Mafia nhòm ngó du lịch Italy
Nắm trong tay số tiền mặt khổng lồ, mafia có thể đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, công ty vận chuyển du lịch đang khủng hoảng vì Covid-19.
Antonio Borgia, 54 tuổi, thợ mộc chuyên sửa chữa các căn hộ du lịch ở Rome, nói “Tôi phải trả 800 euro tiền thuê chỗ đặt xưởng của mình, cộng thêm 250 euro tiền điện mỗi tháng, vì thế khoản tiền hỗ trợ 600 euro của chính phủ là không đủ. Thậm chí, tệ hơn nữa, tôi còn mất 500 euro mỗi tuần do bị đóng cửa”.
Borgia là một trong hàng nghìn người Italy liên quan đến ngành du lịch đang ngập đầu trong các mối lo tài chính, dưới tác động của dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Italy Confturismo đề nghị chính phủ giảm thuế và bù đắp một phần doanh thu bị mất, nhưng khó đủ cho những thiệt hại mà người dân gánh chịu.
“Chính phủ hoãn các khoản thanh toán, thuế và cấp cho chúng tôi các khoản tín dụng nhưng nếu xưởng của tôi hoàn toàn bị đóng cửa, làm thế nào để tôi có thể chi trả chúng trong hai tháng tới”, Borgia nói thêm.
Nền kinh tế của đất nước hình chiếc ủng đang đối mặt với khủng hoảng bởi dịch bệnh. Đáng lưu tâm nhất là những người nghèo ở miền nam Italy, nơi được cảnh báo là mảnh đất màu mỡ cho mafia “đục nước béo cò” trong thời điểm khó khăn này.
Trung tâm Rome vắng vẻ trong ngày 15/4. Thành phố vốn đông đúc du khách trở nên hiu hắt trong hai tháng qua, tình hình có thể kéo dài nhiều tháng nữa. Ảnh: AFP.
Công tố viên của Palermo Francesco Lo Voi cho rằng, “Những băng đảng mafia mạnh nhất luôn biết cách tận dụng cơ hội để kiếm tiền“. Họ có sẵn lượng tiền mặt khổng lồ, có thể đầu tư vào các khách sạn, nhà hàng hoặc công ty vận chuyển du lịch đang gặp khủng hoảng.
Nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone có khoảng 65% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nhiều trong số đó có nguy cơ phá sản. Khi Italy đang thương tiếc hàng nghìn người chết vì Covid-19 và hàng nghìn người khác khó khăn, đó cũng là lúc gia tăng tội phạm có tổ chức.
“Mafia Italy có thể biến nguy hiểm thành cơ hội”, Giuseppe Governale, người đứng đầu cơ quan điều tra chống mafia Italy, khẳng định.
Video đang HOT
Chính phủ nước này còn có một lo lắng khác, khi các công ty nước ngoài nhiều tiền hơn sẽ mua lại đối thủ tại Italy với giá rẻ. “Điều đó sẽ khiến doanh thu của ngành du lịch Italy rơi vào tay các công ty Nhật, Đức, Mỹ”, đại diện hiệp hội du lịch phát biểu.
Các luật mới của chính phủ ông Conte công bố vào tuần trước được thiết kế để ngăn chặn điều này xảy ra. “Thời khắc trên sẽ giúp các công ty Italy không biến thành con mồi”, Riccardo Fraccaro, người của nội các, phát biểu. Nhưng lời hứa của chính phủ vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiara Ippoliti, nhà môi giới của Link tại Rome, cho biết “Chúng tôi chứng kiến sụt giảm 80 – 90% trong kinh doanh từ đầu năm tới nay và tất cả lệnh đặt phòng khách sạn đã bị hủy”.
Hầu hết căn hộ trên Airbnb trong khu vực Rome – Monti, Trastevere hoặc Vatican được điều hành bởi các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu thuê lại. “Nếu không có khách, họ sẽ không đủ tiền thuê nhà và buộc phải trả nhà”, bà nói.
Các chủ nhà có thể không còn lựa chọn nào khác là bán chúng trong một thị trường yếu ớt hiện nay. Tuy nhiên, các công ty môi giới bất động sản cho hay khoảng 20.000 giao dịch trước đó đã bị hủy do virus bùng phát.
“Người mua thay đổi quyết định và ở lại với bố mẹ vì có thể họ đã mất việc, hoặc ngân hàng không tiếp tục cho vay”, Ippoliti nói.
Một người dân đạp xe ngang qua Đấu trường La Mã vắng bóng du khách trong ngày cuối tháng 3. Confturismo ước tính khủng hoảng khiến du lịch nước này mất 22 tỷ euro trong toàn bộ ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ euro một năm. Ảnh: AFP.
Italy được xem là “thỏi nam châm” hút du khách cho châu Âu, khi các tour đến khu vực không thể thiếu điểm đến này. Nhưng Covid-19 khiến du lịch Italy hoàn toàn “đóng băng”.
Đất nước hình chiếc ủng từ lâu gắn liền với du lịch đại chúng với hàng đoàn du khách quốc tế ken chặt ở những di sản. Nhưng các chuyên gia du lịch nước này cho rằng, du lịch Italy phải thay đổi trong tương lai sau đại dịch, hướng tới một thị trường mới và cách làm du lịch mới.
Italy ban bố tình trạng báo động do Covid-19, khiến du lịch rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử vào cuối tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu ngành du lịch đất nước ven Địa Trung Hải có thể trở lại như cũ hay không.
Lorenza Bonaccorsi, người của cơ quan quản lý du lịch Italy, nói với AFP rằng có thể “mất một hoặc hai năm để du lịch trở về với những gì chúng tôi có”. Và ông thừa nhận, ngành du lịch nước này hoàn toàn mất trắng doanh thu năm 2020.
Theo truyền thống, lễ Phục sinh hàng năm đánh dấu khởi đầu mùa du lịch Italy. Các khách sạn tăng giá và nhộn nhịp du khách trong suốt nhiều tuần. Nhưng năm nay tất cả đã đóng cửa, không riêng lĩnh vực du lịch, và 60 triệu dân phải ở trong nhà cùng số người tử vong vì Covid-19 cao hàng đầu thế giới.
Một mùa hè không có những chuyến du lịch biển đối với người Italy là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của họ. Vì thế, nhiều chủ câu lạc bộ bãi biển tư nhân đang tìm mọi cách để thực hiện giãn cách xã hội ngay trên bãi biển với hi vọng được mở cửa trở lại vào mùa hè này.
Alessandro Vespignani, chuyên gia về dịch tễ học, năm nay người Italy có thể lần đầu đối mặt với một mùa hè không có khách du lịch. Vẫn chưa rõ chính phủ thực hiện phong tỏa đợt hai kéo dài trong bao lâu, nhưng ông cho rằng, có thể kéo dài 6 đến 8 tháng. “Giai đoạn hai sẽ kéo dài và chúng ta khó nghĩ rằng mình trở lại cuộc sống bình thường vào tháng 7 hay 8″, ông nói.
Chính phủ Italy đang thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi nào và bằng cách nào trong thời gian tới. Nhưng không ai dám chắc liệu các khách sạn có thể thu hút được du khách ngay khi hoạt động trở lại. “Còn ai đủ can đảm lên một toa tàu 80 hành khách hay chuyến bay giá rẻ chở 270 người?”, Alberto Corti, giám đốc Confturismo, bày tỏ.
“Vẫn chưa có thể nói được khi nào du lịch Italy hưng thịnh trở lại và khi nào thoát khỏi tình trạng suy kiệt hiện nay”, Lorenza Bonaccorsi nói.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, Italy cần tránh xa du lịch đại chúng, với hàng đoàn du khách đông đúc. Trong ảnh là cảnh du khách chen nhau ở cầu Ponte Vecchio trên sông Arno ở Florence năm 2018. Ảnh: AFP.
Khả năng là khách du lịch nội địa, thường chiếm một nửa tổng số du khách ở Italy, sẽ giúp bù đắp một phần thiệt hại. Theo khảo sát được thực hiện bởi Confturismo, bảy trong số 10 người Italy nghĩ rằng khủng hoảng do đại dịch sẽ kết thúc sau khoảng hai hoặc ba tháng nữa. Một nửa trong số này nói họ sẵn sàng đi du lịch đâu đó trong nước, nhưng vẫn chưa biết khi nào các biện pháp phòng dịch, bao gồm lệnh hạn chế di chuyển, được nới lỏng hoặc dỡ bỏ.
Một số chuyên gia xã hội khuyên giãn cách xã hội ở Italy nên kéo dài tới cuối năm. Đối với chuyên gia y tế Bonaccorsi, “đây có thể là thời gian để tránh xa du lịch đại chúng, hướng tới một môi trường được tôn trọng hơn. Bạn sẽ không còn nhìn thấy những hàng dài người bên ngoài đấu trường La Mã nữa”. Ngành công nghiệp này sẽ phải thay đổi.
Lễ Phục sinh vắng lặng chưa từng thấy ở vùng Đất Thánh
Chuẩn bị vài quả trứng trên bàn và một chú thỏ đồ chơi trên tủ, cùng một vài món đồ trang trí, tín đồ Cơ đốc giáo người Palestine Sawsan Bitar đang cố gắng tạo chút không khí cho ngày lễ Phục Sinh lặng lẽ chưa từng có khi thế giới đang gồng mình ứng phó với tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một tín đồ cầu nguyện trước cánh cửa đóng kín của Nhà thờ Holy Sepulcher ở Thành phố cổ của Jerusalem. Ảnh: timesofisrael.com
Ở khu phố Cơ đốc giáo ở thành phố cổ Jerusalem, nơi Bitar sinh sống, các tuyến đường vắng lặng, hầu hết các cửa hàng đều đã đóng cửa trong hai tuần. Các địa điểm văn hóa tại vùng Đất Thánh, vốn có giá trị tín ngưỡng rất cao, cũng đóng cửa khi giới chức triển khai các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các tín đồ Cơ đốc giáo không được phép thực hành các nghi lễ tập thể nhân ngày lễ Phục Sinh trong ngày 12/4 hay ngày 19/4 tới.
Theo nhà sử học người Palestine Johnny Mansour, dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay xung đột, Nhà thờ Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre), địa điểm được tin là nơi chúa Jesus bị đóng đinh và phục sinh, luôn mở cửa mỗi dịp lễ Phục Sinh trong ít nhất một thế kỷ qua. Nhưng năm nay, các tín đồ như bà Bitar không thể tới nhà thờ vì mọi hoạt động tụ tập cầu lễ đều bị cấm. Israel đã xác nhận hơn 9.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 79 ca tử vong, trong khi phía Palestine cũng xác nhận hơn 250 ca nhiễm và 1 ca tử vong.
Jerusalem luôn được coi là "trái tim" của các hoạt động nhân ngày lễ Phục sinh trên toàn cầu. Năm ngoái, hơn 25.000 người đã tụ tập gần Nhà thờ Mộ thánh để tham gia lễ Chúa nhật lễ lá (Palm Sunday), đánh dấu ngày mở đầu của tuần lễ Phục sinh. Nhưng không khí năm nay hoàn toàn vắng lặng tại khu phố Cơ đốc giáo, hàng chục nhà thờ không có một bóng người trong ngày Palm Sunday 5/4 vừa qua.
Theo người phát ngôn của Tòa Giám mục Công giáo ở Jerusalem Ibrahim Shomali, chỉ có 15 giám mục tham dự buổi lễ tại nhà thờ được coi là linh thiêng nhất với người theo đạo Thiên chúa này. Giáo Hoàng Francis cũng đã chủ trì lễ Palm Sunday tại Nhà thờ Thánh Peter mà không có các tín đồ tới tham gia, chỉ có một vài người ngồi trên các dãy ghế có khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, cộng đồng tín đồ Cơ đốc giáo vẫn tìm được niềm an ủi khi buổi phát trực tiếp lễ Palm Sunday trên mạng đã thu hút 60.000 lượt người xem. Ngày 12/4 này, Đêm vọng Phục Sinh (Easter mass) cũng sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình và các mạng xã hội. Buổi lễ sẽ chỉ có 6 giáo sĩ tham gia.
Lê Ánh
Xứ sở kỳ diệu của Đá Thiên nhiên diệu kỳ trong khu vườn măng đá quốc gia Greme, thuộc địa phận thị xã Cappadocia, tỉnh Nevsehir, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ đã níu chân tôi rong chơi một ngày. Đó là sự kỳ lạ của tạo hóa đã hút hồn đoàn quân thiện nghệ của vương triều Echaemenid - Ba Tư trên đường viễn chinh về Địa Trung Hải,...