Mặt trái của công nghệ AI trong trường học
TRUNG QUỐC – Việc sử dụng công nghệ AI đang xâm phạm đến sự riêng tư của giáo viên và học sinh, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu chúng có thực sự hiệu quả?
Betty Li, 22 tuổi, là sinh viên một trường đại học ở Tây Bắc. Li cho biết, mỗi giây trong cuộc sống học đường của cô đều bị theo dõi bởi “những đôi mắt điện tử”. Hàng ngày cô phải đi qua máy quét nhận diện khuôn mặt để điểm danh ở trường và đi vào ký túc xá. Trong các lớp học, phía trên bảng đen cũng có những camera theo dõi, giám sát sinh viên.
Nhiều trường học ở Trung Quốc đang triển khai công nghệ AI (Artificial Intelligence – trí thông minh nhân tạo) và các máy ảnh nhận dạng khuôn mặt trong khuôn viên. Đây là một phần của chiến dịch giáo dục thông minh do Bộ Giáo dục Trung Quốc khởi xướng nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ, đồng thời đưa nền kinh tế Trung Quốc đi lên chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong một kế hoạch chi tiết được công bố năm 2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc đề nghị các trường tìm hiểu mô hình giảng dạy mới dựa trên AI, bao gồm sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi quá trình giảng dạy và phân tích hiệu suất của học sinh, giáo viên.
Trường học sau đó nhiệt tình áp dụng AI, đặc biệt là công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Hệ thống công nghệ không chỉ được sử dụng để điểm danh, đảm bảo an ninh trường học mà còn ghi lại sự tham dự của học sinh và tham gia tuyển sinh. Một số trường học thậm chí đang khám phá cách sử dụng công nghệ AI để phân tích hành vi của giáo viên và học sinh.
Trường trung học số 11 Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang sử dụng công nghệ AI tại nhiều địa điểm, từ căng tin đến lớp học để theo dõi, phân bổ bữa ăn và cả giám sát xem có học sinh có yêu thích các giờ học hay không. Các máy ảnh trong lớp học gắn trên bảng đen có thể thu được bảy cảm xúc của học sinh bao gồm: trung lập, vui, buồn, thất vọng, tức giận, sợ hãi và ngạc nhiên.
Còn tại tỉnh Quý Châu, phía Tây Nam Trung Quốc, một trường học đã cung cấp đồng phục thông minh được trang bị chip để theo dõi học sinh đang ở đâu.
Video đang HOT
Công nghệ AI áp dụng ở trường học Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Sự phổ biến ngày càng cao của công nghệ AI trong các trường học khiến nhiều phụ huynh Trung Quốc lo lắng về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân của con cái họ. Tian Guanghui, phụ huynh 56 tuổi ở Bắc Kinh, lo ngại đến nỗi đã đăng một bức tâm thư lên mạng kêu gọi nhận thức rõ hơn về tác động của việc dùng công nghệ giám sát AI đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em.
“Khi còn nhỏ, chúng tôi luôn khó chịu khi cha mẹ theo dõi mỗi ngày. Vậy nên một người bị mắt điện tử theo dõi hàng ngày thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Tôi nghĩ rằng giáo dục trẻ em là dạy chúng trở nên lịch sự và nhân văn, nuôi dưỡng cho chúng sự tò mò về thế giới chứ không phải theo dõi, giám sát mọi lúc, mọi nơi”, ông Tian viết. Ý kiến của ông hiện được rất nhiều người ủng hộ và thu hút hơn một trăm chữ ký đồng tình.
Wang Shengjin, giáo sư kỹ thuật điện tử của Đại học Tsinghua, cũng bày tỏ lo lắng về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu khi sử dụng công nghệ AI. Ông cho biết, hành vi, sở thích và thói quen của mỗi học sinh là riêng tư và đặt câu hỏi liệu chúng ta có cần thu thập những điều này hay không.
Nói về sự hiệu quả, sau một thời gian tiếp xúc với máy quét khuôn mặt, Betty Li cho biết, cô đã quen với sự hiện diện của công nghệ và quen với cả sự thất bại của công nghệ này. Hệ thống nhận dạng khuôn mặt không thể nhận ra Li nếu cô đeo kính khác nhau và khi có cả hàng dài người đi qua cửa vào ký túc xá.
Bộ Giáo dục Trung Quốc thừa nhận mối quan tâm đang ngày càng gia tăng của giáo viên, học sinh và phụ huynh về việc sử dụng các công nghệ AI trong trường học và đưa ra các hướng dẫn hồi đầu tháng 9 về việc thắt chặt phạm vi dữ liệu cá nhân của học sinh mà ứng dụng công nghệ có thể thu thập.
Lei Chaozi, Tổng cục trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng đã chỉ định một hội đồng chuyên gia để xem xét vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư đối với việc nhận dạng khuôn mặt trong khuôn viên trường.
“Chúng tôi sẽ hạn chế và điều chỉnh việc áp dụng AI trong trường học. Hiện tại, chúng tôi kêu gọi các trường học sử dụng công nghệ này với sự cẩn trọng cao độ”, ông Lei phát biểu trước báo giới.
Thanh Hương
Theo SCMP/VNE
Trung Quốc cấm dạy trước chương trình tiểu học với học sinh mẫu giáo
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm dạy trước chương trình tiểu học đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.
Sáng nay (22/8), tại kỳ họp lần thứ 22 của Ủy ban thường vụ Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trần Bảo Sinh đã trình bày báo cáo về tình hình cải cách và phát triển giáo dục đối với học sinh mẫu giáo, trong đó nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cấm dạy trước chương trình tiểu học đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.
Ảnh minh họa: China Daily.
Bộ trưởng Trần Bảo Sinh cho biết, thời gian qua Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với sự nghiệp giáo dục học sinh mẫu giáo, chú trọng vào việc gia tăng chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như các nội dung giảng dạy cho trẻ. Thời gian tới, Bộ giáo dục Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là công tác đầu vào, biên chế cũng như đảm bảo chế độ đãi ngộ với những người làm công tác nuôi dạy trẻ.
Về việc dạy trước chương trình tiểu học đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, ông Trần Bảo Sinh nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý "tiểu học hóa" đối với trẻ mầm non, nghiêm cấm các hoạt động dạy trước chương trình tiểu học cũng như xây dựng chương trình học có sự tiếp nối giữa giai đoạn mầm non và giai đoạn tiểu học.
Trước đó vào tháng 7/2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra thông báo về công tác chỉnh đốn "tiểu học hóa" đối với các trường mầm non. Theo đó, Bộ này yêu cầu tất cả các trường mẫu giáo không được dạy trước các chương trình tiểu học như học phiên âm, nhận biết số, tính toán, học ngoại ngữ... Các trung tâm bồi dưỡng cũng không được lấy danh nghĩa "lớp tiền tiểu học" để dạy cho trẻ các chương trình của học sinh tiểu học.
Đánh giá về việc dạy trước chương trình tiểu học cho trẻ mầm non, chị Châu Băng một phụ huynh cho biết:"Giai đoạn mầm non của trẻ rất quan trọng, việc bắt trẻ học trước số học, ngoại ngữ, sẽ khiến trẻ mất đi niềm vui trẻ thơ, tốt nhất nên dựa vào hứng thú và niềm vui của trẻ là chính".
Tuy nhiên, anh Đường Mỹ Cường lại tỏ ra lo lắng nếu con mình không được học trước chương trình tiểu học trong khi các bé khác đã được học.
Anh nói:"Hiện nay các trường mầm non song ngữ đều dạy trẻ học ngoại ngữ, nếu con nhà bạn không học thì các trẻ khác vẫn học. Khi trẻ học tiểu học thì các nội dung này trẻ nhà khác đều đã học hết, tất nhiên thành tích của bé không được học trước sẽ thấp hơn. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với trẻ".
Trung Quốc là một trong những quốc gia có áp lực thi cử rất lớn, ngay từ khi còn bé các gia đình đã cho trẻ đi học các lớp "giáo dục sớm", "lớp tiền tiểu học" nhằm trang bị kiến thức tiểu học để trẻ không bị thua kém bạn bè. Tuy nhiên, việc dạy trước chương trình tiểu học đang được coi là phản khoa học, gây khó khăn cho chương trình giáo dục tiểu học, vì việc học trước sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt./.
Theo Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh
Hệ thống nhận diện khuôn mặt tại trường học Trung Quốc: Tự động báo phụ huynh khi trẻ vắng mặt, ngăn bạo lực nhưng lại khiến học sinh thêm áp lực Những năm gần đây, các trường học Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để trang bị camera nhận dạng khuôn mặt theo dõi học sinh nhận được nhiều sự quan tâm của hầu hết các phụ huynh trong nước cũng như quốc tế. Mùa hè năm 2018, hệ thống nhận diện gương mặt được công ty công nghệ nổi tiếng Trung...