Mai Châu – “Viên ngọc” của du lịch Hòa Bình
Mai Châu là một thung lũng xinh đẹp làm ngẩn ngơ du khách. Không chỉ quyến rũ du khách bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng, vẻ e ấp của những sơn nữ, mà còn hấp dẫn bởi những tấm lòng ấp áp nghĩa tình của người dân nơi đây.
Đến thung lũng Mai Châu bạn sẽ có một chuyến đi khám phá vẻ đẹp, văn hóa, ẩm thực tuyệt vời.
Thung lũng này chỉ cách Hà Nội có 140km và Hòa Bình 60km về hướng Tây Bắc. Vì thế đi lên Mai Châu khá thuận tiện, bạn có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy, đường lên Mai Châu khá đẹp.
Khí hậu ở Mai Châu khá ôn hòa và dễ chịu, mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng không quá lạnh. Vì thế bạn có thể du lịch Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Thung lũng Mai Châu mang vẻ đẹp trong trẻo và yên bình
Vào mùa xuân, Mai Châu như tràn ngập sắc màu của hoa mận, hoa đào… Cuối xuân, khi hoa đào tàn, phong cảnh núi rừng lại bạt ngàn màu trắng hoa ban thuần khiết. Mùa hè, khung cảnh nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh cây rừng, của những cánh đồng ngô, lóng lánh mặt gương soi trên cánh đồng lúa mùa nước đổ. Đặc biệt, vào khoảng cuối thu, Mai Châu hiện lên với vẻ đẹp trù phú rực rỡ sắc vàng. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín, sóng lúa vàng óng phủ kín trên khắp các sườn đồi xen lẫn trong những nếp nhà sàn.
Cư dân sống ở Mai Châu đa số là người Thái, họ sống gắn bó với thung lũng này từ đời này qua đời khác, với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm là chính. Đi dọc quanh những bản làng, du khách sẽ nhận ra kiến trúc chính của những ngôi nhà sàn đặc trưng phong cách Thái. Trang phục của người trong bản cũng là đồ truyền thống của người Thái. Các mặt hàng như khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, chiêng, tù và, sừng trâu được bày bán cũng phản ánh một nền văn hóa lâu đời của vùng đất đặc biệt này. Nét văn hóa ẩm thực của người Thái cũng vì thế chính là đặc trưng của ẩm thực Mai Châu. Những món ăn mà du khách không thể bỏ qua đó là lợn mán, xôi nếp, cơm lam, cá suối nướng…
Đến với Mai Châu, du khách thường thích đi bộ hoặc thuê một chiếc xe đạp chạy vòng quanh những bản làng, ghé thăm những hàng quán đầy màu sắc, ăn thử đặc sản lợn mán, cơm lam Mai Châu hoặc đơn giản từ cửa sổ nhà sàn ngắm nhìn khung cảnh đồng quê yên bình. Mai Châu thực sự là một vùng đất để sống chậm cho những ai muốn hòa vào thiên nhiên, tìm cảm giác thư thái tránh xa đô thị ồn ào đông đúc.
Trong hành trình khám phá Mai Châu, du khách có thể tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm như đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ với người dân bản địa; học cách làm và nấu cơm lam, bánh truyền thống của người Thái hay đến hồ Ba Khan để trải nghiệm chèo thuyền kayak…
Địa điểm du lịch ở Mai Châu
Mai Châu không có nhiều điểm du lịch đẹp, nổi tiếng như Mộc Châu – Sơn La, nhưng đến Mai Châu bạn cũng sẽ không phải thất vọng vì phong cảnh nơi đây.
Bản Lác: Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.
Cuộc sống yên bình của người dân Bản Lác.
Bản Lác là nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm.
Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Ngày này mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
Nhiều người dân Bản Lác cung cấp dịch vụ nhà nghỉ homestay rộng rãi, thoáng mát để làm dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch. Nhà sàn ở bản Lác cái nào cũng cao ráo, rộng rãi và sạch sẽ, giữ được lối kiến trúc cổ. Bên trong mỗi nhà làm dịch vụ đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng.
Bản Poom Coọng: Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng – một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Pom Coọng đã được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương với gần 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu.
Video đang HOT
Bản Poom Coọng, điểm du lịch hấp dẫn ở Mai Châu.
Theo truyền thống, người dân Pom Coọng vẫn dựng lên những nếp nhà sàn độc đáo để ở. Những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa voóng, người ta có thể trò chuyện, cùng nhau vui đùa.
Pom Coọng rất sạch sẽ, nguồn nước sạch, các công trình nước, vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn. Nước chủ yếu là dùng nước máy. Rác thải được phân loại, đựng trong thùng và sẽ được xử lý. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, không có chuyện người dân vứt rác bừa bãi..
Đèo Thung Khe: Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.
Hang Mỏ Luông: Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.
Hang Mỏ Luông
Hang Chiều: Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững uy nghi nơi cửa hang, nhưng lại khiêm nhường, đứng sang 1 bên để che chắn cho cửa hang và thuận tiện cho đường đi xuống lòng hang.
Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 – 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.
Bản Văn: Là một bản nhỏ nằm gần thị trấn Mai Châu mới bắt đầu làm du lịch. Tuy không tấp nập như bản Lác nhưng bản Văn gây ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau hai bên đường vào bản.Người dân bản khá thân thiện và mến khách.
Ngoài ra bản còn có một khu công viên trồng hoa cải vàng, cải trắng và các loại hoa khác. Đầu bản có nhà nghỉ Bản Văn được xây cạnh cánh đồng. Nếu có dịp nghỉ lại đây bạn sẽ được ngắm bình minh buổi sáng bên những ruộng bậc thang rất đẹp.
Bảo tàng Thái: Là nhà trưng bày lưu giữ những hiện vật cổ của người Thái, được anh Kiên sưu tầm suốt 10 năm để thể hiện tình yêu với người vợ đã mất của mình. Hiện toàn bộ số cổ vật được chuyển về và lưu trữ tại nhà văn hóa bản Văn.
Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đồ vật cổ của người Thái suốt hàng trăm năm phát triển, những bộ tiền cổ vô giá, được sưu tập và bảo quản cẩn thận.
Thác Gò Lào: Là một thác nhỏ thuộc xã Phúc Sạn, cách Mai Châu khoảng 15 km, từ ngã ba Tòng Đậu theo hướng lên Mộc Châu, bạn sẽ dễ dàng tìm được đường xuống Thác. Đường xuống thác là những bậc thang bằng đất được người dân đắp để xuống thác, nếu bạn đi mùa mưa sẽ khá trơn trượt. Bạn có thể gửi xe ở nhà dân ngay trước thác và leo bộ xuống.
Thác Gò Lào.
Ba Khan: Là một xã của Mai Châu nằm ven hồ thủy điện, trải dài từ Phú Cường, qua chân đèo Thung Khe. Qua Thác Gò Lào thêm khoảng 15 km là tới Ba Khan. Đây cũng là khu đầu nguồn hồ thủy điện, bạn có thể thuê thuyền để đi du ngoạn 1 vòng hồ.
Ẩm thực Mai Châu
Dân tộc chủ yếu ở Mai Châu là dân tộc Thái, vì thế nét văn hóa ẩm thực của người Thái là đặc trưng của ẩm thực Mai Châu.
Món ăn của dân tộc Thái thể hiện sự kết hợp hài hoà, sự giao lưu, ḥa quyện cùng linh khí của núi, của sông, của rừng, của những tấm lòng chân thành giản dị.
Lợn mán: Mai Châu hay lợn cắp nách là loại lợn được nuôi trong điều kiện thả rông tự nhiên, chăn thả trong rừng nên thịt lợn rất chắc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt tự nhiên. Lợn mán được chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như luộc, nướng, chả, lòng lợn hay rựa mận…
Mỗi món ăn lại mang một hương vị đặc trưng riêng, ngon thơm khó tả và ngon nhất có thể kể đến là món thịt nướng được nhiều người yêu thích nhất là khách du lịch.
Xôi nếp: Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, Tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” – nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Xôi nếp Mai Châu.
Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu. Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi.
Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo.
Cơm lam: Là món ăn dân dã nổi tiếng của người dân Mai Châu, món cơm lam được làm từ gạo nếp dẻo nấu trong ống tre nứa rất độc đáo. Cách làm cơm lam đơn giản mà cực ngon, do đó các bạn không nên bỏ qua món cơm lam khi đến Mai Châu.
Nhộng ong, măng chua: Đây là một món ăn dân dã mà độc đáo được đồng bào Mường ở Mai Châu rất ưa chuộng. Vào mùa ong rừng (thường là dịp cuối hè) người dân trong bản tìm những tổ ong to bằng chiếc rổ con mang về.
Nhộng ong rừng rang măng chua.
Nhặt những con ong già màu nâu đem ngâm rượu, còn những con ong non màu trắng béo tròn mập mạp thì để chế biến các món đặc sản.
Sau khi lấy hết ong ra khỏi tổ đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Ong rừng có thể rang với lá chanh giống như rang nhộng tằm, nhưng ở đây người dân rang với măng chua.
Rượu Mai Hạ: Người Hoà Bình không ai lạ gì rượu Mai Hạ vốn nức tiếng thơm ngon khắp tỉnh và các vùng lân cận. Đâu đâu ở Hoà Bình người ta cũng gọi rượu Mai Hạ là đặc sản.
Rượu cũng được chưng cất từ men lá, không bị pha trộn gì thêm nguyên liệu từ bên ngoài ngoài việc pha nước rượu đầu và rượu cuối, rượu đặc, rót ra đĩa sứ đốt cháy xanh lè như cồn, ai quen độ và men của rượu ngoại mới chịu được không thì nóng ran cả cổ họng, rượu này chủ yếu dùng để ngâm thuốc, rất tốt.
Cá suối nướng: Trong các lễ hội truyền thống của người Thái không thể thiếu món này, để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn cần chọn những con cá suối nặng từ 4-6 lạng. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, bột canh, mì chính …
Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột, rồi gập ngang cá lại, tẩm gia vị vào giữa dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút. Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối ăn với xôi nếp 3 màu và chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.
Ve sầu chiên: Xứ xở của người Thái còn nổi tiếng bởi được mệnh danh là “xứ sở côn trùng” bởi đây là một trong những món ăn được người Thái khá ưa chuộng, đứng đầu trong danh sách là ve sầu.
Cách chế biến món ve sầu chiên của người Thái cũng rất độc đáo, người ta đem những chú ve sầu bắt được cắt bỏ hết cánh, rút ruột, đặc biệt là nhồi một hạt lạc rang giòn vào bụng sau đó đem tẩm gia vị rồi mới đem đi chiên.
Việc dùng mắc khén để tẩm ve khiến món ve chiên có hương vị rất đặc biệt, vô cùng khó quên
Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng các xã miền núi Hòa Bình
Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống.
Các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc đã làm nên sức hút của du lịch cộng đồng nơi đây.
Một góc hồ Hòa Bình. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Nhiều lợi thế phát triển
Hòa Bình là một trong những tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng sớm nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay từ thập niên 90, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) đã được du khách biết đến, đặc biệt là khách quốc tế.
Tỉnh Hòa Bình hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều hang động đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật...
Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình có tiềm năng gồm 47 hòn đảo lớn nhỏ tạo ra một không gian như Vịnh Hạ Long trên núi tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Hòa Bình phát triển. Địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp đã tạo nên nhiều hang động đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng (huyện Cao Phong); Quần thể hang động Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (huyện Tân Lạc); động Trung Sơn (huyện Lương Sơn)...
Các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, huyện Đà Bắc; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi; Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia, huyện Mai Châu...
Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên thiên phong phú, Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi đây có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng văn hóa Hòa Bình - được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, quê hương của sử thi Đẻ đất, Đẻ nước.
Hòa Bình hiện có 41 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 53 di tích cấp Tỉnh; với nhiều lễ hội dân gian các dân tộc còn được lưu giữ bảo tồn và phát huy tiêu biểu như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc); Lễ hội Đền Bờ (huyện Cao Phong và Đà Bắc); Lễ hội Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); Lễ hội Xên Mường (huyện Mai Châu)... đã và đang hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế đến từ các nước Pháp, Mỹ, Australia, Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh...
Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo
Trong những năm qua, loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng, các điểm du lịch cộng đồng ngày càng được quan tâm, hỗ trợ và phát triển thông qua các đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh.
Nhờ lấy văn hóa bản địa làm gốc, du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ ở Hòa Bình và lan tỏa sang các địa phương lân cận, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hòa Bình ngày càng tăng.
Phụ nữ Dao ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đan váy thổ cẩm. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 2,36 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,4% kế hoạch năm. Trong đó có 240.000 lượt khách quốc tế, 2.120 nghìn lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59% kế hoạch năm. Trong đó, đóng góp của du lịch cộng đồng không nhỏ. Du lịch cộng đồng đã và đang tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Mặc dù thời gian qua du lịch cộng đồng ở Hòa Bình thu hút nhiều khách, tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng gặp một số khó khăn, thách thức và bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được quan tâm đầu tư; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao...
Để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch. Tỉnh sẽ hỗ trợ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng...
Ấn tượng thác Mơ (Kon Tum) Suối đá Hòa Bình bắt nguồn từ đỉnh núi thuộc tiểu khu 570, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Trên đoạn suối ở thôn 4, xã Hòa Bình có 3 thác nước xinh đẹp, mà người dân địa phương hay gọi là thác Mơ. Toàn cảnh suối đá Hòa Bình nhìn từ trên cao. Tầng thác trên cùng của thác Mơ, người...