Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng
Sinh viên và giảng viên quen đối thoại trên giảng đường
GD&TĐ – Trà Vinh là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, với 3 dân tộc sinh sống là người Kinh, người Khmer và người Hoa. Với 30% dân số là người Khmer nên Trà Vinh cũng là tỉnh có số đồng bào Khmer sinh sống đông nhất nước.
Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ quan trọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh giao cho Trường Đại học Trà Vinh thực hiện.
Thuận lợi nhiều, nhưng khó khăn không ít, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đang nỗ lực hết mình để Đại học Trà Vinh lớn mạnh trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học uy tín và chất lượng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Hướng vào cộng đồng
Video đang HOT
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Với phương châm “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”, Đại học Trà Vinh đã thiết kế, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, các khóa học phù hợp với nhu cầu học tập của cộng đồng từ trung cấp đến sau đại học cho mọi đối tượng người dân ở mọi lứa tuổi, có sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và các cộng đồng dân cư có nhu cầu đặc biệt; đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập suốt đời của người học.
Trong số nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này, Đại học Trà Vinh kiên trì với việc xây dựng mối liên hệ hợp tác với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, người lao động và các tổ chức quốc tế nhằm đáp ứng tốt cho các hoạt động của trường như: Nghiên cứu khoa học, tiếp nhận và chuyển giao khoa học, kỹ thuật & công nghệ, cung cấp dịch vụ, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm cho người dân địa phương và khu vực.
Được biết, sự năng động và hiệu quả, ở đây chính là chất lượng đào tạo đã gây dựng uy tín để Đại học Trà Vinh dù chỉ là một trường địa phương nhưng thương hiệu đã có ở trên cả nước.
Chỉ có thể lý giải đó là lòng nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm cao của tập thể nhà trường. Mỗi cán bộ, giảng viên đều luôn hết mình với công việc được giao, các ngành đào tạo, nội dung chương trình giáo trình luôn được cập nhật đổi mới mang tính thực tiễn cao.
Hơn 400 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực như may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, cơm dừa… là những quan hệ hợp tác với nhà trường, tất cả không ngoài mục đích vì sự phát triển chung.
Cũng từ các mối quan hệ này, trường đã vận động doanh nghiệp, hội đồng hương tham gia hỗ trợ quá trình học tập của sinh viên thông qua hình thức cấp các suất học bổng hàng năm. Đặc biệt việc sớm đưa doanh nghiệp vào cùng tham gia giảng dạy tại trường được coi là một trong những nhân tố làm nên chất lượng đào tạo.
Hợp tác vì sự phát triển
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh:
Là một trường công lập, hoạt động theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa phương thức đào tạo, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nghiên cứu khoa học & ứng dụng, cung cấp các dịch vụ góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Trà Vinh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thuận lợi được các cấp chính quyền tạo nhiều điều kiện, nhưng cũng không ít khó khăn. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm với xã hội và người học, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường nỗ lực làm hết mình vì sự nghiệp chung.
Đi tắt đón đầu, học hỏi ở những nền giáo dục lớn, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi là cách mà Đại học Trà Vinh đang thực hiện. Một trong những ưu tiên hàng đầu của trường là hợp tác quốc tế.
Đến nay, các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Trà Vinh có sự tham gia và giúp đỡ của các chuyên gia và tình nguyện viên từ 62 đối tác quốc tế để giúp các học sinh và giáo viên tiếp cận với các đại học của các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Canada, Hà Lan, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản…. được đánh giá đều là những mối quan hệ thân tình, chất lượng mà nhiều đại học lớn cũng không dễ gì thiết lập được.
Lý giải về thế mạnh trong gọi mời hợp tác của trường, PGS.TS Phạm Tiết Khánh cho biết: Chúng tôi chỉ thực hiện đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT trong việc đưa doanh nghiệp vào cùng đào tạo với nhà trường thôi.
Thực hiện chủ trương đó, trường thiết kế các chương trình đào tạo theo địa chỉ tại các công ty, địa phương có nhu cầu, đáp ứng rộng rãi hơn nữa nhu cầu học tập của cộng đồng, tạo sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng nhằm đảm bảo đào tạo theo hướng kỹ năng phù hợp với nhu cầu xã hội, người học có cơ hội việc làm tốt nhất.
Còn học hỏi kinh nghiệm của các đại học lớn trên thế giới cũng là cách để mình trưởng thành, đó là điều nên làm – PGS Khánh nhấn mạnh.
Nhắc tới Trường Đại học Trà Vinh, chắc chắn nhiều người làm quản lý các trường đại học hẳn phải biết đến mô hình Coop được Tập đoàn Mỹ Lan phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh thành lập Khoa Hóa học ứng dụng năm 2007 mà TS Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị đảm nhiệm luôn chức Trưởng khoa Hóa học ứng dụng. Đây được xem như điển hình của mối quan hệ hợp tác giữa một đại học và doanh nghiệp mang lại nhiều thành công cho cả hai bên.
Cũng từ mô hình Coop đó, đến nay Đại học Trà Vinh đã xây dựng được 7 chuyên ngành: Công nghệ Kỹ thuật, Trồng trọt, Nuôi trồng Thủy sản, Công nghệ Chế biến Thủy sản, Công nghệ Cơ khí (Cơ điện tử), Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa (Quang Điện tử), có 223 sinh viên đã tham gia, 24 doanh nghiệp tiếp nhận các sinh viên, chín doanh nghiệp đã ký kết hợp tác và 22 doanh nghiệp tiềm năng.
Thay bằng lời nói là việc làm, chính từ hiện thực hóa quan điểm này chính là nền tảng cho những thành quả của đào tạo và nghiên cứu ở Đại học Trà Vinh. Nhiều nghiên cứu khoa học trong sinh viên và giảng viên được đẩy mạnh.
Đặc biệt, từ các nghiên cứu khoa học này đã được ứng dụng chuyển giao vào thực tế. Như mô hình sản xuất lúa chuẩn VietGap, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sinh viên trồng dưa tự quản, mô hình trồng nấm bào ngư, mô hình nuôi cua biển tại Duyên Hải….. mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo GD&TĐ