Mất nước sạch kéo dài ở Hà Nội: Công ty nước sạch nêu 3 nguyên nhân
Sự cố mất điện tại Nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình; Áp lực nước trong đường ống bị giảm; Nhu cầu dùng nước mùa hè của người dân tăng cao. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nước sạch kéo dài ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội?
Thời gian gần đây, theo phản ánh của rất nhiều người dân sống ở khu vực như phường Khương Trung, Khương Đình và Khương Hạ của quận Thanh Xuân; khu vực Đền Lừ, Định Công (quận Hoàng Mai)… đã diễn ra tình trạng mất nước sạch kéo dài. Tình trạng thiếu nước, không có nước sinh hoạt trong những ngày nắng nóng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, khốn đốn.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nước kéo dài ngay giữa Thủ đô? Phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Việt – TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) – đơn vị “bán lẻ” nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch VIWACO họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước tại một số khu vực
PV: Theo phản ánh của nhiều người dân khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai… hơn 10 ngày nay họ đã phải chịu cảnh mất nước sạch, thiếu nước sinh hoạt. Ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Nguyễn Anh Việt: Tình trạng mất nước kéo dài ở một số khu vực như người dân phản ánh là đúng. Trước thực trạng này, công ty chúng tôi đã tiến hành rất nhiều cuộc họp để tìm hiểu nguyên nhân. Qua xác minh nắm tình hình, có thể nói có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất là trong những ngày qua, ở nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình xảy ra sự cố mất điện một vài lần. Cụ thể gần đây nhất là ngày 16-17/5/2014, thời gian mất điện là từ 15h30 đến 23h30, trong ngày 19/5 cũng thấy thông báo mất 3 tiếng. Trong thời gian mất điện như vậy nhà máy nước sẽ không hoạt động được. Nước trong bể chứa của nhà máy vẫn còn, nhưng nước phân phối đi là không đáng kể. Khi có điện, để khởi động cho nhà máy nước hoạt động cũng phải mất một thời gian nhất định, cộng thêm thời gian “đi đường” của nước trong tuyến ống, nên những hộ ở xa sẽ lâu có nước.
Nguyên nhân thứ 2 là do nhu cầu dùng nước mùa hè của người dân tăng cao, tăng từ 10-15% so với trước, thậm chí thời gian “chớm” hè tăng đột biến lên đến 40%. Hiện tại nhu cầu dùng nước trong thời điểm này là 260.000m3/ngày đêm.
Video đang HOT
Nguyên nhân thứ 3 là do áp lực nước trong tuyến ống bị giảm từ 2,53kg/cm2 xuống còn 2,1kg/cm2. Chính vì vậy nó không đẩy được nước đi nhanh mặc dù nước trong ống vẫn có, những hộ ở xa là nước chảy rất yếu, thậm chí không có.
Có thông tin cho rằng Nhà máy nước sạch Sông Đà Hòa Bình trong thời gian này đang hạ áp suất nước xuống để đề phòng tuyến ống bị vỡ?
Chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình để phân phối tới người tiêu dùng theo đường ống riêng của chúng tôi. Vấn đề này chúng tôi cũng không nắm được, cái này phải lấy thông tin từ nhà máy nước.
Phía công ty đã có những giải pháp như thế nào trước thực trạng thiếu nước sạch của người dân thủ đô?
Cấp nước theo giờ cho các khu vực để tăng áp lực nước đẩy ra xa hơn đến những điểm bất lợi, cuối nguồn; Đấu nối tăng cường thêm các tuyến ống để tăng cường cấp nước cho các khu vực cuối nguồn, các điểm bất lợi; Sử dụng trạm bơm (Khương Trung) để bơm tăng áp cho các khu vực sau khi đã phân vùng; Mở thông các vùng đã tách trước đây và các van phân phối; Cấp xe tec nước miễn phí cho các khu vực điểm nóng, mất nước dài ngày; Tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân có chế độ tích nước hợp lý và sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên về lâu dài thì phía nhà máy nước phải tăng ấp suất nước, tăng cường độ tin cậy của đường ống truyền tải nước, vì về nguyên tắc là phải cấp nước 24/24h.
Như những nguyên nhân ông đưa ra ở trên, mà hiện nay vẫn chưa có giải pháp lâu dài mang tính ổn định, thì nguy cơ thiếu nước sạch trong thời gian tới là vẫn có thể xảy ra. Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân – những khách hàng tiêu thụ nước sạch của công ty ông?
Trước hết rất mong bà con thông cảm, chúng tôi kinh doanh cũng muốn làm sao thuận lợi nhất. Chứ cứ xảy ra mất nước như vậy, mỗi ngày chi phí các khoản, thiệt hại của công ty cũng lên tới trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra mong muốn bà con chia sẻ với chúng tôi là hãy dùng nước một cách tiết kiệm hơn, chủ động các dụng cụ tích trữ nước như bể chứa, các dụng cụ khác…
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)
Theo dantri
Người Hà Nội khốn đốn vì mất nước trong những ngày nắng nóng
Những ngày gần đây, khi tiết trời vô cùng nắng nóng, oi bức, nhiều người dân Thủ đô khốn khổ vì bị "cắt" nước sạch.
Ngày 18/5, theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng tại địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội). Nhiều khu vực như phường Khương Trung, Khương Đình, Khương Hạ không ít gia đình phải đặt mua nước do xe téc chở với giá cao hoặc phải đi đến nhà người quen để xin nước về sử dụng.
Đặc biệt, do thời tiết nắng nóng nên việc mất nước sinh hoạt càng khiến cuộc sống của các gia đình gặp khó khăn. Anh Xuân Bách (27 tuổi, ở Thanh Xuân) cho biết: "Nhiều ngày nay, nhà tôi liên tục bị mất nước, lúc có lúc không, khoảng thời gian cao điểm về buổi chiều tối thường xuyên không có nước dùng".
Người dân khu vực quận Thanh Xuân đi xin nước trong ngày 18/5
Tương tự, anh Lê Văn Huỳnh (30 tuổi, ở Khương Đình, Thanh Xuân) đã sống nhiều ngày nay trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Cách đây gần một tuần, nguồn nước nhà anh Huỳnh đã bắt đầu ít dần. Có hôm phải bơm 4 - 5 tiếng đồng hồ mới đầy một bể nước có thể tích chưa đến 1m3. Đến thời điểm hiện tại đã không còn nước để dùng.
Theo nhiều người dân, đã gần nửa tháng nay ở khu vực Khương Đình và Khương Hạ tình trạng mất nước sạch xảy ra thường xuyên khiến người dân không có nước để sinh hoạt. Nhiều gia đình chủ động dùng máy bơm lấy nước từ giếng khoan để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, đó là những gia đình ít người, còn đối với những gia đình kinh doanh, cho thuê phòng trọ thì tình cảnh khó khăn hơn nhiều vì lượng nước từ giếng khoan không đủ và rất bẩn.
Nhiều hộ gia đình phải lấy nước không đảm bảo từ giếng khoan để sinh hoạt
Không chỉ khu vực Thanh Xuân, theo khảo sát của phóng viên, nhiều khu vực khác trên địa bàn Hà Nội cũng thường trực nguy cơ mất nước bất cứ lúc nào như quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông...
Đại diện Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết, từ 16h đến 21h ngày 17/5, nhà máy cấp nước ở Hòa Bình mất điện; do vậy, nhà máy nước phải giảm áp suất trong đường ống, dẫn đến hiện tượng một số khu vực đầu nguồn có nước, khu vực ở xa không có nước.
Đường ống cung cấp nước cho người dân Thủ đô vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra sự cố. Công suất của nhà máy là khoảng 220.000 m3/ngày đêm, nhưng vào những ngày cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng của người dân vọt lên 260.000 m3/ngày đêm; do vậy nhiều nơi bị thiếu nước.
Lê Tú
Theo Dantri
Điếng người bởi ấm trà giá... 320.000 đồng ở chùa Hương Mệt mỏi sau khi leo đến động Hương Tích của chùa Hương, nhóm du khách ghé vào quán uống nước. Đến khi thanh toán, chủ quán đòi nhóm du khách 320 nghìn đồng cho ấm trà vừa uống. Du khách tại chùa Hương (ảnh minh họa). Dù rất bức xúc song nhóm du khách vẫn phải trả cho chủ quán 320 nghìn đồng...