Máu lại đổ ở thủ đô, nữ Thủ tướng Thái quyết không lùi
Làn sóng biểu tình ở thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm qua (26/12) lại leo thang thành bạo lực với những cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ.
Biểu tình ở Bangkok lại leo thang thành bạo lực
Ít nhất một cảnh sát đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Tình trạng bạo lực đổ máu này đã khiến Ủy ban Bầu cử Thái Lan lên tiếng kêu gọi trì hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. Tuy nhiên, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck quyết không nhân nhượng, khẳng định kế hoạch bầu cử vẫn được tiến hành đúng như dự định bởi sự trì hoãn chỉ khiến bạo lực leo thang.
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình
Mặc dù đã thể hiện sự kiên nhẫn và kiềm chế trong suốt một thời gian dài vừa qua nhưng sáng qua lực lượng cảnh sát Thái Lan đã buộc phải dùng đến hơi cay để ngăn chặn người biểu tình xông vào một sân vận động – nơi đang diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Cảnh sát đã bắn một loạt đạn hơi cay về phía người biểu tình đang ào lên. Đáp lại, những người này ném đá về phía cảnh sát. Vụ đụng độ này xảy ra ngay bên ngoài Sân vận động Nhật-Thái. Đây là nơi các ứng cử viên của cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 đang tụ họp để rút thăm vị trí của họ trên lá phiếu.
Kênh truyền hình Thái 3 đưa tin, vào 7h22 sáng qua, những người biểu tình đã tìm cách xông vào Cửa số 2 của sân vận động và cảnh sát đã buộc phải bắn súng hơi cay và súng đạn cao su về phía họ để ngăn chặn hành động này.
Những người biểu tình, một số có súng cao su, đã đáp trả lại bằng cách bắn súng cao su, ném đá về phía cảnh sát và tìm cách phá vỡ hàng rào cảnh sát. Ít nhất 48 người đã bị thương. Một cảnh sát thiệt mạng vì trúng đạn từ phía người biểu tình.
Các cuộc đụng độ được giới hạn ở khu vực sân vận động Nhật-Thái nhưng nó kéo dài suốt buổi sáng. Đây là đợt đụng độ bạo lực đầu tiên xảy ra trong phong trào biểu tình hàng ngày kéo dài liên tiếp gần hai tuần qua trên các con đường ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Cảnh sát phần lớn đều thể hiện sự kiềm chế, kiên nhẫn và không tìm cách bắt giữ thủ lĩnh phong trào biểu tình – Suthep Thaugsuban dù ông này đang đối mặt với lệnh truy nã.
Trước đó, lúc 6h40 sáng, đại diện của 27 đảng phái chính trị đã có mặt tại sân vận động để tham dự lễ rút thăm vị trí trên lá phiếu. Cảnh sát sau đó được cho là đã đóng toàn bộ cửa ra vào sân vận động và đỗ một loạt xe ở ngay trước các cổng để ngăn chặn người biểu tình tìm cách xông vào nơi đây.
Tiếp đó, vào 8h sáng, 4 thành viên của Ủy ban Bầu cử đã đến sân vận động để chủ trì buổi rút thăm. Một thành viên của ủy ban này là ông Teerawat Thirajojwit không có mặt với lý do nghỉ ốm. Tiến trình rút thăm chính thức bắt đầu vào lúc 8h30. Trong lúc này, tình hình hỗn loạn bên ngoài sân vận động vẫn tiếp tục diễn ra.
Video đang HOT
39 trong số 34 đảng phái chính trị đã cử đại diện đến tham dự lễ rút thăm trong khi 4 đảng phái khác từ bỏ quyền này.
Đảng đối lập lớn nhất – Đảng Dân chủ, đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử, đòi phải tiến hành cải cách chính trị trước khi cuộc bầu cử này diễn ra đồng thời yêu cầu bà Yingluck từ chức ngay lập tức.
Chính phủ của bà Yingluck quyết không nhân nhượng
Trước diễn biến trên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã kêu gọi chính phủ hoãn kế hoạch bầu cử lại. Tuy nhiên, chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra kiên quyết bác bỏ, nhấn mạnh rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Trong tuyên bố được phát đi ngày hôm qua, Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói rằng, họ kêu gọi chính phủ xem xét “hoãn kế hoạch bầu cử” với lý do thiếu “hòa bình” giữa chính phủ và người biểu tình.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanjana tuyên bố đầy cứng rắn rằng, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra đúng như kế hoạch.
“Ngày 2/2/ 2014 đã được ấn định là ngày bầu cử theo sắc lệnh được hoàng gia phê chuẩn sau khi Quốc hội giải tán. Và hiến pháp cũng như luật pháp không có bất kỳ quy định nào cho phép chính phủ có thẩm quyền thay đổi ngày được ấn định đó”, ông Pongthep nhấn mạnh.
Những cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ kéo dài nhiều tuần đã buộc nữ Thủ tướng Yingluck phải tuyên bố giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, bước đi này của bà Yingluck cũng không làm dịu được tình hình bởi phe biểu tình kiên quyết đòi bà từ chức. Đây là yêu cầu mà bà Yingluck thẳng thừng bác bỏ.
Trong một nỗ lực mới nhằm tháo ngòi căng thẳng trên chính trường, hôm 25/12, nữ Thủ tướng Yingluck tiếp tục đề xuất thành lập một hội đồng cải cách quốc gia hoạt động song song độc lập với chính phủ mới.
Tuy nhiên, những người biểu tình chống chính phủ lại một lần nữa phũ phàng khước từ thiện chí của bà Yingluck, vẫn khăng khăng đòi hỏi tiến hành cải cách chính trị trước khi tổ chức bất kỳ cuộc bầu cử nào. Phe đối lập và người biểu tình sở dĩ không muốn tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới bởi họ thừa biết sẽ thất bại trong cuộc đua tranh với đảng của nữ Thủ tướng Yingluck. Bà Yingluck được người dân nông thôn, người dân nghèo chiếm đa số ở Thái Lan ủng hộ.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã đưa ra cảnh báo về tình trạng bạo lực leo thang nếu chính phủ cứ kiên quyết tiến hành kế hoạch bầu cử vào ngày 2/2 tới.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nữ Thủ tướng Thái đứng trước thách thức lớn
Thủ lĩnh phong trào biểu tình của phe đối lập Thái Lan - ông Suthep Thaugsuban tối qua (6/12) đã lên tiếng kêu gọi người dân trên khắp cả nước tham gia vào một cuộc biểu tình lớn vào ngày 9/12 tới trong một nỗ lực mà ông này gọi là "trận quyết chiến cuối cùng với chính phủ" của nữ Thủ tướng Yingluck.
Nữ Thủ tướng Yingluck
Theo lời ông Suthep, những người biểu tình sẽ "thổi còi lần cuối cùng" vào ngày thứ Hai tới để chiếm lại quyền lực từ tay chính quyền của bà Yingluck. Ông Suthep tuyên bố, ông sẽ không kéo dài thêm các cuộc biểu tình nữa mà sẽ làm rõ về việc người biểu tình thất bại hay chiến thắng vào ngày 9/12.
Thủ lĩnh làn sóng biểu tình chống chính phủ đã kêu gọi người dân Thái Lan trên khắp cả nước hãy ngừng làm việc để tham gia vào các cuộc biểu tình đường phố trong ngày thứ Hai tới. Đợt biểu tình mới sẽ bắt đầu vào lúc 9h39 sáng.
Nếu con số người biểu tình lên tới 1 triệu người trong ngày hôm đó, ông Suthep sẽ tuyên bố chiến thắng và một "hội đồng của nhân dân" sẽ được thành lập để thực thi quyền lực của nhân dân và lãnh đạo đất nước. Nếu không được như vậy, ông Suthep khẳng định sẽ đích thân thừa nhận thất bại và đầu hàng cảnh sát
"Đó sẽ là trận quyết chiến cuối cùng. Đó sẽ là thời khắc sống hoặc chết đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi thất bại trong việc lật đổ chính phủ, tôi sẽ đầu hàng và nộp mình cho cảnh sát", ông Suthep tuyên bố trước những người biểu tình.
Thủ lĩnh Suthep kêu gọi người dân Thái ở mọi ngóc ngách của đất nước đổ ra đường biểu tình vào ngày thứ Hai để "giành lại quyền làm chủ của nhân dân" từ cái mà ông này gọi là chính phủ và quốc hội "bất hợp pháp".
"Thời khắc D-Day sẽ là vào 9h39 sáng. Các bạn, những người dân Bangkok hãy rời nhà vào buổi sáng và diễu hành trên các con đường ở thủ đô tới địa điểm chung là Tòa nhà Chính phủ và chúng ta sẽ không trở lại đây", ông Suthep kêu gọi.
"Đối với những người ở các tỉnh, điểm đến của họ sẽ là các tòa thị chính của tỉnh. Chúng tôi sẽ bao vây Tòa nhà Chính phủ và tất cả trụ sở của chính quyền các tỉnh. Chúng tôi sẽ không để chính phủ này tiếp tục làm việc thêm nữa chừng nào đó là chính phủ hợp pháp", ông Suthep tuyên bố.
Thủ lĩnh phe đối lập cũng yêu cầu những người không muốn tham gia biểu tình hãy ở yên trong nhà bởi ông này dự đoán giao thông ở thủ đô Bangkok vào buổi sáng ngày thứ Hai tới sẽ rất là khủng khiếp bởi các con đường được cho là sẽ tràn ngập người biểu tình.
Theo ông Suthep, những người biểu tình đã chiến đấu đủ lâu rồi. "Tôi không thể tiếp tục chứng kiến các bạn phải chịu đựng thêm nữa. Thứ Hai - 9/12 sẽ là ngày sống hay chết cho tất cả chúng ta. Nếu hàng triệu người đổ ra đường và gia nhập vào cuộc biểu tình của chúng ta, như vậy, chúng ta đã chiến thắng. Ngược lại, chúng ta sẽ thất bại và đó sẽ là sự chấm dứt đối với tôi. Tôi sẽ bước vào tù vào chấp nhận tội danh nổi loạn".
Ông Suthep tuyên bố sẽ đích thân dẫn đầu cuộc diễu hành biểu tình đến Tòa nhà Chính phủ.
Trước tình hình khẩn cấp trên, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã quyết định hủy bỏ một loạt chuyến công du nước ngoài trong tháng này để xử lý cuộc khủng hoảng trong nước.
Phát ngôn viên chính phủ - ông Teerat Ratanasevi cho hay, bà Yingluck đã hoãn chuyến công du đến Nga vào ngày 8-9/12 tới và bà cũng sẽ không đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản vào ngày 12-15/12 tới. Bà Yingluck còn vắng mặt tại lễ khai mạc Sea Games ở Myanmar vào ngày 11/12 tới.
Thủ lĩnh Suthep trước làn sóng chỉ trích
Trong lúc này, Hiệp hội Luật sư Thái Lan ngày hôm qua (6/12) đã kiến nghị Tòa án Hiến pháp ra lệnh cho Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân do ông Suthep đứng đầu chấm dứt các cuộc biểu tình và xem xét giải tán Đảng Dân chủ đối lập.
Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Thái Lan - ông Narinpong Jinapak cho biết, ông đã trình đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để yêu cầu tòa án xem xét xem liệu ông Suthep cùng với Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva và bản thân Đảng Dân chủ có phải là đang dùng đến các biện pháp vi hiến để chiếm quyền.
Giới học giả Thái Lan cũng đang lên án gay gắt kế hoạch thành lập hội đồng nhân dân không phải do nhân dân bầu lên của ông Suthep. Các học giả phản đối gay gắt việc thủ lĩnh phong trào biểu tình hiện nay có kế hoạch viện dẫn đến Điều 7 của Hiến pháp để mở đường cho một chính phủ do giới hoàng gia bầu lên.
Theo giới học giả, bước đi đó sẽ là một sự xúc phạm đến nền dân chủ ở Thái Lan và sẽ là một quả bom hẹn giờ có thể gây ra một cuộc nội chiến trong tương lai.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở trường Đại học Kasetsart ngày hôm qua, Hiệu phó trường Đại học Thammasat - ông Nakharin Mektrairat nhận định, ý tưởng thành lập hội đồng nhân dân của ông Suthep là không thực tế và không thể thực hiện được. Theo ông này, lựa chọn duy nhất để tháo gỡ tình hình căng thẳng chính trị leo thang ở Thái Lan hiện nay là Thủ tướng Yingluck giải tán Hạ viện. Sau đó, chính phủ của bà Yingluck sẽ trở thành một chính phủ lâm thời với cam kết thúc đẩy cải cách quốc gia.
Còn học giả Kowit Wongsurawat ở Trường Khoa học Chính trị và Đạo đức thuộc Học viện Hoàng gia nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân theo các thủ tục dân chủ trong Hiến pháp. Ông này khẳng định, kế hoạch của ông Suthep đi chệch hẳn với hiến pháp và sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề hơn. Ông Kowit cũng đồng ý với biện pháp giải tán Hạ viện và tìm một người được tất cả các bên chấp nhận để giữ vai trò Thủ tướng lâm thời.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Prapas Pintoptaeng đến từ trường Đại học Chulalongkorn thì cho rằng, Thái Lan nên rút ra bài học từ Châu Mỹ Latin. Theo ông này, nhiều nước Châu Mỹ Latin từng cố gắng thực thi "các hội đồng của nhân dân" nhưng đều thất bại vì những hội đồng đó sau này đều trở thành một bộ máy cho những nhóm xã hội nhất định để họ nắm quyền chứ không phải của nhân dân thực sự.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Sẽ có đảo chính quân sự tại Thái Lan? Những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan rầm rộ hiện nay cuối cùng có thể sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự mới, một học giả nổi tiếng có tên là Pavin Chachavalpongpunt ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto cho biết. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, liệu nữ...