Mất hàng trăm triệu đồng để làm giáo viên?
Theo phản ánh của một số người dân với PV, việc con em của họ muốn xin được vào một suất biên chế, hay ký hợp đồng giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thì họ phải mất khoản phí hàng trăm triệu để “bôi trơn”.
Thầy Dương và thầy Tuấn Anh bức xúc vì không được bố trí giờ dạy.
Xin biên chế tốn hàng trăm triệu?
Bà Đ.T.N (SN 1965, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết: Sau khi tốt nghiệp bậc chuyên nghiệp, 3 đứa con của bà đều xin về dạy tại huyện Krông Pắk và phải mất các khoản phí để “xin xỏ”. Còn thầy N.V.T (giáo viên của một trường tại xã Vụ Bổn) phản ánh, để có được một suất giáo viên hợp đồng cũng phải chi hơn 100 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được khoản lương ít ỏi, dạng thời vụ (khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng).
Một giáo viên ở huyện Krông Pắk thẫn thờ khi biết thông tin sắp mất việc.
Nhiều giáo viên được ký kết hợp đồng sẽ nhận lương theo ngạch viên chức, nhưng thực tế họ chỉ được nhận đồng lương bèo bọt. Thầy Nguyễn Ánh Dương, cô Trịnh Thị Bích Hạnh (giáo viên môn Hoá); thầy Nguyễn Tuấn Anh, thầy Lương Văn Chinh (giáo viên Tin Học); cô H’Dim Niê Kđăm (giáo viên môn Sinh) của trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) đã bị cho thôi việc gần 1 năm nay. “Chúng tôi phải “chi” cả trăm triệu để ký được một hợp đồng lao động. Nhưng làm chỉ được 5 năm, so với đồng lương ít ỏi nên chưa thể thu được lại vốn. Đây là thời gian chúng tôi đi làm công không cho ngành giáo dục”, một giáo viên bức xúc.
Còn ông Ng.V.M (trú tại xã Ea K’Mut, huyện Ea Kar) vừa làm đơn tố cáo ông H.B. (Hiệu trưởng của một trường THCS Ngô Mây, ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung đơn thư cho thấy, năm 2016, ông M. đã gặp ông B. để xin cho con gái đi dạy. Lúc này ông B. nói, hiện nhà trường còn một suất biên chế nhưng phải chi 140 triệu đồng. Tin lời, ông M. đã đưa ông cho ông B. tổng cộng 120 triệu đồng. Sau khi đưa tiền, con gái ông M. được trường THCS Ngô Mây nhận vào dạy hợp đồng với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như “thỏa thuận”, ông M. đòi lại tiền nhưng ông B. không trả.
Đại tá Nguyễn Duy Trường – Trưởng Công an huyện Ea Kar, xác nhận: Vào ngày 9/3 vừa qua, trực ban đơn vị có tiếp nhận đơn của ông Ng.V.M. tố cáo hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Trong đơn của ông này có kèm theo giấy vay tiền và hẹn đến ngày trả của ông B., nhưng không ghi rõ nội dung nhận tiền để chạy việc. Vì vậy, chúng tôi thấy đây là giao dịch mang tính dân sự vay mượn tiền nên đã hướng dẫn ông M. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Krông Pắk, để được giải quyết”, đại tá Trường thông tin.
Ngày 14/3, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Trước một số phản ánh của giáo viên trên báo chí về việc bỏ tiền ra để được ký hợp đồng lao động, công an tỉnh đã giao phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh, làm rõ. Cũng theo tướng Rơi, liên quan đến việc hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Ngoài ra, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì công an tỉnh sẽ điều tra ngay.
Phớt lờ kết luận thanh tra!
Video đang HOT
Như Tiền Phong đã phản ánh, việc ký dôi dư hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học hợp đồng tại huyện Krông Pắk có liên quan đến qua 3 đời chủ tịch huyện. Theo đó, khi ông Trần Ngọc Thanh lên làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2005-2011) đã ký hợp đồng dư thừa hàng chục giáo viên. Đến nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện giai đoạn 2011-2016, nay là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã vung bút ký dư hơn 400 hợp đồng.
Vào năm 2013, Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Krông Pắk. Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác định có sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm dư cán bộ quản lý trường học ở huyện này; đồng thời kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chấm dứt hợp đồng đối với toàn bộ giáo viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn. Nhưng ông Kỷ không thực hiện theo kết luận thanh tra mà vẫn tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng với các giáo viên.
Việc tuyển dụng dư hàng trăm giáo viên thời kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ làm chủ tịch huyện, trách nhiệm tham mưu thuộc về bà Hoàng Thị Minh (nguyên trưởng Phòng GD&ĐT huyện, đã nghỉ hưu) và ông Trần Đức Lanh (nguyên trưởng Phòng Nội vụ, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện), hiện được điều chuyển lên tỉnh công tác.
Năm 2015, ông Kỷ được rút về làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk. Người kế nhiệm là ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2015 -2020) thay vì tập trung chỉ đạo, xử lý số giáo viên dư thừa theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng làm tình trạng dôi dư giáo viên càng thêm trầm trọng. Thời điểm này, người đứng đầu Phòng GD&ĐT huyện tham mưu cho lãnh đạo huyện là bà H’Yer Knul (phụ trách Phòng GD&ĐT huyện, vợ ông Y Suôn Byă). Sau những “lùm xùm” về tuyển dụng giáo viên, bà H’Yer được điểu chuyển sang làm Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pắk. Trong lúc đó, ông Y Bhé Byă (Phó phòng Nội vụ huyện này, đơn vị tham mưu cho việc tuyển dụng giáo viên) cũng là em trai của ông Y Suôn Byă.
Đưa tiền xin “biên chế” có bị truy tố hình sự?
Luật sư Tạ Quang Tòng – Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Đắk Lắk, cho biết: Trong trường hợp một số người đưa hối lộ nhằm mục đích xin việc con mình để được đi làm, thì họ phải chứng minh được một điều: không còn sự lựa chọn nào khác… buộc phải thực hiện theo yêu cầu của phía bên kia. Nghĩa là trong thâm tâm họ không muốn đưa hối lộ, nhưng vì người khác đòi hỏi… buộc họ phải làm để đạt được mục đích để con họ được đi làm. Nếu chứng minh được điều này thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk “né” trả lời phỏng vấn
Ngày 14/3, PV báo Tiền Phong đã gọi điện liên hệ với nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk để phỏng vấn việc xử lý hậu quả và trách nhiệm của những người liên quan đến việc ký tuyển dụng dư thừa hàng trăm giáo viên ở huyện Krông Pắk nhưng đều bị từ chối trả lời.
Khi PV gọi điện qua số di động cho ông Phạm Ngọc Nghị (Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) thì ông này không bắt máy, nhắn tin cũng không thấy trả lời. Tiếp đó, PV gọi điện cho ông Nguyễn Hải Ninh (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) thì ông cho biết đang đi học ở Hà Nội nên không trả lời phỏng vấn được. Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hà (Phó chủ tịch UBND tỉnh) thì nói rằng tỉnh đã có công văn chỉ đạo cho UBND huyện Krông Pắk xử lý việc dư thừa giáo viên nên cũng chưa có gì để trả lời PV.
Không nhận được trả lời phỏng vấn của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, PV tiếp tục điện thoại cho Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ông Y Biêr Niê (Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh) thì ông cho biết: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã phát hiện vấn đề dư thừa giáo viên ở huyện Krông Pắk từ lâu rồi, nhiều lần kiến nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh xử lý dứt điểm việc này. Hiện đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đang tiến hành giám sát nội dung này tại một số huyện khác trong tỉnh. Còn ông Phan Xuân Lĩnh (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) cho biết đang tiến hành kiểm tra trách nhiệm những người liên quan, khi nào có kết quả mới trao đổi lại được với PV.
Theo TPO
Cú sốc lớn trong ngành Giáo dục
"Với tư cách là một nhà giáo từng giảng dạy nhiều năm, tôi thấy đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục chứ không chỉ đối với 500 giáo viên sắp mất việc", đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ với PV.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Giáo dục... ăn đong
Ông đánh giá thế nào về vụ việc 500 giáo viên sắp mất việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) được báo chí, dư luận lên tiếng nhiều trong những ngày qua?
Có thể nói đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không phải chỉ ở con số 500 giáo viên sắp mất việc, mà quan trọng là nhìn vào một nền giáo dục, chúng ta thấy không có sự tin tưởng, bền vững. Với tư cách là một nhà giáo, từng giảng dạy nhiều năm, tôi thấy đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục chứ không chỉ đối với 500 con người, trong đó có những gia đình cả hai vợ chồng đều là giáo viên.
Nền giáo dục có hai chủ thể rất quan trọng là người học và người dạy. Với người dạy, chúng ta vẫn quen gọi là "máy cái". Vậy mà bây giờ "máy cái" lại không được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trên một tinh thần khoa học. Như thế có nghĩa là một nền giáo dục có tính chất ăn đong.
Tôi chưa bàn đến chuyện có tiêu cực chạy chọt hay không. Chỉ cần cùng một lúc có tới 500 giáo viên đang giảng dạy và cũng cùng một lúc có 500 giáo viên bước ra khỏi hệ thống giáo dục, đã thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc rồi. Trong đó có những người vô cùng tâm huyết, cũng có những người lại rất khó khăn về đời sống. Đấy chỉ là một tỉnh thôi, vậy thì trên cả đất nước này sẽ ra sao?
Một nền giáo dục như thế, nạn nhân đầu tiên chính là người dạy, nhưng nạn nhân thứ hai chính là người học. Và bây giờ chúng ta phải đi giải quyết, làm thế nào đây đối với 500 con người này, làm thế nào đây để nền giáo dục của chúng ta thực sự phát triển bền vững?
Với sự tổn thương này, theo ông cách thức điều trị ra sao?
Rõ ràng, khi tổn thương ở đâu thì điều trị ở đó. Khi muốn cho người ta thôi việc, trước hết phải có lý do chính đáng. Có thể nói đây thực sự là một cú sốc khi sa thải hàng loạt như thế. Từ góc quỳ của cô giáo vừa qua và bây giờ đến hàng trăm con người có nguy cơ mất việc, thực sự là một cú sốc lớn trong ngành giáo dục.
Bây giờ phải tìm ra được giải pháp giải quyết sao cho hài hòa nhất. Theo tôi trước tiên các trường cần nêu quan điểm, đội ngũ thầy cô giáo phải lên tiếng, rồi đến phụ huynh và ngay cả bản thân học sinh cũng phải có ý kiến về việc này. Tiếp theo, các cơ quan quản lý giáo dục, và bản thân công đoàn ngành giáo dục cũng phải có ý kiến như thế nào về vấn đề này. Chúng ta phải tham khảo, xem xét trên bình diện rộng, lấy ý kiến của tất cả để tìm ra giải pháp căn cơ nhất.
Không giải quyết bằng sự mủi lòng
Được biết, Sở Nội vụ Đắk Lắk vừa báo cáo Bộ Nội vụ xin cơ chế đặc thù trong thi tuyển viên chức, nếu không đủ tiêu chí vẫn cho thi và sẽ hoàn thiện sau. Phải chăng đây là một giải pháp cho việc này?
Tôi cho rằng không có khái niệm cơ chế đặc thù ở đây. Tại sao cứ hơi tý lại xin cơ chế đặc thù? Bản thân Bộ Nội vụ cũng không thể giải quyết được vấn đề này, bởi vấn đề ở đây không phải là bài toán biên chế. Câu chuyện về biên chế chỉ là một vấn đề thôi, điều quan trọng là phải giải được câu hỏi: Nền giáo dục này có cần những con người như thế hay không? Họ có đáp ứng được yêu cầu không?
Ai đủ tiêu chuẩn thì đưa vào. Nếu không đủ tiêu chuẩn, bản thân các thầy cô phải là những người gương mẫu đầu tiên bước ra khỏi hệ thống. Chúng ta không giải quyết trên cơ sở của sự mủi lòng, thương hại, mà chúng ta phải xem xét trên tổng thể nền giáo dục.
Một giáo viên cần phải có ý thức, có liêm sỉ cao trong vấn đề rèn luyện, học tập để đảm bảo năng lực chuyên môn, đảm bảo thực sự xứng đáng đứng ở vị trí đó. Tôi cũng cho rằng, bản thân các thầy cô không được quyền và đừng hạ thấp tiêu chuẩn của mình, cũng đừng chờ người khác hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Đừng cầu xin để được ngồi lại ở những vị trí mà anh không được phép ngồi.
Nếu bị đẩy ra mà không có lý do chính đáng, lúc đó anh mới đấu tranh. Chứ không phải vì ngày hôm qua ông tuyển tôi thì hôm nay tôi vẫn phải ở đây. Nền giáo dục của chúng ta không chấp nhận giải quyết bằng sự mủi lòng. Chúng ta giải quyết một cách có tình có lý nhưng phải trên cơ sở các quy định. Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang đối diện với cả một nền giáo dục, với trách nhiệm của người học. Đó là một câu chuyện dài.
Theo tôi phải lấy ngay sự việc này làm một bài học để xem xét trên phạm vi toàn quốc. Nhân sự việc này, chúng ta phải bàn về những vấn đề có tính chất căn cơ.
Vậy còn đối với những cán bộ lãnh đạo làm sai, "ký bừa" sẽ phải xử lý ra sao?
Đã là một vấn đề có tính chất nguyên tắc thì chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc, không thể châm chước cho những việc làm vô nguyên tắc như vậy được. Ai cho phép anh ký những văn bản như vậy? Ai cho phép anh tuyển dụng theo kiểu ăn đong như thế? Thậm chí cần điều tra trước thông tin phản ánh có chuyện chạy chọt. Ai phản ánh người đó phải chịu trách nhiệm.
Nếu có chuyện phải chạy để đi làm giáo viên thì cũng phải xem lại chính người chạy. Còn trách nhiệm của người đã nhận tiền hối lộ để tuyển dụng đương nhiên phải xem xét. Nói chung, "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên" đều phải xem xét trách nhiệm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh, không thể bao che, dung túng cũng không thể nhắm mắt làm ngơ được.
Cảm ơn ông!
"Không phải vì ngày hôm qua ông tuyển tôi thì hôm nay tôi vẫn phải ở đây. Nền giáo dục của chúng ta không chấp nhận giải quyết bằng sự mủi lòng. Chúng ta giải quyết một cách có tình có lý nhưng phải trên cơ sở các quy định".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Theo TPO
Xử phạt học sinh, thế nào cho đúng? Vụ ép cô giáo quỳ xuống xin lỗi phụ huynh học sinh vừa qua ngay trong ngôi trường mình giảng dạy ở Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã gây chấn động dư luận không chỉ trong ngành giáo dục. Có giới hạn nào cho việc xử phạt, răn dạy học sinh, có khoảng cách...