Malaysia: Đông Nam Á cần tránh số phận như Ukraine
Năm 2015, Malaysia làm Chủ tịch ASEAN và sẽ đem mọi nỗ lực để không cho tái diễn “kịch bản Ukraine ” ở Đông Nam Á.
Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.
“Trong khuôn khổ ASEAN, chúng tôi sẽ nghiên cứu tình hình dồn đọng ở Ukraine và sẽ phân tích kỹ lưỡng những nguyên nhân dẫn đến cơn khủng hoảng ở đất nước này”, – vị tướng Malaysia cho biết.
Mà khả năng lặp lại “kịch bản Ukraine” ở Đông Nam Á là rất lớn, chuyên viên khoa học chính trị, nhà nghiên cứu Đông phương nổi tiếng và là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử khu vực Đông Á của Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg, Giáo sư Vladimir Kolotov nhận xét.
Video đang HOT
Những người biểu tình Ukraine tập trung ở Quảng trường Maidan.
“Trong giai đoạn thay đổi cán cân lực lượng trên vũ đài quốc tế, bị ảnh hưởng trước hết là các khu vực và các quốc gia ở vùng đệm. Tại châu Âu do hệ quả của những thay đổi này, Nam Tư cũ bị phân hóa, còn bây giờ tình huống tương tự đang diễn ra với Ukraine. Đông Nam Á hiện nay ở thế “trên đe dưới búa”. Một mặt là đất nước Trung Quốc đang ngày càng phát triển, mặt khác là cường quốc Mỹ. Cả hai đều muốn tăng cường vị thế của mình tại khu vực quan trọng này của thế giới, và có thể giả định rằng, áp lực địa chính trị ở khu vực sẽ chỉ tăng thêm không ngừng. Nếu trước đây các nước phương Tây đã phải theo đuổi công cuộc chinh phục thuộc địa, thì bây giờ người ta sử dụng những công nghệ hính trị như cái gọi là chuyển đổi hòa bình, dòng thứ năm, phá hoại chế độ từ bên trong để dẫn đến chính quyền về tay những lực lượng phụ thuộc, buộc đất nước phải tuân theo vòng quay quĩ đạo chính trị của cường quốc này hay nước lớn khác. Và trong ý nghĩa này thì Đông Nam Á đang đứng trước những mũi nhọn tấn công. Bởi vì mọi kích động gây bất ổn ở các nước trong khu vực đều hướng tới những đối thủ chính là Mỹ và Trung Quốc. Mục tiêu cơ bản của người Mỹ là phóng ngư lôi phá quá trình tạo lập đề án hợp tác chung ASEAN Trung Quốc. Ngay hiện nay khối liên minh kinh tế gồm 2 tỷ người đã vượt hơn cả EU và Mỹ. Và nếu kinh tế lại được bổ sung bằng chính sách và quân sự, ắt sẽ tạo ra cái mà phương Tây gọi là “Trung Hoa Đại Đông Á”, khi ấy người Mỹ sẽ bị đẩy bật ra khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, và đó sẽ là bức tranh địa chính trị hoàn toàn khác”.
Hồi tháng 5/2013 tại Saint-Peterburg, hội thảo khoa học về chuyên đề an ninh khu vực từ Đông Á đến Bắc Phi đã được tổ chức. Trong tập Kỷ yếu trên cơ sở hội nghị này, có giới thiệu bản đồ những khu vực bất ổn và xung đột ở lãnh thổ Á-Âu và châu Phi. Trên bản đồ này, Ukraine được đánh dấu bằng hình vẽ quả bom, có nghĩa là bất ổn ở mức độ cao. Các nhà khoa học đã dự đoán về những sự kiện xảy ra ở Ukraine 8 tháng sau đó. Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào hai tuyến áp lực: từ bắc đến nam là tuyến ranh giới khu vực ảnh hưởng của NATO và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, còn phía nam là – vòng cung bất ổn Á-Âu, Giáo sư Vladimir Kolorov giải thích.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) đón tiếp người đồng cấp Malaysia Hishammuddin bin Tun Hussein ở Moscow.
“Xung lực bất ổn đi từ Bắc Phi và Trung Đông đến Trung Á, và sau đó lan đến Đông Nam Á. Tại đó hứng đòn đầu tiên là những nước ít có biện pháp bảo vệ chống lại cơ chế công nghệ gây bất ổn từ bên trong. Người ta sẽ hỗ trợ phong trào đối lập ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia, ở Thái Lan sẽ tiếp diễn cuộc đấu đá giữa phe áo đỏ và phe áo vàng, Thái Lan và Birma một lần nữa tiềm ẩn nguy cơ đảo chính quân sự. Toàn bộ Đông Nam Á sẽ chấn động và đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên của bối cảnh. Đông Nam Á là một khu vực có lịch sử và nền văn hóa cổ xưa, là địa bàn tập hợp những đại diện của cả các tín ngưỡng trên thế giới. Tương ứng với đặc điểm này, có thể sử dụng thành tố sắc tộc và tôn giáo để gây bất ổn tại khu vực phát triển nhanh chóng này của thế giới”.
Bây giờ tình hình ở Đông Nam Á tương đối yên tĩnh, nhưng đó chỉ là phần nổi nhìn thấy được của tảng băng trôi, Giáo sư Kolotov nhận xét.
“Tại đó có mâu thuẫn nhưng ở trạng thái ngủ đông, chừng nào người ta chưa phát lệnh hâm nóng rã đá. Tuy nhiên, sẽ đến thời điểm như vậy. Có thể dẫn lời phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Bây giờ tôi có ấn tượng rằng hễ người Mỹ đụng vào cái gì, thì y như rằng họ luôn nhận được Libya hay là Iraq”. Và đó là biểu hiện tuyến chiến lược của họ – không công bố công khai, nhưng triển khai trên thực tế. Hiện nay Đông Nam Á đang trên đường biến thành một Libya lớn, bởi vì một khu vực phát triển chẳng cần cho ai ở phương Tây, và địa bàn này sẽ bị gây mất ổn định để giáng đòn vào thị trường tiêu thụ và khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Nếu các quốc gia Đông Nam Á nhận thức được mối nguy hiểm cận kề, họ có thể tìm ra những công cụ thích hợp để đối phó với bất ổn từ bên trong. Ở đây cần có công tác tinh tế của lực lượng đặc nhiệm. Đặc nhiệm là cơ quan miễn dịch của quốc gia. Suy giảm miễn dịch là thứ vi khuẩn phá hủy cơ thể Nhà nước. Nếu các quốc gia Đông Nam Á vượt qua được kỳ trắc nghiệm quốc gia về độ bền vững, họ sẽ bảo tồn được sự ổn định và tiếp tục phát triển. Nếu không, lịch sử thế giới đương đại sẽ xuất hiện những Nam Tư, Iraq, Libya, Afghanistan, và Ukraine mới, chuyên viên Nga Vladimir Kolotov khái quát.
Theo Kiến Thức