Máy bay không người lái nEUROn thử nghiệm thành công với đội hình chiến đấu
Đây cũng là chuyến bay đầu tiên trên thế giới của một UCAV trong cùng một đội hình với các máy bay chiến đấu có người lái.
Công ty Dassault Aviation ngày 12/4/2014 đã thông báo về việc tiến hành chuyến bay đầu tiên trong cùng đội hình cho máy bay không người lái chiến đấu (UCAV) nEUROn với 1 tiêm kích Rafale và 1 máy bay phản lực Falcon 7X.
Đây cũng là chuyến bay đầu tiên trên thế giới của một UCAV trong cùng một đội hình với các máy bay có người lái. Chuyến bay này được tiến hành ngày 20/3 trên Địa Trung Hải và kéo dài 1 giờ 50 phút.
Giám đốc điều hành Dassault Aviation Eric Trapper đã nhấn mạnh rằng, chuyến bay chung này đã cho thấy các thành tựu của công ty trong lĩnh vực công nghệ hiện đại.
Việc tổ chức chuyến bay đã đòi hỏi công tác chuẩn bị cẩn thận nhằm xác định các điểm chờ, nhập tốp và thực hiện cơ động chung trong không gian hạn chế có tính đến các đặc tính khí động của các loại máy bay khác nhau. Các loại nhiễu điện từ cản trở việc duy trì liên lạc giữa UAV và trạm điều khiển mặt đất cũng tạo ra thêm những khó khăn.
Video đang HOT
Trên thực tế, bay kèm nEUROn trong không gian hạn chế có 4 máy bay là 1 chiếc Rafale, 1 chiếc Falcon 7X và 2 máy bay trang bị phương tiện chụp ảnh.
Chương trình chế tạo nEUROn của châu Âu do Pháp phát động vào năm 2003 và nhận được sự ủng hộ của Italia, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Sĩ. Các mục tiêu của chương trình là chế tạo một mẫu trình diễn công nghệ UCAV nhằm kiểm nghiệm các công nghệ thiết yếu của máy bay chiến đấu tương lai, kiểm nghiệm mô hình hợp tác công nghệ mới, tối hưu hóa việc sử dụng bí quyết công nghệ của các công ty tham gia dưới sự lãnh đạo của một nhà thầu chính. Trong quá trình dự án, dự kiến sẽ đánh giá các công nghệ điều khiển bay, tính năng tàng hình, khả năng phóng vũ khí không đối đất thật từ khoang bên trong của UCAV và tích hợp nó với hệ thống C4I.
Việc thiết kế nEUROn đã bắt đầu sau khi nhận được khoản kinh phí 406 triệu euro (562 triệu USD) vào tháng 2/2006. Việc sản xuất thân máy bay bắt đầu vào năm 2008 và nEUROn được xuất xưởng ngày 19/1/2012. Mẫu trình diễn công nghệ đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 1/12/2012. Sau đó, nó đã thực hiện mấy chục chuyến bay thử.
Ngoài nhà thầu chính Dassault Aviation, dự án còn có sự tham gia của Saab (Thụy Điển), Alenia Aermacchi (Italia), RUAG (Thụy Sĩ), EADS-CASA (Tây Ban Nha) và Hellenic Aerospace Industry S.A. (HAI).
nEUROn có trọng lượng cất cánh tối đa gần 7 tấn, trọng lượng riêng 5 tấn, chiều dài 9,2 m, sải cánh 12,5 m. Máy bay được trang bị 1 động cơ Rolls-Royce/Turbomeca Adour Mk.951, có tốc độ tối đa 0,8 và có thể bay trên không đến 3 giờ, vũ khí trong tương lai sẽ gồm bom Mk-82, CBU-12 và JDAM.
Theo Trithuctre
Chiến đấu cơ không người lái Nga tăng tốc
Nga quyết tâm đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) nhằm cạnh tranh với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Mô hình UCAV Skat của Nga - Ảnh: Wafare.be
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA-Novosti mới đây, cựu Tư lệnh Không quân Nga Pyotr Deinekin tiết lộ nước này đang xúc tiến chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6 và nhiều khả năng đây sẽ là loại không người lái. Trước đó, hãng MiG hồi tháng 5 thông báo sẽ thúc đẩy dự án nghiên cứu và phát triển UCAV trên nền tảng máy bay Skat, sau khi ký kết thỏa thuận với Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga. Theo chuyên san Flight International, MiG và Tập đoàn Sukhoi cũng đã thỏa thuận sẽ cùng hợp tác trong các chương trình chế tạo UCAV.
Sức mạnh "cá đuối"
Trang tin Strategy Page dẫn lời các chuyên gia nhận định UCAV sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến tranh tương lai dù nhiều chỉ huy không quân (hầu hết xuất thân từ phi công) không muốn thấy viễn cảnh này. Hiện nay, Mỹ vẫn đang là tay đua dẫn đầu về công nghệ UCAV vớimáy bay X-47B còn EU bám sát bằng dự án Neuron. Trung Quốc cũng được cho là thu hẹp khoảng cách đáng kể với UCAV Lợi Kiếm dù sản phẩm này bị cho "đồ nhái" công nghệ của Mỹ. Trước tình hình này, Nga có vẻ đang tụt lại phía sau so với các bên khác và đang quyết tâm tăng tốc.
Vào năm 2007, MiG đã giới thiệu mô hình Skat tại cuộc triển lãm hàng không MAKS. Khi đó, máy bay này được giới thiệu là sẽ đảm nhận các sứ mệnh không kích những mục tiêu cố định, đặc biệt là hệ thống phòng không ở các khu vực có mối đe dọa cao, cũng như các mục tiêu cơ động trên bộ và trên biển. Đến nay, chưa có thông tin chính thức về tiến độ phát triển nhưng tạp chí Jane's Defence Weekly dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết UCAV sắp tới của Nga cũng sẽ mang tên Skat với biệt danh "cá đuối" với hình dáng không đuôi, cánh liền thân tương tự như loại X-47B của Mỹ. Máy bay được cho là dài 10,25 m, sải cánh 11,5 m, trọng lượng cất cánh tối đa dự kiến đạt 10 tấn. Với động cơ Klimov RD-5000B, Skat có tầm hoạt động 4.000 km, tốc độ 800 km/giờ và tầm bay cao nhất 12.000 m. Nhờ 2 hốc chứa lớn, UCAV Nga có thể mang tên lửa đối đất kích cỡ lớn Kh-31 và bom thông minh KAB-500 cũng như chở được 2 tấn chất nổ. Kh-31 và KAB-500 nằm trong số những vũ khí lợi hại nhất của Nga hiện nay và đang được nước này trang bị cho các máy bay chiến đấu có người lái tối tân.
Tay đua đáng gờm
Máy bay X-47B của hải quân Mỹ là loại UCAV tiên tiến nhất thế giới hiện nay và vừa tiến thêm một bước dài khi thử nghiệm cất/hạ cánh thành công từ tàu sân bay đang di chuyển. Chính một số chuyên gia và giới chức công nghiệp quốc phòng Nga thừa nhận nước này tụt hậu ít nhất 10 năm so với Mỹ. Tuy nhiên, Moscow đang đặt những mục tiêu rất cao và nỗ lực thu hẹp khoảng cách, chẳng hạn như nhắm đến triển khai UCAV Skat trên tàu sân bay.
Theo website Ausairpower.net, phương Tây thường không để ý đến một thực tế là các chuyên gia thiết kế Nga có khả năng lọc lựa hết sức cẩn thận những ý tưởng hiện có của vũ khí phương Tây, cải tiến và kết hợp chúng lại với nhau để cho ra đời một thành phẩm vượt trội hơn so với các phiên bản tương tự trước đó. Những ví dụ kinh điển là tên lửa hành trình siêu thanh AS-4 và AS-6, được cải tiến trên cơ sở tên lửa Blue Steel của Anh hay chiến đấu cơ Sukhoi Flanker, vốn kết hợp các ý tưởng từ những chiến đấu cơ F-14, F-15 và F-16 của Mỹ để cho ra đời một thiết kế mới hiệu quả hơn so với cả ba loại trên. Vì thế, nhiều khả năng UCAV do Nga chế tạo sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của X-47B trong tương lai.
Đột phá X-47B Vào tháng 5 và 7.2013, UCAV X-47B của Mỹ lần lượt thử nghiệm thành công việc cất và hạ cánh trên tàu sân bay USS George H.W.Bush, theo AFP. Trong lần thử hạ cánh, X-47B xuất phát từ căn cứ Patuxent River ở bang Maryland và mất khoảng 60 phút để bay tới tàu USS George H.W.Bush đang di chuyển cách bờ biển Virginia chừng 112 km. Đến nơi, UAV bung ra một cái móc để móc vào dây hãm đà rồi giảm tốc, tương tự các máy bay thông thường khác. Đây là một đột phá lớn vì kiểm soát máy bay không người lái hạ cánh trên một sân bay di động vô cùng phức tạp, đòi hỏi phần cứng và phần mềm điều khiển cực mạnh. Với thành công này, Mỹ đã tiến gần hơn đến khả năng triển khai chiến đấu cơ không người lái từ mọi địa điểm trên thế giới và sẽ không cần xin phép các quốc gia khác để sử dụng căn cứ cho hoạt động của máy bay. Reuters dẫn lời các chuyên gia quốc phòng nhận định nhờ khả năng tàng hình và tầm bay gần gấp 2 lần chiến đấu cơ F-35, X-47B là công cụ phản ứng hữu hiệu đối với tên lửa chống hạm tầm trung. Các tên lửa loại này sẽ buộc tàu sân bay Mỹ không dám đến gần bờ biển nên máy bay chiến đấu cần được tiếp liệu khi thực hiện và trở nên dễ bị tấn công. Tuy nhiên, với tầm bay gần 4.000 km và được triển khai từ tàu sân bay, X-47B có thể mang lại cho hải quân Mỹ năng lực tấn công và do thám từ xa vô cùng lợi hại. Theo trang tin Naval-technology.com, mỗi chiếc UAV này có giá khoảng 813 triệu USD, được lập trình trước để hoàn toàn tự động cùng hệ thống do thám hiện đại, tên lửa, bom tự hành...
Trùng Quang
Theo TNO