Mất cả trăm tỉ, sao vẫn lao vào vàng ảo?
Biến động giá vàng trong nước không đem lại tỉ suất lợi nhuận như mong muốn, trong khi sàn vàng ảo luôn quảng cáo sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” khiến nhiều người sập bẫy.
Cuối tháng 5 vừa qua, sàn vàng chui BBG bị đánh sập, nhà đầu tư mất trắng hàng trăm tỉ đồng. Tại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã phải cầu cứu công an. Không ít nhà đầu tư hy vọng sẽ lấy được số tiền đã góp vốn nhưng chỉ vô vọng. Sự việc chưa rơi vào quên lãng thì mới đây sàn vàng IMMS bị đánh sập, chôn vùi hàng trăm tỉ đồng của nhà đầu tư.
Điều mà rất nhiều người không hiểu được là tại sao dù không ít lần cơ quan chức năng cảnh báo chơi sàn vàng ảo là canh bạc, chỉ có thua chứ không có thắng nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào như thiêu thân. Điều đáng nói là trong số đó không ít người có hiểu biết về thị trường vàng.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Dương Anh Vũ, chuyên gia lâu năm về vàng, hiện là phó phòng Phân tích tư vấn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB).
Hám lợi nhuận rồi mất trắng
. Phóng viên: Giới đầu tư vàng đều hiểu ở Việt Nam không cho phép hình thành sàn vàng. Với công ty nước ngoài cũng không được phép mở sàn vàng hay chi nhánh tại Việt Nam. Vậy theo ông, tại sao vẫn xuất hiện nhan nhản các loại sàn vàng quảng cáo mời chào nhà đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn?
Ông Dương Anh Vũ: Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến VGX, BBG, IMMS,… các sàn vàng ảo tại Việt Nam co hẹp lại khá nhiều. Các sàn còn quảng cáo rầm rộ hầu hết là từ nước ngoài hoặc sàn vàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam.
Giao dịch vàng miếng diễn ra ảm đạm nhưng sàn chui vẫn hút hàng ngàn người tham gia. Trong ảnh: Khách hàng đang mua vàng tại một quầy vàng. Ảnh: HTD
Được gọi là “mở chi nhánh tại Việt Nam” nhưng thực chất các sàn vàng này không có địa chỉ cụ thể, cũng không có pháp nhân đại diện. Nếu muốn liên lạc thì nhà đầu tư thực hiện qua email hoặc điện thoại. Do đó quản lý việc quảng cáo và quản lý hoạt động của những sàn vàng này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Video đang HOT
. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư vẫn bất chấp rủi ro cao, lao đầu vào sàn vàng chui, sàn vàng ảo?
Hiện tại thị trường chứng khoán không sôi động và giá vàng trong nước dao động theo biên độ hẹp, lợi nhuận không hấp dẫn. Trong tình hình đó, việc các nhà đầu tư bị lôi cuốn bởi sàn vàng ảo là khó tránh khỏi.
Bởi ưu thế của các sàn vàng ảo là đòn bẩy tài chính, hứa hẹn tỉ lệ lợi nhuận cao. Ví dụ: Với tỉ lệ đòn bẩy 1:100 thì nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra hơn 29,4 triệu đồng (khoảng 1.340 USD) để mua 100 oz vàng. Giả sử giá vàng thế giới tăng 20 USD/oz thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận 44 triệu đồng (tương đương 2.000 USD). Tỉ suất lợi nhuận trong trường hợp này là 149%!
Bên cạnh đó, vàng là tài sản tích trữ mang tính truyền thống tại Việt Nam. Tất nhiên những người nắm giữ muốn vàng sinh lợi chứ không đơn thuần là tài sản tích trữ. Hiện có nhiều người vẫn mua vàng SJC hoặc vàng nhẫn vừa để tích trữ tài sản, vừa để đầu tư nhưng lợi nhuận không như mong muốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư vàng vẫn tham gia sàn vàng ảo.
Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn
. Thực tế cho thấy không ít người gửi tiền hay đầu tư vào những sàn vàng này vì họ nghĩ đơn giản rằng đó là góp tiền như một cổ đông để kiếm lời. Ông nghĩ gì về điều này?
Thông thường khi các công ty cần hút vốn thì họ nói đang đầu tư vào dự án nào đó, đầu tư vào chỉ số nào đó… Thế nên người dân bình thường đâu biết là mình đang tham gia đầu tư vào công ty kinh doanh vàng tài khoản!
Do vậy, cái sai của người dân bình thường khi đầu tư vào các công ty này nếu có là trách nhiệm đối với đồng vốn của họ. Khi nghe quảng cáo gửi tiền có lãi suất cao, họ phải hiểu rằng trên thị trường tài chính, lợi nhuận luôn tỉ lệ thuận với rủi ro, lợi nhuận cao thì rủi ro cao.
. Sàn vàng ảo núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau và tìm mọi cách lôi kéo các nhà đầu tư. Chẳng hạn sàn vàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, sàn vàng nước ngoài không có chi nhánh tại Việt Nam… Theo ông, giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?
Vấn đề này đã được bàn đến nhiều lần, đó là nên mở trung tâm giao dịch vàng mang tính quốc gia. Với cơ chế quản lý rủi ro hợp lý thì trung tâm giao dịch vàng sẽ vận hành ổn định, không còn cảnh sàn này hay sàn kia sập nữa.
Trung tâm giao dịch vàng quốc gia mang tính pháp lý cao cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư vàng trong cả nước và khi đó các sàn vàng chui không thể tồn tại.
. Xin cám ơn ông.
Theo ông Vũ cho dù có nhiều tranh luận nhưng ông Vũ tin rằng Mỹ sẽ nâng lãi suất. Chúng ta chưa lường hết được phản ứng của thị trường tài chính trong trường hợp Mỹ điều chỉnh lãi suất, do đó hầu hết các thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro đáng kể. Lời khuyên của ông Vũ là giới đầu tư nên giữ thái độ thận trọng. Cơ hội sẽ đến trên thị trường nhưng chỉ dành cho ai biết bảo toàn đồng vốn của mình. Đối với diễn biến của giá vàng thế giới, ông Vũ cho rằng sẽ duy trì ở biên độ 1.100-1.158 USD/oz trong một thời gian nữa. Dựa trên quan điểm này, giá vàng trong nước có thể không biến động đáng kể suốt hai tuần tới và chưa thể sớm rời xa mức 34 triệu đồng/lượng. Đặc biệt nhà đầu tư nên chú ý biến động trên thị trường vàng sau khi diễn ra cuộc họp vào ngày 15-10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Từ năm 2009 khi sàn vàng ở Việt Nam chính thức đóng cửa, không ít nhà đầu tư đã tham gia vào sàn vàng ảo. Thực tế kinh doanh vàng vật chất hay vàng ảo cũng là một cái nghề. Khi một người đạt trình độ hiểu biết nhất định thì lúc đó họ tham gia đầu tư có khi không đơn thuần chỉ vì lợi nhuận mà còn vì đam mê. Ông DƯƠNG ANH VŨ, Phó phòng Phân tích tư vấn Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB)
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Đừng "chết" vì vàng ảo, tiền điện tử!
Trong khi nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì sàn vàng chui IMMS vừa bị đánh sập thì không ít người lao vào tiền điện tử, đang được quảng cáo như một kênh đầu tư tốn ít vốn nhưng làm giàu nhanh.
Ngày 3-10, bà H., một nhà đầu tư vừa mất nửa tỉ đồng sau khi sàn vàng trái phép IMMS (trụ sở chính ở quận 1, TP HCM) bị đánh sập, khẳng định với chúng tôi là sẽ tiếp tục tìm sàn vàng khác chơi để gỡ gạc chứ quyết không "giải nghệ".
Tan cửa nát nhà
Theo bà H., từ năm 2012, khi sàn vàng IMMS mới thành lập, bà đã tin tưởng mở tài khoản giao dịch đồng thời góp vốn đầu tư vài trăm triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Thời gian đầu, công ty làm ăn rất uy tín, trả lãi đều đặn nên bà yên tâm không làm hợp đồng hoặc ký giấy tờ ủy thác đầu tư, cứ đúng hẹn là chuyển tiền. Chỉ đến khi sàn vàng IMMS bị lực lượng công an triệt phá ngày 25-9, bà mới biết mình đã... sập sàn. Không chỉ mất vốn đầu tư, bà H. cũng không thể lấy lại được khoản tiền mở tài khoản giao dịch là 10.000 USD.
Chỉ trong vài năm tìm đến sàn vàng ảo, ban đầu là sàn OIIC (đã đóng cửa), sau đó chuyển sang IMMS, bà H. đã để "bốc hơi" khối tài sản gồm 300 cây vàng, 1.000 m2 đất và 2 căn nhà! Căn nhà cuối cùng đang ở, bà cũng đã thế chấp ngân hàng.
Dù thiệt hại nặng nề như vậy nhưng bà H. cho biết sẽ tiếp tục chơi vàng ảo chứ không bỏ cuộc. "Chừng đó tài sản đã bay theo những cơn lên xuống của giá vàng, giờ bảo bỏ thì biết lấy cơ hội nào mà gỡ? Tôi đang tính mượn thêm 5.000 USD tìm sàn khác chơi tiếp. Với khoản tiền này, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 15-20 triệu đồng trả nợ lãi ngân hàng" - bà H. quả quyết.
Hình ảnh về những loại tiền điện tử được quảng bá trên mạng của Onecoin
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người chơi vàng ảo số tiền nhỏ rất khó thắng lớn và thường xuyên bị chủ sàn vàng ép bằng cách điều chỉnh lịch sử giao dịch trên máy chủ, hoặc đang thắng nhưng giao dịch không khớp dẫn đến mất luôn cả tiền. Như tại sàn IMMS, công ty chủ quản đã mua phần mềm giao dịch vàng tài khoản (MT4) ở nước ngoài về rồi tự tổ chức cho nhà đầu tư chơi. Khi chơi, nhà đầu tư nhầm tưởng là được giao dịch với tổ chức nước ngoài nhưng thực tế, IMMS không liên kết với nước ngoài. Công ty này cũng đồng thời là "nhà cái" nên có thể can thiệp vào quá trình giao dịch của người chơi hoặc dùng các thủ thuật để biến thắng thành thua nhằm kiếm lợi cho mình. Anh Thanh, một nhà đầu tư chơi vàng tài khoản có thâm niên gần chục năm ở TP HCM, cho biết những người như bà H. không ít nên mới có hàng ngàn tài khoản với tổng số vốn hàng trăm tỉ đồng giao dịch qua sàn vàng IMMS.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá hàng loạt sàn vàng không phép như VGX, Khải Thái, HGI, BBG và IMMS... Điều đáng nói là trong khi nhiều sàn vàng chui trong nước ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô thì một số sàn vàng ngoại (hoạt động dưới danh nghĩa văn phòng đại diện của các sàn quốc tế, được cấp giấy phép, chứng chỉ nước ngoài) vẫn hoạt động và không ngừng mời gọi người chơi.
Tiền điện tử "tung hoành"
Trong lúc nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì sàn vàng chui IMMS vừa bị đánh sập thì thị trường lại xôn xao với kênh đầu tư khác: tiền điện tử. Loại tiền ảo này đang được quảng cáo như một kênh đầu tư tốn ít vốn nhưng làm giàu nhanh chóng. Cơn sốt Bitcoin tạm lắng chưa lâu, nay Onecoin đang "tung hoành" và Gemcoin vừa xuất hiện cũng đang không ngừng chiêu dụ nhà đầu tư.
Nguyễn Phương - một người đang tìm kiếm nhà đầu tư, mở rộng mạng lưới người tham gia Gemcoin tại Nghệ An - khoe: "Gemcoin là loại tiền điện tử đầu tiên và duy nhất được bảo chứng bởi các tổ chức ở Mỹ. Chỉ cần số vốn ban đầu 1.000-2.000 USD là có thể đầu tư để kiếm lợi nhuận cao trong tương lai hoặc kêu gọi thêm nhiều người giúp nhanh chóng nâng giá trị đồng tiền này". Chỉ riêng nhóm nhà đầu tư của Phương ở Nghệ An đã có khoảng 40-50 thành viên. Ở nhiều tỉnh, TP khác như TP HCM, Cần Thơ... các thành viên của Gemcoin cũng đang ráo riết tìm nhà đầu tư.
Ra đời sau Bitcoin và Onecoin nhưng Gemcoin có ưu thế nhờ được quảng cáo là "đồng tiền điện tử duy nhất có giá trị thực chất, được bảo đảm bởi công ty đá quý USFIA trị giá 15 tỉ USD (thuộc sở hữu của Quỹ Đầu tư AFG của Mỹ). Thông tin trên website của Gemcoin cho thấy đồng Gemcoin chính thức được giao dịch tại Mỹ với giá khởi điểm 0,05 USD ngày 1-9-2014 và đến nay giá mỗi Gemcoin là 0,2729 USD. "Bitcoin đã tăng giá 16.000 lần sau một thời gian ngắn, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào đồng tiền điện tử Gemcoin" - Gemcoin chiêu dụ. Thậm chí, những người tham gia còn được hứa hẹn nếu mời được nhà đầu tư khác vào Gemcoin sẽ nhận được phần thưởng là chuyến du lịch, xe hơi và cả cơ hội định cơ tại Mỹ (!?).
Trong khi đó, Onecoin cũng ra sức tìm kiếm khách hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông được một thành viên của Onecoin mời tham gia, giới thiệu đây là kênh đầu tư mới tuyệt vời. "Tiền ảo Onecoin đã rút kinh nghiệm từ bài học Bitcoin nên thuyết phục người mới về công ty, trụ sở hoạt động, có kiểm toán và báo cáo tài chính rõ ràng. Nhưng mấy ai biết nó ở đâu, có đọc được báo cáo tài chính? Tốt nhất là nên thận trọng?" - ông Hiếu cảnh báo. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, ông cũng không ít lần nhận được lời mời đầu tư với Onecoin đầy hấp dẫn. Với Onecoin, hình thức đầu tư giống như đa cấp vì càng mời được nhiều người tham gia càng được phí môi giới cao và tiền thưởng nhiều. "Nếu hám lợi và không tỉnh táo, chắc chắn sẽ có nhiều người dính bẫy" - ông Khánh cảnh báo.
Biến tướng huy động vốn trái phép Theo ông Phan Dũng Khánh, một biến tướng ở các sàn vàng chui và dịch vụ tiền điện tử là huy động vốn trái phép với lãi suất cao, dưới dạng ủy thác đầu tư chứ không đơn thuần mở tài khoản giao dịch. Hoạt động này nhà nước không cho phép nên nhà đầu tư tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khẳng định: "Các sàn vàng chui hoặc những đồng tiền ảo (tiền điện tử) không được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Những người đầu tư vào đây sẽ không được bảo vệ khi xảy ra sự cố. Cách tốt nhất là người dân không nên giao dịch mà chuyển vốn đầu tư vào những kênh hợp pháp khác".
Chơi tiền ảo như kinh doanh đa cấp! Tiền điện tử hay tiền ảo có thể xem như một dạng "công cụ thanh toán" nhưng đôi khi người ta gán ghép chúng với một giá trị nào đó từ vàng bạc, đá quý, USD, euro... (như Bitcoin, Onecoin, Gemcoin) rồi tìm cách tạo ra và nâng cao giá trị bằng cách thúc đẩy lòng ham muốn. Ở một số nước, tự do kinh doanh được mở rộng miễn là không vi phạm pháp luật. Vì thế, các cá nhân, tổ chức tạo ra tiền ảo rồi quảng bá khuyến khích người tham gia đổi tiền thật, tạo sự ham muốn để nâng cao giá trị. Thực tế, một số đồng tiền ảo trong thời gian ngắn đã tăng giá trị cao gấp nhiều lần. Nhưng ai quảng bá, ai chấp nhận các đồng tiền này mới quan trọng. Ngân hàng, tổ chức, định chế tài chính chính thống của các nước đó công nhận hay chỉ có những nhà đầu tư trong cùng hệ thống với nhau? Rồi người trước được hưởng lợi nên lôi kéo người sau, người sau lại tìm cách bù đắp chi phí đầu tư, tìm lợi nhuận từ người kế tiếp... Số lượng các đồng tiền ảo luôn có giới hạn, nhà đầu tư tham gia đông thì giá sẽ lên, ít nhất là giá trong cộng đồng các nhà đầu tư loại tiền ảo đó! Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước không công nhận Bitcoin, Onecoin, Gemcoin như kênh thanh toán chính thức nhưng vì sao các loại tiền này vẫn có cửa hoạt động, nhiều người muốn tham gia? Lý do nằm ở chỗ các công cụ thanh toán điện tử ngày nay đều có ích cho hoạt động giao thương, có thể gán ép, nâng giá trị như một hình thức đầu cơ. Ai lại không muốn trở thành triệu phú đô la sau 1 năm với số vốn ban đầu chỉ bằng tiền nuôi vài con bò!? Và vì thế, đồng này bị mất giá, im hơi lặng tiếng sẽ có ngay đồng khác xuất hiện, "hay hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn"... Với cơ quan quản lý các nước, họ cũng thấy được những rủi ro và bất ổn của tiền ảo nên mới không công nhận. Không có gì là dễ dàng, việc làm giàu cũng vậy. Các sòng bài giàu có là nhờ thỉnh thoảng có người thắng bài nhưng người thua thì vô cùng nhiều. Vấn đề là các "con mồi" chỉ được nghe kể về những người "chiến thắng"! TS Huỳnh Trung Minh
Theo Thái Dương (Người lao động)
Khám xét khẩn cấp văn phòng Công ty BBG tại Quảng Trị Ngày 18/6, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Phòng An ninh Kinh tế Công an Quảng Trị vừa phối hợp với Công an TP Hải Phòng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp văn phòng làm việc của BBG đóng tại tỉnh này. Trước những dấu hiệu lừa đảo của công ty BBG, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ Tổng...