Mảnh giấy dán trước cửa phòng, lời bà dạy và cuộc sống của chàng trai làm tình nguyện trong khu cách ly
Lần đầu tiên làm việc trong khu cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng Đức Anh không lo sợ vì tin vào các biện pháp chống dịch và năng lực của các bác sĩ.
Lời kể của bà và quyết định vào khu cách ly ngay khi hay tin
Trần Đức Anh năm nay 22 tuổi. Dịch bệnh Covid-19 khiến công việc của cậu ở một nhà hàng Hà Nội bị ảnh hưởng. Thất nghiệp nhưng chàng trai Hưng Yên nhanh chóng tìm được một “cơ hội” đặc biệt – làm tình nguyện viên trong khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp.
“ Khi biết tin thành phố Hà Nội quyết định chọn khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp làm nơi tiếp nhận và cách ly người Việt Nam từ nước ngoài trở về, em đã tìm hiểu và đăng kí tình nguyện tại phường nơi tạm trú. Lý do thì cũng không có gì to tát. Từ nhỏ, em đã được nghe bà kể về ông (ông em là liệt sĩ) và những hy sinh của thế hệ đi trước trong chiến tranh. Bản thân em luôn cố gắng đóng góp điều gì đó cho cộng đồng. Em nghĩ mình là thanh niên mà, chuyện này hoàn toàn nằm trong khả năng”, Đức Anh chia sẻ.
Bố mẹ ly hôn rồi đi bước nữa nên từ nhỏ, cậu sống với bà. Bà mất năm Đức Anh học lớp 8, cậu không còn ai thân thích bên cạnh. Chỉ có người bác gái sống ở xa là người duy nhất cậu giữ liên lạc.
Hôm chạy xe máy 4 km từ nhà trọ đến khu cách ly, Đức Anh chỉ báo cho bác gái rồi yên tâm vào nhận việc. Cũng từ đây, cậu cũng cách ly hoàn toàn như những người từ nước ngoài về.
Chân dung chàng trai Trần Đức Anh
Mỗi sáng, chàng trai thức dậy lúc 5h để cùng các tình nguyện viên khác chuẩn bị đồ ăn cho người cách ly. 5h30, các tình nguyện viên chuyển đồ ăn từ trên xe xuống. Khoảng nửa tiếng sau, Đức Anh mang cơm lên các phòng theo đúng phân công.
Sau đó, cậu đi thu gom rác và chuyển xuống bên dưới. Trước khi xuống, chàng trai không quên hỏi xem ai cần hay thiếu thứ gì để giúp. Bất cứ thắc mắc nào của người cách ly cũng được các tình nguyện viên như cậu hỗ trợ giải đáp.
“ Công việc cụ thể của em là chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết như nước uống, bàn chải, kem đánh răng hay chăn, gối…, phát cơm, thu gom rác thải và hỗ trợ người cách ly khi cần thiết. Em phụ trách ở tầng 11 cùng một bạn dân quân nữa. Ở đây, tình nguyện viên khá ít, chủ yếu là bộ đội, dân quân phường và các nhân viên y tế“, Đức Anh tâm sự.
Chàng trai mặc bộ đồ bảo hộ y tế gần như cả ngày
Mỗi tối, cậu hoàn thành công việc vào khoảng 19h hoặc muộn hơn một chút. Sau khung giờ này, Đức Anh được trở về phòng, ăn uống và tranh thủ giặt giũ. Đây cũng là lúc mà cậu tạm được cởi bộ đồ bảo hộ và chiếc khẩu trang đã đeo suốt cả một ngày.
Video đang HOT
Một tuần vài lần, Đức Anh tham gia trực ca đêm ở khu cách ly. Ca trực kéo dài từ 21h30 tối đến 5h30 sáng hôm sau nhưng mỗi tình nguyện viên chỉ làm việc khoảng một giờ trong đó, tại cửa và sảnh chính, chủ yếu để đảm bảo không có người trốn cách ly. Ở vòng ngoài, đã có lực lượng công an và dân quân canh gác.
Tình nguyện trong khu cách ly đồng nghĩa với việc Đức Anh phải đối diện với khả năng lây nhiễm bệnh. Thế nhưng chàng trai trẻ không bị áp lực vì tin tưởng vào quy trình an toàn tại đây.
“ Tình nguyện viên được phát đồ bảo hộ y tế, được khử khuẩn sau khi phát cơm hay tiếp xúc với người cách ly. Tụi em còn được bác sĩ đo nhiệt độ vào mỗi tối. Sau 2-3 ngày thì họp tập thể một lần.
Dù tiếp xúc với những người có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng em thấy… khá vui vì được giúp đỡ đồng bào của mình. Em còn có cảm giác họ là gia đình lâu ngày mới gặp. Giúp họ cũng như giúp đỡ những người thân của mình. H ơn hết là em hoàn toàn tin tưởng vào biện pháp chống dịch của nhà nước, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Được góp sức vào công cuộc chống dịch, em thấy vinh dự“, 9x bày tỏ.
Những tình nguyện viên như Đức Anh được ăn giống suất dành cho người cách ly
Trải nghiệm ở khu cách ly mang đến những cảm xúc khó quên cho Đức Anh. Cậu thanh niên từng đi làm thiện nguyện ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ đến khu cách ly.
“ Công việc hỗ trợ ở đây không đòi hỏi quá nhiều, chỉ cần bản thân tuân thủ đúng yêu cầu phòng bệnh, cách ly của đội ngũ y bác sĩ, làm theo đúng hướng dẫn, phân công của lãnh đạo và biết lắng nghe người dân.
Có một thời điểm khó khăn là khi vừa đón đồng bào về. Tụi em chưa nắm được số lượng chính xác số người ở các tầng nên phát thiếu cơm và thường phải chạy xuống lấy bù. Một số thùng cơm vận chuyển từ bên nhà tài trợ về khá xa, bị nguội nhưng nhiều người dân lại quay ra trách mắng tụi em.
Hoặc cũng có một số người đòi hòi trái quy định, muốn tự thân xuống tầng hay ra tận cổng để nhận đồ của người nhà dù không được phép. Đó là thời gian đầu, khi người dân bắt đầu làm quen với nhịp sống trong khu cách ly. Dần dần, họ cũng hiểu và thông cảm hơn. Tụi em được cấp trên yêu cầu luôn phải giữ một cái đầu lạnh để xử lý công việc“.
Những sự cố bất ngờ và kỉ niệm khó quên
Tình nguyện trong khu cách ly khoảng gần một tháng, Đức Anh trải qua nhiều tình huống đặc biệt. Có lần, cậu nhận lời tìm hộ laptop trong vali của một nữ sinh.
“ Bạn ấy lên phòng cách ly nhưng quên mang quần áo và laptop lên học, xuống lấy đồ thì không được nên em nhận tìm hộ. Chẳng hiểu sao em đãng trí, đến tận hôm sau khi bạn ấy hỏi lại thì mới nhớ.
Trong khi vali của bạn ấy không có tên, em phải chụp ảnh từng món đồ, gửi qua tin nhắn để bạn ấy nhận dạng, cứ thể khoảng nửa tiếng mới tìm đúng“, 9x nhớ lại.
Đức Anh cảm động vì nhiều kiều bào có cách cảm ơn vô cùng dễ thương. Một cô bé tặng cậu tấm ảnh trong bộ đồ cách ly, một người phụ nữ từ Nga về viết bức thư cảm ơn rất dài, đưa tận tay nhờ cậu chuyển giùm. Dù là bức thư cảm ơn cả một tập thể nhưng Đức Anh cũng thấy vui lây.
Lời nhắn đáng yêu trước cửa phòng cách ly của các nữ sinh
Món quà Đức Anh nhận được tuy nhỏ nhưng là kỉ niệm đáng nhớ với cậu
Sau 14 ngày, nhiều kiều bào, du học sinh được rời khỏi khu cách ly. Chia tay họ, chàng trai có nhiều cảm xúc đan xen.
“ Hằng ngày đang nói chuyện, quan tâm họ giờ họ về, không hiểu sao em thấy hơi buồn. Cảm giác trống vắng lắm dù trước đó rất vui vì nhiều người đã hoàn thành cách ly mà không có dấu hiệu bất thường“, Đức Anh nói.
Chàng trai chụp cùng người phụ nữ từ Nga về sau 14 ngày cách ly
Đợt cách ly đầu tiên kết thúc, công việc của cậu thanh niên có giãn ra đôi chút. Đức Anh được thức dậy muộn hơn một tiếng, công việc chủ yếu là dọn dẹp các phòng đã hoàn thành cách ly. Chiều ngày 6/4, chàng trai chính thức hoàn thành đợt tình nguyện và trở về nơi ở tiếp tục cách ly 14 ngày.
Căn phòng cách ly được những tình nguyện viên dọn dẹp sạch sẽ sau khi người dân ra về.
Nghĩ về tương lai, Đức Anh mong sớm hết dịch để được đi làm, có tiền đi du lịch xuyên Việt. Khi được hỏi có sợ khu nhà trọ xa lánh khi trở về không, cậu vô tư bảo: “ Chỗ em toàn người trẻ, các bạn dễ thông cảm ấy mà. Nếu sau này có nhiều khu cách ly cần tình nguyện viên, em sẽ rủ các bạn tham gia cùng”.
Đức Anh (ngoài cùng bên trái, hàng dưới) chụp ảnh lưu niệm trong ngày cuối ở khu cách ly.
Lâm Anh
Xuyên tạc chất lượng suất ăn ở khu cách ly
Trần Quang Ngọc, 42 tuổi thừa nhận đã chia sẻ bài viết về suất ăn ở khu cách ly ở huyện Hương Khê với lời bình luận "ăn uống quá tệ" để câu like.
Ngày 5/4, Công an huyện Hương Khê cho biết ông Ngọc sẽ bị phạt hành chính theo điểm a, khoản 3, điều 64 Nghị định 174/2013 với lỗi "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật", mức phạt 10-30 triệu đồng.
Nội dung chia sẻ xuyên tạc trên Facebook của Ngọc. Ảnh: C.A
Khoảng 14h ngày 3/ 4, Ngọc chia sẻ bài viết của một tài khoản Facebook đăng hình ảnh suất cơm ở khu cách ly tại xã Hà Linh kèm dòng chữ: "Xã Hà Linh ngày càng ăn uống quá tồi tệ. Nếu không cho anh em ăn thì để an hem tự mua về nấu".
Trong khi thực tế, người đăng hình ảnh suất cơm ở khu cách ly muốn gửi lời cảm ơn đến cán bộ xã Hà Linh đã cho họ những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng trong Covid-19.
Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai chia sẻ bài viết để "câu like" khi thêm nội dung trái sự thật.
Đức Hùng
Hơn 900 người hết thời hạn cách ly ở Sài Gòn được về nhà Sau khi có xét nghiệm âm tính với Covid-19 và hoàn thành đủ 14 ngày cách ly, hôm nay 930 người ở khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã được trở về nhà. Sau 16 ngày đón người từ nước ngoài về cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, hôm nay 930 người đã hoàn thành...