Mắc võng nằm chờ… nước tưới cà phê
Mới qua được 1/3 mùa khô nhưng nhiều diện tích cây trồng ở Gia Lai đã cháy khô vì không có nước tưới. Để cứu cây, hàng trăm hộ dân ở Gia Lai đã bắt đầu chạy đua với hạn, nhưng nhiều người chỉ biết mắc võng nằm chờ có nước…
Gần 1 tuần nay, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Ia Tô, huyện Chư Prông) và người nhà đã thay phiên nhau túc trực, mắc võng chờ có nước để tưới cà phê. “Thời gian tui nằm võng còn nhiều hơn ở nhà, vì đang là cao điểm nếu mình không tranh thủ tưới thì người ta tưới hết nước thì nguy. Nhà tui có 1ha cà phê thôi nhưng tưới gần chục ngày vẫn chưa xong. Nhiều cây cà phê chưa kịp tưới, lá ủ rũ nhìn mà xót lắm – ông Hùng than thở…
Nhiều diện tích cà phê héo rũ đang chờ nước. Ảnh: Lê Kiến
Hạn kỷ lục trong 18 năm trở lại đây
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa tại khu vực Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) chỉ đạt 50-60% so với trung bình nhiều năm. Dự báo, mùa khô năm nay ở Tây Nguyên kéo dài hơn 7 tháng, tình trạng hạn hán sẽ khốc liệt nhất trong vòng 18 năm trở lại đây.
Trong cái nắng chói chang, tại thôn 7 và thôn 8 (xã Ia Tô), hàng trăm máy bơm dùng để hút nước tưới cho cây cà phê đều nằm bất động dọc theo suối Ia Châm. Hàng nghìn ha cây cà phê đang thiếu nước trầm trọng khiến người nông dân đứng ngồi không yên…
Tại huyện Chư Pứh, hàng trăm ha cà phê, hồ tiêu và cây lúa gặp “đại hạn”, nhiều hộ dân nhìn cây trồng héo úa mà bất lực. Anh Lê Văn Phương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) nói nửa thật nửa đùa: “Người dân ở đây chuẩn bị nhổ trụ tiêu bán, giờ nước không có để tưới thì chỉ có chết thôi. Chưa có năm nào ở khu vực này hạn nặng đến vậy. Cây hồ tiêu, cà phê không có nước tưới khiến nhiều hộ ăn tết không ngon, có hộ đêm 30 vẫn còn trên rẫy, ngày mùng 2 đã ra đồng. Nhà tôi đào sâu thêm giếng đến 35m, tốn gần 50 triệu đồng mà mỗi ngày tưới chưa đầy 2 tiếng là cạn. Nhiều hộ đào 2-3 giếng, cái nào cũng sâu hơn 100m mà tìm không ra nước”.
Người dân mắc võng chờ có nước tưới. Ảnh: Lê Kiến
Video đang HOT
Gặp phóng viên, ông Nguyễn Văn Khanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Pứh than: Năm nay hạn quá nặng, hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu thiếu nước trầm trọng, nguy cơ cây chết là rất cao. Riêng cây lúa đã có hơn 300ha mất trắng, không còn cứu kịp, cây công nghiệp dài ngày thì người dân vẫn cầm cự được. Về con số thiệt hại cụ thể thì vẫn chưa có vì phòng đang cho cán bộ đi thống kê lại để có giải pháp. Nếu từ đầu mùa mà huyện không có khuyến cáo kịp thời thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn. Không chỉ cây trồng thiếu nước, mà nhiều làng ở các xã Ia Phang, Ia Le, Chư Đôn… còn thiếu nước sinh hoạt.
Số liệu mới nhất từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, đã có 9 huyện thị có báo cáo nhanh gửi về, theo đó có hơn 2.500ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn và diện tích lúa có thể bị mất trắng lên đến 500ha.
Theo Danviet
Thiên tai lịch sử đang hoành hành miền Tây
Người dân miền Tây đang hứng chịu trận thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thấp nhất trong 90 năm là nguyên nhân khiến xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở hơn chục tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công, song lại bị nắng hạn hoành hành. Dự báo, thiên tai gay gắt kéo dài, nguy cơ 500.000 ha lúa hè thu không thể xuống giống, tác động nghiêm trọng đến đời sống của một triệu hộ dân (tương đương 5 triệu người).
"Với diễn biến như hiện nay, chúng ta đang trải qua trận thiên tai lịch sử", Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhận định.
Bà Phạm Thị Tiết (80 tuổi, ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) nói: "6 công lúa đông xuân của gia đình mất trắng. Từ trước tới nay dân ở đây chưa từng chứng kiến cảnh nước mặn lên cao và nắng hạn gay gắt như thế này".
Hiện, Tiền Giang có hơn 1.000 ha lúa đông xuân của người dân bị mất trắng. Các địa phương trong tỉnh lắp 674 điểm bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp phục vụ nước tưới cho gần 22.000 ha lúa.
Tại vùng Miệt Thứ tỉnh Kiên Giang, nhiều nông dân xuống giống vụ đông xuân nhưng chỉ thu hoạch được lúa lép. Ông Danh Ca (42 tuổi, huyện An Biên) thở dài, cho biết: "Nước mặn năm nay tràn vào mạnh quá, dân chúng tôi trở tay không kịp. Nhìn đồng lúa đang ngậm sữa chết dần mà đứt ruột đứt gan".
Đến nay, Kiên Giang có hơn 55.000 ha lúa bị thiệt hại. Để bảo vệ diện tích lúa còn lại, chính quyền khẩn cấp làm 89 đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt; đồng thời khoan nước ngầm với công suất 20.000 m3 mỗi ngày đêm phục vụ người dân.
Tương tự, Sóc Trăng có 12.800 ha lúa ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên nhưng đã bị thiệt hại trên 70%, gây tổn thất trên 30 tỷ đồng của nông dân. Trong ảnh, ông Thạch Thanh (42 tuổi) ở vùng bị mặn xâm nhập nặng thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bần thần bên ruộng lúc khô cằn, nứt toác. "Thấy mình bất lực trước cái nắng cháy. Làm ruộng rẫy không được, mấy tuần nay nhiều người ở đây bỏ đi miền Đông mần mướn kiếm sống, chờ mưa xuống mới quay về", ông nói.
Con mương nội đồng trong vùng tứ giác Long Xuyên nứt nẻ vì nắng hạn gay gắt nhiều tháng qua. Trước đó, những giọt nước cuối cùng được người dân bơm hết lên ruộng để cứu lúa.
Nhiều kênh nội đồng ở vùng bán đảo Cà Mau trơ đáy. Hiện, người dân cố gắng vét từng giọt nước cuối cùng để mong cứu được lúa.
Tại các khu vực sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, ven biển Tây; nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 45-93km; nhiều nơi có độ mặn cao nhất đạt 20,3-31,5g/l. Bộ trưởng Nông Nghiệp Cao Đức Phát nói: "Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn".
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã công bố tình trạng thiên tai. Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết chỉ còn 4 trong 164 xã, phường chưa bị mặn tấn công; công sở, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp đều đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 40.000-70.000 đồng mỗi m3.
Hạn hán khiến vùng đất giồng cát trồng hoa màu ven biển ở miền Tây gần như mất trắng vì thiếu nước ngọt tưới.Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó phòng Nông nghiệp huyện Ba Tri (Bến Tre) lo ngại: "Lúa mất trắng đã khổ cho người dân lắm rồi. Bây giờ rau màu và cây ăn trái cũng đang khô héo từng ngày. Người khá có đất sản xuất thì bị thiệt hại dẫn đến không có thu nhập, còn người nghèo thì không ai thuê làm, chẳng biết lấy gì mà sống".
Trong khi đó, tại vùng bán đảo Gò Công (Tiền Giang), những ao, đìa nước ngọt còn sót lại đang rất quý giá, được người dân tận dụng tối đa để bơm vào ruộng cứu lúa.
Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chưa hoàn chỉnh lại đang quá tải trước cơn thiên tai lịch sử này. Toàn vùng cần nguồn kinh phí 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó cần gấp 1.060 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện những công trình cấp bách nhất để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Cửu Long
Theo VNE
Xâm nhập mặn còn kéo dài đến tháng 5 El Nino tiếp tục tác động đến Việt Nam trong những tháng đầu năm nay và tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể được cải thiện khi những đợt mưa mùa hè bắt đầu. El Nino tác động đến Việt Nam từ cuối năm 2014, đẩy nền nhiệt các khu vực tăng cao. Đài khí tượng...