Mẫu súng làm nên ‘cách mạng bắn tỉa’ Mỹ
Súng Barret .50 BMG do một nhiếp ảnh gia không có kinh nghiệm quân sự thiết kế, nhưng lại mở đầu cho cuộc cách mạng về vũ khí bắn tỉa hạng nặng.
Năm 1982, Ronnie Barrett là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp xuồng tuần tra trên sông PBR của quân đội Mỹ. Nhận thấy những chiếc xuồng PBR được trang bị cụm đại liên M2 Broning hai nòng sử dụng đạn .50 BMG (12.799 mm), Barrett nảy ra cảm hứng thiết kế một khẩu súng trường có thể sử dụng loại đạn cỡ lớn này.
Barrett không có kinh nghiệm gì về thiết kế hay được huấn luyện về súng đạn. Ông cũng chưa từng theo học bộ môn khoa học kỹ thuật nào, thậm chí còn không vào đại học. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Murfreesboro, Barrett bắt đầu mở một xưởng chụp ảnh.
Trên chiếc bàn bếp, Barrett vẽ thiết kế ba chiều một khẩu súng trường sử dụng đạn .50 BMG để thể hiện cách thức hoạt động, sau đó đưa bản vẽ cho các thợ cơ khí ở địa phương.
Tuy nhiên, không ai quan tâm đến Barrett và bản thiết kế của ông. Nhiều người từ chối giúp Barrett bởi họ cho rằng nếu một khẩu súng trường bắn tỉa dùng đạn 12,7 ly hữu dụng, nó hẳn đã được phát triển từ lâu.
Binh sĩ Mỹ khai hỏa súng trường bắn tỉa Barrett M82 tại căn cứ Fort Benning bang Georgia, tháng 11/2010. Ảnh: US Army .
Với một chút may mắn, Barrett gặp được Bob Mitchell, một thợ cơ khí cùng chung cảm hứng với ông. Barrett và Mitchell bắt tay vào chế tạo mẫu súng mới trong một nhà để xe và tự gia công các bộ phận của súng. Sau gần 4 tháng, họ hoàn thành nguyên mẫu Barret .50 BGM, sau này được quân đội Mỹ biên chế và đặt định danh M82.
Barrett .50 BMG là súng trường bán tự động sử dụng hộp tiếp đạn 10 viên, nòng súng có thể thụt lùi về sau khi khai hỏa. Bệ khóa nòng xoay của súng sử dụng một phần lực giật để đẩy và nạp đạn vào nòng súng.
Video đang HOT
Mẫu súng Barrett .50 BMG ban đầu có chiều dài 140 cm, nòng súng dài 74 cm, tổng trọng lượng khoảng 12,7 kg với kết cấu chắc chắn và có thể mang theo dễ dàng. Biến thể sau được trang bị thêm chụp bù giật với vách ngăn kép cho phép luồng khí thoát sang hai bên, giúp giảm độ giật.
Khi chế tạo xong 30 nguyên mẫu Barrett .50 BMG đầu tiên, Barrett và Mitchell không biết họ đã tạo ra một trong những mẫu súng trường bắn tỉa quân sự với cỡ nòng lớn nhất trong lịch sử. Barrett đăng quảng cáo trên tờ Tin tức Shotgun, nhanh chóng bán hết lô súng đầu tiên và bắt tay vào chế tạo những sản phẩm mới.
Một đặc vụ thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đọc được quảng cáo về Barrett .50 BMG và đặt một loạt súng để trang bị cho phiến quân Mujahideen đang đối đầu với quân đội Liên Xô ở Afghanistan. CIA đánh giá Barrett .50 BMG là vũ khí tầm xa lý tưởng để phiến quân Mujahideen giao chiến với binh sĩ Liên Xô.
Trinh sát thủy quân lục chiến Mỹ ngắm bắn với súng Barrett M82 tại thao trường ở Twentynine Palms, bang California. Ảnh: USMC .
Khả năng tiêu diệt khí tài của đối phương như thiết bị liên lạc, phương tiện và các loại vũ khí khác bằng đạn 12,7 mm đưa Barrett .50 BMG vào nhóm súng trường xuyên phá. Khi sử dụng để tấn công thiết giáp hoặc các mục tiêu tĩnh cỡ lớn, tính chính xác không cao của súng không ảnh hưởng đến hiệu quả.
Sức công phá của đạn 12,7 mm lớn tới mức khả năng diệt mục tiêu vẫn được đảm bảo sau khi viên đạn bay được quãng đường 1,8 km. Với khoảng cách hơn 2,2 km, đạn bắn từ Barrett .50 BMG vẫn duy trì sức công phá gấp ba lần đạn 9 mm của các loại súng ngắn. Súng trường M16 của Mỹ có tầm bắn hiệu quả khoảng 550 m, còn Barrett .50 BMG là hơn 1,3 km, thậm chí có những viên đạn bay xa tới 8 km.
Các xạ thủ được đào tạo bài bản có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 1,8 km, song phải đối phó với tình trạng đạn rơi giữa đường do tác động của trọng lực và các yếu tố khác. Mục tiêu xa nhất mà xạ thủ hạ được bằng Barrett M82A1 (M107) là hơn 2,8 km hồi tháng 4/2012 tại Afghanistan, phát bắn do một thành viên thuộc trung đoàn biệt kích số 2 của Australia thực hiện.
Thủy quân lục chiến, lục quân và đặc nhiệm Mỹ, cùng lục quân Thụy Điển liên tiếp đặt hàng mẫu súng của Barrett. Một số nhóm vũ trang cũng sở hữu súng bắn tỉa Barrett .50 BMG thông qua các đường dây buôn lậu và gây một số thiệt hại. Súng bắn tỉa Barrett có thể vô hiệu hóa một máy bay phản lực trị giá hàng triệu USD đậu trên mặt đất với viên đạn giá 2 USD, điều này từng diễn ra trong nhiều cuộc xung đột.
Barrett .50 BMG, mẫu súng ban đầu không ai muốn chế tạo, đã tạo ra một cuộc cách mạng về súng trường bắn tỉa hạng nặng. Hơn 60 quốc gia đang sử dụng Barrett M82A1, chủ yếu là các thành viên NATO cùng các đồng minh của Mỹ tại châu Á và Trung Đông.
Một số cường quốc quân sự khác sau đó biên chế súng trường bắn tỉa cỡ nòng 12,7 mm do họ tự phát triển, bao gồm OSV-96 của Nga và Zijiang M99 của Trung Quốc.
Mẫu súng bắn tỉa Nga có thể khoan thủng xe bọc thép
ASVK là súng bắn tỉa mạnh nhất của Nga, có thể xuyên thép 20 mm ở khoảng cách 500 m và phá hủy thiết giáp hạng nhẹ từ 2 km.
Trong chiến tranh tại Chechnya, quân đội Nga đã tìm kiếm một mẫu súng trường có thể tiêu diệt hiệu quả lực lượng đối phương từ khoảng cách xa. Một trong những tiêu chí lựa chọn là súng có thể tiêu diệt kẻ thù dù đạn không trúng bất cứ bộ phận hiểm yếu nào trên cơ thể.
Đây là lý do các hãng vũ khí Nga quyết định thiết kế mẫu súng lấy cảm hứng từ súng trường bắn tỉa mạnh nhất của nước ngoài sử dụng đạn .50 BMG 12.799 mm, như khẩu Barret M82/M107 của Mỹ, vốn có khả năng hạ mục tiêu cách xa vài km.
Súng trường Bắn tỉa Cỡ nòng lớn của Quân đội (ASVK) ra đời, sử dụng đạn cỡ 12,7x108 mm, trở thành vũ khí bắn tỉa mạnh nhất của Nga khi có thể xuyên thủng dễ dàng tấm thép dày 20 mm ở khoảng cách 500 m.
Đây là loại đạn từng được sử dụng cho các mẫu súng trường diệt tăng và đại liên hạng nặng do Liên Xô và Nga sản xuất, trong đó có DShK, NSV và Kord, với giá khoảng 30-40 USD/viên.
Súng trường bắn tỉa hạng nặng ASVK. Ảnh: vitalykuzmin.net .
ASVK sử dụng thiết kế kiểu bullpup, với hộp tiếp đạn được đặt phía sau cò súng hoặc "tích hợp" vào báng súng. Thiết kế bullpup giúp tăng đáng kể chiều dài nòng súng trong khi vẫn giữ nguyên kích thước tổng thể. Tổng chiều dài của ASVK là 1,35 m, trong đó nòng súng dài một mét.
Nòng súng của ASVK được làm dày dặn, có khối lượng lớn để giảm độ giật khi bắn. Ngoài ra, chụp bù giật cỡ lớn ở đầu nòng có thể giúp giảm độ giật xuống 2,5 lần. Phần đệm đế báng súng được làm bằng vật liệu xốp đặc biệt, góp phần triệt tiêu lực giật tác động lên vai xạ thủ.
Nòng súng được gắn cố định với buồng đạn, song gần như không tiếp xúc với các bộ phận khác của súng.
Hộp tiếp đạn cứng cáp, nòng nặng và cơ chế lên đạn thủ công giúp tăng độ chính xác của ASVK trong tác chiến. Tay kéo bệ khóa nòng và chốt an toàn được bố trí bên phải thân súng.
ASVK và các biến thể được quân đội Nga và hai nước khác sử dụng, chủ yếu cho nhiệm vụ chống bắn tỉa, tiêu diệt thiết giáp hạng nhẹ và các ổ đại liên của đối phương từ khoảng cách 1,5-2 km.
Súng trường bắn tỉa hạng nặng ASVK. Ảnh: vitalykuzmin.net .
Yuri Sinichkin, cựu xạ thủ bắn tỉa Nga, cho rằng ASVK mạnh hơn các mẫu súng trường bắn đạn 12,7 mm của Mỹ và châu Âu, rất phù hợp để loại bỏ thiết giáp hạng nhẹ của đối phương từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, nó còn tồn tại một số nhược điểm đáng kể.
Nhược điểm lớn nhất của ASVK là độ chính xác không cao, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu của xạ thủ bắn tỉa trong điều kiện thực chiến. "Đạn lệch tới 2 độ, nghĩa là bạn chỉ có thể bắn trúng mục tiêu cỡ lớn ở khoảng cách một km, bởi đạn có thể chệch rất xa so với mục tiêu", Sinichkin nói.
Một nhược điểm khác của ASVK là giá thành đắt đỏ, khoảng 37.000 USD một khẩu, tương đương các mẫu súng trường bắn tỉa hạng nặng của những hãng đối thủ như Barret và Accuracy International. Đạn của mẫu súng này cũng rất đắt, hạn chế đáng kể khả năng luyện tập của người bắn.
"Với số tiền này, tôi thà mua súng trường của Mỹ vì chúng vượt trội về công năng và kỹ thuật so với ASVK", cựu xạ thủ Nga cho biết.
Cô gái kết hôn với chính mình Bốn tháng sau khi chia tay bạn trai, cô Meg Taylor Morrison, 35 tuổi, kết hôn với chính mình trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Cô gái này sống ở Atlanta, bang Georgia, từng có ý định kết hôn với bạn trai vào ngày lễ Halloween năm 2020. Tuy nhiên, tình yêu tan vỡ bốn tháng trước ngày dự...