Mario Goetze – dang dở hành trình thành ‘Messi mới’
Số phận dường như đang trêu đùa Goetze. Vinh quang tìm đến anh rất sớm, để rồi trở thành gánh nặng khiến sự nghiệp phai nhạt dần sau đó.
Lời tiên tri của HLV Joachim Loew dành cho Goetze trở thành hiện thực. “Khi một cầu thủ còn rất trẻ ghi bàn thắng quan trọng ở trận chung kết, điều đó có thể trở thành gánh nặng sau này”, chiến lược gia tuyển Đức thốt lên. Sau khi có “bàn thắng thế kỷ” vào lưới Argentina trong trận chung kết World Cup 2014, Goetze trượt dài trên chặng đường trở thành “ Messi mới”.
Người Đức coi Goetze như “tài năng trăm năm có một”. Huyền thoại Matthias Sammer mô tả tiền vệ này như “một trong những xuất chúng nhất nước Đức”. Ở thời điểm Bayern Munich kích hoạt điều khoản mua đứt ngôi sao này từ Borussia Dortmund, Franz Beckenbauer gọi Goetze là “ cầu thủ tấn công hay nhất”.
Goetze có bàn thắng để đời giúp tuyển Đức đánh bại Argentina ở chung kết World Cup 2014. Lúc này, người Đức tin họ đã nhìn thấy “Messi mới” trong Goetze.
Goetze trượt dài trên chặng đường thành “Messi mới”
Ánh hào quang đến với tiền vệ người Đức rất sớm. Anh có chức vô địch World Cup, danh hiệu ngay cả Cristiano Ronaldo và Messi tranh đấu cả đời vẫn chưa thể với tới. Goetze giương cao chiếc cúp vàng khi mới 22 tuổi. Chức vô địch World Cup trở thành bệ phóng hoàn hảo để nâng bước sự nghiệp, giúp anh tiến lên nấc thang mới trong sự nghiệp.
Mọi dự đoán hoàn toàn trái ngược với những gì người ta nghĩ. Thế giới chỉ có duy nhất một Messi, cũng như một Cristiano Ronaldo. Họ khác biệt so với phần còn lại và không thể nào tìm ra được bản sao thứ hai. Sáu năm sau khoảnh khắc để đời trên đất Brazil, ở Goetze bây giờ chỉ còn sự nuối tiếc.
Hôm 10/4, Goetze thông báo sẽ rời Dortmund. Ở lần chia tay đội chủ sân Signal Iduna Park, tiền vệ này để lại sự căm phẫn trong những cổ động viên. Họ gọi anh là “đứa con phản bội”. Còn hôm nay, các CĐV của Dortmund có lẽ chỉ nhún vai và lắc đầu ngao ngán. Họ không còn bất kỳ tiếc nào với Goetze.
Năm 2013, Goetze được xem như báu vật vô giá của người Đức. Còn lúc này, anh phải vật lộn để cứu vãn sự nghiệp. Sân Signal Iduna Park không còn chỗ cho tiền vệ 27 tuổi, người đã trượt dài và đánh mất chính mình. Thế giới từng được thấy Goetze rất hay, với khả năng rê dắt và kỹ thuật ấn tượng như Messi. Điều đó giờ chỉ còn xuất hiện trong những thước phim quá khứ.
“Tôi chẳng thấy cơ hội nào cho Goetze gia nhập một đội bóng hàng đầu châu Âu. Bạn phải tự hỏi: ‘CLB nào còn cần cầu thủ như Goetze nữa?’. Anh ấy đã có một bước lùi trong sự nghiệp, lựa chọn CLB thiếu thông minh”, Lothar Matthaus nói với Sky Deutschland vào đầu mùa giải 2019/20.
Sau World Cup 2014, Goetze đánh mất chính mình vì nhiều lý do. Anh dính chấn thương, gặp phải căn bệnh “rối loạn chuyển hóa mỡ”.
Bình luận của Matthaus thật sự tàn nhẫn, nhưng phản ánh đúng thực trạng của Goetze. Từ Real tới Barca, sau Juventus đến PSG, không CLB nào muốn có Goetze. Truyền thông Anh tin Everton đang để mắt đến tiền vệ này. Tại Premier League, vị thế của Everton nằm ở đâu so với top 4 có lẽ không cần nhắc lại.
Năm 2016, Goetze từng có cơ hội tái hợp với Juergen Klopp, người thầy nâng tầm sự nghiệp của anh, ở Liverpool. Trái tim của tiền vệ người Đức lại không muốn làm việc cùng ông thầy cũ. Anh chọn trở lại Dortmund. Mặc cho nỗ lực không biết mệt mỏi và từ chối đầu hàng trước sự khắc nghiệt của số phận, Goetze vẫn không thể trở lại hình ảnh xuất sắc ngày nào.
Dortmund vẫn có thiên hướng dùng những cầu thủ trẻ. Về khía cạnh này, Goetze thua thiệt so với Jadon Sancho, Erling Braut Haaland, Giovanni Reyna. Về tài năng và sự hiệu quả trong tấn công, anh cũng không thể so với Sancho, Julian Brandt hay thậm chí Marco Reus đã 30 tuổi. Tại Dortmund, Goetze như trở thành người thừa, và anh mới 27 tuổi.
Ra đi để tìm lại chính mình
“Super Mario” trải qua rất nhiều khó khăn để tiếp tục sự nghiệp bóng đá tới bây giờ. Anh từng mắc chứng bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ, khiến bản thân đối mặt nguy cơ giải nghệ sớm. Tuy nhiên, Goetze không hề gục ngã. Anh nỗ lực tập luyện để cứu vãn tình hình.
Có lúc, số 10 của Dortmund thành công. Nhưng số phận vẫn không mỉm cười với Goetze. Ngay cả khi chẳng gặp vấn đề gì về sức khỏe, anh cũng không được HLV Lucien Favre sử dụng. Ở mùa 2019/20, tiền vệ người Đức chỉ có 576 phút thi đấu trên mọi đấu trường. Số bàn thắng của anh dừng lại ở con số 3, thành tích không đủ thuyết phục HLV Favre.
Dortmund giờ không còn cần Goetze nữa. Anh sẽ ra đi vào hè 2020.
Goetze đang mắc kẹt trong ánh hào quang đến quá sớm và những lời thổi phồng về tài năng. Anh không phải mẫu cầu thủ ăn chơi trác táng để rồi lụn bại sự nghiệp. Tiền vệ người Đức có thể rất giỏi, nhưng chưa bao giờ duy trì được sự ổn định. Khoảnh khắc anh tỏa sáng rất ít, điều hoàn toàn trái ngược với Messi.
Chia sẻ với báo giới, HLV Loew của tuyển Đức thừa nhận có trách nhiệm vì tạo ra áp lực lên Goetze khi cầu thủ này còn rất trẻ. Thời điểm ông đưa cậu học trò vào sân trong trận chung kết World Cup 2014, nhà cầm quân 60 tuổi có nói: “Hãy chứng minh cậu giỏi hơn Messi đi”.
Câu nói tự phát ấy giúp Goetze thăng hoa trong khoảnh khắc, nhưng trở thành gánh nặng sau này. Trở về với chức vô địch World Cup trên tay, Goetze cũng tự mang theo áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai. Tất cả đều muốn anh thể hiện phong độ xuất sắc như cú vô-lê làm tung lưới Argentina. Tiền vệ 27 tuổi thất bại nặng nề, và được báo Bild mô tả trở thành “đứa con mất tích”, một tiền vệ không bao giờ có thể vươn tầm đẳng cấp như Messi.
Hè này, sân Signal Iduna Park không còn nhìn thấy Goetze nữa. Tiền vệ sở hữu “bàn thắng thế kỷ” có thể phiêu bạt tới Anh, nơi anh bắt đầu lại sự nghiệp. “Super Mario” không phải con người dễ gục ngã. Nếu sớm đầu hàng trước số phận, tiền vệ này đã sớm chia tay bóng đá khi biết mắc bệnh “rối loạn chuyển hóa mỡ” trong cơ thể.
Những năm gần đây, Goetze luôn chiến đấu để tìm lại chính mình. Dortmund không còn cần anh nữa lúc này. Tuy vậy, ở một nơi khác, với đội bóng tầm trung châu Âu, biết đâu Goetze sẽ hồi sinh. Tất cả hãy dành cho anh những lời chúc tốt đẹp nhất.
Nguyên Trí
Pique và những cầu thủ xuất thân từ gia đình có điều kiện
Không phải cầu thủ nào cũng theo nghiệp quần đùi áo số để trở nên giàu có. Pique, Pirlo hay Bolkiah là những người sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng vẫn đam mê chơi bóng.
Gerard Pique: Ông Joan, cha của hậu vệ người Tây Ban Nha, là một luật sư và doanh nhân. Bà Montserrat, mẹ anh, là giám đốc của một bệnh viện ở Barcelona. Amador Bernabeu, ông của Pique, từng giữ chức giám đốc điều hành tại Barca, CLB mà Pique đang khoác áo.
Andrea Pirlo: Trước khi tiền vệ người Italy thành danh với tư cách cầu thủ, cha anh mới là người xây dựng nên tên tuổi của gia đình. Cha của Pirlo thành lập một công ty thép ở Brescia, Italy vào năm 1982. Đến nay, cựu tiền vệ Juventus vẫn nắm giữ cổ phần trong công ty của gia đình.
Faiq Bolkiah: Bolkiah được biết đến là cầu thủ giàu nhất thế giới. Anh là cháu trai của quốc vương Brunei, người sở hữu khối tài sản có tổng giá trị lên tới 20 tỷ USD. Bolkiah gia nhập Leicester City từ Chelsea năm 2016 nhưng không được thi đấu nhiều. Ở SEA Games 30, cầu thủ này cũng đối đầu U23 Việt Nam và ra về với thất bại 0-6.
Hugo Lloris: Thủ môn của Tottenham Hotspur có một tuổi thơ được sống trong nhung lụa. Mẹ anh là một luật sư nổi tiếng trong khi bố là một nhân viên ngân hàng. Khi còn nhỏ, Lloris được bố mẹ cho học tennis mỗi ngày nhưng cuối cùng quyết định theo đuổi bóng đá.
Robin van Persie: Van Persie nổi tiếng với những cú dứt điểm bóng sống quyết đoán trên sân. Khả năng sáng tạo và tính cách táo bạo của anh được thừa hưởng từ cha mẹ. Ông Bob, cha của Van Persie, là một nghệ sĩ điêu khắc. Mẹ anh, bà Jose Ras, là một họa sĩ và nhà thiết kế trang sức nổi tiếng.
Mario Goetze: Cha của tiền vệ người Đức là giáo sư Jurgen Goetze, người hiện làm việc tại Đại học Công nghệ Dortmund. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, ông là thành viên của khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Yale danh tiếng ở Mỹ. Có ý kiến cho rằng sự giàu có và tầm ảnh hưởng của cha giúp Goetze tiến bộ và thành danh trong màu áo Dortmund.
Patrick Bamford: Cựu tiền đạo Chelsea đang thi đấu cho Leeds United, song anh từng bỏ lỡ cơ hội học tại Đại học Havard danh tiếng. Bamford có họ hàng với Joseph Bamford, người sáng lập tập đoàn đa quốc gia JBC, chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và xử lý chất thải.
Gianluca Vialli: Cựu tiền đạo Chelsea sinh ra và lớn lên trong một lâu đài có 60 phòng ở Cremona, Italy. Ông là con trai của một tỷ phú người Italy. Nhiều năm sau khi giải nghệ, Vialli vẫn thường lui tới lâu đài của gia đình để nghỉ ngơi.
Oliver Bierhoff: Cựu tiền đạo người Đức có một sự nghiệp thành công tại AC Milan và khoác áo "Die Mannschaft" 70 trận. Niềm đam mê bóng đá của Bierhoff được ươm mầm từ nhỏ với sự ủng hộ của người cha. Cha ông là tiến sĩ Rolf Bierhoff, giám đốc của một công ty nghiên cứu về năng lượng. Ông Rolf luôn đảm bảo con trai có một cuộc sống đủ đầy để toàn tâm toàn ý cho đam mê chơi bóng.
Michael Doughty: Tiền vệ của Swindon Town là con trai của Nigel Doughty, cựu chủ tịch Nottingham Forest. Khối tài sản của Nigel được ước tính khoảng 160 triệu USD vào năm 2011, biến ông thành người giàu thứ 537 ở Anh. Trước khi qua đời năm 2012, ông Nigel đã đầu tư khoảng 125 triệu USD vào Nottingham Forest.
Thế Anh
Ramos ghi bàn trong 17 năm liên tiếp tại La Liga Sergio Ramos là một hậu vệ nhưng lại sở hữu thành tích ghi bàn ngay cả một cầu thủ tấn công cũng phải mơ ước. Với pha lập công giúp Real Madrid hoàn tất cú ngược dòng trước Osasuna ở vòng 23 La Liga diễn ra đêm 9/2 (giờ Hà Nội), Sergio Ramos đã tạo nên một thống kê khó tin. Anh đã...