Máy bay quân sự Trung Quốc lại áp sát Đài Loan
7 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không đảo Đài Loan, chỉ hai ngày sau đợt triển khai số phi cơ nhiều kỷ lục.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 17/6 cho biết đã phải triển khai khẩn cấp tiêm kích, phát cảnh báo qua sóng vô tuyến và kích hoạt các hệ thống tên lửa phòng không khi phát hiện 7 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát hòn đảo.
Biên đội phi cơ Trung Quốc gồm hai tiêm kích J-16, 4 tiêm kích J-7 và một máy bay tác chiến điện tử Y-8. Giới quan sát cho rằng việc triển khai hai loại chiến đấu cơ đời mới và cũ này của Trung Quốc nhằm kiểm nghiệm mức độ phối hợp tác chiến giữa hai thế hệ tiêm kích cũng như khả năng chống tác chiến điện tử của chúng.
Tiêm kích J-16 của Trung Quốc trong một lần áp sát đảo Đài Loan. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan .
Đây là lần thứ 6 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan trong tháng này. Nó cũng diễn ra chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc triển khai số lượng máy bay kỷ lục áp sát đảo Đài Loan.
Video đang HOT
Đợt triển khai hôm 15/6 bao gồm 28 tiêm kích, oanh tạc cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân, cùng các máy bay chống ngầm, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm, số lượng máy bay lớn nhất từng được ghi nhận trong một ngày.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng ngoài mục tiêu cảnh báo Đài Bắc, những đợt áp sát như vậy của không quân Trung Quốc cũng có thể nhằm tiến hành những nhiệm vụ cụ thể như thử nghiệm khả năng chiến đấu, huấn luyện và trinh sát.
Bắc Kinh thường cho biết những hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan là cần thiết để bảo vệ chủ quyền đất nước trước “sự thông đồng” giữa Đài Bắc và Washington. Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, cáo buộc Mỹ ủng hộ quan điểm độc lập của đảng Dân tiến cầm quyền tại Đài Loan, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ không từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo.
“Nếu bây giờ đại lục hứa từ bỏ sử dụng vũ lực, ngày mai các lực lượng đòi ly khai ở Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập. Chúng tôi chắc chắn hy vọng đạt được sự thống nhất thông qua những biện pháp hòa bình. Nhưng nếu có người đổ dầu vào lửa, chiến tranh sẽ bùng phát”, đại sứ Trung Quốc nói.
Trung Quốc 'chùn tay' với Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật
Máy bay quân sự Trung Quốc giảm tần suất áp sát đảo Đài Loan, sau khi lãnh đạo Mỹ - Nhật ra tuyên bố chung về tình hình eo biển.
Theo dữ liệu được Nikkei thu thập, từ đầu năm tới hôm 16/4, Trung Quốc điều tiêm kích và máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan với tần suất 5 ngày mỗi tuần. Tổng cộng 257 máy bay quân sự, chủ yếu là tiêm kích J-10 và J-16, áp sát đảo Đài Loan với số lượng trung bình khoảng 3 chiếc mỗi phi vụ.
Trong thời gian đó, có 9 ngày Trung Quốc triển khai ít nhất 10 máy bay áp sát đảo Đài Loan, trong đó 6 đợt xâm nhập diễn ra trong vòng ba tuần trước khi Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ra tuyên bố chung ngày 16/4, lần đầu tiên nhắc đến vấn đề Đài Loan sau nhiều thập kỷ.
Một trinh sát cơ Y-8 của Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan trong năm 2020. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan .
Đợt áp sát với số lượng kỷ lục 25 máy bay diễn ra hôm 12/4, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo "bất cứ ai cố gắng thay đổi hiện trạng đối với đảo Đài Loan bằng vũ lực đều sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng".
Tuy nhiên, sau khi Biden và Suga ra tuyên bố chung ngày 16/4, trong đó lãnh đạo Mỹ - Nhật "tái khẳng định" tầm quan trọng của "hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan", các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần đảo Đài Loan đã giảm mạnh cả về quy mô và tần suất.
Từ hôm 16/4, trung bình chỉ có khoảng hai máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào ADIZ của đảo Đài Loan, không ghi nhận đợt áp sát nào với 10 máy bay trở lên tham gia. Trong hai tuần qua, Trung Quốc 7 lần điều hai máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan và 6 lần chỉ cử một chiếc, lần gần nhất diễn ra hôm 4/6.
Tô Tử Vân, chuyên gia của một viện nghiên cứu an ninh đặt trụ sở tại Đài Loan, cho biết việc hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan sụt giảm cho thấy tuyên bố chung của Biden và Suga "có tác động rõ ràng".
Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc muốn tránh gây căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan sau tuyên bố chung của Washington và Tokyo. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào Đài Loan, Trung Quốc đang chuyển hướng "gia tăng hoạt động khiêu khích trên Biển Đông", theo ông Tô.
Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS.
Phi đội 15 vận tải cơ Trung Quốc ngày 31/5 áp sát không phận Malaysia, phớt lờ yêu cầu của kiểm soát viên không lưu và chỉ chuyển hướng khi không quân Malaysia điều tiêm kích ứng phó. Cảnh sát biển Malaysia ngày 8/6 cho biết một tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần bãi cạn Luconia mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Hơn 200 tàu vỏ sắt của Trung Quốc từ tháng 3 hiện diện tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, sau đó nâng lên gần 300 chiếc hồi đầu tháng 5. Các tàu này hiện diện tại đây trong nhiều ngày mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi, sau đó tỏa đi các khu vực khác trong quần đảo Trường Sa.
Philippines khẳng định những tàu này do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển, song Trung Quốc phủ nhận và cho rằng đây chỉ là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu. Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc tại bãi Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Tiêm kích Trung Quốc liên tiếp diễn tập sát đảo Đài Loan Hàng chục máy bay quân sự cùng tàu chiến Trung Quốc diễn tập hai ngày liên tiếp gần quần đảo Đông Sa, khiến Đài Loan điều tiêm kích đối phó. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết 11 máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục gồm 8 tiêm kích, hai oanh tạc cơ H-6 cùng một máy bay tuần thám...