“Mảnh đất” trù phú của báo chí
Giáo dục là một vấn đề lớn được toàn xã hội quan tâm, đây cũng là mảnh đất trù phú cho báo chí phát triển với những đề tài dù lặp lại nhiều lần, nhưng không bao giờ cũ.
Dĩ nhiên, báo chí vẫn luôn đăng tải thông tin một cách toàn diện, đa chiều mang tính xây dựng, không bám vào mặt xấu những tồn tại để “giật tít, câu like”.
Những ngày nay, dư luận đang bàn về việc thẩm định bộ sách giáo khoa của GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: TL
“Mùa nào thức nấy”
Nếu đem vấn đề giáo dục so với đặc sản 3 miền, ắt cũng không kém cỏi bởi “mùa nào thức ấy”. Mùa tựu trường đến học rồi ôn thi, thi xong đến học hè, học hè xong lại tựu trường… Cái vòng luẩn quẩn ấy tưởng chừng như nhàm chán, nhưng thực ra hoàn toàn nóng hổi. Vì cùng là mùa thi, cùng mùa tựu trường nhưng vấn đề đặt ra không năm nào giống năm nào và năm nào cũng có những nét mới riêng.
Những thay đổi của ngành giáo dục khiến báo chí lại “có việc làm”, thời nào việc ấy. Dù mỗi năm hết khai giảng, rồi học và thi vẫn mới, nóng hổi các đề tài. Bởi giáo dục có những thay đổi liên tục và người làm báo phải luôn cập nhật, học hỏi để hiểu và viết cho đúng, cho tốt.
Trái với sự thay đổi của giáo dục, phóng viên viết mảng này ít khi luân chuyển sang mảng khác. Có lẽ, vấn đề giáo dục cũng như là kiến thức để đi thi THPT quốc gia. Tất cả cần có kiến thức nền tảng, không thể chỉ học lớp 12 thôi là thi đậu được.
Dù câu chuyện mỗi năm lại đến, nhưng phụ huynh và học sinh – tức độc giả chủ yếu của giáo dục thì lại khác. Và bài viết phải đáp ứng nhu cầu của công chúng, người viết bài giáo dục luôn đặt câu hỏi cho mình là viết cái gì? Viết cho ai và viết như thế nào? Hẳn nhờ đó, phóng viên giáo dục không lo thiếu đề tài hoặc đơn giản không lo đề tài mình bị cũ, vì dù “bình cũ” vẫn chứa “rượu mới”.
Học sinh được nghỉ hè đi học kỹ năng thì viết bài kỹ năng hè, học sinh không được nghỉ hè thì phóng viên viết bài hè đi học,… Câu chuyện thất nghiệp, bệnh thành tích, chọn nghề chọn trường, học sinh giỏi, sinh viên nghèo vượt khó, nhà giáo ưu tú… Đó là còn chưa kể những câu chuyện phát sinh như bạo lực học đường, gian lận thi cử,… viết chưa hết đề tài đã sang năm khác, vấn đề khác.
Nói như vậy không có nghĩa, phóng viên giáo dục được nhàn hạ, sung sướng. Sướng làm sao được khi nhắc đến giáo dục chủ yếu là “bài toán khó”. Tôi không quên tình huống, em học sinh hỏi Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi tư vấn tuyển sinh ở Cần Thơ năm 2019: “Cho em hỏi tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi thi cử hoài vậy, làm tụi em rất lo và chừng nào mới hết thay đổi?”.
Những tiếng cười và tràng vỗ tay phía dưới không vui mà là tiếng cười bi trong lòng chúng tôi – những người muốn góp chút mình cho sự nghiệp giáo dục. Còn nữa, những bài toán giải quyết việc làm cho sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục,… đâu chỉ là nỗi lo của ngành giáo dục. Đó còn là nỗi trăn trở của nhà báo muốn đồng hành với sự nghiệp giáo dục.
Video đang HOT
Hãy nhìn vấn đề nhiều góc độ, đưa tin bài đa chiều. Ảnh: TGCC
Vẽ bức tranh muôn màu
Vấn đề giáo dục luôn nổi cộm, tuy nhiên tôi không tán đồng kiểu viết bài giật gân, câu khách của một vài tờ báo. Khi viết một vấn đề nào đó, đặc biệt vấn đề giáo dục, chúng ta nên quan tâm nó ảnh hưởng như thế nào với nhiều người chứ không đơn giản là viết sao cho “hút khách”. Hãy nghĩ đến số phận nhân vật của mình – đặc biệt những nhân vật yếu thế, bị bạo hành – khi mức độ thông tin quá tải nó như xát muối lên nỗi đau.
Tôi còn nhớ em bé 19 tháng bị cô bảo mẫu vả nhiều cái vào mặt ở Vĩnh Long đầu năm nay. Nhóm phóng viên chúng tôi gồm 5 người đến nhà bé lần đầu tiên đã làm bé hốt hoảng, nếu tiếp tục thông tin, các báo dồn dập nhiều ngày thì đời sống của bé và gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Xin cảm ơn Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, qua sự cố này! Chính Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông tin cho phóng viên chúng tôi vụ bạo hành đó và tổ chức ngay buổi họp báo cung cấp thông tin chính thống ngay ngày hôm sau. Không chỉ vậy, lãnh đạo Sở còn dẫn báo chí đến với gia đình, trường mầm non để nắm thông tin thêm. Thay vì giấu giếm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã công khai, minh bạch để chúng tôi đưa tin chính xác nhất.
Theo tôi, nhà báo viết về giáo dục chân chính không được vui mừng khi nghe những tin tức nóng kiểu bạo hành, gian lận thi cử… Gần đây nhất, vụ bé trai 6 tuổi tử vong trên xe bus của trường học. Trong vòng 0,51 giây đã cho ra 21.200.000 kết quả trên Google. Trong đó, có nhiều bài viết đi sâu vào chi tiết liên tục như một loạt điều tra, trong khi phía công an chưa có kết luận.
Nhà báo cũng không chỉ biết tô hồng mà không dám nói lên thực trạng giáo dục, nhà báo cũng không “nhìn đời bằng kính đen”. Bức tranh giáo dục là muôn màu, nó có thể thay đổi nhiều sau 5- 10 năm, với những chuyện “động trời”, nhưng những điểm tích cực của nó thì không thể phủ nhận. Những tiêu cực của kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương là bài học cho giáo dục thay đổi chứ không phải là đề tài muôn thuở cho báo chí. Hãy cho mọi người có cơ hội sửa đổi cũng giống như bản thân chúng ta cũng có lúc phạm sai lầm.
Thông tin trên báo chí về giáo dục nên có chừng mực tùy theo từng sự kiện, đề tài. Bài nào nên nhiều kỳ, sự kiện gì thông tin đến đâu cho hợp lý. Một người bạn nói với tôi: “Công nhận báo chí giỏi thiệt, có chuyện thí sinh ngủ quên đi thi mà làm được chục bài”.
Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong hoạt động giáo dục. Không chỉ thông tin, tư vấn, chỉ dẫn báo chí còn là cầu nối cho những quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên,… Hãy luôn là những người bạn tuyệt vời, phê bình thẳng thắn chân thành luôn đồng hành, phát triển cùng giáo dục./.
Vĩnh Phúc
Theo congluan.vn
40 năm thăng trầm sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại
Bộ sách được áp dụng giảng dạy từ 1978, nhận nhiều phản hồi tích cực nhưng mới đây sách bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại từ vòng 1.
Thông tin về bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu tiên, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thậm chí, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Điều đáng nói, bộ sách này không phải là công trình nghiên cứu mới, nó được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng 900.000 học sinh theo học. Đến nay bộ sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương, các phụ huynh cho rằng sách đặc biệt có tính ứng dụng cao với trẻ lớp 1.
Bộ sách Tiếng Việt - Công nghệ Giáo dục Lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 1978, giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội, ông phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Một năm sau, cả nước thống nhất học chung bộ sách cải cách giáo dục lần thứ ba, riêng trường Thực nghiệm học sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình khuyến khích các địa phương học theo bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường Thực nghiệm.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, sách Công nghệ Giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
6 năm sau, ngành giáo dục và đào tạo phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại nhà trường, ông mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên.
Đến 2008, Bộ GD&ĐT đồng ý cho thí điểm bộ sách này ở 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm chương trình được nhân rộng thêm ở các tỉnh khác.
Năm 2013, thuật ngữ "thí điểm" được bỏ đi, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục được xem là tài liệu, phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn.
Tính đến năm học 2014 - 2015, 37 tỉnh thành áp dụng chương trình dạy học theo Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Hai năm sau, số lượng các tỉnh theo phương pháp này lên con số 48 trên 63 tỉnh thành cả nước.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với báo chí về thông tin bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (Bộ GD&ĐT) chấm "không đạt".
Đầu tháng 9/2018, nhiều phụ huynh chia sẻ clip con họ tập đọc với phương pháp mới - đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ khiến dư luận xôn xao, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Thời điểm đó, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói: "Tôi đưa vào sách lớp 1 những thứ tốt đẹp nhất với mong muốn đất nước có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Trẻ con làm gì cũng có cái lý.
Vì vậy, người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con, bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con, không có quyền áp đặt trẻ. Đặc biệt, bố mẹ hãy cho các con được hưởng những cái mới chưa ai có. Người lớn, giáo viên phải 'chịu thua' để dạy trẻ".
Trải qua gần 40 năm, được các trường áp dụng giảng dạy và nhận nhiều phản hồi tích cực, nhưng hôm qua (12/9), bộ sách bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu tiên, bị xếp loại "Không đạt".
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Những bộ sách được đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để xem xét lại. Điều này có nghĩa, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại trực tiếp.
Chia sẻ với báo chí, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là bản thân ông không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn.
"Tôi đã tính toán hết, cũng phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được", giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Theo VTC
13 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa theo chương trình mới Sách giáo khoa được xếp loại "Đạt" và lọt qua vòng thẩm định khi thỏa mãn 13 tiêu chí theo quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa tại thông tư 33. Trong đợt thẩm định đầu tiên, sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục môn Tiếng Việt và môn Toán do GS Hồ Ngọc Đại chủ...