Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ ‘bắt đầu không kích’ tại Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mở màn chiến dịch quân sự của nước này ở phía bắc lãnh thổ Syria. Người Kurd ở khu vực nói đã có những đợt không kích nổ ra.
Theo Guardian, lực lượng người Kurd đang kiểm soát khu vực ngày 9/10 báo cáo về những tiếng nổ từ các đột không kích của Thổ Nhĩ Kỳ và tình trạng “hoảng loạn” đang diễn ra tại đây.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tuần trước rằng quân đội Mỹ sẽ rút khỏi khu vực, nơi lực lượng người Kurd hiện giam giữ hàng nghìn chiến binh IS và gia đình của họ.
Mặt trận đẫm máu mới trên chiến trường Syria
Việc Mỹ rút quân được cho là sẽ mở ra một mặt trận đẫm máu mới trên chiến trường Syria, vốn mới dứt tiếng súng trong thời gian ngắn kể từ khi IS bị đánh bại.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới với Syria hôm 8/10. Ảnh: AFP.
“Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Quân đội Tự do Syria, vừa mới mở chiến dịch Mùa xuân Hòa bình chống lại lực lượng PKK/YPG (người Kurd) và các phần tử khủng bố IS ở phía bắc Syria. Nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn việc hình thành một hành lang khủng bố ở biên giới phía nam, và mang lại hòa bình cho vùng này”, ông Erdogan tuyên bố trên Twitter.
Một người phát ngôn của nhóm vũ trang người Kurd Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tổ chức bị Ankara coi là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố), cho biết ngay sau tuyên bố của ông Erdogan, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu không kích khu vực, khiến người dân “vô cùng hoảng loạn”.
AP đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới gần thị trấn Tal Abyad của Syria từ sáng sớm cùng ngày.
Ankara muốn thiết lập một vùng an toàn có chiều rộng 32 km tính từ biên giới với Syria, để phòng vệ trước nguy cơ bị tấn công từ các nhóm khủng bố người Kurd cũng như là IS.
Video đang HOT
Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là SDF, nhóm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phối hợp với liên quân do Mỹ dẫn đầu để chiến đấu và đánh bại nhóm nhà nước Hồi giáo IS trên mặt đất. Kể từ đó, khoảng 1.000 đặc nhiệm Mỹ đã đóng ở khu vực này, với vai trò là những người đứng giữa SDF và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi theo lệnh của Nhà Trắng, SDF sẽ trở nên trơ trọi trước tầm ngắm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, lực lượng quân đội chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad cũng đang hành quân lên phía bắc, khiến SDF bị kẹp giữa 2 chiến tuyến.
SDF là đồng minh chính của Washington ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: AP.
Quyết định của ông Trump đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các đồng minh của Mỹ, thậm chí là một số đồng minh chủ chốt của ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng phê phán điều này, tiêu biểu là Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham.
Ông Lindsey Graham, thượng nghị sĩ bàng South Carolina, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng có một sự phản đối từ cả 2 đảng ở quốc hội Mỹ về việc xâm lược Syria, và quốc hội Mỹ sẽ thực hiện “các biện pháp trừng phạt từ địa ngục”, nếu Ankara bước qua “lằn ranh đỏ”, trong đó có việc hoãn tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguy cơ Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy
Hiện tại, hàng đoàn xe đang chở người di tản khỏi hai ngôi làng Tel Abyad và Ras al-Ain của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng người Kurd trước đó đã cảnh báo về một “thảm họa nhân đạo nghiêm trọng”.
SDF kêu gọi Mỹ và liên quân chống IS thiết lập vùng cấm bay ở khu vực này để ngăn chặn những đợt không kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên lửa đất đối đất của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắm vào các kho đạn và căn cứ của lực lượng dân quân người Kurd YPG. Chỉ huy của SDF, ông Mazlum Kobani, nói với New York Times rằng lực lượng của ông sẽ phản kháng lại mọi nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập chỗ đứng trên lãnh thổ Syria.
Trong bối cảnh nổi lên quan ngại sâu sắc về một thảm họa nhân đạo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên ở đông bắc Syria kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường.
Hôm 9/10, chính quyền Đức cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến sự bất ổn hơn nữa ở Syria và có thể khiến lực lượng nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Ankara ngừng ngay các hoạt động quân sự.
Ông Juncker nói rằng khối này sẽ không tài trợ cho các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỹ trong khu vực. “Nếu nó liên quan đến việc tạo ra thứ gọi là vùng an toàn, đừng kỳ vọng EU sẽ trả một đồng nào cho nó”, ông Juncker nói trước nghị viện châu Âu.
Theo Zing.vn
Mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria, Mỹ gieo mầm sống cho IS
Lực lượng người Kurd cảnh báo, việc Mỹ mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc Syria cũng có thể khiến IS quay trở lại.
Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria, đồng thời rút lực lượng ra khỏi khu vực - đánh dấu một sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại mà nhiều chuyên gia nhận định chẳng khác nào "cuộc ly hôn" với đồng minh lâu năm trong cuộc chiến ở Syria - người Kurd.
Lính Mỹ đi qua một chiếc xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.
Lực lượng người Kurd đã đi đầu trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực, nhưng chính sách của Washington với lực lượng này được cho là đã đảo chiều sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoan hôm 6/10.
Trong một tuyên bố ngày 6/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định quân đội Mỹ đã tiêu diệt được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực. Theo đó, từ thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trách nhiệm xử lý các tay súng IS bị bắt giữ tại đây và hiện bị lực lượng người Kurd quản lý.
"Lực lượng Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc tham gia vào hoạt động và sẽ không còn trực tiếp hiện diện ở khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tiến bước với các hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu ở phía Bắc Syria", Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nói.
Hiện không rõ liệu tuyên bố của Nhà Trắng có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút một phần trong số 1.000 quân đang có mặt ở đây hay rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Bắc Syria.
Tuyên bố trên của Washington cũng đặt ra nghi vấn về số phận của các tay súng thuộc lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tham gia trong chiến dịch quân sự chống IS của Mỹ. YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Gieo mầm bất ổn mới
Động thái này của Chính quyền Tổng thống Trump ngay lập tức kích hoạt những tranh cãi trong nội bộ Mỹ. Có những ý kiện thậm chí còn cho rằng, Tổng thống vẫn tiếp tục đưa ra những quyết định thất thường và dường như không được tham khảo qua ý kiến của các nhà ngoại giao có kiến thức và hiểu biết về tình hình Syria.
"Cho phép Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển vào miền Bắc Syria là một trong những động thái gây bất ổn nhất mà chúng ta có thể tạo ra ở Trung Đông. Người Kurd sẽ không bao giờ tin tưởng nước Mỹ nữa. Họ sẽ tìm kiếm những liên minh hoặc tự củng cố sức mạnh để bảo vệ chính mình", Ruben Gallego - một cựu chiến binh từng tham chiến ở Iraq viết trên Twitter.
Các chuyên gia Syria thì cảnh báo việc Mỹ từ bỏ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ tạo ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở Syria và có thể đẩy người Kurd tìm cách dàn xếp với lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Trong khi đó, người Kurd ở Syria ngày 7/10 đã lên tiếng cảnh báo cuộc xâm lược của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gieo mầm cho sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong một tuyên bố nhấn mạnh: "Một chiến dịch như vậy sẽ đảo ngược thành quả nhiều năm chiến đấu của người Kurd để đánh bại các nhóm vũ trang. Các lực lượng Mỹ đã không thực hiện cam kết của họ khi rút quân khỏi khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara hiện đang chuẩn bị cho một chiến dịch xâm lược miền Bắc và miền Đông Syria".
"Các mối đe dọa mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tạo ra nhằm mục đích biến cơ chế an ninh thành một cơ chế chết chóc, khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa và biến một khu vực ổn định, an toàn thành khu vực xung đột và chiến tranh vĩnh viễn", tuyên bố nói thêm.
Yusuf Erim, nhà phân tích chính trị và chiến lược tại đài truyền hình TRT, cảnh báo vẫn còn quá sớm để có thể nắm bắt được toàn bộ ý đồ của Mỹ trong quyết định này: "Đó là một chiến dịch đơn phương đi kèm với một thỏa thuận song phương. Mỹ sẽ nói rằng, tôi không giúp các anh nhưng cũng sẽ không cản đường. Ankara coi quan điểm của Mỹ là hết sức tích cực. Mối quan tâm chính của Ankara chính là khả năng đối đầu với binh sĩ Mỹ. Chúng ta có thể thấy rằng, Mỹ sẽ rút quân khỏi khu vực để làm giảm thiểu nguy cơ trên bàn đàm phán"./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Tổng hợp
Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận Mỹ bắt đầu rút quân khỏi một số khu vực tại Syria Lực lượng Mỹ đã sơ tán khỏi hai trạm quan sát tại các khu vực Tel Abyad và Ras al Ain ở Đông Bắc Syria, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, những lực lượng Mỹ còn lại duy trì hiện diện tại khu vực này. Xe quân sự Mỹ tuần tra tại làng al-Hashisha, thị trấn Tal Abyad, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 7/10,...