Mấy ai đạt được ước mơ của mình?
Thời phổ thông, bố mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, điểm lúc nào cũng đứng vào hàng top của lớp thì mới tự hào. Đến khi thi đại học, bố mẹ đặt niềm tin vào con cái lắm, lúc nào cũng kể chuyện anh này chị kia chăm học và trở thành sinh viên thế nào để con phấn đấu; và khi có kết quả thi đại học rồi lại mang kể chuyện con mình được bao nhiêu điểm. Nhưng trong niềm vui của bố mẹ, nào ai biết được rằng đại học còn là một môi trường thử thách mà ở đó sự kiên trì, lòng đam mê mới chiến thắng..
Đỗ hai trường đại học nhưng T.Q.S lại không hề thầy vui tí nào cả. Cậu bạn thích học trường Y nhưng bố mẹ lại hướng cho con vào Ngân hàng. Mặc dù khi chọn trường để thi thì cậu toàn quyền nhưng đến khi chọn trường để học thì cậu chẳng có một tí tiếng nói nào cả. Lý do của bố mẹ là “cả nhà đều đã học Y rồi, cần một sự thay đổi” rằng “học Y vất vả lắm con ơi”.
Bố mẹ vẫn chỉ nghĩ rằng cậu đã chọn trường học đó thì cậu đã thích học ngành đó còn khối B chỉ là dự phòng, nào có biết là khi lên cấp 3 cậu đã xác định ước mơ của mình là nhà báo, thầy giáo hoặc là bác sĩ; sự lựa chọn bồng bột của cậu chỉ xuất phát từ việc bạn thân cũng là cô em họ cũng thi vào ngành Ngân hàng và trong họ lại có dì làm Giám đốc Ngân hàng của tỉnh..
Vào đại học, sự chán nản đã nhen nhóm từ năm 1, chẳng quen thân với ai trong lớp, chán cách giảng dạy của thầy cô, cậu bắt đầu không muốn đến lớp mà thay vào đó là lang thang trên đường phố Hà Nội. Nghỉ học nhiều thì kiến thức bị hổng, phải vất vả lắm cậu mới qua được những kỳ thi hết học trình của nhưng năm đầu tiên; và càng lên cao, kiến thức càng hụt đi nhiều không thể hiểu được bài giảng của thầy cô, cậu tiếp tục rơi vào vòng xoáy của thi lại, học lại rồi …bị dừng học vì không đủ điểm số. “Bố mẹ cũng buồn lắm, trong họ cũng chẳng có ai học giỏi được như mình nhưng giờ tương lai lại mù mịt nhất” T.Q.S thở dài.
Hè vừa rồi bố phải lặn lội từ quê ra Hà Nội để xin cho cậu học hệ cao đẳng của trường, làm lại từ đầu để có một tấm bằng cao đẳng rồi từ đó lại học lên với lời hứa hẹn có một công việc ổn định. Cậu vẫn ngao ngán lắm “Ngày xưa, mình học giỏi tiếng Anh nhưng mẹ và chị gái cứ bảo là môn đó chỉ dành cho con gái, với lại tiếng Anh thôi thì chưa đủ. Giờ mình thấy phong trào học tiếng Anh của sinh viên lên rất cao, có cầu ắt có cung, bạn của mình cũng đang dạy ITELS cho mọi người. Nếu mà mình có dám sống vì đam mê của mình, dám lựa chọn cho tương lai của mình thì giờ đã không như thế này.”
Có mấy bạn dám ước mơ và mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình? (Ảnh: Son Marki)
Trường hợp của N.D.L cũng vậy. Thực ra L cũng là một học sinh rất giỏi và năng động; từng đạt giải thưởng Lý Tự Trọng của TW Đoàn, đạt giải quốc gia môn Sinh học, nhận học bổng Odon Vallet của Quỹ Gặp gỡ Việt Nam và đỗ cả hai trường đại học với điểm số rất cao. Cậu lựa chọn trường Tài chính thay vì Y Hà Nội vì cho rằng mình không hợp với ngành Y.
Thế mà giờ đây cậu vẫn có cảm giác tiếc nuối khi ba năm ôn luyện Sinh học và tìm hiểu về Y khoa giờ lại không đụng đến. Lại thêm nữa nỗi mặc cảm khi mình chỉ là một sinh viên của một trường đại học không có danh tiếng cứ canh cánh trong lòng. Cậu lúc nào cũng than thở rằng bạn bè cậu có đứa thi đại học điểm thấp hơn nhưng lại thi vào trường có danh tiếng giờ quay lại coi thường mình. Thế nên dù vẫn chăm chỉ học tập ở trường đại học, vẫn miệt mài rèn tiếng Anh, cậu vẫn ôm ấp một kế hoạch ôn thi lại đại học để vào trường danh tiếng hơn hoặc là đi du học thì mới ngẩng mặt lên được.
Nếu có một cuộc điều tra với các tân sinh viên xem họ hiểu gì về trường học và ngành học của bạn thì kết quả điều tra có thể làm nhiều người thất vọng não nề. Nhiều sinh viên HV Ngân hàng không thể biết được mình học ngành này sau này làm gì, chẳng hiểu điểm khác biệt giữa các Khoa Tài chính và Khoa Ngân hàng mà khi đăng ký thi chỉ có một ngành Tài chính-Ngân hàng. Với các tân sinh viên thì quan tâm nhiều cũng chẳng giải quyết được gì, một là cứ học đại cương, trải qua thời kỳ chán nản thì vào chuyên ngành sẽ càng thấy thú vi; hoặc là ngược lại càng học càng thấy mình không phù hợp với ngành nghề của mình, chủ động chọn lại ngành khác không thì bỏ mặc.
12 năm học, nhà trường mới chỉ giảng dạy những hiểu biết phổ thông làm nền tảng còn học sinh hiểu biết về vai trò của mình trong tương lai rất hạn chế.
Biết là học trong trường còn chưa đủ và còn phải tiếp thu từ xã hội nữa, nhưng hy vọng nhà trường và gia đình sẽ không chỉ biết khuyến khích các bạn thi cử đạt kết quả cao mà xác định được thế mạnh của mình trước khi chọn lựa nghề nghiệp, đừng để các học sinh sau này đi làm rồi vẫn còn thở dài: “Mấy ai đạt được ước mơ của mình?”.