Mất đi những trụ cột gia đình
Ngày thứ ba sau khi xảy ra vụ sạt lở ngày 7-9 ở Mù Cang Chải, Yên Bái, thi thể nạn nhân thứ 19 vẫn chưa được tìm thấy. Không khí tang thương bao trùm cả huyện nghèo.
Người nhà các nạn nhân đến nhận tiền hỗ trợ tại UBND xã La Pán Tẩn sáng 9-9. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải cho hay: sáng 9-9, các hộ gia đình có nạn nhân thiệt mạng và bị thương đã đến UBND xã La Pán Tẩn để kê khai và nhận tiền hỗ trợ từ các tập thể, tổ chức và cá nhân quyên góp.
20 nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở kinh hoàng hầu hết đều ở độ tuổi từ 20-30, là những trụ cột gia đình. Trong đó hai người may mắn thoát chết là anh Hảng A Nắng (SN 1990) và Hảng A Tháng (SN 1996) vẫn đang phải nằm điều trị tích cực ở Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ.
Được biết, 9 nạn nhân ở bản La Pán Tẩn đều là anh em họ hàng, 6 nạn nhân ở bản Trống Páo Sang cũng chung một họ, 3 nạn nhân ở bản Trống Tông cũng vậy.
Vụ tai nạn ập đến khiến nhiều gia đình vợ mất chồng, cha mất con, anh mất em và có khoảng 6 trẻ em trở thành mồ côi. Không khí tang thương vẫn bao trùm cả khu huyện nghèo Mù Cang Chải.
Cả hai nạn nhân được tìm thấy ở khu vực cách hiện trường sạt lở khoảng 200m. Nắng là chú họ của Tháng. Cả hai đều mới cưới vợ, chưa có con.
Nắng mới lấy vợ được 7 tháng, hiện vợ đang mang bầu. Vụ sạt lở ngày 7-9 đã cướp đi tính mạng của hai người anh trai, chị dâu và đứa cháu con của anh trai Nắng.
Một người được cho là may mắn nhất, thoát khỏi vụ sạt lở là anh Chảo Ồng Xiết (tên thường gọi là Nam), bảo vệ khu mỏ 1 của Công ty cổ phần Thịnh Đạt.
Video đang HOT
Bảo vệ khu mỏ 1 của Công ty cổ phần Thịnh Đạt -Chảo Ồng Xiết kể lại vụ thoát chết kinh hoàng .
Chưa hết bàng hoàng, anh Xiết kể lại: “Sáng 7-9, sau mấy ngày mưa to, sợ người dân vào mót quặng, em cùng anh La Văn Trận (1 bảo vệ khu mỏ cũng bị thiệt mạng) ra trông mỏ.
Nhưng người dân đi mót đông quá không cản được. Em bị một số người cầm cuốc dọa, xô ngã ướt hết. Phải vào trong lán thay đồ. Vừa ra đến cửa lán, bàng hoàng khi nhìn thấy cả ngọn núi trên đầu đang rung chuyển, em chỉ còn kịp gào lên, chạy…đi, rồi cắm đầu chạy.
Sau tiếng nổ ầm ầm, đất đá đổ ụp xuống. Một lúc hoàn hồn, quay lại em không còn thấy bóng người nào nữa. Sợ, chân tay bủn rủn, em ngồi vật tại chỗ, sau mới kêu mọi người đến được”.
Anh Xiết không thể ngờ rằng “nhờ” bị xô ngã ướt hết quần áo, phải vào nhà thay đồ mà mình lại thoát chết trong gang tấc.
Trong một diễn biến khác, ông Giàng A Tông, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải cho biết, sau khi tìm kiếm được thi thể 17 nạn nhân ngày 8-9, đến hết ngày 9-9 vẫn chưa tìm thấy nạn nhân cuối cùng được xác định là anh Lý A Lềnh.
Trong số những thi thể đã được tìm thấy, nhiều người không còn nguyên vẹn, ông Tông đắng lòng cho biết.
Do thời tiết vẫn thường xuyên mưa gió, sương mù dày đặc nên công tác tìm kiếm vẫn rất khó khăn. Công tác tìm kiếm có thể sẽ phải kéo dài trong vài ngày tới.
Kết thúc cuộc tìm kiếm, những hộ dân nằm ở các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao sẽ phải di dời triệt để.
Tuấn Nguyễn
Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở đất ở Yên BáiTP – Ngày 9- 9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn sạt lở đất đá thuộc khu mỏ chì kẽm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương trong vụ sạt lở vừa qua. Đồng thời, để khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.TPO
Tang thương phủ trắng vùng sơn cước La Pán Tẩn
Vụ lở núi kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của gần 20 người dân La Pán Tẩn - Mù Cang Chải (Yên Bái). Khắp vùng sơn cước, không khí tang thương bao trùm trong tiếng khóc hờ văng vẳng của những người ở lại.
Để đến được điểm sạt lở, từ trung tâm xã La Pán Tẩn, chúng tôi phải cuốc bộ gần 10km với những con dốc đứng cheo leo, chỉ có lên không có xuống. Để đến đó, không chỉ ô tô bất lực mà ngay cả những chiếc xe Win hoặc Minks cũng không thể vượt được những cung đường nhầy nhụa trong trời mưa rả rích.
20 người dân gặp nạn vào trưa ngày 7/9 là bà con người Mông thuộc 3 thôn La Pán Tẩn, Trống Páo Sang và Trống Tông thuộc xã La Pán Tẩn - Mù Cang Chải - Yên Bái. Thôn La Pán Tẩn nơi có tới 9 nạn nhân thiệt mạng. Từ đầu thôn, không khí tang tóc bao trùm khắp những nếp nhà sàn. Những tiếng gào khóc nhiều khi đứt đoạn thê lương đến tê tái.
Nỗi đau tận cùng của người ở lại ngóng tin thân nhân bị vùi lấp dưới ngọn núi.
Bên vệ đường mưa nhầy nhụa, hàng chục người dân đứng lặng người ngóng về ngọn núi "tử thần". Đàn ông lấy cơm ăn tạm, đàn bà đứng che dù trong mưa khóc lóc. Bà con cho biết đứng ở đây để đợi người nhà bị nạn đưa từ bãi sạt lở về và chuẩn bị tổ chức lễ khâm liệm cho các thi thể đã tìm được.
Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai có thể tin được cả ngọn núi vốn cao sừng sững trong chốc lát sụt lở cướp đi sinh mạng của hàng chục con người như vậy. Công tác tìm kiếm các nạn nhân vô cùng khó khăn. Hàng trăm người phải dùng xẻng và tay tìm kiếm thủ công bởi nếu như đưa máy xúc vào thì sẽ có thể chạm vào những thi thể vốn đã không còn nguyên vẹn.
Vẫn còn thi thể nạn nhân đang bị vùi lấp.
Cùng trong cảnh tang tóc đó, Thôn Trống Páo Sang có 7 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở. 4 nhà cha mất con, vợ mất chồng, con mất cha và mất cả mẹ ở đây có những gia đình mất tới ba người thân bao gồm vợ, chồng, con anh em ruột và cha con. Họ đều là những lao động chính trong gia đình.
Thẫn thờ ôm con nhỏ ngồi dưới chân núi, chị Giàng Thị Dở có chồng là anh Lý A Xinh đã thiệt mạng dưới đống đất đá khóc nấc đã không còn thành tiếng. Thứ tiếng Mông chị khóc chồng bi thương đến tột cùng.
Những hộ dân tại xã La Pán Tẩn phần lớn đều thuộc diện nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào những thửa ruộng bậc thang nhỏ bé. Bởi vậy, để có thu nhập duy trì cuộc sống, những người dân nghèo đã bất chấp sự nguy hiểm của thời tiết để mưu sinh.
Người vợ ôm con thẫn thờ đợi tin chồng.
Ngọn núi tang thương là mỏ chì quặng. Thế nhưng, nhiều năm về trước, người dân không biết những cục chì nằm lăn lóc bên khe suối, vạt núi là mỏ quặng. Chỉ đến khi Công ty TNHH Thịnh Đạt đầu tư dự án khai thác quặng chì ở ngay mỏ 1 của La Pán Tẩn thì bà con mới biết đi đào mót quặng bán lại cho công ty.
Ông Lý A Sung, ở bản Trống Páo Sang cho biết quặng được bán với giá 25.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một người có thể mót được 7 - 8kg bán được hơn 200.000 đồng. Nhất là vào những ngày mưa lũ, quặng trôi từ các vỉa ra càng nhiều thì càng đông người đổ lên mót quặng. Có ngày mót được cả triệu đồng. Họ đâu có ngờ, khi miếng cơm mưu sinh dần khấm khá hơn một chút nhờ quặng thì thảm họa thương tâm xảy ra: cả trái núi đổ ập, vùi chôn nhiều sinh mạng.
Trường hợp 2 anh em Hàng A Dinh và Hàng A Sú thật đau lòng. Hàng A Sú đang học Cao đẳng Nông nghiệp tại Sơn La. A Sú và người anh của mình là A Dinh tranh thủ đi nhặt quặng kiếm tiền để chuẩn bị nhập trường nhưng cả 2 anh em họ đều đã bị ngọn núi vùi lấp. A Dinh chết đi còn bỏ lại người vợ cùng một đứa con gái mới chỉ hơn 1 tuổi.
Ông Tạ Quang Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định tập trung tối đa cho công tác cựu hộ cứu nạn.
Ông Tạ Quang Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Trước mắt, chúng tôi đang dồn toàn bộ nhân lực vào công tác tìm kiếm những nạn nhân còn đang bị vùi lấp. Với những nạn nhân được tìm thấy, UBND tỉnh Yên Bái đã tiến hành hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình 4,5 triệu đồng/nạn nhân thiệt mạng 1,5 triệu đồng cho gia đình người bị thương. Huyện cũng xuất kho dự trữ hỗ trợ mỗi gia đình 100 kg gạo nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt. Đồng thời, Công ty TNHH Thịnh Đạt cũng hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân chết số tiền 10 triệu đồng, nạn nhân bị thương là 3 triệu".
Ông Long cũng khẳng định sau khi công tác cứu hộ, cứu nạn kết thúc, UBND tỉnh Yên Bái sẽ giao các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ lở núi này. Nếu có sai phạm sẽ xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Dantri
Biển Đông: Báo Hàn Quốc bàn về khả năng máy bay J-10 Trung Quốc "Máy bay chiến đấu J-11, J-10 trang bị tên lửa hành trình tầm xa có thể là một thủ đoạn mới để Trung Quốc giành giật chủ quyền biển Đông". Tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 tại Lễ duyệt binh của Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu (TQ) dẫn nguồn báo Hàn Quốc cho hay, do tranh chấp lãnh thổ là một...