Mái ấm của những mảnh đời khuyết tật
Từ Trung tâm Vì ngày mai do bà Lê Minh Hiền làm Giám đốc, nhiều thế hệ học trò khuyết tật đã trưởng thành, làm chủ cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội. “Dù khuyết đi một phần cơ thể, nhưng chúng ta vẫn còn trái tim và khối óc”, bà Hiền thường dạy những đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm của mình như thế.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ Lê Minh Hiền luôn là niềm tự hào của cả gia đình vì kết quả học tập xuất sắc. Một tai nạn bất ngờ xảy ra khi cô đang đi thực tế cơ sở để chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Tai nạn khiến cô bị dập nát cả chân và tay, mất đi 81% sức khỏe, một chân bị hỏng hoàn toàn, việc di chuyển phải dựa vào cây nạng và chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Thế nhưng bằng nỗ lực của bản thân, cô vẫn hoàn thành tốt khóa học và được Sở Quản lý ăn uống và Dịch vụ Hà Nội (nay là Sở Công thương) nhận vào công tác.
Các bạn trẻ khuyết tật đang được hướng dẫn học nghề tại Trung tâm
Sau 20 năm công tác trong ngành, bà Hiền nghỉ hưu và tích cực tham gia các công việc ở địa phương. Vốn giỏi nữ công gia chánh, bà nhận làm gia công các sản phẩm quà tặng tại nhà, vừa để có thêm thu nhập và cũng là để có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình – giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ban đầu, dăm ba bạn trẻ khuyết tật hàng xóm sang chơi và làm cùng. Rồi cứ thế, các bạn trẻ khuyết tật nối nhau tìm đến nhà cô xin học nghề. Cùng cảnh ngộ, cô Hiền tận tình hướng dẫn, truyền nghề, san sẻ bớt công việc để tạo thêm thu nhập cho các em. Dần dần, bà quyết định thành lập cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật.
“Từ ngôi nhà Vì ngày mai này, các em đã có nghề nghiệp, đã tự tạo được thu nhập cho bản thân, nhiều em đã tách ra và nỗ lực khẳng định được thành công trên đường đời. Từ Trung tâm, 30 cặp bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng. Các em là niềm tự hào, niềm vui của cả Trung tâm. Thật hạnh phúc khi thấy những đứa con của mình biết vượt qua những mặc cảm, số phận để thành những người có ích cho xã hội”. Cô Lê Minh Hiền _ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai
Đến năm 2002, cơ sở chính thức đổi thành Trung tâm Vì ngày mai. Sau hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm đã đào tạo nghề được cho gần 600 thanh niên và trẻ khuyết tật. Bà Hiền cho biết: “Đa số người khuyết tật đến với Trung tâm thường mặc cảm, thiếu tự tin, lại theo nếp sống tự do không chịu ép mình vào kỷ luật, thích thì làm bằng được nhưng không thích là bỏ. Vì vậy, việc đào tạo để họ có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian đào tạo cho người khuyết tật thường lâu gấp 3, 4 lần người bình thường”.
Để Trung tâm tồn tại và phát triển, 11 năm qua, bà Hiền phải bươn chải khắp nơi tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Sau bao nỗ lực, cuối cùng những nỗ lực của bà đã được đền đáp khi Trung tâm ngày càng phát triển, liên tiếp được nhận nhiều bằng khen của Bộ LĐ, TB Hiệp hội Các làng nghề Việt Nam; Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam… Năm 2008, Trung tâm nhận “Giải băng xanh” do tổ chức Bree trao tặng; năm 2009, được xếp hạng là 1 trong 10 tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tốt nhất Việt Nam; năm 2010, Trung tâm trở thành thành viên của Tổ chức Công bằng Thương mại thế giới; năm 2011, Trung tâm là đơn vị đầu tiên đại diện Việt Nam nhận giải Vì cộng đồng của Hàn Quốc; năm 2013, Trung tâm lọt vào top 50 đơn vị, thương hiệu sản phẩm và dịch vụ nổi tiếng…
Video đang HOT
Cô Lê Minh Hiền – Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai
Nhưng với bà Hiền, quan trọng nhất, Trung tâm đã thực sự trở thành mái nhà chung cho những trẻ em khuyết tật
Trong khuôn viên rộng chừng 2ha số 96, tổ 19B Cổ Nhuế của Trung tâm Vì ngày mai có xưởng học nghề, xưởng sản xuất, nơi ăn ở và sinh hoạt của hơn 60 học viên khuyết tật. Theo anh Thái Văn Tặng – Phó giám đốc Trung tâm, sau 1 năm học nghề, các bạn khuyết tật sẽ tham gia vào tổ sản xuất và tự tạo ra thu nhập cho bản thân. Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, khéo léo, chẳng mấy ai nghĩ nó được làm ra từ những đôi bàn tay co quắp, dị tật, từ những con người chẳng bao giờ được nhìn thấy ánh sáng…
Từ ngôi nhà Vì ngày mai này, hàng trăm các bạn trẻ khuyết tật đã trưởng thành, nhiều bạn trẻ đã thành công như Đặng Trần Thành – Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ “Người điếc 5 màu” có trụ sở tại đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Đặng Trần Thành là thành viên của Trung tâm, được sự giúp đỡ của bà Hiền đã tách ra, tự kinh doanh. Hay như em Nguyễn Thu Thương – người mang căn bệnh xương thủy tinh trước khi đến với trung tâm luôn mang mặc cảm, tự ti bệnh tật, thế nhưng giờ Thương đã trưởng thành và nổi tiếng với thương hiệu đồ handmade Thương Thương…
Theo TNO
Khai giảng cuối của cậu bé khuyết tật
Suốt bảy năm trời bò trên con đường lổn ngổn đầy sỏi đá đến trường, năm nay cậu bé Lầu A Sáng (lớp 8A1 trường THCS 19-5, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cùng bố đến tham dự ngày khai giảng cuối cùng trong niềm tiếc nuối.
Nhà Sáng nằm sâu trong tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Cờ Đỏ, huyện Mộc Châu. Con đường từ nhà đến trường dài gần 500m trải sỏi đá sắc nhọn. Ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù đất đỏ, nhưng đều đặn hằng ngày Sáng vẫn đến trường. Thế mà giờ đây hành trình đi tìm con chữ của Sáng đang có nguy cơ tan vỡ.
Lầu A Sáng đến lớp với đôi chân tật nguyền.
Hành trình đi học
Năm 7 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Sáng xin bố mẹ cho đến trường nhưng ông Páo từ chối vì "thân hình không lành lặn như người bình thường thì ai dạy được". Thuyết phục bố không được, ngày nào Sáng cũng khóc không chịu ăn cơm. Thương con, bà Vàng Thị Dấu - mẹ Sáng - cõng con đến trường xin học.
Ngày đầu tiên đến trường, thầy cô không dám nhận. "Cả trường không có học sinh nào khuyết tật nên rất khó để dạy một học sinh như Sáng. Sáng còn không nhận thức được khi nào tiểu tiện nên rất bất tiện" - cô giáo Lê Thị Cần nói. Không được vào lớp học, suốt một tuần liền ngày nào hai mẹ con cũng cõng nhau đến trường để xin ngồi một góc học "mót" chữ của thầy cô.
Thấy Sáng ham học, cô Lê Thị Cần đứng ra nhận Sáng vào lớp. Những ngày sau đó bố mẹ bận lên nương, cứ ngày hai lần Sáng tự bò đến trường. Đôi chân tàn tật ngày càng teo nhỏ. Mùa đông đến, đôi chân trần không tất lê trên đường bị đá nhọn cứa chảy máu, nhức buốt.
Học hết lớp 5, Sáng đi học ở trường THCS 19-5 cách nhà gần 3km. Nhà xa, ngày nào ông Páo cũng hai lượt đưa con đến trường. Ngày mùa cả nhà bận lên nương, không có xe đưa con đi học, Sáng lại một mình bò đến trường. Thỉnh thoảng, thầy cô hoặc người đi đường trông thấy Sáng bò ngoài đường lại đưa lên xe chở đi. "Hôm nào không có xe đưa thì tự bò đến trường hoặc nghỉ. Có hôm đến đón nhưng xe hết xăng, hai bố con lại dắt bộ về. Nếu cho nó nghỉ học, tôi sang nhà bạn nó mượn sách về cho chép bài. Tốn công đi học thì phải cố gắng học cho được cái chữ" - ông Páo nói.
Thầy Vũ Thái Bắc - hiệu trưởng trường THCS 19-5, người nhiều lần đưa Sáng từ trường về nhà - cho biết: "Ở trường, Sáng là học sinh chịu nhiều thiệt thòi nhất so với các bạn, nhưng nghị lực của cậu bé là tấm gương sáng cho nhiều em khác noi theo. Sáng học rất tốt, liên tục đạt học sinh tiên tiến và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Nhà trường luôn động viên Sáng đến trường và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em đi học".
Ước mơ giản dị
Từ năm 5 tuổi, Sáng đã ước mơ trở thành thợ sửa chữa điện tử. "Em muốn trở thành thợ sửa chữa điện tử vì ngồi một chỗ, không phải đi lại nhiều mà vẫn kiếm được tiền" - Sáng nói.
Để thực hiện giấc mơ của mình, hằng ngày ngoài thời gian giúp đỡ bố mẹ, Sáng tự tay sửa chữa các đồ điện trong nhà. Tất cả bảng điện trong nhà bị hỏng đều do một tay Sáng sửa chữa. Hè năm lớp 4, nhà nghèo không có tiền mua quạt, Sáng tự tay sáng chế một chiếc quạt cho cả nhà dùng. Đó là chiếc quạt được làm từ những đồ điện hỏng mà hàng xóm bỏ đi. Sáng mất gần ba tháng mới hoàn thành chiếc quạt, nhưng khi quạt làm xong thì thời tiết chuyển sang mùa lạnh.
"Chiếc quạt của em phải tháo ra làm lại nhiều lần nhưng cũng chạy được. Đó là sản phẩm đầu tiên em làm từ chính tay mình cho cả nhà" - Sáng hào hứng.
Ngày 2/9 vừa qua, được bố cho tiền đi ăn phở, Sáng nhịn ăn để gửi tiền chị ra chợ mua ôtô đồ chơi điều khiển từ xa để nghiên cứu. Sáng bảo: "Em có ý tưởng chế tạo một chiếc ôtô đồ chơi điều khiển từ xa cách đây 2-3 năm nhưng giờ mới bắt tay vào làm. Em sẽ làm một chiếc để cho cháu và bạn gần nhà chơi cùng, ở đây không ai có đồ chơi đó". Ở nhà, Sáng rất thích xem các chương trình khoa học trên VTV2.
Đến ngày khai giảng năm học mới, trong khi tất cả các bạn đều được mặc quần áo mới đến trường thì Sáng vẫn trang phục như lúc ở nhà. Sáng dậy từ sớm, tự mặc quần áo rồi bố chở đến trường. Tôi hỏi buổi khai giảng năm nay có điều gì khác những năm trước không, Sáng rưng rưng nước mắt: "Buồn hơn vì có thể hết năm nay em phải nghỉ học, em sẽ ở nhà và tự học sửa chữa điện tử để kiếm tiền nuôi bố mẹ thôi".
"Bố mẹ cũng bận lên nương không có thời gian đưa đi học được nên cố gắng cho đi học được cái chữ thôi. Học nhiều chữ có làm gì đâu" - ông Páo nói.
Theo Tuoitre
Học trò khuyết tật hát quốc ca... bằng tay Sáng nay (5/9) trong cơn mưa lớn hơn 400 học sinh trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) hân hoan dự lễ khai giảng mới, các em đã thể hiện bài hát Quốc ca bằng ngôn ngữ riêng của mình. Sáng nay trời mưa to, khiến giờ khai giảng của trường PTCS Xã Đàn muộn hơn kế hoạch. Ngôi trường là nơi nuôi dưỡng,...