Mẹ cháu bé bị đuổi học: Tôi không ngờ hậu quả từ Facebook
“Tôi cũng có lỗi sai của mình. Tôi là người mẹ ăn nói hồ đồ đến mức con bị đuổi học” – phụ huynh chê cà vạt trường Vstar xấu trên Facebook – chia sẻ.
Phụ huynh bảo có, trường nói không
Vài ngày sau câu chuyện học sinh lớp 3 trường Vstar ở TP HCM bị đuổi học vì phụ huynh là Nguyễn Thanh Hiếu (35 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) chê cà vạt xấu trên Facebook, lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, bà Chu Thị Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Trường Vstar, cho biết: “Trường chúng tôi là trường tư, chắt chiu từng em học sinh chứ không có lý gì lại đuổi học sinh chỉ vì chuyện cỏn con như thế. Ngay cả những em có vấn đề về trí tuệ, có em tự kỷ nhưng không phá rối các bạn, chúng tôi vẫn nhận…”.
Theo lãnh đạo nhà trường, do hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử nên phụ huyunh đã xin rút học bạ, chứ nhà trường không đuổi học.
Chia sẻ với Zing.vn về sự vênh nhau giữa ý kiến nhà trường và phụ huynh, chị Hiếu khẳng định: “Tôi đã gửi tất cả băng ghi âm cho phóng viên và không bình luận gì về lời nói của cô hiệu trưởng”.
Chị Hiếu và chiếc cà vạt đi cùng đồng phục của trường VStar. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM.
Trong băng ghi âm (ngày 11/8) do phụ huynh này cung cấp, cuộc nói chuyện của chị Hiếu và ông Huỳnh Châu Lộc – Phó hiệu trưởng Vstar School có đoạn:
“Chúng tôi nhận thấy môi trường giáo dục có lẽ không phù hợp gia đình của nhà chị. Cả hội đồng đã thống nhất là mình không phù hợp với người ta mà người ta đến đây để nói mình như thế thì không nên. Đó là lý do chúng tôi không nhận…”.
“Tôi đồng ý với lý do đó của thầy nhưng một việc như thế tại sao không thông báo cho tôi bằng email hay bằng văn bản. Việc ngưng học của học sinh rất nghiêm trọng chứ không phải là ngày 3/8 tôi sang thầy mới thông báo với tôi?”.
Trước khi chuyển trường cho con, chị Hiếu khẳng định rằng, đã hỏi lại nhà trường việc đuổi học cháu vì chê cà vạt xấu là đúng hay không, và thầy Phó hiệu trưởng khẳng định là đúng.
Video đang HOT
Đến sáng 9/9, phụ huynh này vẫn đợi hồi âm bằng văn bản chính thức nêu lý do đuổi học cháu bé từ phía trường Vstar. Theo chị Hiếu, “trường học là tập thể giáo dục, không thể hành xử như vậy. Nhà trường quyết định đuổi học con tôi cũng phải có quy trình”.
Không ngờ hậu quả
Sau những ngày câu chuyện ầm ĩ trên mạng, cháu bé lớp 3 hiện đã ổn định học tập tại trường công lập gần nhà. Học chung lớp với nhiều bạn bè hàng xóm nên bé nhanh chóng hòa nhập, dù tính hơi nhút nhát.
Chị Hiếu nói, không cho con sử dụng Internet, sợ chuyện không hay quanh chiếc cà vạt sẽ ảnh hưởng cháu bé. “Sau này con lớn, đọc được thông tin về chuyện cũ, tôi sẽ nói cho cháu hiểu”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Nhìn lại sự việc, chị Hiếu nhận có phần trách nhiệm và không lường trước được hậu quả khi nêu quan điểm cá nhân trên Facebook: “Tôi cũng có lỗi sai của mình. Tôi là người mẹ ăn nói hồ đồ đến mức con bị đuổi học”.
Nữ phụ huynh cho biết, chị không có ý định cho con quay lại trường cũ, cũng không kiện tụng, nhưng câu chuyện đã qua để lại bài học sâu sắc.
“Viết trên Facebook không phải lời nói theo gió bay nữa, mà có sức lan tỏa mạnh, mọi người hãy cẩn trọng khi phát ngôn trên đó”, chị Hiếu nói.
Cẩn trọng khi sử dụng Facebook
Liên quan câu chuyện chia sẻ quan điểm trên Facebook, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng, mọi việc đều có 2 mặt. Phụ huynh có thể chia sẻ mọi vui, buồn trên mạng xã hội, tuy nhiên, làm như thế nào là đúng tùy thuộc sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Không chỉ học sinh, ngay cả giáo viên, phụ huynh cũng nên cẩn trọng khi sử dụng Facebook.
PGS Văn Như Cương từng đưa ra những quy định cấm khi học sinh trường Lương Thế Vinh sử dụng Facebook: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy, phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung; Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm…
Trong câu chuyện này, PGS Văn Như Cương cho rằng, phản ánh của phụ huynh với trường Vstar hoàn toàn bình thường. Người mẹ chỉ nói chiếc cà vạt thiết kế không hợp lý, gây khó khăn và góp ý về cách thiết kế đẹp hơn, thuận tiện hơn. Một số câu, phụ huynh nói hơi nặng nề, nhưng cũng không phải chuyện lớn. Vì vậy, đây không thể là lý do bắt học sinh nghỉ học.
Qua câu chuyện này, PGS cho rằng, phụ huynh và học sinh đều phải rút kinh nghiệm trong cách hành xử. Trường THPT Lương Thế Vinh từng có trường hợp lãnh đạo phải mời người nhà học sinh đến nói chuyện về cách viết trên Facebook không phù hợp, ảnh hưởng nhà trường. Câu chuyện, sau đó, nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa.
“Có rất nhiều cách phụ huynh phản ánh với nhà trường như gặp trực tiếp, gửi email, hòm thư góp ý, và viết trên Facebook nhưng hãy làm với tinh thần xây dựng. Còn những thái độ như đả kích hay nói xấu nhà trường là không thể chấp nhận được” – PGS Văn Như Cương bày tỏ.
PGS Văn Như Cương nhấn mạnh, chia sẻ trên Facebook có xóa đi cũng ảnh hưởng người khác, và khi viết mà không kiềm chế được bản thân sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
“Mọi người viết trên Facebook cứ nghĩ mình đang ở trước mặt tờ giấy, muốn nói gì thì nói, nhưng thật ra có thể hàng ngàn người sẽ đọc. Hãy nghĩ đến chuyện bạn muốn quát ai đó, nếu xung quanh đông người, ta cũng phải kiềm chế lại. Việc chia sẻ trên Facebook cũng như vậy”, thầy Cương chia sẻ.
Trong ghi âm của chị Nguyễn Thanh Hiếu gửi báo chí có đoạn trò chuyện cùng Phó hiệu trưởng trường Vstar:
- “Tôi nghĩ chuyện viết trên Facebook về việc khen cà vạt trường này đẹp, chê cà vạt trường kia xấu chỉ là cá nhân. Tôi không hiểu sao nhà trường lại lấy việc cá nhân ấy để ngưng học một học sinh, nhà trường thấy có đúng hay không?”.
- “Vì tụi tui thấy rằng chuyện này không phải lỗi của tụi tui, do gia đình có lẽ không phù hợp như thế nào đó. Chuyện có một chút xíu như thế mà gia đình nói nặng nói nhẹ như cái giẻ rách, thế này thế nọ, tụi tui không chịu được. Những lời lẽ rất ảnh hưởng tới nhà trường.
Nếu như thông tin này còn nhiều hơn nữa, nó sẽ như thế nào? Chuyện này, nói thật với chị, nếu đánh giá ngược lại, nó như thế nào đối với gia đình. Chuyện này cũng đã qua, tôi cũng mong rằng nếu cháu đi, chị cũng nên làm sao giúp cho bé học tốt”.
Theo Zing
7 học sinh đánh bạn: Đuổi học hay đưa đi giáo dưỡng?
Đề xuất hình phạt buộc thôi học một năm cho nhóm học sinh lớp 7 dùng ghế đập vào đầu bạn không nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận.
Theo thông tin từ phía nhà trường, một số em trong nhóm học sinh lớp 7 của trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) lấy ghế đập vào đầu bạn có thể nhận hình thức buộc thôi học một năm, chịu sự quản lý của địa phương.
Đây là mức kỷ luật nặng nhất theo thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo. Thế nhưng, nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là hình phạt tốt để sau một năm, những học sinh này sẽ thay đổi tính nết và sống có đạo đức hơn. Điều này liệu có giúp các em khôn lớn lên hay ngược lại?
Theo ý kiến của bạn Tùy Phong, đuổi học em cầm ghế ném vào nữ sinh cùng lớp là quyết định đúng đắn nhất. Nếu không trong tương lai sẽ còn nhiều chuyện đau lòng hơn, vì các em còn trẻ, nghĩ rằng đánh bạn thì nhận lỗi với thầy cô,với bạn là xong.
Trong khi đó, Quỳnh Lê cho rằng nếu áp dụng hình phạt trên sẽ mang đến sự thất bại. "Địa phương sẽ giáo dục các em thế nào? Gia đình như thông tin trên báo cũng lỏng lẻo trong việc chăm sóc dạy dỗ con cái. Tôi muốn các em đánh bạn phải ý thức rằng mình đang chịu một hình phạt vì tội đánh bạn. Các em phải thật sự nhận ra sai lầm, đuổi học một năm có khi trở thành... niềm vui được sổ lồng".
Ngoài ra, một số người lo ngại, trong thời gian nghỉ, lãng quên kiến thức, những học sinh đánh bạn có còn động lực để theo học tiếp? Khi bị tách khỏi trường rồi trở lại, các em cũng thiếu tự tin, khó hòa nhập với lứa các lớp sau.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên phạt các em một năm ở trường giáo dưỡng thanh thiếu niên, vừa lao động cải tạo thích hợp với độ tuổi vừa phải hoàn thành chương trình học. Nhóm học sinh bị phạt này cũng cần có chuyên viên giáo dục, tâm lý... để giúp các em nhận ra lỗi, ổn định tinh thần trong giai đoạn tuổi mới lớn.
"Đuổi một hay 10 năm đều không giải quyết được vấn đề tận gốc. Vì thế, chúng ta cần đưa những học sinh này vào trường giáo dưỡng trong thời gian nhất định để vừa tiếp tục học văn hóa, vừa có môi trường riêng rèn luyện về đạo đức nghiêm túc", độc giả Tuấn Anh nói.
Bạn đọc Ly Ly nhận xét qua clip ghi lại cho thấy các em mới học lớp 7 nhưng đã thể hiện sự hung hăng, dữ tợn. Cô thấy hình phạt lao động công ích ở Mỹ rất hiệu quả với nhóm tuổi vị thành niên và có thể áp dụng cho những học sinh đánh bạn tại Trà Vinh.
"Việc cho các em nghỉ một năm không khác nào hủy hoại một thế hệ. Thời gian con em được nghỉ học, phụ huynh cũng bận rộn công việc không thể theo dõi sát sao để giáo dục, răn đe. Biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng để nhận sự giáo dục nghiêm ngặt là phù hợp nhất", người này bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, có độc giả đề xuất cách tốt nhất là vẫn cho các em đi học bình thường, nhưng phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt cha mẹ nên quản lý giờ học, giờ chơi và theo dõi sát tình hình học tập của con.
Bạn Long Ca viết, ban giám hiệu nhà trường nên thành lập đội Sao Vàng. Mỗi lớp có ít nhất 2 em để phối hợp cùng nhà trường ngăn chặn những thành viên có hành vi bạo lực. Các thành viên trong đội cần được đi học võ thuật, chịu sự quản lý trực tiếp của nhà trường để không còn xuất hiện cảnh bạn bè đồng lứa đánh nhau, nặng nề hơn là để xảy ra hậu quả thương tâm.
Bên cạnh ý kiến đóng góp để tìm biện pháp răn đe hợp lý, nhiều độc giả cho biết, họ không chỉ quan tâm đến hình phạt dành cho các em nặng hay nhẹ, mà chính gia đình và nhà trường cần xem xét lại cách giáo dục.
"Người lớn cần có biện pháp cụ thể, can thiệp kịp thời để thế hệ tương lai của đất nước biết cách sống hòa thuận, nhường nhịn, yêu thương nhau hơn. Đồng thời, không ai được phép xem thường thân thể, sinh mạng của người khác", anh Võ Ấn bày tỏ.
Theo Zing
Đề xuất đuổi nhiều học sinh đánh nữ sinh lớp 7 Chiều 11/3, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, chủ trì buổi họp báo cáo vụ nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng khiến dư luận bức xúc. Chủ tịch tỉnh chỉ đạo trường THCS Lý Tự Trọng sớm đưa ra hội đồng kỷ luật, xử lý nghiêm nhưng hợp tình hợp lý những học sinh vi phạm. Đại...