Mái nhà chung của học sinh vùng cao Bình Liêu
Đến Trường Tiểu học Tình Húc (Bình Liêu) vào sáng thứ hai đầu tuần, từ cổng trường là hình ảnh của những khuôn mặt học sinh vui vẻ, là những đôi bàn tay bé xinh lễ phép vẫy chào bố mẹ để bắt đầu tuần học mới với nhiều niềm vui ở trường.
Học sinh Trường Tiểu học Tình Húc trong giờ ra chơi.
Không chỉ được thầy cô quan tâm, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, được học tập, sinh hoạt trong điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị, rèn luyện kỹ năng ngày càng tự lập, tự tin… là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở những ngôi trường bán trú trên địa bàn huyện Bình Liêu những năm gần đây. Mỗi ngôi trường bán trú đã thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của bao thế hệ học trò nơi rẻo cao.
Điểm tựa của học sinh
Đến Trường Tiểu học Tình Húc (Bình Liêu) vào sáng thứ hai đầu tuần, từ cổng trường là hình ảnh của những khuôn mặt học sinh vui vẻ, là những đôi bàn tay bé xinh lễ phép vẫy chào bố mẹ để bắt đầu tuần học mới với nhiều niềm vui ở trường. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc ở mỗi ngôi trường bán trú tại Bình Liêu những năm trở lại đây.
Nếu như trước đây, nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số còn “lười” cho con đi học. Những đứa trẻ vẫn coi việc đi học như một sự lựa chọn ngẫu hứng, thích thì đi học, không thích thì nghỉ. Cha mẹ thích con ở nhà để phụ giúp việc nương rẫy hơn là cho con đi học, thì nay tư tưởng của phụ huynh đã có sự thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn đến việc học hành của con. Vì vậy, việc đưa con đến trường mỗi đầu tuần và đón con về vào cuối tuần đã trở thành việc làm quen thuộc, tự giác của mỗi gia đình.
Chị Phùn Nhì Múi, khu Khe Và, thị trấn Bình Liêu, chia sẻ: Các con được xuống trường học tập, sinh hoạt đầy đủ chúng tôi yên tâm lắm. Mỗi tuần đón con về nhà đều thấy các con biết nhiều hơn, mạnh dạn hơn, còn hướng dẫn cho cả bố mẹ nhiều điều bổ ích con được học ở trường. Nên dù bận rộn đến đâu, thứ hai nào hai vợ chồng tôi cũng đều sắp xếp công việc để đưa con xuống trường đúng giờ.
Học sinh bán trú Trường Tiểu học Tình Húc đọc sách tại thư viện trường.
Đã hơn một năm nay, căn phòng nhỏ tại Trường Tiểu học Tình Húc trở thành ngôi nhà thứ hai, các bạn cùng phòng đã trở thành chị em thân thiết của Lỷ Thị Phương, học sinh lớp 5A. Nhà của Phương ở khu Khe Và, thị trấn Bình Liêu (trước là xã Tình Húc). Trước đây để đến trường, em phải đi bộ gần 7km trên con đường mòn nhỏ hẹp. Nhờ mô hình trường bán trú, việc đi học của em trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau mỗi buổi học, em không còn vất vả để về nhà mà được ở lại ăn, ngủ, học tại trường và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Không chỉ vậy, ở bán trú, Phương còn được thầy cô giúp đỡ ôn luyện bài vào buổi tối, quan tâm đến sức khỏe, dạy kĩ năng sống cơ bản…
Em Lỷ Thị Phương vui vẻ chia sẻ: Những ngày đầu xuống trường năm lớp 4 em cũng thấy nhớ nhà, muốn về nhưng bây giờ đã quen, em thích ở lại trường hơn vì ở đây em được thầy cô chăm sóc, chỉ bảo tận tình từng nếp ăn, nếp ngủ. Ở trường còn có thư viện rất đẹp với nhiều cuốn sách, truyện hay.
Em được cùng các bạn vui chơi, học bài mỗi ngày, chỗ nào không hiểu trên lớp có thể hỏi thầy cô, bạn bè ngay vào giờ ôn bài buổi tối nên em học cũng tốt hơn. Ở trong phòng, em cũng là chị cả nên luôn cố gắng gương mẫu giúp đỡ, hướng dẫn các em lớp 4 mới vào trường nắm được lịch sinh hoạt, học tập để sớm làm quen.
Khu trò chơi dân gian của Trường Tiểu học Tình Húc luôn thu hút học sinh tham gia.
Video đang HOT
Tại Trường Tiểu học Tình Húc, các không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi được bố trí đảm bảo diện tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh bán trú tại trường. Không chỉ những phòng ở của học sinh được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, các khu vực bếp, phòng ăn, khu vệ sinh cũng được đầu tư đồng bộ, tiện nghi.
Đặc biệt, nhà trường đã chủ động cân đối nguồn thu, chi, vận động xã hội hóa tạo các khu vực thể dục thể thao, khu chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất… để học sinh được vui chơi, giải trí sau giờ học chính khóa. Từ đây, tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động, giúp mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Về kỹ năng tự học, sau giờ lên lớp, từ 19h – 21h00 mỗi tối các thầy cô là giáo viên chủ nhiệm các lớp tự nguyện thay phiên nhau đến trường hướng dẫn các em chủ động ôn luyện nắm vững kiến thức trên lớp.
Thầy giáo Chu Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tình Húc, cho biết: Trung bình mỗi năm, nhà trường đón từ 35-45 học sinh bán trú tuần. Mặc dù lớp 4 học sinh mới xuống trường học bán trú nhưng các em rất rụt rè, bỡ ngỡ, thậm chí có em còn khóc cả tuần vì nhớ nhà.
Vì vậy, nhà trường thành lập một tổ quản lý gồm các cán bộ, thầy cô giáo, nhân viên của trường để kèm cặp, hướng dẫn các em từ kỹ năng nhỏ nhất là chăm sóc vệ sinh cá nhân cũng như theo dõi, nắm bắt tính cách, khó khăn mà từng em gặp phải để có biện pháp động viên, giúp đỡ cụ thể. Với cách làm đó, chỉ một, hai tháng, các em đã quen, bắt nhịp khá nhanh và tự giác trong mọi việc từ học tập, sinh hoạt, đến thực hiện trực nhật, vệ sinh… theo lịch được phân công.
Học sinh bán trú Trường Tiểu học Tình Húc chăm sóc rau tại khu tăng gia của trường.
Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và lành mạnh
Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh thực hiện tinh giản bộ máy biên chế với trọng tâm là tinh gọn, sắp xếp các trường, điểm trường lẻ và đưa toàn bộ học sinh lớp 4, lớp 5 về học tại điểm trường chính.
Sau nhiều năm thực hiện mô hình trường bán trú, kết quả giáo dục của các trường trên địa bàn huyện Bình Liêu đã có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt 100%, giáo viên không phải đến nhà vận động học sinh ra lớp. Năm học 2020-2021, toàn huyện Bình Liêu có 8 trường bán trú tiểu học, trong đó có 7 trường bán trú tuần, 1 trường bán trú ngày với tổng số gần 500 em học sinh ở bán trú.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, cho biết: Xác định công tác bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong năm học 2020-2021, ngành giáo dục đào tạo huyện Bình Liêu đã tổ chức cuộc thi “Mô hình bán trú – Mái nhà chung của học sinh vùng cao”.
Từ cuộc thi này, các nhà trường đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực để cải tạo môi trường, cảnh quan trường học, tăng cường trang sắm, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm tạo ra một không gian bán trú trường học gần gũi, lành mạnh.
Cuộc thi gắn liền với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Qua đó, tạo sự chuyển biến trong hành động của cán bộ, giáo viên và các em học sinh, tạo thêm cơ hội để học sinh được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí an toàn, được nâng cao kỹ năng sống, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng môi trường giáo dục ngày càng thân thiện, lành mạnh, thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập.
Học sinh bán trú Trường Tiểu học Húc Động lên lớp theo giờ học chính khóa.
Ở trường những ngôi bán trú vùng cao này, các thầy cô vừa là giáo viên, vừa là cha là mẹ của học sinh. Bởi ngoài công tác chuyên môn, đảm bảo nhiệm vụ dạy tốt – học tốt, các thầy cô còn phải dành nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm học sinh từ mỗi bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày. Và để làm được điều đó thì chỉ tình thương yêu thôi cũng là không đủ mà còn đòi hỏi sự sáng tạo, say mê, yêu nghề để có thể tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để thu hút các học sinh tham gia, rèn luyện.
Chính từ những hoạt động này không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, đồng thời, góp phần xây dựng môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, tăng sự gắn kết giữa thầy cô, học sinh để các em được chăm lo một cách đầy đủ nhất, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Em Trần Thị Phượng, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Húc Động (xã Húc Động), bộc bạch: Trường em mới thành lập CLB hát Soóng cọ dành cho các bạn học sinh ở bán trú tại trường. Sau mỗi giờ học trên lớp, chúng em đều hào hứng tập luyện để biểu diễn tại Hội Soóng cọ năm nay. Em rất yêu làn điệu dân ca của dân tộc Sán Chỉ mình. Vì vậy, sau này em ước muốn trở thành cô giáo dạy nhạc dân ca để tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Học sinh bán trú Trường Tiểu học Húc Động tập hát Soóng cọ.
Đôi mắt các em long lanh khi nói về hai từ ước mơ. Để trở thành những bác sĩ, thầy cô giáo, những công dân tốt… các em học sinh hiểu rằng mình cần phải học tập một cách say mê, nghiêm túc. Chắc hẳn, các em đều luôn vững tin để rèn luyện, phấn đấu bởi các em đã và đang được sống, học tập trong một mái nhà chung đầy ắp yêu thương, nơi đã cho các em sự tự tin, tự lập ngay khi còn nhỏ, có bạn bè sẻ chia, có thầy cô luôn sẵn sàng vun đắp, chắp cánh cho những ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Quả thật, có đến những ngôi trường bán trú vùng cao mới càng thêm thấm thía về giá trị của từ “giáo dục”. Và biết đâu chính những đứa trẻ trưởng thành từ những ngôi trường này sẽ trở thành các kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… để tiếp tục hành trình mang tri thức góp sức thắp sáng huyện miền núi, biên giới Bình Liêu còn nhiều khó khăn.
'Cắm bản' trên đỉnh Khâu Vai
Họ chấp nhận thiệt thòi, tình nguyện "cắm bản" ở những điểm trường xa xôi nhất, nhiều "không" nhất.
Họ kiên trì bám bản, mở "chiến dịch tìm trò" với mong muốn gieo con chữ, đổi thay tương lai cho các em nhỏ vùng cao. Đó là những thầy cô giáo trẻ ở vùng núi cao Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Toàn cảnh lớp học tạm tại điểm trường Ha Cá B Ảnh: Đức Văn
Ngồi học không nhìn thấy mặt nhau
Cách trung tâm huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) chừng 20 cây số, qua những con đường quanh co vách đá thẳng đứng là đến trung tâm xã Khâu Vai - một trong những xã nghèo nhất của huyện miền núi này.
Từ trung tâm xã, chúng tôi tiếp tục vào sâu khoảng 10km, vượt qua những khúc cua tay áo, dốc đá thẳng đứng. Chiếc xe máy luôn phải cài số 1 mới có thể vượt qua để đến điểm trường Ha Cá B. Điểm trường trên núi cao, gió rít từng cơn gợi lên một cảm giác hoang vắng. Nhưng, trong không gian ấy chốc chốc lại vang lên tiếng đọc bài, tiếng nô đùa của các em học sinh lớp mầm non và tiểu học.
"Cắm bản" tại điểm trường Ha Cá B đã 7 năm nay, thầy Hoàng Đức Huy (SN 1989, quê huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) không nhớ đã vượt bao lần ngọn núi, cánh rừng để đem con chữ đến với các em học sinh nơi đây. Thầy cho biết, con đường bê tông dẫn vào thôn chỉ mới được đầu tư xây dựng dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trước đó, chưa có đường, giáo viên phải thay nhau xuống núi để mua những đồ dùng thiết yếu như: gạo, cá khô, muối, lạc... vì cả tuần mới ra trung tâm xã một lần.
"Học sinh điểm trường này nhiều em áo không đủ để mặc, không có dép đi. Những bữa cơm phần lớn chỉ là mèn mén chan nước sôi. Mùa đông đến, học sinh ngồi co ro, run cầm cập, tay chân thì lạnh ngắt, môi tím bầm lại, thầy cô phải đốt thêm đống lửa gần lớp để giữ ấm".
Cô giáo Hà Thị Xuyến, giáo viên điểm trường Ha Cá B (Mèo Vạc, Hà Giang)
"Ngày thường là vậy, nhưng vào mùa mưa rất vất vả. Có lần tôi đến lớp trong bộ dạng lấm lem bùn đất vì trượt ngã. Khổ nhất là các cô, không dám đi xe máy, phải lội bùn 2-3 cây số mới đến được trường", thầy Huy cho biết.
Gửi lại con thơ cho bố mẹ chăm sóc, cô giáo Hà Thị Xuyến (24 tuổi, quê thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) tình nguyện chọn điểm trường xa nhất của xã Khâu Vai để công tác. "Trước đây, để đến trường phải đi bộ, xe máy không leo nổi. Những ngày đầu chưa quen, hai bàn chân sưng tím lại, chảy máu, đôi lúc tôi đã có ý định từ bỏ. Nhưng nhìn các em học sinh cũng giống như con mình, nên cố gắng bám trường, bám bản, chỉ mong các con học được cái chữ để thoát nghèo", cô Xuyến chia sẻ.
Theo cô Xuyến, điểm trường Ha Cá B có "3 không": Không điện, không nước, không internet. Những ngày nắng không sao, còn ngày trời nhiều sương mù cô trò ngồi trong lớp học nhìn chẳng rõ mặt nhau. Nguồn ánh sáng duy nhất là đèn pin hay đèn điện thoại của thầy cô chuẩn bị.
Cô giáo Hà Thị Xuyến hướng dẫn học trò tập đọc Ảnh: Đức Văn
"Học sinh điểm trường này nhiều em áo không đủ để mặc, không có dép đi. Những bữa cơm phần lớn chỉ là mèn mén chan nước sôi. Mùa đông đến, học sinh ngồi co ro, run cầm cập, tay chân thì lạnh ngắt, môi tím bầm lại, thầy cô phải đốt thêm đống lửa gần lớp để giữ ấm", cô Xuyến nói.
Thầy Huy, cô Xuyến cùng nhau vận động người dân tham gia học tiếng phổ thông; hướng dẫn các em học sinh có thói quen sinh hoạt văn minh...
Ha Cá B là điểm trường khó khăn nhất thuộc xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Do điểm trường chưa được kéo điện và xây dựng kiên cố nên học sinh phải học trong lớp ghép. Lớp học nóng bức vào mùa hè, giá lạnh vào mùa đông. Khi trời nhiều sương mù, giáo viên và học sinh ngồi trong lớp không nhìn rõ mặt nhau, nguồn sáng chủ yếu dựa vào đèn tích điện do giáo viên chuẩn bị.
Kiên trì bám lớp, tìm học sinh
Điểm trường Ha Cá B có 42 học sinh, bao gồm 22 học sinh lớp mầm non, 20 học sinh tiểu học; 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên để duy trì đầy đủ sĩ số này, không phải điều dễ dàng.
Cứ sau một dịp nghỉ kéo dài như kỳ nghỉ hè hay nghỉ Tết Nguyên đán, thầy cô cùng chính quyền địa phương lại phải mở "chiến dịch tìm trò", băng rừng, vượt suối đến từng nhà vận động học sinh quay lại lớp. Vất vả là vậy nhưng không ít lần họ phải nhận những cái lắc đầu của cả phụ huynh và học sinh.
Thầy Huy cho biết, đa phần học sinh ở đây có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ. "Khi chúng tôi đi vận động, giải thích ích lợi của việc học cho phụ huynh, không phải ai cũng nghe ngay. Có trường hợp phải thuyết phục vài ngày phụ huynh mới đồng ý cho con đến lớp. Tôi cùng đồng nghiệp phải kiên trì giải thích cho bà con về tầm quan trọng của việc học, có học mới có thể thoát nghèo", thầy Huy chia sẻ.
Vất vả hơn giáo viên dưới xuôi nhiều lần, nhưng những thầy, cô đang công tác tại các điểm trường khó khăn như Ha Cá B gần như không biết đến không khí ngày lễ 20/11, hiếm khi được nhận một bông hoa hay lời chúc ý nghĩa từ học trò hay phụ huynh. Với họ, niềm vui chính là được nhìn thấy học sinh đến lớp đông đủ, được nghe thấy tiếng nô đùa, đọc chữ của lũ trẻ.
Cần để trẻ mầm non học cách sáng tạo hơn Ngày 31/3, tại Hà Nội, trường Mầm mon Bình Minh tổ chức "Ngày hội STEAM" với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo - Khoa học chính là cuộc sống". Đây là trường công lập đầu tiên tổ chức một chương trình giáo dục hiện đại tại quận Tây Hồ. Tham dự chương trình có bà Lê Thị Nga - Phó phòng giáo dục...