Mắt bầm tím vì váy
Jono đi vào văn phòng với hai con mắt sưng vù và tím đen. Bạn bè cậu hỏi điều gì đã xảy ra với Jono.
“Hôm qua tớ xếp hàng sau một người phụ nữ cao lớn. Tớ thấy váy cô ấy bị kẹp dính giữa hai phần mông. Tớ mới giúp cô ấy kéo chiếc váy để trông nó gọn gàng hơn. Cô ta liền quay lại và đấm vào mắt trái của tớ…”
“Vậy tại sao mắt phải của cậu cũng bị thâm tím?” bạn bè hỏi Jono.
“Tôi nghĩ cô ấy không thích điều đó, nên sửa cho chiếc váy trở về tư thế như cũ, vì thế cô ấy lại đấm vào mắt phải của tôi một lần nữa …”
Lý do đuổi việc
Tại một cửa hàng bán vật nuôi, một nhân viên đang giận dữ:
Nhân viên: “Mày đúng là một con Mộc (tên con mèo) xấu xí… Mày dám đái vào quần tao… Đồ Mộc xấu xí, hôi thối, tao thật không may khi phải gặp mày!”
Tiếp theo, ông chủ cửa hàng tiến lại gần anh ta và nói:
Ông chủ: “Tôi đuổi việc cậu!”
Nhân viên: “Nhưng tại sao, ông chủ? Tôi không có lỗi gì..!!?”
Ông chủ: “Cậu biết không? Mộc là tên của bố tôi!!”
Nhân viên: “????”
Nguồn gốc loài người
Một cô bé hỏi mẹ mình, “Loài người xuất hiện như thế nào hả mẹ?” Người mẹ trả lời: “Thiên Chúa tạo ra Adam và Eve rồi họ có con, và nhân loại cũng được tạo ra như thế”.
Hai ngày sau, cô gái hỏi người cha câu hỏi tương tự. Người cha trả lời: “Hàng triệu năm trước đây, có một loài khỉ tiến hóa và phát triển thành con người”.
Cô gái lúng túng vì câu trả lời của bố và mẹ mình hoàn toàn khác nhau. Cô lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi, vì sao mẹ nói rằng loài người là do Thiên Chúa tạo ra, còn cha thì nói rằng loài người có nguồn gốc từ loài khỉ?”
Người mẹ trả lời: “Ừ, con yêu, rất đơn giản. Mẹ kể câu chuyện đó từ câu chuyện nguồn gốc gia đình mẹ còn bố con thì kể câu chuyện về nguồn gốc gia đình của bố…”
Theo Bee.net.vn
Đỉnh cao của cuộc CM thông tin-công nghệ và giáo dục
Từ ngày 8/12 đến ngày 10/12/2010, tại Ki-ép (U-crai-na) đã diễn ra Diễn đàn các phương tiện truyền thông của các nước châu Á và châu Âu do Hãng thông tấn Nga RIA Novosti tổ chức, với sự tham gia của 300 nhà báo, lãnh đạo các hãng thông tấn và báo chí đến từ các nước Á-Âu. Một trong những chủ đề trọng tâm của hội nghị là bàn về vai trò và vị trí của mạng thông tin toàn cầu Internet trong hệ thống truyền thông hiện đại- Bài viết dưới đây đăng trên Tạp chí Cộng sản số 23 năm 2010.
Từ mạng thông tin phục vụ cho mục đích quân sự mang tên Aparnet (Mỹ) trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh phát triển thành mạng thông tin quốc tế internet, cho đến nay, mạng thông tin toàn cầu này đã trở thành "lục địa thứ bảy", cuốn hút mọi quốc gia với số "cư dân" tăng nhanh gấp nhiều lần mức tăng dân số của thế giới và là đỉnh cao của cuộc cách mạng thông tin-công nghệ.
Cách mạng thông tin - nền tri thức của văn minh nhân loại
Có thể nói, trong lịch sử phát triển nền văn minh, loài người đã trải qua năm cuộc cách mạng thông tin, tạo ra những thay đổi căn bản trong nền tảng công cụ tiếp nhận, lưu trữ, truyền thông tin tới đa số dân chúng.
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ nhất ra đời kể từ khi con người có tiếng nói. Tiếng nói là sáng chế thông tin đầu tiên vĩ đại nhất trong sự phát triển nền văn minh nhân loại. Ngay từ khi mới xuất hiện, tiếng nói đã thể hiện tiềm năng rất lớn, là phương thức tạo lập, truyền bá, lưu trữ thông tin; trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình giao tiếp và phát triển công nghệ.
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ hai đánh dấu bằng sáng chế ra chữ viết. Với sáng chế này, con người có được một công cụ căn bản để thay đổi chất lượng hoạt động của cộng đồng. Loài người mở rộng phạm vi phát triển và tạo lập các hệ thống cộng đồng mới vượt ra khỏi phạm vi quan hệ huyết thống. Thông tin được lưu trữ và truyền bá dưới dạng chữ viết tạo khả năng nhanh chóng truyền bá và hấp thụ khối lượng tri thức lớn nhằm tư duy, phát triển và sáng tạo các công nghệ mới. Cuộc cách mạng đã tạo ra những cuộc di dân lớn, những cuộc chinh phục các miền đất mới, mở đầu quá trình giao tiếp giữa các nền văn hóa và văn minh. Thông tin dưới dạng các hình vẽ, bản thiết kế, công thức toán học tạo ra xung lực mạnh mẽ để phát triển khoa học-công nghệ và giao lưu quốc tế.
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ ba đánh dấu bằng sự ra đời kỹ thuật in, tạo khả năng chưa từng thấy về phương thức truyền tải thông tin. Tri thức được truyền bá qua thời gian và không gian, vượt qua các hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa và văn minh, thúc đẩy quá trình quốc tế hoá với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các cuộc cách mạng trước đó.
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ tư hình thành kể từ khi có các thiết bị truyền thông bằng điện và điện tử (điện thoại, điện báo, ra-đi-ô, truyền hình) có thể nhanh chóng truyền tải tất cả các loại hình thông tin và tri thức đến quảng đại dân chúng trên quy mô toàn cầu.
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ năm với biểu tượng đặc trưng nhất là mạng internet, bao gồm việc tạo lập các thế hệ máy tính có tốc độ tính toán hàng triệu đến hàng tỉ phép tính/giây, chế tạo các bộ nhớ thông tin có khả năng lưu trữ được toàn bộ tri thức của nhân loại trong suốt lịch sử phát triển của nền văn minh, hình thành và lưu giữ cơ sở dữ liệu mà bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ thời điểm nào cũng có thể truy cập thông qua mạng lưới các máy tính được điều khiển tự động...
Cuộc cách mạng thông tin lần thứ năm đã tạo ra những thách thức mới đối với nhiều quan niệm truyền thống của xã hội loài người. Theo đó, nền văn minh công nghiệp chuyển thành nền văn minh thông tin với các siêu xa lộ thông tin toàn cầu. Cuộc cách mạng thông tin đã mở ra một kỷ nguyên mới với các "luật chơi" mới mà không một ai có thể đứng ngoài cuộc.
Các máy tính thế hệ mới mô phỏng hoạt động của bộ não con người, gọi là máy tính nơron tạo nên một bộ não khổng lồ bao quát quy mô toàn cầu. Với sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, máy tính nơron sẽ giúp giải quyết, xử lý đưa thông tin lên mạng, thu thập những thông tin cần dùng từ mạng. Trong các văn phòng hiện đại đã xuất hiện các thư ký điện tử thông minh (Knowbot) với nhiệm vụ thu thập, xử lý những thông tin cần thiết nhất theo yêu cầu và hàng ngày thông báo tóm tắt các thông tin thu được cho người sử dụng...
Cách mạng công nghệ - cánh cửa phát triển toàn cầu
Cùng với năm cuộc cách mạng thông tin, trong lịch sử phát triển của nhân loại đã diễn ra năm cuộc cách mạng công nghệ.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất mở đầu bằng quá trình tách hẳn con người ra khỏi thế giới hỗn mang và hình thành loài người như là một cộng đồng độc lập trong thế giới tự nhiên, trong đó yếu tố quyết định là thành tựu sáng tạo ra tiếng nói-nền tảng của cuộc cách mạng thông tin lần thứ nhất. Cách mạng công nghệ là hệ quả tất yếu của cách mạng thông tin và ngay từ đầu đã hình thành phạm trù cách mạng thông tin-công nghệ.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai ra đời cùng với sự phát triển môi trường giao tiếp thông tin và vốn trí thức tích lũy được qua hàng triệu năm, với đặc trưng chủ yếu là con người đã biết tận dụng được nhiều nguồn năng lượng hơn, bao gồm sức người, sức gió, thủy lực, hỏa lực, sức kéo của các loài vật được thuần hoá như trâu, bò, ngựa... Năng lượng được dùng trong các hệ thống công nghệ để chế biến thức ăn, xử lý nguyên vật liệu như luyện kim, chế tạo đồ gốm, sành, sứ. Xét về thời gian, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai trùng hợp với thời kỳ sáng chế và truyền bá chữ viết vốn là nền tảng của cuộc cách mạng thông tin lần thứ hai. Chữ viết đã tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có để phát triển và sáng tạo công nghệ. Tri thức được ghi lại, tích lũy, truyền bá, sử dụng, đưa công nghệ phát triển đến đỉnh cao rực rỡ, điển hình là các công trình xây dựng kim tự tháp Ai Cập, các hệ thống thủy lợi, kiến trúc nguy nga của các thành phố nổi tiếng còn lưu giữ đến ngày nay.
Các cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba, thứ tư, thứ năm tiếp theo đều gắn với các cuộc cách mạng thông tin, nhưng khoảng với thời gian giãn cách rút ngắn đáng kể do tốc độ phát triển theo cấp số nhân của khoa học-công nghệ. Nội dung chủ yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba là quá trình cơ khí hóa sản xuất với nền tảng là sáng chế ra động cơ hơi nước. Bản thân sáng chế này đã là một đột phá công nghệ có tính cách mạng, tự nó như một phản ứng dây chuyền tạo ra hàng loạt phát minh sáng chế công nghệ khác, trong đó công nghệ in đã khai sinh dòng thác thông tin bùng nổ.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư dựa trên các sáng chế kỹ thuật điện, tạo ra quá trình mới trong công nghệ là điện khí hóa. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ năm mở đầu bằng sáng chế máy tính điện tử vào giữa thế kỷ XX, đưa công nghệ phát triển tới một mức cao hơn, căn bản hơn về chất. Đó là quá trình tự động hóa và trí năng hóa các phương tiện vật chất. Lần đầu tiên, trí năng của con người được cài đặt vào các phương tiện vật chất. "Thông minh hóa phương tiện kỹ thuật" là đặc trưng nổi bật nhất của cuộc cách mạng này.
Cuộc cách mạng công nghệ và cách mạng thông tin lần thứ năm song hành nhau, đưa con người vượt qua mọi cản trở của không gian và thời gian, mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa tăng tốc. Sự giao lưu giữa các nền văn hóa và văn minh nhanh nhạy và hiệu quả chưa từng có. Thông tin và công nghệ tạo thành một dòng thác chung, cuốn hút mọi dân tộc, mọi quốc gia.
Internet với cuộc cách mạng nền giáo dục
Nhân loại đang chứng kiến một loại hình giáo dục mới, trong đó internet đóng vai trò chủ đạo với những khả năng chưa từng có và ngày một phát triển. Mạng thông tin công nghệ toàn cầu này đang đề ra những yêu cầu mới và thách thức mới đối với việc cải tổ hệ thống giáo dục quốc tế nhằm đáp ứng những thay đổi có tính chất cách mạng của hệ thống thông tin-công nghệ.
Nhờ sự phát triển có tính chất bùng nổ của mạng internet, các trường đại học trên thế giới đang bị cuốn hút vào các mạng thông tin. Trong những năm gần đây, đã có nhiều thay đổi đáng kể trong hoạt động ứng dụng máy tính và mạng máy tính trong các chương trình giảng dạy và học tập, nhiều người được học tập, đào tạo và được cấp chứng chỉ ngay trên mạng internet ngày một nhiều. Không ít trong số họ từ chỗ là người thụ động sử dụng internet đã trở thành nhà văn, nhà xuất bản, nhà báo. Họ có được khả năng sáng tạo, phát triển các phẩm chất cá nhân và thói quen tự phát triển thiên bẩm nhờ vào mạng internet.
Thông tin trên mạng đã trở thành "không khí", "bầu khí quyển" trong nhiều trường đại học, cho cả người dạy và người học. Chính phủ một số nước đã tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực giáo dục dựa vào mạng internet, coi đó là cơ sở cho một nền giáo dục công nghệ cao. Nếu như trước đây, ở các trường đại học thường có các chương trình giảng dạy chung trên giảng đường lớn giành cho số lượng hàng ngàn sinh viên ở nhiều khoa đối với một số môn học bắt buộc, thì ngày nay, giảng đường lớn trên mạng internet có thể phục vụ hàng triệu học sinh, sinh viên biết sử dụng mạng và thành thạo tiếng Anh trên toàn cầu. Người học có thể ghi tên mình vào các khóa học, chương trình, giờ học thích hợp. Họ có thể đăng ký gặp riêng các giáo sư qua địa chỉ điện tử trên mạng. Có thể đăng ký mượn sách từ các thư viện ở cách xa họ cả nửa vòng trái đất. Một thế hệ cử nhân, tú tài mới được trưởng thành trên mạng internet. Họ sẽ là đại diện đầu tiên của các quốc gia trên "lục địa thứ bảy".
Trước đây, tài sản của các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, đất đai được khai phá và tận dụng, ngày nay tài nguyên quan trọng nhất là thông tin. Khả năng tiếp nhận và sử dụng thông tin là điều kiện quyết định để giữ được vị thế cạnh tranh và phát triển trong kỷ nguyên thông tin. Những thay đổi công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt đã dẫn tới siêu xa lộ thông tin, xã hội thông tin toàn cầu, buộc phải thay đổi phương pháp giáo dục để các công dân tương lai có đầy đủ bản lĩnh hòa nhập vào dòng thác phát triển và đổi mới đó.
Theo Bee.net.vn
15 thư viện đẹp nhất thế giới Những thư viện tuyệt đẹp này không chỉ là nơi cho người đọc khám phá kiến thức của nhân loại, mà còn là những công trình kiến trúc đồ sộ và địa điểm du lịch thú vị. Thư viện là nơi tập trung kiến thức của nhân loại và là địa điểm ưa thích của những người muốn mở mang trí tuệ. Tuy...