Mất bạn, mất việc, bị bạo hành vì công khai… đồng tính
Một “báo cáo tổng quan” về cộng đồng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam vừa được công bố ngày 14/5. Cuộc điều tra đầu tiên về vấn đề hôn nhân đồng giới này cũng đưa lại nhiều kết quả đáng chú ý.
Cuộc điều tra với kết quả là bản “báo cáo tổng quan” này do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng nhiều chuyên gia xã hội học tiến hành.
TS Lê Quang Bình – Viện trưởng iSEE – khái quát, cuộc điều tra được tiến hành trên 3.000 người đồng tính nam và 2.000 người đồng tính nữ trong 2 năm (2009-2010). Kết quả khảo sát thể hiện một vấn đề đáng quan tâm là thực trạng cuộc sống của những người đồng tính, song tính và chuyển giới trong môi trường xã hội còn nhiều kỳ thị, mù mờ thông tin ở Việt Nam.
Ông Bình nêu một vài con số: có tới 95% người đồng tính nam được hỏi nói rằng đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường; 20% đã bị mất bạn khi “để lộ” thân phận thật của mình; 15% số người đồng tính bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã bị tấn công, 4,1% bị đuổi khỏi chỗ ở và 6,5% người đồng tính bị mất việc khi “bị phát hiện thân phận thật”.
“Trải nghiệm của người đồng tính với việc bị phân biệt đối xử là có thật” – ông Bình khẳng định. Theo phân tích của Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, hành vi bạo hành đối với người đồng tính ở Việt Nam còn có đặc điểm là chủ thể hành động đến từ chính gia đình, người thân của người đồng tính chứ không phải từ đường phố. Sự kỳ thị trong xã hội thể hiện theo hướng biểu hiện xa cách, lạnh lùng, tẩy chay…
Việc công khai “danh phận”, con người thật của mỗi cá nhân trong cộng đồng LGBT cũng là một thử thách khắc nghiệt, một quyết định khó khăn, đòi hỏi nhiều dũng cảm và… chấp nhận hi sinh.
Ảnh trưng bày về cuộc sống của người đồng tính nhận được sự quan tâm tìm hiểu của nhiều độc giả.
Về tâm tư, nguyện vọng, 92% trong số hơn 2.400 người đồng tính nữ được hỏi đã nói rằng muốn được pháp luật công nhận việc kết hôn đồng giới. Điều tra tương tự của Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) tại TPHCM thực hiện với 2.000 người đồng tính nam và đồng tính nữ cũng cho thấy 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. 62% số người được hỏi nói rằng đang có hoặc đã từng có người yêu; 77% người đồng tính nữ khẳng định họ muốn kết hôn và có con.
Video đang HOT
Với câu hỏi về mong muốn gì cho cuộc sống trong 10 năm tới, hầu hết những người đồng tính đều trả lời mong không còn bị kỳ thị, được sinh sống, kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn.
Theo ông Lê Quang Bình, kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy những người đồng tính cố gắng kết hôn dị tính vì sức ép từ phía gia đình, muốn có con cái để nối dõi đã gặp phải một bi kịch khác. 52% trong số người chấp nhận cuộc sống với thân phận bị che giấu say đó vẫn buộc ly hôn vì hôn nhân không hạnh phúc. Vợ/chồng của họ hoặc gia đình họ không chấp nhận việc họ là người đồng tính.
Nghiên cứu của iSEE cũng chỉ ra rằng xu hướng người đồng tính bị “ép” kết hôn dị tính chủ yếu xảy ra ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn hơn là khu vực thành thị và ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam.
Đến từ Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), TS. Nguyễn Thu Nam cũng công bố nhiều kết quả nghiên cứu về tác động của việc công nhận hôn nhân đồng giới ở các nước trên thế giới. Theo đó, việc công nhận hôn nhân đồng giới không gây ra hệ quả nào đến phát triển dân số, tỷ lệ ly hôn, tỷ lệ trẻ em phạm tội… cũng như quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ.
Ở Đan Mạch – nước đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, tỷ lệ ly hôn trong năm 1999-2000 thậm chí còn giảm đôi chút. Tỷ lệ ly hôn trong những cuộc hôn nhân đồng giới cùng không khác nhiều hôn nhân dị tính.
Nữ tiến sĩ này cũng khẳng định, không có bằng chứng nào về bất kỳ nguy cơ gì đối với sự phát triển của trẻ em khi được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Tỷ lệ trẻ trong gia đình bố mẹ đổ vỡ hoặc đơn thân phát triển kém về thể chất, tinh thần còn cao hơn trong các gia đình đồng tính.
Việc công nhận hôn nhân đồng giới, ngược lại, mang đến nhiều kết quả tích cực với các cá nhân và xã hội. Đối với bản thân những người đồng tính, rõ ràng việc này là sự thay đổi đột phá, mang lại cho mỗi người cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung, có trách nhiệm và tăng tính cam kết, làm tăng chất lượng cuộc sống. Việc đăng ký chung sống đồng nghĩa với cam kết về hành vi chung thủy, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục.
Đối với bố mẹ người đồng tính, họ sẽ được giải tỏa tâm lý khi biết con mình có cơ hội có cuộc sống hôn nhân, gia đình bình thường như những người khác, giúp giảm bớt áp lực xã hội, tâm lý, tránh được những hậu quả đáng tiếc như việc trẻ bỏ nhà đi hay các vấn đề sức khỏe tâm trí khi mối quan hệ bố mẹ – con cái đổ vỡ.
Các hình thức công nhận ở mỗi nước cũng rất phong phú, từ việc ghi nhận hình thức sống chung đến kết đôi có đăng ký, kết hôn… Tuy nhiên, xu hướng chung, ngay cả các cặp đôi đồng tính đều hướng tới hình thức bền vững, đầy đủ nhất về mặt pháp lý là hôn nhân.
Về vấn đề trình độ học vấn và nghề nghiệp, kết quả nghiên cứu của iSEE cho thấy 68% người đồng tính nam và 70% người đồng tính nữ có trình độ trung cấp, CĐ và ĐH. Tại cuộc khảo sát với đồng tính nữ trong năm 2013 cũng cho thấy hơn một nửa mẫu khảo sát có trình độ học vấn từ ĐH trở lên; trình độ trung cấp và CĐ là 9,2%. Trong số gần 3.000 người đồng tính trả lời thông qua các diễn đàn trên internet cho thấy người đồng tính làm trong doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 24%), cơ quan hành chính sự nghiệp (13%), các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là 14,3%. Người đồng tính làm nghề dịch vụ khách hàng cũng chiếm tỷ lệ18%, tiếp đến là văn hóa-nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, dịch vụ công, quản lý hành chính, sản xuất công nghiệp, thể thao. Tài liệu nghiên cứu, truyền thông của đơn vị này cũng gạt bỏ nhận định lĩnh vực văn hóa văn nghệ và giải trí làm phát sinh nhiều người đồng tính. Thực tế cho thấy người đồng tính làm việc trong tất cả các loại hình cơ quan, ngành nghề công việc, như một xã hội thu nhỏ. Họ thường thể hiện mình nhiều hơn trong lĩnh vực “mở” xã hội có cảm giác giới showbiz là “đất” của người đồng tính.
Theo Dantri
Thêm biện pháp ngăn chặn trước khi khởi tố bị can tham nhũng
Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định, cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết và biện pháp nghiệp vụ trinh sát trước khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, giống như đối với tội phạm ma túy, tội phạm an ninh quốc gia.
Trả lời chất vấn của cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi về việc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, lãnh đạo Bộ Công an thừa nhận, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...
Bộ Công an phân trần nhiều khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan điều tra trong việc phòng chống tham nhũng. Những "người trong ngành" đánh giá, các vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan đến chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, phương thức thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Cán bộ "dính chàm" lại thường có mối quan hệ xã hội rộng, có kiến thức chống lại các biện pháp phát hiện, đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật nên việc phát hiện, điều tra, xử lý rất khó khăn, phải thực hiện rất thận trọng.
"Các vụ án tham nhũng được khởi tố chủ yếu từ công tác nắm tình hình và xác minh của cơ quan điều tra. Cơ quan giám sát, cơ quan quản lý cấp trên, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước đều không tự mình phát hiện được vụ tham nhũng lớn nào chuyển cơ quan điều tra" - văn bản trả lời chất vấn của cử tri nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng than khó trong việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia, do đó công tác điều tra chủ yếu dựa trên quan hệ có đi có lại giữa các cơ quan tư pháp các nước. Việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài.
Một nguyên nhân khách quan khác, Bộ Công an cho rằng hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ đó, Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.
Trước mắt, Bộ Công an tập trung nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy.
Ngăn chặn tội phạm bỏ trốn trước khi khởi tố như trường hợp Dương Chí Dũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. (Ảnh minh họa)
Trực tiếp hơn, cơ quan này "hứa" sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định các tội phạm tham nhũng thể hiện trong Bộ Luật hình sự 1999. Nhiều nội dung khác vẫn chờ văn bản dưới luật như việc lượng hoá cụ thể các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng quy định ngoài Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, ngay cả Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp cũng có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 7 luật Báo chí hiện hành quy định phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng" (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm tù trở lên).
Việc đề xuất "nới" hơn quyền truy vấn nguồn tin của báo chí đã từng gây tranh luận khi Quốc hội bàn thảo việc sửa luật Phòng Chống tham nhũng trong năm 2012.
Khi đó, có rất nhiều ý kiến "can gián" hướng nới quyền cho cả cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra Đảng... được truy vấn nguồn tin của báo chí với cảnh báo việc này có khả năng dẫn tới nguy cơ tiết lộ danh tính và thông tin cá nhân của người tố cáo tham nhũng, có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn cho người tố cáo.
Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, nguyên tắc báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới. Bảo vệ nguồn tin là pháp lý, đạo lý nghề nghiệp. "Nới" quy định như vậy có khả năng làm phóng viên, nhà báo bị buộc phải vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động báo chí, đồng thời gây lo lắng, bất an, nhụt chí cho người tố cáo.
Từ những tranh luận gay gắt đó, cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi (Thanh tra Chính phủ) đã rút lại đề xuất thay đổi này, giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, vẫn chỉ có Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND có quyền yêu cầu phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí tiết lộ nguồn tin phục vụ việc điều tra xét xử tội phạm tham nhũng nghiêm trọng.
Theo Dantri
Cần xem xét công nhận hôn nhân đồng giới Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ với PV cách nhìn nhận nhân văn về hôn nhân cùng giới. Pin Okio và Nel Fi (TPHCM) đã quyết định kết hôn sau 4 năm yêu nhau - Theo tôi, với những người đồng tính, bản thân cấu trúc sinh học...