngay. Những tháng ngày “đi cải tạo” lúc mới sinh khiến hai tiếng mẹ chồng – nàng dâu đối với cô trở nên đáng hãi hùng hơn mọi thứ.
Theo Eva
Mẹ chồng dọa đuổi vì tôi chỉ sinh con gái
Ngày nào mẹ chồng cũng nói mãi chuyện con cái khiến đứa con dâu như tôi mệt nhoài, kiệt sức. Mẹ mong cháu bế từng ngày còn vợ chồng tôi thì cũng áp lực nặng nề. Và rồi, sau bao cố gắng, tôi sinh được đứa con gái kháu khỉnh, mẹ cũng vui nhưng có vẻ không hào hứng lắm. Mẹ muốn, đứa cháu đầu lòng phải là con trai, để có người nối dõi, để sau này không phải lo nghĩ chuyện thờ phụng.
Bản thân tôi thì không quan trọng chuyện trai gái, con cái là của trời cho, con nào cũng là con. Nhiều người mong có con còn chẳng được nói gì chuyện lựa chọn giới tính. Vì thế mẹ tỏ ra bất đồng ý kiến với tôi và lâu dần trở thành ác cảm. Mẹ không thích tôi nói con nào cũng được, mẹ yêu cầu tôi nhất định phải sinh con trai, làm cách nào cũng được. Mẹ còn nói ý tứ rằng, nếu không sinh được con trai, mẹ sẽ cho chồng tôi lấy vợ hai, sinh bằng được thằng cháu trai cho mẹ thì thôi.
Nghe mẹ nói mà tôi xót lòng. Cháu gái hay cháu trai đều là cháu của mẹ, sao mẹ có thể đối xử như vậy. Thật không may, đứa con tôi sinh ra là con gái, thế nên từ đó tôi bị mẹ chồng ghẻ lạnh, khó chịu và soi mói tôi từng ly từng tí một. Bất cứ công việc gì mẹ cũng để ý xem tôi làm có tốt không. Mẹ luôn luôn nói bóng gió ngay cả trong bữa cơm. Mẹ lấy ví dụ gia đình một người bạn mẹ quen, người ta có cháu trai đầu lòng, con dâu ngoan ngoãn, kiếm tiền giỏi này nọ. Dù mẹ không nói thẳng ra nhưng ai cũng có thể hiểu rằng mẹ đang ám chỉ tôi không biết sinh còn, còn không ngoan ngoãn lại chẳng giỏi kiếm tiền. Chuyện kiếm tiền là do chồng, vợ có kiếm được nhiều là chuyện tốt chứ có phải trụ cột gia đình đâu mà mẹ đòi hỏi như thế. Lẽ ra mẹ nên trách con trai của mẹ không giỏi kiếm tiền thì tốt hơn.
Nghe mẹ nói mà tôi xót lòng. Cháu gái hay cháu trai đều là cháu của mẹ, sao mẹ có thể đối xử như vậy. (ảnh minh họa)
Tôi có con gái, chưa bao giờ mẹ bế cháu, lúc nào mẹ cũng cau có mặt mày mỗi khi cháu khóc. Có lẽ không vì tôi bất đồng quan điểm với mẹ thì mẹ cũng không ghét cháu gái đến thế. Đằng này một phần là do mối quan hệ mẹ chồng con dâu không tốt.
Càng thấy mẹ chồng gay gắt tôi càng không muốn sinh con. Thú thực, cũng vì hành động đó của mẹ mà tôi luôn nghĩ, phải chăng sinh con gái là sai lầm, là khổ cho con cái sau này. Không phải vì mẹ mà tôi muốn sinh đứa con trai, chỉ vì tôi nghĩ, sau này con gái lớn lên cũng phải chịu cảnh làm dâu như tôi thì thật cùng cực.
Từ ngày đó, tôi chẳng nói với mẹ lời nào. Dù chuyện trai gái thế nào đi chăng nữa tôi cũng mặc kệ. Con cái là cái số, ông trời cho thế nào thì cho. Dù mẹ có bắt chồng bỏ tôi vì không sinh được con trai thì tôi vẫn phải chấp nhận, chỉ thương cho con gái của tôi sau này mà thôi.
Theo Eva
Tôi còn phải đi trăng mật với mẹ chồng Ngày chúng tôi dự tính đi trăng mật, tôi hoảng vì mẹ chồng xin đi cùng. Đọc bài viết &'trăng mật 3 người' của bạn tôi thật sự thấy bức xúc. Hành động của vợ bạn thật khó chấp nhận, sao trên đời lại có người vợ muốn đi trăng mật cùng với các anh chị trong cơ quan? Theo tôi thấy đúng...