Mẹ cho con đi bộ về nhé!
Tôi vẫn nghĩ, con gái tôi bé thế, tính tình nhút nhát chắc khó mà biết đi bộ tới trường. Thế nhưng con đã gây bất ngờ khi mẹ đến đón, con nói: “Mẹ đi về trước đi, con thích đi bộ về cơ”. Vậy là tôi phóng xe đi chầm chậm phía trước, liên tục quay lại theo dõi xem con đi bộ ra sao…
Trẻ con thời nay thật sung sướng, được bố mẹ chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từng li từng tí. Các gia đình có điều kiện kinh tế, ít con cháu nên ông bà, bố mẹ dồn hết tình yêu cho con, cho cháu. Trẻ con chỉ việc học, chơi, không cần động tay vào việc nhà. Cha mẹ nghĩ đơn giản, chẳng cần phải lo xa chuyện dạy con việc nhà, việc chăm sóc bản thân, trẻ lớn khắc biết làm hết.
Suy nghĩ này thật sai lầm vì những đứa trẻ quen dựa dẫm luôn chờ đợi ông bà, bố mẹ phục vụ. Nhiều đứa trẻ quen được chiều chuộng, không thích lao động dù là tự chăm sóc chính bản thân mình, lo ăn uống, đi học, luôn ỷ lại vào gia đình. Bố mẹ đến lúc cáu gắt, bực tức gọi con là “ gà công nghiệp”, trách mắng con vô tâm, vô cảm, lười biếng mà con vẫn khó lòng thay đổi.
Tôi nói với các con, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, trong gia đình bất cứ ai cũng phải lao động, làm việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe. Dạy con biết làm việc nhà, con hiểu được mẹ đã phải vất vả hàng giờ trong bếp mới có bữa cơm ngon. Tôi phân công các con làm việc nhà: Anh lớn giúp mẹ nấu cơm, đổ rác, rửa bát, gấp quần áo; em bé cất nồi cơm, quét nhà, thu dọn bàn học gọn gàng. Lúc đầu để khuyến khích con làm việc, tôi thưởng các con 1-2 nghìn mỗi ngày để các con nuôi lợn nhựa, sau đó khi con quen việc, thành nếp thì thưởng ít đi và giao phần việc đấy cho con làm.
Trẻ con giờ đi học luôn có bố mẹ đưa đón hoặc thuê xe đưa đón học sinh, trả tiền nhà xe theo tháng, đảm bảo con đến trường về nhà an toàn. Công việc tôi làm ca kíp, có những hôm không thể lựa đi đón con, phải gọi điện nhờ mấy anh chị phụ huynh có con cùng lớp con tôi đón giúp. Tôi tính, sẽ cố gắng vất vả đưa đón con thêm 1-2 năm nữa, khi nào con học lớp 4 sẽ để con đi bộ tới trường. Quãng đường từ nhà tới trường học khoảng 700 mét, phải băng qua đường sắt, phải sang đường và con đường này khá đông xe ô tô chở hàng đi qua. Để con đi bộ đi học thật không an toàn chút nào!
Trẻ con luôn quan sát mọi người xung quanh. Con nhìn thấy anh chị hàng xóm luôn đi bộ, đi xe đi học thì cũng hăm hở thử sức. Chở con đi học từ lớp 1, tôi luôn dạy con cách sang đường, nhìn trái nhìn phải quan sát không có xe ô tô, xe máy đi từ phía xa thì mới giơ tay xin đường. Con đi bộ thì phải đi trên vỉa hè, luôn đi đúng lề bên phải, nếu thấy sợ quá thì nhờ người lớn dắt qua đường.
Video đang HOT
Bé rủ bạn cùng đi bộ về nhà.
Tôi vẫn nghĩ, con bé thế, tính tình nhút nhát chắc khó mà biết đi bộ tới trường. Thế nhưng con đã gây bất ngờ khi mẹ đến đón, con nói: “Mẹ đi về trước đi, con thích đi bộ về cơ”. Vậy là tôi phóng xe đi chầm chậm phía trước, liên tục quay lại theo dõi xem con đi bộ ra sao. Lúc sang đường, tôi hướng dẫn con cách quan sát phương tiện đi lại, biết sang đường an toàn. Lần đi bộ đầu tiên thành công, con rất vui mừng khoe rối rít với cả nhà, khoe với các anh chị xung quanh.
Một số phụ huynh biết chuyện thì nói tôi liều quá, sao để con đi bộ khổ thân con? Con mới học lớp 2, tôi vẫn hàng ngày đưa đón con đi học và thỉnh thoảng để con đi bộ về nhà. Đi bộ lúc tan trường, con có hội bạn đi bộ cùng lớp, vừa đi vừa cười đùa rôm rả. Thỉnh thoảng, tôi đạp xe chở chiếc cặp sách cho con bớt nặng, con đi bộ về cùng mấy bạn. Những lần đi bộ tập dượt của con cùng mẹ chỉ 2-3 lần, con đã cùng bạn đi bộ rất nhanh về nhà.
Tôi có phải là người mẹ hơi liều lĩnh không khi để con đi bộ đi học sớm như thế? Thời chúng tôi còn nhỏ, tôi và tất cả bạn bè đều đi bộ đi học, bố mẹ bận đi làm tối ngày, lấy đâu thời gian mà đưa đón. Tôi chỉ muốn con biết tự lập sớm một chút, có thể linh hoạt tự đi về khi bố mẹ quá bận, không kịp đón con.
Thỉnh thoảng, tôi đến đón con, con lại thỏ thẻ: “Mẹ về trước đi, con đi bộ về với các bạn cho vui…”.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Lo âu khi con trẻ quá dựa dẫm vào bố mẹ
Trẻ con bây giờ thường được nuông chiều và chăm sóc kỹ lưỡng nên dễ sinh tính dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn. Không thể tự lập dù là trong những việc nhỏ nhất, nên con em chúng ta sẽ gặp những khó khăn không nhỏ khi va chạm cuộc sống và giao tiếp xã hội.
Hôm rồi, nghe chuyện của đứa cháu gái, tôi mới giật mình và lo lắng cho việc giáo dục con trẻ ngày nay. Con bé đã qua lớp 10, cao lớn và ăn mặc sành điệu như một thiếu nữ. Một buổi sáng nó dậy đi học nhưng bị mệt nên phải nhờ bố gọi điện cho cô giáo xin phép được nghỉ học ngày hôm đó.
Đó không phải là lần đầu tiên, nó phải nhờ bố, mẹ giúp đỡ vài việc nhỏ của nó ở trường với thầy cô và bạn bè. Thói quen này duy trì từ khi nó còn nhỏ, từ hồi mới học cấp 1 đến bây giờ đang ở ngưỡng cửa vào Đại học nhưng vẫn giữ thói quen dựa dẫm ấy. Không phải riêng trường hợp của đứa cháu tôi, nhiều đứa con trai con gái ở tuổi của nó vẫn là những đứa trẻ to xác chứ chưa ý thức hết những trách nhiệm trong cuộc sống của chúng.
Từ việc nhỏ nhất, nhưng khi đã bước vào cái tuổi trưởng thành, nhiều đứa vẫn không tự tin để tự tay mua một món quà sinh nhật tặng bạn. Hay việc mặc một bộ đồ phù hợp để đi tham dự một buổi học ngoại khóa và tham quan dã ngoại. Tất cả những công việc đấy, vẫn phải có mẹ đi cùng giúp để chọn cho những cậu ấm, cô chiêu của mình. Thậm chí, nhiều em gái vẫn phải nhờ mẹ mua cho những đồ dùng của riêng phụ nữ với lý do là con không biết chọn đồ.
Mỗi ngày, từ việc đi học, đến việc ăn, việc mặc và chơi, nhiều em học sinh cấp 2, thậm chí là cấp 3 vẫn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ mình và chưa có ý thức tự lập. Nếu bố mẹ về muộn là các em không biết nấu cơm, không biết tự tìm cách đến trường, rồi về nhà không có người đưa đón. Con cái quen được chiều từ nhỏ, khi lớn lên lại không được cha mẹ tạo cho ý thức tự giác làm các công việc nhà hoặc tự làm những việc liên quan đến việc học của mình. Ngay nay, các gia đình có điều kiện kinh tế, lại sinh ít con nên trẻ có điều kiện được bao bọc trong một cuộc sống: muốn gì là được. Nhiều đứa trẻ quen được sự phục vụ của cha mẹ nên càng đòi hỏi nhiều mà không tự làm được những việc trong khả năng của mình.
(Ảnh minh họa)
Việc con trẻ của chúng ta thiếu ý thức trong việc tự lập cuộc sống của bản thân không hoàn toàn do lỗi của chúng mà còn do tư tưởng và hành động của phụ huynh. Họ luôn nghĩ rằng vì con học hành bận rộn, vất vả nên làm giúp cho chúng vài việc lặt vặt, cũng không mất nhiều thời gian, công sức. Với lại họ thường không yên tâm khi để các con tự giải quyết các công việc với thầy cô giáo, không yên tâm khi để con rán món trứng cho bữa ăn, thậm chí là phải tự tay chọn trang phục cho chúng đi một buổi dã ngoại. Có những lúc chúng đòi tự tay làm những công việc nho nhỏ để chúng khẳng định mình với bạn bè nhưng người lớn lại không tin tưởng. Thế là trong con mắt của những bậc làm cha, làm mẹ thì con họ vẫn còn chưa trưởng thành.
Ở lâu trong sự bao bọc, khi đi ra ngoài, con em chúng ta không dễ dàng hòa nhập với môi trường sở tại và thường gặp khó khăn trong việc tự lập cuộc sống. Tôi có nghe kể chuyện một nữ sinh năm thứ nhất vừa ở nông thôn lên học Đại học và ở nhờ nhà người thân. Nhưng hàng ăn, việc ăn ngủ và sinh hoạt cô vẫn giữ thói quen như một đứa trẻ vẫn dựa dẫm vào cha mẹ mình ở nhà. Từ giao tiếp đến lối sống của cô gái này đều khiến những người đang cho ở nhờ đều ngán ngẩm và ngạc nhiên mà không dám nói ra.
Ở trường học, con em chúng ta được học về tính tự lập trong môn Giáo dục công dân từ lớp 6. Nếu các em được giáo dục đầy đủ và thiết thực về đức tính này thì mới có thể làm chủ và định hướng một phần cho công việc và cuộc sống tương lai của mình.
Minh Minh
Theo Dân trí
Cấp sinh hoạt phí có hút người giỏi vào sư phạm? Sinh viên sư phạm sau khi ra trường làm việc tối thiểu 5 năm trong ngành sẽ không phải trả lại khoản vay tín dụng sư phạm. Có nghĩa, không chỉ miễn học phí như trước đây, sinh viên sư phạm còn được cấp thêm sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng. Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học tại...