Mái che cà phê tự động của nam sinh khuyết tật ở Lâm Đồng
Trong lần chống nạng ra sân cố kéo tấm bạt che cà phê khi trời mưa, Anh Hào bị ngã nên nảy ý tưởng làm mái che điều khiển tự động.
Nguyễn Anh Hào (phải) và Nguyễn Thành Long tại gian trưng bày sản phẩm cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học phía Nam. Ảnh: Mạnh Tùng.
Mô hình “Hệ thống phơi cà phê thông minh” của Nguyễn Anh Hào và Nguyễn Thành Long (lớp 8, THCS Gia Hiệp, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đang được chú ý tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học phía Nam, tại TP Đà Lạt. Người nảy ra ý tưởng cho sản phẩm là Hào – cậu bé khuyết tật phải đi lại bằng nạng gỗ.
Bố mẹ làm giáo viên ở huyện Di Linh, trồng thêm cà phê để tăng nhu nhập và Hào được giao việc trông hạt phơi trước sân, khi cả hai bận đi dạy.
“Một buổi chiều, khi cà phê trước sân đã gần khô thì trời kéo giông, báo hiệu cơn mưa ập đến. Em chống nạng ra sân, cố gắng kéo tấm bạt phủ lại nhưng không kịp. Em bị ngã, còn cà phê ướt sũng”, Hào kể. Mang nỗi buồn trong lòng, cậu học trò lớp 8 nảy ý tưởng làm mái che sân phơi có điều khiển, chỉ cần ngồi trong nhà có thể kéo bạt mà không cần dùng sức, để giúp bố mẹ.
Hào rủ người bạn thân trong lớp là Long cùng làm chiếc mái che. Nhưng với những kiến thức phổ thông ở trường, hai cậu bé không biết bắt đầu từ đâu. Tình cờ, ý tưởng này được thầy Phạm Văn Tĩnh (giáo viên Toán trường THCS Gia Hiệp) biết và nhận lời giúp đỡ hai học trò hoàn thiện sản phẩm ở các khâu lập trình, làm phần điện, cơ và làm khung.
Mô hình thiết kế phần cơ khí mái che cà phê thông minh. Ảnh: Báo cáo dự án.
Hào cho biết, hệ thống phơi cà phê thông minh gồm ba bộ phận với ba chức năng: mái che, đảo tự động và làm khô. Khi trời có dấu hiệu mưa hay bắt đầu đổ mưa, cảm biến hoạt động gửi thông tin về bo mạch xử lý làm mô-tơ quay mái che, kéo ra sân phơi. Nếu che chạm công tắc, hành trình sẽ dừng lại đồng thời mái che ở bốn góc sân xung quanh cũng tự động được kéo xuống để mưa không tạt vào sân phơi.
Khi trời nắng, tất cả mái che được thu lại tự động. Việc đóng, mở mái che được thực hiện bằng một phần mềm cài trên điện thoại di động qua Bluetooth.
“Đầu tiên em chỉ nghĩ tới việc che mưa, nhưng sau khi làm sản phẩm em lại nghĩ tới việc thiết kế thêm phần đảo cà phê. Nếu có máy đảo cà phê, em sẽ giúp bố mẹ nhiều hơn”, Hào kể. Bộ phận đảo cà phê tự động ra đời từ suy nghĩ đó.
Video đang HOT
Ngoài ra, Hào còn làm thêm bộ phận làm khô cà phê bởi thời tiết ở Di Linh có nhiều ngày mưa dầm dề. Bộ phận cảm biến độ ẩm sẽ hoạt động nếu độ ẩm cao, bo mạch sẽ xử lý điều khiển bộ phận quạt và đảo cà phê tự động hoạt động để hạt khô nhanh, không bị đen.
Điểm mới của sản phẩm này là hệ thống kết hợp ba trong một, vừa là mái che, vừa là đảo cà phê và vừa làm khô. Hiện, ba cỗ máy này đều có trên thị trường nhưng chỉ ở dạng tách rời. “Khi làm mái che này, em muốn mình sẽ giúp được việc nhà cho bố mẹ an tâm đi làm. Hơn nữa, em cũng mong nếu nó thành hiện thực sẽ giúp được những người bị khuyết tật như em có thể chủ động được công việc”, Hào .
Anh Nguyễn Đình Nhạn (bố của Hào) kể, khi mới lọt lòng cậu bé đã mắc bệnh loạn sản sụn. Gia đình phải chạy vạy khắp nơi để đưa Hảo đi chữa bệnh nhưng các bác sĩ kết luận em bị mắc căn bệnh hiếm gặp, khó chữa trị. Hào phải chống nạng đi lại thay đôi chân.
“Bù lại Hào rất thông minh, từ bé đã thích học hỏi, khám phá mọi thứ xung quanh. Lên năm tuổi, cháu đã biết đọc một số câu đơn giản, biết đếm số, đọc nhiều từ tiếng Anh. Từ lớp một đến nay, năm nào cũng mang giấy khen học sinh giỏi về khoe bố mẹ”, người cha nói, giọng tự hào.
Hào còn tham gia nhiều giải cờ vua, thi giỏi Toán, tiếng Anh… ở huyện và đạt được giải cao. Năm nay, cậu còn được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường môn Tin học.
Nguyễn Anh Hào tại sân nhà ở huyện Di Linh. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ngày sản phẩm mái che cà phê thông minh của con trai và bạn đạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, hai vợ chồng anh Nhạn vỡ òa vui sướng. “Niềm vui không phải đến từ giải thưởng, mà hơn cả là sản phẩm đó Hào đã dành cho bố mẹ, nghĩ về bố mẹ”, anh Nhạn nói.
Bất ngờ trước thành tích của cậu bé có vóc dáng nhỏ thó bên chiếc nạng gỗ, bà Đàm Thị Kinh (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) đã đến thăm gia đình Anh Hào. “Cỗ máy” mái che cà phê thông minh được Hà khởi động và chạy khá tốt.
“Chúng tôi rất cảm phục trước sự vượt khó, hiếu học của Hào. Mong mô hình của em được áp dụng thành công trong thực tế để giúp đỡ được nhiều nông dân trồng cà phê trong tỉnh”, bà Kinh cho biết.
Theo bà Kinh, nhiều năm trở lại đây, các trường học ở Lâm Đồng đã đổi mới phương pháp dạy học kết hợp hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm nay, tỉnh này có gần 700 đề tài khoa học, kỹ thuật của học sinh dự thi cấp tỉnh, trong đó có 35 đề tài đạt giải quốc gia, ba giải quốc tế.
Theo VNE
Hệ thống biến nước mặn thành nước ngọt của nam sinh Nghệ An
Mô hình chưng cất nước mặn thành nước ngọt của hai nam sinh trường Phan Bội Châu đã giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Long và Anh trong lần thực nghiệm hệ thống tại biển.
Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh, học sinh lớp 12A3 trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vừa hoàn thiện Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển.
Là học sinh chuyên Lý, Văn Long và Mai Anh có chung niềm đam mê nghiên cứu những mô hình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Tháng 3/2017, được thầy giáo phổ biến về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, hai em hào hứng tìm đề tài tham dự.
"Qua báo chí và các tài liệu cho thấy nước ngọt đang thiếu, cả ở Việt Nam và thế giới. Vùng ven biển và hải đảo, người dân không đủ nước sinh hoạt làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó biển chiếm 3/4 bề mặt trái đất, nguồn năng lượng mặt trời lại vô hạn. Đây chính là nguồn tài nguyên để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt", Long giải thích về lý do chọn đề tài.
Thực hiện dự án, Long và Anh gặp nhiều thử thách bởi để hoàn thiện phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí. Trong khi hàng ngày các em phải đi học ở trường, tiền phải xin từ gia đình. Có những hôm đôi bạn phải xin nghỉ học để tập trung cho dự án và nhằm đảm bảo tiến độ.
Được thầy Mai Văn Quyền, giáo viên bộ môn Vật lý hướng dẫn, sau hai tháng mày mò thiết kế, vẽ sơ đồ, ba thầy trò đã hoàn thiện sơ đồ cho mô hình. Tiếp theo, hai nam sinh cùng gom kinh phí đi mua vật liệu. Với những vật liệu có thể tận dụng đồ cũ, hai em đến các bãi đồng nát. Một số công đoạn cần chế tác thiết bị cầu kỳ, hai em đem mẫu thuê thợ cắt, tiện...
"Là sản phẩm lần đầu nên tất cả thiết bị của mô hình đều phải chế tác mà không có sẵn. Có những bộ phận khi hoàn thiện thì thấy rất đơn giản, nhưng có thể phải chế tác nhiều lần và tốn nhiều chi phí...", Nhật Anh kể về khó khăn.
Hơn nửa năm nghiên cứu thực tế, lắp ráp thử, dự án đã hoàn thành với các bộ phận chính như: bình đun và chảo thu năng lượng; bơm thủy lực sử dụng năng lượng sóng; ống inox tụ hơi thành nước; xi lanh nước; xi lanh hơi; van một chiều; van tiết lưu; van mở, khóa nước...
Khác với hầu hết dự án khoa học có thể thực nghiệm trên cạn thì mô hình này phải đưa xuống biển. Trọng lượng mô hình khoảng 70 kg, trong đó có nhiều bộ phận cồng kềnh như gương cầu thu năng lượng mặt trời, hệ thống van thủy lực..., hai bạn phải thuê ôtô tải di chuyển gần 20km từ TP Vinh tới biển Cửa Lò.
Bộ phận gương cầu trong hệ thống.
Về nguyên lý hoạt động của hệ thống, Long cho biết, khi cho xuống mực nước biển sâu chừng 40 cm, hệ thống bơm thủy lực sẽ hoạt động nhờ sự lên xuống của sóng, bơm nước biển vào làm mát bình ngưng. Từ đây, nước biển sẽ dẫn theo ba hướng: xi lanh nước, xi lanh quay chảo và buồng hóa hơi. Nước trong buồng hóa hơi được đun nóng bởi năng lượng mặt trời từ gương cầu. Piston nước hoạt động liên tục nhờ sự điều chỉnh nước ra vào van 3/2.
Tiếp đó, piston của xi lanh hơi được gắn chặt với piston nước của xi lanh nước, nên nó hút hơi nước từ buồng hóa hơi đưa đến bình ngưng tự, làm cho áp suất buồng bay hơi giảm, còn áp suất bình ngưng tụ tăng. Trong khi đó gương cầu lõm tự động quay theo hình quạt với chu kỳ 24 giờ bởi xi lanh thủy lực, điều chỉnh bởi van tiết lưu và van 5/2. Gương quay sao cho trục chính của nó luôn song song với tia nắng mặt trời.
Trên thực tế nếu biển không động, với hệ thống có dung tích buồng bay hơi 1,7 lít, sau 8 giờ có nắng hệ thống sẽ thu được 10 lít nước ngọt. Chỉ số này có thể thay đổi tùy theo nhiệt độ ngoài trời. Trời càng nắng nóng thì hệ thống hoạt động càng hiệu quả, và ngược lại.
Long và Anh mong muốn có kinh phí để tiếp tục sáng chế thêm hệ thống cảm biến sử dụng bằng năng lượng mặt trời, khi mặt trời xoay đi đâu thì gương sẽ xoay theo đó để tối ưu hóa hệ thống. Các em cũng muốn nghiên cứu hệ thống này để ứng dụng trên các tàu thuyền đánh cá trên biển.
Long, Anh và thầy giáo hướng dẫn Mai Văn Quyền. Ảnh: Hải Bình.
Thầy Mai Văn Quyền, giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho hay, đây là dự án phức tạp, song ứng dụng rất tốt vào thực tế bởi nhiều nơi đang thiếu nước ngọt và thừa nước mặn.
"Long và Anh thông minh, rất thích tìm tòi. Đề tài đòi hỏi độ chính xác cao, nhưng các em đều hoàn thành", thầy Quyền nói. Dự án tốn 50 triệu đồng, song nếu đưa bản thiết kế này để chế tác đồng loạt thì kinh phí chỉ mất chừng 6-7 triệu đồng/thiết bị. Số tiền này hoàn toàn phù hợp với kinh tế của các hộ gia đình.
Mô hình của hai nam sinh đã vượt trên 200 dự án để giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực miền Bắc, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự án sẽ được Bộ Giáo dục tuyển chọn để đưa đi dự thi quốc tế.
Theo VNE
Nam sinh 12 tuổi có IQ cao hơn Stephen Hawking Một học sinh lớp 8 ở xứ Wales (Anh) đạt điểm tối đa trong bài thi IQ của cộng đồng người thông minh nhất thế giới. Harrison Casey lọt top 1% những người thông minh nhất thế giới. Ảnh: Media Wales Harrison Casey, 12 tuổi, vừa đạt điểm số tối đa (162 điểm) trong bài kiểm tra IQ của cộng đồng Mensa -...