Mất hết tiền tiết kiệm cả đời trong 2 ngày vì Luna
‘Sau khi mất hết tiền tiết kiệm cả đời, tôi không thể nào ăn ngủ được. Tôi hận chính bản thân’, một thanh niên tâm sự.
Sự sụp đổ của Luna đã gây ra nỗi đau trên khắp đất nước Hàn Quốc với cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các tổ chức
Các nạn nhân có xuất thân đa dạng, từ người buôn bán nhỏ lẻ đến cả những doanh nghiệp lớn trong nước. Sự sụp đổ đi từ bình thường đến nghiêm trọng, liên quan tới cả sự sống mặc dù nhìn chung khủng hoảng Luna không phải giống sự sụp đổ của Lehman và cũng không có khả năng đe dọa thị trường tiền số hay thị trường mở rộng hơn.
“Tôi đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời chỉ trong 2 ngày”, một người giấu tên viết trên Bitman – một cộng đồng blockchain ở Hàn Quốc vào ngày 14/5. “Tôi đã liên tục bán Luna ở giá thấp rồi mua thêm vào rồi lại bán cắt lỗ. Sau khi mất hơn 100 triệu won (khoảng 78.000 USD) – số tiền tích góp trong suốt cả cuộc đời mình, tôi không thể nào ăn ngủ được nữa. Tôi hận chính bản thân mình”.
Đồng TerraUSD, hay còn gọi là UST, là đồng stablecoin liên kết với Luna. Khác với những đồng stablecoin neo vào tiền pháp định hay tài sản ổn định như vàng, đồng UST lại dùng thuật toán liên kết với Luna để điều chỉnh tỷ giá sao cho giữ ở mức tiêu chuẩn danh nghĩa 1 USD. Đầu tháng 5, Luna đã mất gần hết giá trị chỉ trong vài ngày còn TerraUSD thì giảm xuống chỉ còn 10 cent.
Một người khác thì nói rằng đã mất 2 tỷ won (1,6 triệu USD) khi đầu tư vào Luna. Anh này thậm chí đang bị điều tra sau khi xuất hiện tại nhà của Kwon Do-hyeong (hay còn được gọi là Do Kwon)- một trong những nhân vật chính đứng sau Terra.
“Kwon nên chính thức xin lỗi và tuyên bố một vài kế hoạch sử dụng bất kỳ biện pháp nào có thể, thậm chí là tiền túi để cứu vãn tình hình. Một vài người quanh tôi thực sự đã phải chết”.
Anh này từ chối tiết lộ danh tính.
Do Kwon.
Các nhà đầu tư tổ chức vào Luna cũng mất nhiều không kém, thậm chí còn ảnh hưởng tới danh tiếng của chính bản thân họ.
TerraForm Labs – công ty Singapore được hình thành vào năm 2018 bởi các nhà sáng lập của Terra đã nhận 150 triệu USD từ các công ty đầu tư gồm cả Arrington Capital, BlockTower Capital và Pantera Capital.
Kakao Ventures cũng đã đầu tư vào một công ty SPAC được thành lập bởi Terraform Labs vào năm 2018. Hiện họ không tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư này.
“Chúng tôi đã lấy lại một vài khoản đầu tư nhưng vẫn còn một lượng quyền sở hữu ở công ty”, theo Jeong Ji-yong – một người phát ngôn của Kakao Ventures.
Dunamu – công ty điều hành sàn giao dịch tiền số Upbit đã đầu tư vào Luna thông qua Dunamu & Partners vào năm 2018 nhưng họ đã bán khoản đầu tư này.
Chai Corporation có trụ sở tại Seoul – một startup thanh toán được hình thành vào năm 2018 bởi đồng sáng lập Terraform Labs là Daniel Shin. Ban đầu, Chai được thiết kế để phục vụ như một ứng dụng thanh toán cho Terra.
Video đang HOT
Tuy nhiên, kế hoạch đã được điều chỉnh khi không đủ nhu cầu thanh toán blockchain, theo người đại diện của Shin.
“Mặc dù Chai theo đuổi hàng loạt sự hợp tác với Terra trong quá khứ nhưng các hợp tác này kết thúc vào năm 2020″.
Do Kwon, 30 tuổi – người tạo ra stablecoin TerraUSD từng tốt nghiệp Stanford. Anh đã nói về một số kế hoạch khôi phục Terra sau sự sụp đổ này. Mới nhất, vào ngày thứ 2, anh ta đưa ra đề xuất đưa chuỗi Terra thành một chuỗi mới mà không có stablecoin thuật toán.
“Cơ hội lật ngược tình thế là thấp”, theo Kim Hyong-joong – một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc. “Họ đã đánh mất niềm tin và không có vốn để làm sống lại các đồng tiền số khi mọi người sẽ không mua vào nữa”.
Tuy nhiên, Kim nói rằng tác động của việc này tới toàn bộ thị trường tiền số sẽ rất nhỏ.
“Một đồng tiền số thất bại bởi nó được thiết kế không phù hợp. Chỉ vì sự cố của Luna không có nghĩa là mọi người mất niềm tin vào tất cả các đồng tiền số khác”.
“Terraform Labs đầu tiên nên lấy lại niềm tin trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào. Để làm như vậy, Kwon cần phải giải thích minh bạch lý do sau sự sụp đổ đó và cung cấp kế hoạch thực tế cho các nhà đầu tư vốn đang bị tổn thất nặng”, theo Park Sung-jun – CEO của Andus.
Sự sụp đổ của TerraUSD đã làm dấy lên những câu hỏi khẩn thiết về tham vọng của các nhà phát triển nhằm xây dựng một hình thức tài chính mới. Điều này cho thấy rằng bất chấp sự cường điệu, hệ thống tiền số non trẻ vẫn có xu hướng xảy ra các loại hoạt động ngân hàng gây bất ổn trong thế giới phi kỹ thuật số.
Hiện tại, nhiều người còn đang đặt ra câu hỏi liệu Do Kwon có phải siêu lừa giống Elizabeth Holmes hay không.
Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014, được ví như Steve Jobs khi thành lập Theranos nhằm xét nghiệm máu nhanh cho người dân. Thế rồi năm 2021, vị “nữ tỷ phú” này đối mặt bản án 20 năm tù khi Theranos hóa ra chỉ là một “cú lừa”.
Theo Morris, cả Holmes lẫn Do Kwon đều mù quáng tin tưởng vào những gì mình đang làm kể cả khi mọi chuyện vỡ lở. Bất chấp Luna đã trở nên gần như vô giá trị nhưng Do Kwon vẫn không chịu thừa nhận sai lầm và vẫn cố gắng tìm kiếm nguồn vốn đổ vào con thuyền đang chìm dần, trong khi cái lỗ này đã được hình thành từ khi dự án Luna bắt đầu.
Rõ ràng, Do Kwon là một người bán tin vào sản phẩm mình chào hàng, kể cả khi nó trở thành cú lừa khiến các nhà đầu tư điêu đứng với hàng tỷ USD bốc hơi. Đây sẽ trở thành một trong những luận điểm bào chữa tại tòa án khi luật sư cố chứng minh Do Kwon không cố tình lừa nhà đầu tư.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là “tiền ảo” chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Do Kwon giống như siêu lừa Elizabeth Holmes của lĩnh vực tiền số
Có khá nhiều điểm giống nhau giữa Do Kwon, CEO phụ trách dự án Terra và Elizabeth Holmes, người phụ nữ được mệnh danh "siêu lừa" trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Bài viết thể hiện quan điểm của David Morris, biên tập viên chuyên mục Insights của CoinDesk.
Những ngày qua, stablecoin UST và token quản trị LUNA của Terra chịu áp lực bán tháo lớn, khiến giá sụt giảm nghiêm trọng. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap vào đêm 13/5, LUNA được giao dịch ở mốc 0.00012 USD, giảm hơn 99,96% so với 24 giờ trước đó.
Vào ngày 11/5, khi giá LUNA lẫn đồng UST cùng giảm mạnh, Do Kwon, nhà sáng lập kiêm CEO dự án Terra thông báo sẽ tăng tốc độ đúc LUNA, đốt UST để sớm đưa stablecoin về mốc 1 USD. Động thái này được coi là "án tử" đối với LUNA.
Trong lịch sử kinh doanh, đã có một thảm họa mang tầm cỡ tương tự, đó là công ty Theranos của Elizabeth Holmes.
Tự huyễn hoặc bản thân
Holmes và Do Kwon có nhiều điểm chung, cả hai đều phủ nhận thất bại cũng như tự huyễn hoặc bản thân rằng những hành động của mình là đúng đắn.
Từng xuất hiện trên trang nhất của những tạp chí kinh doanh, Elizabeth Holmes - nhà sáng lập kiêm CEO của Theranos hiện phải đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù và tiền phạt 250.000 USD cộng bồi thường vì tội danh lừa đảo.
Trong trường hợp của Do Kwon, bất chấp những chỉ trích của cộng đồng tiền mã hóa dành cho Luna, CEO Terra đã cố gắng tìm kiếm thêm vốn để cứu lấy dự án. Kwon đang đóng vai một người tin vào những gì mình đang làm một cách mù quáng.
Terra từng một lần thất bại trong năm 2021.
Chắc chắn sẽ có những vụ kiện lớn hay thậm chí là truy tố hình sự xung quanh sự sụp đổ của LUNA. Luật sư của Kwon có lẽ sẽ cố gắng thuyết phục các thẩm phán và bồi thẩm đoàn rằng anh ta thực sự tin tưởng vào Terra và thất bại của dự án là sự cố chứ không phải một chiêu trò lừa đảo.
Điều tương tự đã xảy ra vào phiên tòa xét xử Elizabeth Holmes hồi tháng 1. Holmes thành lập Theranos vào năm 19 tuổi với ý tưởng giúp mọi người xét nghiệm máu nhanh, dễ dàng và rẻ hơn so với đến bệnh viện. Tuy nhiên, cô không có hiểu biết thực sự về công nghệ hay sinh học.
Dự án này sau đó đã trở thành một một chuỗi thất bại và lừa đảo. Các luật sư của Holmes đã cố gắng bào chữa rằng cô đã hành động thiếu cẩn trọng, nhưng bồi thẩm đoàn đã kết tội Holmes.
Kwon đang đóng vai một người thật sự tin vào những gì mình đang làm
David Morris, biên tập viên chuyên mục Insights của CoinDesk.
Do Kwon không ở độ tuổi 19 như Holmes khi sáng lập Terra, nhưng anh ta cũng hứa hẹn với các nhà đầu tư về một dự án stablecoin phi tập trung. Tuy nhiên, anh ta không hề biết cách tạo ra một đồng tiền như vậy. Trên thực tế, Kwon đã sao chép y nguyên các dự án đã thất bại trước đó để tạo ra LUNA. Cuối cùng, đồng tiền này đã bị mất mức neo trong một thời gian ngắn vào tháng 5/2021. Khi đó, vốn hóa thị trường của TerraUSD chỉ là 2 tỷ USD.
Kwon đã bác bỏ thất bại đầu tiên và không đưa ra bất kỳ thay đổi nào. Với tài "huyễn hoặc" của mình CEO Terra đã tiếp tục thuyết phục những nhà đầu tư rót hàng chục tỷ USD vào dự án, giúp nâng giá trị vốn hóa của LUNA lên 40 tỷ USD, và vốn hóa của TerraUSD lên hơn 18 tỷ USD.
Phủ nhận thất bại
Sau lần đầu tiên bị phóng viên John Carreyou của tờ Wall Street Journal chỉ trích vì lừa đảo, Elizabeth Holmes đã bày tỏ thái độ không bằng lòng và xúc phạm ông Carreyou trước công chúng. Hành động này của Holmes không chỉ nhằm phủ nhận thất bại mà còn để gạt bỏ những nghi ngờ rằng cô ta là một kẻ lừa đảo.
Elizabeth Holmes tại tòa án Robert F. Peckham, Mỹ.
Do Kwon cũng có những động thái tương tự. Sau thất bại hồi tháng 5/2021, anh đã gọi những người chỉ trích mình là "những con gián". Vào tháng 11/2021, anh ta gọi một giả thuyết về khả năng LUNA bị rút tiền là "thứ ngu ngốc nhất mà tôi được đọc trong thập kỷ này". Vào tháng 1/2022, khi một số nhà phân tích giải thích sự mong manh của Luna, Kwon đã gọi họ là "những kẻ ngu ngốc".
Đây là một chiến thuật tiếp thị tốt. Những hành động trên thu hút sự chú ý, đó là lý do tại sao các nền tảng mạng xã hội lợi dụng sự tức giận để lôi kéo tương tác của người dùng. Những người ủng hộ LUNA có thể coi những hành động bộc phát như vậy là sự thất vọng của một doanh nhân bị công chúng hiểu lầm.
Ngoài ra, sự tức giận có thể làm sai lệch lý lẽ của chúng ta. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi bạn tức giận, bạn có nhiều khả năng nghĩ rằng mình đúng. Minh chứng cho hậu quả của sự mù quáng đó chính là sự sụp đổ của LUNA.
Kẻ lừa đảo hay nạn nhân?
Elizabeth Holmes đã chiếm được lòng tin của những cựu chính khách như Henry Kissinger, George Schultz và James Mattis. Những người này rất được công chúng tín nhiệm nhưng lại không hiểu biết về khoa học. Đây là chìa khóa để Holmes chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư, tăng tính thuyết phục cho công ty Theranos.
Giống Holmes, Do Kwon cũng nhận thức được điều này. Anh ta biết rằng việc đưa những tên tuổi lớn vào Terra sẽ khiến dự án này đáng tin hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo ông Morris, cả Elizabeth Holmes và Do Kwon đều là nạn nhân của những nhà tài phiệt.
Kwon đã thu hút những tên tuổi uy tín vào dự án của mình, giúp Terra nhận được các khoản đầu tư từ Coinbase Ventures, Pantera Capital và có lẽ đáng kể nhất là Jump Trading, một công ty kinh doanh tài sản lâu năm bắt đầu quan tâm đến tiền mã hóa.
Việc các công ty trên tham gia vào một dự án như Terra sẽ không chỉ gây tiếng xấu cho những nhà sáng lập mà còn cho cả ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng rót tiền vì tiềm năng của Terra. Các khoản chiết khấu cho những người ủng hộ sớm đã giúp các nhà đầu tư mạo hiểm kiếm được nhiều tiền ngay cả khi dự án thất bại.
Đây là một điểm giống nhau nữa của Kwon và Holmes. Một số người cho rằng cô là nạn nhân của các nhà phiệt tại Thung lũng Silicon. Một số nhà đầu tư mạo hiểm đã nhìn thấy tiềm năng tiếp thị của Theranos và sử dụng Holmes như một công cụ kiếm tiền.
Tương tự, Do Kwon cũng có thể đã bị lợi dụng và chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn bất kỳ nhà đầu tư lớn nào rót tiền vào Terra.
Do Kwon sau thảm họa tiền số LUNA: 'Tôi rất đau lòng' Đồng sáng lập kiêm CEO Terra thừa nhận thất bại của mô hình stablecoin thuật toán. "Tôi đã dành vài ngày qua để liên lạc đến những người xây dựng, thành viên cộng đồng, bạn bè và gia đình các cá nhân bị tác động bởi việc phụ thuộc vào UST. Tôi rất đau lòng vì vấn đề từ phát minh của mình...