Mang Toán học “thổi hồn” vào những sản phẩm thời trang
Nói đến nghệ thuật, ít ai nghĩ rằng nghệ thuật lại có mối quan hệ mật thiết với toán học – một bộ môn thường bị “gắn mác” là khô khan và cứng nhắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trong các lĩnh vực nghệ thuật, toán học chính là cơ sở để phát triển và cho ra đời những ý tưởng sáng tạo độc đáo.
Với hội hoạ khi xây dựng một bức tranh phải đặt trong bố cục hình, có thể là bố cục trọng tâm là tam giác, đối xứng, bất đối xứng hay tự do… Tất cả đều được xây dụng trong sự sắp xếp về hình. Đối với các ngành đồ hoạ việc thiết kế logo theo tỷ lệ vàng cũng chính là xuất phát từ hình học. Trong ngành kiến trúc thì khối hình học được dùng làm nguyên liệu để tạo hình. Như vậy, có thể nói rằng cở sở thiết kế trong tất cả các ngành nghệ thuật đều có xuất phát từ toán học và thời trang cũng không ngoại lệ.
Điều đó đã được Nhà thiết kế (NTK) Xuân Thu chứng minh qua những thiết kế được lấy cảm hứng từ tri thức toán học trên nền chất liệu vải lụa và những chia sẻ về ý tưởng thiết kế trong buổi tọa đàm “Toán học trong thiết kế thời trang” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
4 yếu tố sống còn trong thiết kế thời trang đều dựa trên cơ sở Toán học
Thuyết trình về ý tưởng này của mình, NTK Xuân Thu chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra rằng khi đưa các thuật toán vào thiết kế thì việc xây dựng ý tưởng trở nên dễ dàng hơn và đặc biệt câu chuyện thiết kế đó là của mình chứ không cần vay mượn hay bắt chước”.
NTK Xuân Thu – người mang đến cho làng thời trang Việt những sản phẩm đầy cảm hứng sáng tạo bắt nguồn từ ý tưởng kết hợp thời trang và Toán học.
Theo NTK Xuân Thu, trong ngành thiết kế thời trang, có bốn yếu tố quan trọng đó là: tạo hình, màu sắc, chất liệu và cuối cùng là kỹ thuật thể hiện.
Tạo hình trong thời trang là yếu tố đầu tiên để ra đời một thiết kế. Người thiết kế chủ động được trong việc tạo hình sẽ chủ động hoàn toàn trong cách thiết kế. Sản phẩm thời trang là trang phục có khối 3D từ các diện phẳng như hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, hình tam giác. Người thiết kế hoàn toàn có thể xây dựng các thiết kế của mình theo tỉ lệ đối xứng hoặc bất đối xứng. Như thế khẳng định rằng, thiết kế thời trang có gốc tạo hình là từ toán học.
Yếu tố thứ hai là màu sắc. Màu sắc là các sắc thái về độ cao thấp, nhịp điệu đồng đều hay tương phản hoặc đối lập và cũng được dùng theo một nguyên tắc từ toán học.
Chất liệu trong thời trang là thành phần chính tạo nên sản phẩm. 99% các sản phẩm sử dụng nguồn từ vải dệt. Vảỉ dệt là các đường có chiều dọc và ngang trong thuật toán gọi là trục tung và trục hoành. Các loại vải dệt nếu là vải dệt thoi thì sẽ là sợi dọc và ngang đan vào nhau là tập hợp của các điểm theo mật độ dày đặc tạo nên bề mặt của vải.
Quan sát vải thổ cẩm có thể thấy các đường hoa văn là biểu tượng cho những hoạt động trong đời sống của mỗi dân tộc được quy về hình để tạo thành hoạ tiết độc đáo. Nền công nghiêp dệt vải dùng các yếu tố này để sản xuất bên cạnh sự kết hợp các yếu tố hoa văn trang trí và màu sắc. Như vậy ngành dệt vải cũng có cở sở bắt nguồn từ toán học.
Những thiết kế được lấy cảm hứng từ tri thức toán học trên nền chất liệu vải lụa dưới sự tài ba của NTK Xuân Thu.
Video đang HOT
Yếu tố cuối cùng là kỹ thuật thể hiện.Trong thiết kế thời trang việc xây dựng từ ý tưởng đến sản phẩm cụ thể rất cần kỹ thuật thể hiện. Kỹ thuật công nghệ phải dùng dến các thuật toán như thông số kỹ thuật, các đường thẳng song song, vuông góc, các đường cong đồ thị sin, cosin, phép dựng hình trục tung trục hoành, các đường tròn thông số Pi trên các bộ phận của cơ thể người… Các công nhân may nếu được đào tạo kỹ thuật may dựa trên nền tảng kiến thức của toán thì sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng hơn và tay nghề được nâng cao hơn.
Sẽ thế nào nếu thiết kế thời trang không dùng Toán học?
Là một nhà thiết kế chuyên nghiệp, Xuân Thu đã từng mang đến cho làng thời trang Việt những sản phẩm đầy cảm hứng khi ứng dụng những thành tựu văn hóa dân tộc như họa tiết gốm hoa nâu hay tôn lên những nét duyên trong lụa và khâu.
Trong quá trình làm việc, được tiếp xúc nhiều với những NTK trẻ mới ra trường, chị có nhận định: “Ngành thiết kế thời trang đối với Việt Nam vẫn còn mới mẻ, liên tục các lớp sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm. Nếu các bạn học thiết kế mà nắm vững được nhưng kỹ thuật cơ bản dựa trên nền tảng của Toán học thì sẽ giúp các bạn rất nhiều trong công việc sau này”.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Vũ Huy Kiều – Nhà thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ chia sẻ: “Một nền công nghiệp mà không có thiết kế mãi mãi vẫn chỉ là những anh thợ gia công mà thôi. Bên các nước, họ dùng chính thiết kế để kinh doanh. Tất cả những sinh viên học thiết kế ngay từ đầu phải học phần cơ sở có nền tảng của toán học như điểm là gì, nét là gì, mảng là gì, khối là gì. Nhưng đáng tiếc rằng, hầu hết các em đều chìm ngập trong cảm xúc, trong thẩm mỹ mà quên mất phần cơ sở này.
Ví dụ như thiết kế một cái nồi thì người thiết kế phải tính làm sao để tận dụng tốt nhất năng lượng không bị hao phí. Hay thiết kế sản xuất hàng loạt cần phải tiết kiệm nhiên liệu, ít nhất phải sử dụng đạo hàm để tính toán sao cho khối nhiều nhất nhưng sử dụng ít nguyên liệu nhất. Bởi vậy tôi nghĩ rằng toán học là cơ sở căn bản của thiết kế. Thiết kế không phải chỉ quan tâm đến tính thẩm mỹ mà còn phải mang lại giá trị sử dụng và đảm bảo kinh tế. Tôi nghĩ rằng nếu trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp mà quay trở lại bắt các em học toán thì các thiết kế của các em sẽ thiết thực hơn nhiều”.
Ông Vũ Huy Kiều – nhà thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Đã đến lúc cần thay đổi những tư duy lối mòn về môn Toán
Ngay từ nhỏ, con người đã được tiếp xúc với toán học bắt đầu từ việc học đếm hay vẽ các ô vuông, tam giác và xếp chúng thành ngôi nhà, các hình ảnh thực tế trong cuộc sống. Có thể nói, toán học gắn liền với đời sống của con người và đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, chúng ta lại càng không thể phủ nhận những vai trò của toán học. Tuy nhiên, không ít học sinh – sinh viên có tâm lý sợ môn Toán dẫn đến việc chán, ghét môn học này.
Trên tinh thần đó, vườn ươm tài năng Talinpa do GS Ngô Bảo Châu sáng lập và nhà thiết kế Xuân Thu đã thành lập CLB Talinpa F (viết tắt của Talinpa Fashion). Những năm qua, đây là nơi hội tụ nhiều ý tưởng tốt đẹp cho trẻ em như sáng tạo khoa học, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, cờ vua… Và từ ngày 16/12 này, thiết kế thời trang sẽ tiếp nối sau cờ vua trở thành một “sân chơi” thú vị và bổ ích dành cho các em nhỏ và bạn trẻ có niềm đam mê với thời trang.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Phó trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Chúng ta có thể dạy toán khác đi để bọn trẻ hứng thú và có cái nhìn khác về môn học này. Tuy nhiên việc tạo ra các sản phẩm giáo dục được chuyển thể từ toán học không phải điều dễ dàng.
Cá nhân tôi rất muốn rằng CLB Talinpa F có thể giúp cho các em, bất cứ đứa trẻ nào đều có thể chạm đến nghệ thuật và vận dụng nó vào đời sống, thiết kế thi công thành sản phẩm của mình. Từ việc đó, chúng ta sẽ hình dung lại giáo dục không phải là những kiến thức đơn thuần mà là những hoạt động có sự tưởng tượng, khám phá ước mơ và giúp các em thực hiện điều đó”.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Phó trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện khoa học giáo dục – Bộ GD&ĐT
Vào ngày ra mắt CLB Talinpa F (16/12/2018), CLB sẽ tặng 10 suất học bổng về kỹ thuật, công nghệ may cùng Toán học trị giá 1000 USD cho các sinh viên có năng khiếu và đam mê thiết kế thời trang.
Hồng Nhung
Theo Dân trí
5 kỹ năng toán học trẻ cần biết trước khi vào mẫu giáo
Bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu khái niệm toán học cơ bản thông qua đếm số đồ chơi hay bước chân.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc dạy toán cho con từ sớm, thông qua các hoạt động hàng ngày. Điều này giúp xây dựng kỹ năng cho trẻ, làm nền tảng cho quá trình học tập về sau.
1. Đếm số và lực lượng
Theo tiêu chuẩn của bang Maryland (Mỹ), trẻ được kỳ vọng sẽ chứng tỏ được kỹ năng đếm số đơn giản trước khi vào mẫu giáo. Cụ thể, trẻ cần đếm được đến 20, sắp xếp thẻ đánh số, xác định số lượng của một nhóm nhỏ mà không cần phải đếm, hiểu rằng số lượng của một nhóm sẽ không thay đổi dù các vật được sắp xếp theo trật tự nào.
Trẻ cũng cần nắm được lực lượng (số phần tử có trong tập hợp), có nghĩa chúng nên hiểu rằng vật cuối cùng được đếm đại diện cho số lượng các vật trong tập hợp.
Trẻ học toán thông qua trò chơi. Ảnh: The Children's Courtyard
Kỹ năng này rất dễ đạt được, thông qua việc tập đếm số đồ chơi phải dọn dẹp hay số bước chân từ nhà bếp tới phòng ngủ. Phụ huynh có thể chỉ các con số trên đồng hồ hay điện thoại để trẻ làm quen.
Khi vào cửa hàng tạp hóa, bạn hãy yêu cầu trẻ tìm các con số nhất định. Khi đi xe trên đường, bạn hãy bảo con đọc các con số trên biển số xe hoặc đếm xem có bao nhiêu xe đi qua.
Những trò chơi, hoạt động liên quan đến việc đếm to như nhảy dây, nhảy lò cò hoặc vỗ tay cũng giúp nuôi dưỡng kỹ năng này.
2. Phép tính và tư duy đại số
Học sinh mẫu giáo thường phải làm các phép tính cộng trừ đơn giản bằng cách sử dụng các đồ vật. Phụ huynh có thể để con làm quen với nhiệm vụ này mỗi ngày, chẳng hạn như lấy đúng số lượng đĩa và nĩa được yêu cầu khi dọn bàn cho bữa tối.
Ngôn ngữ nói với trẻ rất quan trọng, nên lồng yếu tố toán học vào đó, ví dụ: "Chúng ta cần bao nhiêu chiếc đĩa nữa nhỉ?". Trong khi chơi đùa, bạn có thể sử dụng đồ chơi và nói những câu như: "Mẹ sẽ đưa cho con một trong những chiếc xe của mẹ. Con hãy tính xem bây giờ con có bao nhiêu chiếc nhé".
3. Số và phép tính trong phạm vi 10
Đếm ngón tay, ngón chân, tiền hay đồng xu là cách hợp lý để trẻ ghi nhớ các số từ 1 đến 10. Bạn có thể cùng chơi đồ hàng với trẻ, dùng đồng xu để mua đồ chơi với số lượng xu khác nhau cho mỗi món. Trong lúc chơi, cả hai hãy thảo luận về số lượng đồ chơi có thể mua được khi có 10 xu.
4. Đo lường và phân loại
Học sinh mẫu giáo sẽ phải sắp xếp đồ vật theo đặc điểm của chúng (hình dạng, màu sắc và kích thước), hoặc xác định đặc điểm giúp đồ vật được phân chia theo nhóm. Các em cũng phải sắp xếp đồ vật bằng một số đặc điểm đo lường nào đó, chẳng hạn từ lớn hơn đến bé hơn.
Bố mẹ có thể dạy trẻ về đo lường từ sớm trong nhà bếp thông qua việc sử dụng thìa hoặc cốc. Trẻ cũng có thể phân loại thìa đũa, quần áo vừa khô hay đồ chơi trước khi mang đi cất.
Ngoài ra, trẻ mẫu giáo thường phải so sánh nhiều hơn và ít hơn, dài hơn và ngắn hơn, nặng hơn và nhẹ hơn. Phụ huynh có thể giúp trẻ dễ làm quen với nhiệm vụ ở trường mẫu giáo bằng cách nhấn mạnh các cụm từ so sánh khi ở nhà. Khi trẻ đứng cạnh bạn trong nhà bếp, bạn hãy hỏi những câu như: "Con lấy giúp mẹ cái tô lớn nhất nhé?", "Con đặt cái nĩa nhỏ hơn lên bàn được không?".
5. Hình học
Kỹ năng hình học dễ đạt được từ sớm bao gồm gọi tên và xác định hình dạng 2D như hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Trẻ cần hiểu các hình có kích cỡ hay hướng khác nhau vẫn có thể cùng thuộc một dạng. Ngoài ra, trẻ nên nhận ra sự tương đồng giữa hình tròn và hình cầu, hay sử dụng những tên gọi không chính thức như "hộp" và "quả bóng" để xác định vật thể ba chiều.
Phụ huynh có thể hướng sự chú ý của trẻ đến các hình dạng được tìm thấy trong môi trường xung quanh. Khi đi bộ, bạn hãy chỉ cho trẻ xem bánh xe có hình tròn và yêu cầu trẻ tìm hình tròn nào khác. Trò Lego cũng là ý tưởng hay để xây dựng các kỹ năng ban đầu về không gian.
Thùy Linh
Theo The Conversation
Cuộc thi Toán Quốc tế cho học sinh lớp 1 đến lớp 8 Các em có thể đăng ký tham gia cuộc thi để rèn luyện khả năng tư duy Toán học và nhận nhiều giải thưởng. Tư duy có thể rèn luyện được nếu có phương pháp khoa học và kiên trì. Một trong những cách rèn tốt là thông qua Toán học. Cuộc thi Toán Quốc tế Eye Level Math Olympiad (ELMO) được tổ...