Màn vượt ngục ly kỳ của điệp viên Liên Xô được mệnh danh “nghệ sỹ đào tẩu”
Với một chiếc que sắt và sợi dây thừng, “nghệ sỹ đào tẩu” George Blake đã nhanh chóng thoát ra ngoài bức tường cao sừng sững của nhà tù khét tiếng Wormwood Scrubs (Anh) và biến mất vào trong bóng tối.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.
George Blake – điệp viên nổi tiếng của tình báo Liên Xô.
Bản án nặng nhất lịch sử
George Blake sinh ngày 11/11/1922 tại thành phố Rotterdam của Hà Lan trong một gia đình doanh nhân có cha là người Ai Cập mang quốc tịch Anh và mẹ là người Hà Lan. Năm 1940, khi Đức Quốc xã xâm chiếm Hà Lan, Blake tham gia chiến đấu trong một tổ chức kháng chiến mật.
Năm 1942, khi phong trào kháng chiến ở Hà Lan bị đàn áp dữ dội, Blake tìm cách đến Anh rồi chẳng bao lâu sau được Cục Các hành động đặc biệt (SOE) tuyển mộ. Sau khi được huấn luyện, ông được tung về hoạt động trong lãnh thổ Hà Lan bị chiếm đóng để móc nối, xây dựng các tổ chức du kích và cả tổ chức phá hoại nhắm vào các căn cứ quân sự của Đức Quốc xã.
Cũng giống nhiều điệp viên SOE khác, khi chiến tranh thế giới kết thúc, theo nguyện vọng và khả năng, George Blake được nhận vào làm việc cho MI-6, Tổng cục Tình báo của Anh và trở thành một điệp viên Anh nằm vùng tại các khu vực ở Đức do Hồng quân Liên Xô chiếm đóng.
Năm 1951, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ông được điều động đến làm việc tại chi nhánh của MI-6 ở thành phố Seoul. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông bị một toán đặc vụ của Bắc Triều Tiên bắt.
Sau 3 năm bị giam giữ, nhận thức của Blake hoàn toàn thay đổi và đã biến ông thành một người theo chủ nghĩa Mácxít. Thế nhưng tình báo Anh lại không hề nghi ngờ về sự thay đổi này của Blake nên khi ông được phóng thích vào năm 1953, MI-6 lại điều động ông đến làm việc tại Berlin, Đức.
Trở thành điệp viên nội ứng làm việc cho tình báo Liên Xô từ năm 1954, George Blake đã cung cấp danh sách hàng trăm điệp viên phương Tây hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, trong đó có danh tính của 42 điệp viên MI-6.
Tuy nhiên, trong thời gian George Blake ở Liban, một điệp viên của Cơ quan tình báo Ba Lan tên là Mikhail Golenievski đã bí mật đầu quân cho CIA và tiết lộ về các điệp viên ở Berlin, trong đó có cái tên George Blake.
Tin này ngay lập tức được CIA chia sẻ với MI-6. Với lý do cần phải thảo luận về vị trí công tác tiếp theo của George Blake, MI-6 gọi ông về London và bắt giữ ông.
Năm 1961, phiên tòa xét xử “kẻ phản quốc” George Blake chấn động toàn nước Anh. Ông bị kết án 42 năm tù giam, một mức án nặng nhất lịch sử đối với một điệp viên hoạt động trong thời bình. Khi đó, George Blake mới 39 tuổi.
Video đang HOT
Cuộc vượt ngục chấn động nước Anh
Thụ án tại nhà tù Wormwood Scrubs ở ngoại ô London, nơi chuyên giam giữ tù chính trị, George Blake không lúc nào không nung nấu ý định vượt ngục.
Tại đây, Blake nhận được sự ủng hộ của nhiều tù nhân trong đó phải kể đến Michael Randle, Pat Pottle và Sean Bourke.
Cả 3 người đã lên kế hoạch giúp ông đào thoát khỏi nhà tù có chế độ canh gác cẩn mật nhất nước Anh: Michael Randle và Pat Pottle có nhiệm vụ liên hệ với các thành viên tổ chức của mình ở bên ngoài để mua điện đàm, thuê nhà (để George Blake cư ngụ), làm giấy thông hành giả và cả chuẩn bị để làm thay đổi màu da của George Blake nhằm biến ông thành một người Arập.
Khi mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, George Blake quyết định đào thoát vào tối ngày 12/8/1966. Thời điểm đó, lợi dụng lúc các nhân viên quản giáo hay tập trung xem truyền hình, George Blake đã thoát ra ngoài buồng giam bằng một chiếc que sắt và sợi dây thừng làm thang.
Trước khi thoát đi, George Blake còn để lại trong buồng giam một hình nhân làm bằng ván ép để đánh lừa sự thăm chừng của các nhân viên quản giáo.
Sau đó, ông nhanh chóng nhảy xuống một mái hiên nhỏ, vượt qua một hàng rào rồi lại nhảy xuống một hành lang. Tiếp theo, ông leo lên một bức tường cao chừng 2m trước khi nhảy xuống một đường mòn nhỏ bên ngoài trại giam.
Tại đây một chiếc xe ôtô Austin đã đợi sẵn để đưa ông về nơi ẩn nấp. Tại nơi trú ngụ mới, George Blake được bôi một loại hóa chất gọi là meladin để làn da trở nên sẫm màu.
Cuộc vượt ngục thành công của George Blake đã gây chấn động dư luận. Nhiều câu chuyện thêu dệt chung quanh vụ vượt ngục đã khiến Chính phủ Anh phải cách chức Giám đốc nhà tù Wormwood Scrubs.
Vào ngày 17/12/1966, một gia đình gồm vợ chồng và 3 con đi du lịch đến Pháp và Đức bằng xe kéo, bên dưới gầm xe là George Blake. Và chuyến du lịch đặc biệt đã đưa ông đến Đông Berlin an toàn. Từ đây, George Blake tiếp tục được đưa về Moscow.
Mãi đến năm 1998, để làm sáng tỏ dư luận chung quanh vụ vượt ngục của George Blake, Michael Randle đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Chúng tôi đã giúp cho George Blake vượt ngục như thế nào?”. Phải đến lúc này, dư luận mới biết được sự thật về cuộc đào tẩu chấn động năm xưa.
———————————————–
Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 10/10/2017.
Theo Danviet
Kinh hoàng vụ vượt ngục táo tợn nhất trong lịch sử nước Pháp
Cho tới bây giờ, cuộc đào tẩu hi hữu khỏi trại giam Fresnes của tên cướp nổi tiếng nhất nước Pháp vẫn được nhắc tới như một bài học điển hình về công tác an ninh tại các nhà tù của nước này.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.
Ảnh: Chân dung "trùm vượt ngục" Antonio Ferrara.
Antonio Ferrara được lực lượng cảnh sát chống khủng bố áp giải bằng ô tô bọc thép, chân và tay hắn bị xiềng xích, đầu bị trùm kín và băng keo dán mắt cho đến khi tới cửa phòng xử án. Trong khi đó, một chiếc trực thăng giám sát đoàn áp tải tù nhân.
Không phải ngẫu nhiên mà tên tội phạm này lại được "quan tâm" đặc biệt như vậy, nhất là khi hắn chính là tác giả của màn đào tẩu ngoạn mục khiến cả nước Pháp choáng váng.
Từ "vua sắc đẹp" trở thành tên cướp khét tiếng
Antonio Ferrara sinh ngày 12/10/1973 tại Napoli (Italia). Năm 1983, cả gia đình Ferrara chuyển đến sinh sống tại quận Val-de-Marne, ngoại ô Paris.
Từ nhỏ, Ferrara đã tỏ ra là một đứa trẻ ngỗ ngược. 16 tuổi, hắn bỏ học và làm đủ thứ việc để mưu sinh, không việc gì hắn làm được quá vài tháng do tính tình hay gây gổ.
Năm 18 tuổi, Ferrara với gương mặt lạnh lùng và ăn ảnh đã thu hút sự chú ý của một tay săn người mẫu mắc chứng đồng tính tên là Olivier Masson. Chẳng bao lâu sau, Ferrara được Masson bán sang tay cho một hãng người mẫu và trở thành một trong những người mẫu nam đắt khách của hãng này, thậm chí còn được mệnh danh là "vua sắc đẹp".
Những tưởng gặp được cơ hội tốt như vậy, hắn sẽ chí thú, vậy mà chưa đầy hai năm sau, Ferrara đã bỏ nghề người mẫu để trở thành trùm tội phạm chuyên nghiệp.
Năm 1994, Ferrara tập hợp một số tên tội phạm người Italia dạt đến Pháp và lập ra một băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức các vụ cướp có vũ trang hùng cứ tại quận Val-de-Marne. Tháng 7/1997, Ferrara bị bắt giữ khi tổ chức cướp tiền tại một bưu điện ở Joinville-le-Pont, khu ngoại ô phía tây thủ đô Paris. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày bị giam giữ tại nhà tù Fresnes, Ferrara đã vượt ngục.
Ngày 26/12/2000, tại khu Gentilly thuộc quận Val-de-Marne, đã xảy ra một vụ cướp xe chở tiền táo bạo. Bị rơi vào ổ phục kích của 6 tên tội phạm di chuyển trên 3 chiếc xe, chiếc xe chở tiền của Hãng Brink's đã nổ tung bởi những thỏi thuốc nổ gắn một cách chuyên nghiệp vào cửa sau bọc thép của chiếc xe. Chỉ trong vòng có vài phút, bọn tội phạm đã cướp 6 triệu euro và bỏ trốn.
Tích cực điều tra vụ cướp, cảnh sát phát hiện tên chỉ huy vụ cướp không ai khác mà chính là Ferrara. Sau một chiến dịch truy bắt gắt gao, ngày 13/7/2002, Ferrara bị bắt.
Màn đào tẩu động trời
Trong khi đang bị giam giữ tại nhà tù Fresnes để đợi tuyên án, Ferrara không lúc nào không nghĩ tới việc trốn thoát.
Để chuẩn bị cho vụ vượt ngục này, với sự giúp đỡ của một nhân viên giám thị biến chất và một luật sư biện hộ, thuốc nổ đã được tuồn vào buồng giam cho Ferrara. Sau đó hắn ta bất tuân lệnh giám thị để bị chuyển sang khu vực bị biệt giam ở gần cửa phía sau của nhà tù rất dễ đào thoát.
Sáng sớm ngày 12/3/2003, bọn đồng phạm của Ferrara đã đốt một số xe hơi gần trại giam để đánh lạc hướng sự chú ý của bảo vệ trại giam.
Đúng 4h30', đồng phạm bên ngoài chia thành hai nhóm, một nhóm dùng súng tự động bắn xối xả vào các trạm gác quanh nhà tù, trong khi nhóm thứ hai dùng súng phóng tên lửa bắn phá cổng sau rồi cho nổ các khối thuốc nổ tạo nên những lỗ thủng trên các bức tường bên trong trại giam. Nhân lúc lực lượng bảo vệ và giám thị bị rối loạn, Ferrara đã dùng thuốc nổ phá chấn song cửa sổ buồng giam thoát ra ngoài và được đồng bọn đưa đi bằng xe hơi khỏi thủ đô Paris xuôi xuống miền Nam.
Vụ vượt ngục chỉ diễn ra đúng 15 phút và đã khiến Ferrara được gán cho biệt danh "trùm vượt ngục".
Cảnh sát Pháp sau đó đã mở một chiến dịch truy lùng quy mô lớn.
Chiều ngày 10/7/2003, Ferrara bị phát hiện tại một quán rượu ở quận 12 của thủ đô Paris cùng 2 tên đồng bọn. Cho dù hắn ta đã nhuộm tóc và giải phẫu một số bộ phận của gương mặt nhưng vẫn bị nhận dạng.
Để tránh xảy ra một vụ vượt ngục tương tự, lần này Ferrara được chuyển đến giam giữ tại nhà tù Fleury-Mérogis theo một chế độ giam giữ đặc biệt. Ferrara bị cách ly và giám sát 24/24 tiếng đồng hồ và liên tục chuyển đổi phòng giam
Vào đêm ngày 14 rạng ngày 15/12/2008, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của 100 nhân viên cảnh sát, Tòa án Đại hình Pháp ở thủ đô Paris đã tuyên phạt Antonio Ferrara, 35 tuổi, trùm tội phạm khét tiếng, 17 năm tù giam mà không được xét miễn giảm về tội tổ chức vượt ngục và vượt ngục khỏi nhà tù Fresnes vào sáng ngày 12/3/2003. Thêm các bản án cũ, tổng cộng Ferrara phải chịu ngồi tù đến 43 năm tù giam.
-----------------------------------------------
Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 9/10/2017.
Theo Danviet
Gã tử tù khét tiếng và màn đào tẩu chấn động khỏi nơi "không thể thoát" Người ta gọi nhà tù Klong Prem là "địa ngục trần gian" bởi nó được xem là nơi không thể trốn thoát, là chốn có vào mà không thể ra. Tuy nhiên, vào tháng 8/1996, một tử tù đã thoát khỏi nơi này trong cuộc đào tẩu gây chấn động mà sau đó đã được viết thành sách và dựng thành phim. LTS:...