Mảng dịch vụ của Apple: thời đại mới hay chỉ là vật thế chỗ chờ đợi sản phẩm đột phá?
10 ngày vừa qua là quãng thời gian khá bận rộn của Apple, nhưng đối với người tiêu dùng, mọi thứ dường như đi theo hướng họ không hề lường trước được.
Với những thông tin rò rỉ về các sản phẩm mới của Apple xuất hiện ngày càng nhiều, người ta trông chờ rằng phần cứng và phần mềm sẽ cùng xuất hiện trên sân khấu của nhà hát Steve Jobs. Nhưng hoá ra không phải, và nếu ai đó vẫn cần bằng chứng cho thấy Apple đang chuyển dịch trọng tâm sang mảng dịch vụ, không có gì rõ ràng hơn những thứ vừa diễn ra. Nhưng tại sao Apple lại chọn cách thờ ơ với việc ra mắt sản phẩm và tập trung toàn lực vào các dịch vụ?
Âm thầm ra mắt sản phẩm, nhưng Apple đang thể hiện rõ ràng đường hướng mới của công ty
Nếu có một điều chắc chắn trong thế giới này, thì đó là không ai thích khoe khoang sự tuyệt vời của các sản phẩm của Apple hơn Apple cả. Họ “ném” vào những màn giới thiệu sản phẩm của mình vô số những “cái nhất”, từ thiết kế sản phẩm cho đến các chức năng của chúng. Khi xem một sự kiện của Apple, bạn sẽ có cảm tưởng như công ty này chẳng khác gì món quà của Thượng đế dành cho nhân loại, cứu rỗi loài người khỏi những thứ thường thường bậc trung chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.
Tất nhiên, mọi công ty trên thế giới đều thích nói quá về chất lượng của các sản phẩm do mình tạo ra, trong khi giấu nhẹm thiếu sót của chúng vào những giấy tờ kỹ thuật. Đó là nghệ thuật marketing. Nhưng mánh khoé của Apple lại cực kỳ hiệu quả, và trong hầu hết các trường hợp, bản thân các sản phẩm cũng “bảo vệ” cho mánh khoé đó. Thế nên theo lẽ tự nhiên, khi nghe về iPad hay các sản phẩm mới khác sắp ra mắt, chúng ta đã đoán trước sẽ lại được nghe thêm nhiều lời ca tụng như mọi khi. Và quả thực đúng vậy, chỉ là chúng có sự khác biệt khá nhiều so với những thứ chúng ta từng biết.
Thay vì rút sản phẩm ra từ trong túi quần, hoặc để chúng xuất hiện như thể những thiên thần giáng thế, những sản phẩm mới lần này của Apple lại được công bố thông qua các thông cáo báo chí trên website của công ty. Đây không phải lần đầu Apple làm điều này, và sau khi thấy những sản phẩm mới này, mọi người đều đồng ý với cách Apple công bố chúng. Những chiếc iMac, iPad, và AirPods mới đều có thiết kế giống hệt sản phẩm trước đó, chỉ có cấu hình được thay đổi mà thôi.
Có hai cách để nhìn nhận hành động của Apple. Đầu tiên, ý kiến chung sẽ là lần làm mới sản phẩm này chẳng có gì thú vị, nếu không muốn nói Apple quá lười nhác. Thay đổi một số linh kiện đâu có gì là khó khăn, đúng không? Nhưng những người muốn sở hữu những thứ mới nhất và tuyệt nhất vẫn sẽ mua chúng về. Đó rốt cuộc cũng chỉ là một cách Apple câu tiền của chúng ta. Hoặc có lẽ công ty này quả thật đã cạn kiệt ý tưởng, và chững lại, không thể cải tiến hơn nữa. Phút cáo chung đã cận kề! Bán cổ phiếu Apple đi thôi!
Nhưng có nhất thiết phải suy nghĩ tiêu cực như vậy không? Cách nhìn nhận thứ hai, hãy bình tĩnh lại chút nào. Nhiều người tin rằng những sản phẩm nói trên là những mặt hàng chủ lực không cần (hoặc chưa đến lúc) phải thay đổi. Sau tất cả, mọi người đều nhận ra chiếc iPad thông qua nút Home biểu tượng của nó. Và bạn có thể thấy iMac trong hầu hết các văn phòng của mọi startup đang thành công rực rỡ, do đó khách hàng rõ ràng cũng yêu thích chúng. “Đừng sửa thứ gì chưa hỏng” – có một câu nói như vậy, và trong trường hợp của Apple, đó chính là điều họ đang làm. Cho người dùng hiệu năng mà họ muốn bên trong một hình hài họ đã quen thuộc, còn gì đơn giản hơn thế? Đối với Apple, việc lặp đi lặp lại một thiết kế không phải là vấn đề hiếm có. Như đã nói ở trên, ngày càng khó để các nhà sản xuất có thể đưa ra những bản nâng cấp đáng kể cho các dòng sản phẩm của họ.
Câu hỏi hóc búa xoay quanh iPad Pro
Chúng ta không thể bỏ qua một nhân vật quan trọng: chiếc iPad Pro mới nhất. Với thiết bị này, Apple đã thực sự thực hiện một số thay đổi lớn – không chỉ về mặt thiết kế mà còn về mặt tính năng cốt lõi khi chuyển từ cổng Lightning sang USB Type-C. Những thay đổi này được chào đón nồng nhiệt, và người ta kỳ vọng rằng triết lý mới này sẽ được mang lên các sản phẩm khác của hãng. Nhưng không. iPad và iPad Mini mới vẫn sử dụng cổng Lightning, và cả hộp sạc của AirPods mới nữa. Những chiếc tablet mới thậm chí còn không được thay đổi thiết kế viền màn hình mỏng như Pro, và không Face ID – thứ Apple vô cùng tự hào.
Nhiều tin đồn cho biết iPhone 2019 vẫn sẽ dùng cổng Lightning. Sự phân mảnh này là rất bất thường đối với một công ty vốn nổi tiếng về việc tạo nên những món phụ kiện dễ sử dụng và dễ liên kết với nhau.
Video đang HOT
Có phải động thái Apple thực hiện với chiếc iPad Pro là nhằm tách biệt dòng “Pro” khỏi đại gia đình iPad và nhằm gán cho nó một mức giá cao hơn thông thường? Hay đây là bước đầu tiên trong một kế hoạch lớn hơn nhưng sau đó đã bị thay đổi, thay vì tung ra những sản phẩm mới thực thụ, chúng ta lại nhận được những bản nâng cấp về cấu hình theo kiểu “mì ăn liền”? Chúng ta có lẽ chẳng bao giờ biết được, nhưng với chiến lược mới của công ty, liệu điều đó có còn là vấn đề không? Phần cứng lúc này chỉ còn vai trò làm nền mà thôi.
Con gà hay quả trứng?
Sau sự kiện ngày 25/3 của Apple và màn ra mắt của một loạt các dịch vụ mới, chúng ta phải chấp nhận rằng Apple bây giờ sẽ đi theo hướng một công ty dịch vụ. Nhưng đừng quên rằng, mặc dù bộ phận phần mềm của Apple đã tạo những khoản lợi nhuận khổng lồ trong vài năm trở lại đây, con gà đẻ ra quả trứng vàng của hãng vẫn là iPhone. Do đó, sự chuyển dịch này làm dấy lên một câu hỏi: Liệu mảng dịch vụ được Apple đẩy mạnh như một con át chủ bài với những chiến lược riêng, hay đây là một sự thay đổi cần thiết vì iPhone nay đã không còn đạt được kỳ vọng?
Ai cũng biết thị trường smartphone toàn cầu đang dần rơi vào tình trạng trì trệ trong năm ngoái. Và ai cũng biết iPhone 2018 không đạt được chỉ tiêu doanh số của Apple. Hầu như mỗi ngày trôi qua lại có một vài nhà cung ứng công bố về việc cắt giảm số lượng đơn đặt hàng và hạ thấp mức dự báo lợi nhuận theo quý. Trong mắt các nhà đầu tư, đây không phải là điều tốt, và lẽ thường tình, họ muốn biết Apple sẽ làm gì với tình trạng này.
Do đó, trong khi việc Apple lên kế hoạch phát triển các dịch vụ mới là điều không bất ngờ, thì doanh số thoả mãn của iPhone có lẽ đã buộc các lãnh đạo công ty phải dồn sức ưu tiên phát triển các ứng dụng mới sớm hơn dự kiến.
Điều này thực ra đã được thể hiện khá rõ ràng trong bài thuyết trình của Apple trong sự kiện vừa qua. Thông thường, khi Apple tung ra một sản phẩm mới, nó sẽ được bán ra ngay sau sự kiện, hoặc một hoặc hai tuần sau đó, khi mà sự hào hứng của mọi người có thể ngay lập tức biến thành doanh thu. Các dịch vụ mới của Apple không như vậy. Chúng ta chỉ được biết về ngày ra mắt của chúng, cụ thể: Apple Arcade vào mùa thu năm 2019; Apple News hiện đã có tại Mỹ và Canada, ra mắt tại Anh và Úc từ mùa thu năm 2019; Apple TV vào mùa thu năm 2019; Apple Card chỉ có tại Mỹ, vào mùa hè năm 2019.
Mùa xuân mới chỉ bắt đầu, vậy mà Apple đã công bố các sản phẩm sẽ ra mắt trong mùa thu? Quả là bất thường. Liệu Apple sẽ tổ chức thêm một sự kiện nữa vào mùa thu để nhắc lại với mọi người về các dịch vụ này, sau đó chính thức tung ra chúng? Nếu vậy, thì mục đích của sự kiện vừa qua là gì? Việc Apple “đánh dấu lãnh thổ” như thế này là không hề bình thường, nhưng dường như tình thế hiện tại buộc họ phải có những động thái khẩn cấp như vậy. Ngay cả những cái tên được đặt cho các dịch vụ này cũng có vẻ vội vàng: News và TV ? TV có lẽ là một trong những cái tên bị lạm dụng bậc nhất trong ngành công nghiệp truyền hình. Và hiển nhiên, dành một cái tên phổ thông như vậy cho một dịch vụ mà Apple quảng cáo là cực kỳ tuyệt vời quả là không hợp chút nào.
Và chắc chắn, các show TV và game cần có thời gian để phát triển, nhưng các sản phẩm phần cứng cũng vậy, và chúng ta lại chẳng biết gì về những chiếc iPhone sắp ra mắt vào mùa thu (trừ một vài thông tin rò rỉ). Có lẽ sản phẩm duy nhất Apple nhắc đến mà không hề ra mắt chính là chiếc AirPower mới bị khai tử gần đây. Nhưng ngay cả nếu các dịch vụ được ra mắt trong mùa thu tới thật sự tuyệt và đón nhận được một lượng người đăng ký sử dụng như kỳ vọng, đó cũng không phải là một giải pháp dài hơi bền vững mà Apple đang tìm kiếm.
Tại sao dịch vụ không bao giờ thay thế hoàn toàn được phần cứng?
iPhone là dòng điện thoại nổi tiếng nhất thế giới, ít nhất khi xét đến khả năng nhận diện thương hiệu. Trong khi chúng cực kỳ phổ biến tại Mỹ, nhiều quốc gia lớn khác cũng là những thị trường lớn đối với Apple, như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… Khi Apple muốn bán iPhone sang một thị trường khác, họ phải đảm bảo nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý và sau đó biên dịch phần mềm sang ngôn ngữ địa phương, vậy là xong. Nhìn chung, xét về doanh số, phần còn lại của thế giới đóng góp nhiều hơn hẳn so với doanh số tại Mỹ nói riêng.
Tuy nhiên, với mảng dịch vụ, Apple có lẽ sẽ gặp khó khăn nếu muốn đạt được điều này. Bên cạnh những vấn đề về chuyển ngữ, lồng tiếng cho các show và các bộ phim, họ phải xem xét vấn đề nội dung sao cho phù hợp với quốc gia bản địa. Đúng là các bộ phim Hollywood được xem ở khắp nơi, và các show như Trò chơi Vương quyền là một hiện tượng toàn cầu. Nhưng số lượng người có hứng thú với các bản tin về các vấn đề Mỹ ít hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao các dịch vụ như Apple News sẽ không bao giờ phát triển được tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Một sự khác biệt về văn hoá khác là việc trả phí cho các dịch vụ. Dù các dịch vụ như Netflix, Spotify Premium… rất nổi tiếng và sinh lời tại Mỹ, ở nhiều quốc gia khác, người ta không quen với việc trả tiền cho thứ họ không sở hữu. Và ngay cả khi họ có một chiếc iPhone, việc đặt cược rằng họ sẽ đăng ký các dịch vụ của Apple là một điều vô cùng mạo hiểm. Điều này có thể khiến dòng tiền Apple thu được từ các thị trường nước ngoài giảm đáng kể.
Tất nhiên, Apple sẽ không ngừng sản xuất (hoặc bán hàng triệu) iPhone, nên chẳng có lý do gì buộc các dịch vụ phải “gồng gánh” cho cả mảng phần cứng. Chưa hết, có lẽ Apple còn có các sản phẩm khác đang chực chờ ra mắt có thể tiếp sức cho họ bước vào một thời kỳ thống trị phần cứng mới.
Apple đang chuyển dịch sang thời kỳ phần cứng 2.0?
Dù hiện tại, các thiết bị của Apple đã đạt đỉnh phát triển, không có nghĩa việc chuyển dịch sang dịch vụ sẽ lâu bền. Điều chúng ta đang chứng kiến ngay lúc này có thể chỉ là một giải pháp tạm thời trước khi các sản phẩm Apple thế hệ tiếp theo sẵn sàng để ra mắt.
Chưa lâu trước đây, CEO Apple Tim Cook cho biết tác động bền vững ông muốn Apple thực hiện không phải trong lĩnh vực công nghệ, mà là lĩnh vực sức khoẻ. Chúng ta từng thấy những nỗ lực của công ty nhằm thực hiện tầm nhìn này được đền đáp. Không hiếm những câu chuyện về tính mạng con người được cứu bởi một chiếc Apple Watch. Trong nhiều năm sắp tới, chúng ta có lẽ sẽ thấy một lượng lớn các sản phẩm mới mà không ai ngờ trước (ít nhất là ở thời điểm này, và chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều thông tin rò rỉ sớm thôi) nhằm hoàn thiện sáng kiến về sức khoẻ của Apple. Một điều chắc chắn: họ sẽ kiếm được nhiều tiền từ lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Và nếu Apple tìm ra cách để biến việc “sống khoẻ/sống lành mạnh” thành một niềm vui, một trào lưu (mà hiện nay đang dần hình thành), thì Tim Cook chứ chẳng ai khác sẽ tung tăng đến ngân hàng với một nụ cười không thể tươi hơn trên môi.
Nhưng đừng quên một lĩnh vực khác Apple đang tập trung: thực tại tăng cường. Thiết bị AR của công ty đã được đồn đại nhiều năm, nhưng gần đây, chúng ta bắt đầu được nghe nhiều manh mối hơn đến từ Apple, rằng có thứ gì đó quan trọng sắp xuất hiện dưới hình thức này hay hình thức khác. Liệu nó sẽ mở ra một cuộc cách mạng như chiếc iPod hay iPhone đầu tiên? Hoàn toàn có khả năng. Nếu đúng vậy, Apple sẽ trở lại làm kẻ đi đầu sáng tạo, và các hãng khác lại phải bước vào trò chơi đuổi bắt mới.
Cho đến lúc đó, các thiết bị của Apple sẽ đóng vai trò như những cánh cổng với hình dạng khác nhau dẫn đến hệ sinh thái của công ty, và hiện nay, chúng ta thậm chí có thể truy cập hệ sinh thái này thông qua phần cứng bên thứ ba. Liệu đây là điều cần thiết, hay chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn mà Apple đang âm thầm thực hiện? Như mọi khi, thời gian sẽ trả lời!
Theo VN Review
Các hãng thi nhau ra mắt sản phẩm đột phá, BlackBerry chỉ biết lặng lẽ bổ sung phiên bản màu đỏ cho Key2
Tưởng chừng như BlackBerry sẽ ra mắt KEY3, tuy nhiên nhà sản xuất này lại chỉ mang tới MWC 2019 một phiên bản màu sắc mới cho chiếc KEY2 đã ra mắt từ năm ngoái.
Triển lãm MWC 2019 chứng kiến sự ra mắt của loạt smartphone mới tới từ nhiều nhà sản xuất khác nhau trên thế giới như Huawei, Nokia, LG hay Sony. Tuy nhiên, có vẻ như BlackBerry vẫn còn đang khá hài lòng với dòng sản phẩm của mình khi mà nhà sản xuất này không hề đem tới sự kiện bất cứ mẫu smartphone nào mới. Sản phẩm duy nhất được BlackBerry trưng bày tại triển lãm MWC 2019 năm nay là một phiên bản màu đỏ độc đáo của chiếc KEY2 đã ra mắt từ năm ngoái.
BlackBerry ra mắt KEY2 phiên bản màu đỏ độc đáo
Tên đầy đủ của phiên bản màu đỏ này là BlackBerry KEY2 Red Edition và nó có màu đỏ tối hơn so với phiên bản màu đỏ có trên "người anh em" KEY2 LE. Màu đỏ trên KEY2 cũng sẽ bao phủ gần như toàn bộ mặt trước lẫn khung viền của máy, kết hợp với màu đen của bàm phím và phần mặt lưng, khiến tổng thể của thiết bị trở nên khá hài hòa và đẹp mắt.
Về cấu hình phần cứng, KEY2 Red Edition không có bất kỳ sự khác biệt nào về thông số so với phiên bản bình thường. Máy sẽ vẫn sở hữu con chip Snapdragon 660 với RAM 6GB và 128GB bộ nhớ. Màn hình có kích thước 4.5 inch độ phân giải 1620 x 1080. Viên pin của KEY2 có dung lượng 3500mAh và máy sẽ chạy sẵn trên Android Oreo, sẽ được cập nhật lên Android 9 Pie trong thờ gian tới.
Giá bán cụ thể cho phiên bản Red Edition này cũng được TCL công bố tại triển lãm. Cụ thể, máy sẽ được phân phối tại thị trường Mỹ và châu Á với mức giá 749 USD (17.4 triệu đồng), tại châu Âu với giá 699 bảng Anh (21.2 triệu đồng) và tại khu vực Trung Đông với giá 779 EUR (20.5 triệu đồng). Ngoài ra, TCL cũng cho biết người dùng mua phiên bản Red Edition cũng sẽ nhận được một tai nghe đi kèm cũng có cùng tông màu đỏ.
Mời bạn đọc cùng ngắm nhìn một số hình ảnh khác của BlackBerry KEY2 Red Edition dưới đây.
Theo Genk
Bigdata và trí tuệ nhân tạo đang đưa ngành bảo hiểm vào "thời đại mới" Ngành bảo hiểm xuất hiện khái niệm mới: công nghệ bảo hiểm (Insurtech) nhờ bàn tay thần kỳ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tống Thùy Linh, 30 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản gõ vào công cụ tìm kiếm: "bảo hiểm ung thư". Cô nhấp vào ePrudential, trang thương mại điện tử của công ty bảo hiểm uy tín...