Mã độc gửi tin nhắn “móc túi” người dùng 3,9 tỷ đồng mỗi ngày
Thống kê mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav cho thấy hơn 20% smartphone ở Việt Nam (22,7%) từng bị lây nhiễm mã độc. Trong đó, riêng virus gửi tin nhắn tới đầu số thu phí gây tổn thất lên tới 3,9 tỷ đồng mỗi ngày cho người dùng.
Thống kê được thực hiện dựa trên số liệu từ Hệ thống giám sát virus của Bkav. Theo đó, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, phần mềm bảo vệ Smartphone Bkav Mobile Security đã cập nhật 621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của cả năm 2013. Đặc biệt, mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 VNĐ/1 tin nhắn, tính ra mỗi ngày người sử dụng Việt Nam bị “móc túi” số tiền khổng lồ lên tới 3,9 tỷ đồng.
Lý giải cho việc vì sao người dùng dễ bị “móc túi” như vậy, các chuyên gia Bkav nhận định dòng virus gửi tin nhắn SMS ẩn mình trong các ứng dụng mạo danh các tựa game nổi tiếng như Fruit Ninja, Flappy Bird, Pikachu… Đồng thời, một lượng lớn mã độc cũng đã được phát tán thông qua các phần mềm hack/crack game hoặc phần mềm xem phim, ảnh sex… Khi cài các ứng dụng này, người dùng sẽ bị mất tiền do virus gửi tin nhắn đến các đầu số thu phí giá cao ở Việt Nam.
Video đang HOT
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav, cho biết: “Chỉ trong 5 tháng, chúng tôi đã ghi nhận hơn 1,8 triệu ứng dụng chứa mã độc hại được tung lên các chợ ứng dụng. Xu thế tội phạm mạng chuyển dịch hướng tấn công sang các thiết bị di động ngày càng rõ nét, virus trên mobile đã đến thời kỳ bùng nổ”.
Bkav cũng đưa ra khuyến cáo để phòng chống mã độc, người dùng tuyệt đối không cài phần mềm từ nguồn không rõ ràng, đồng thời cẩn trọng khi kết nối điện thoại của mình với một máy tính mà không chắc máy tính đó có sạch virus hay không. Tốt nhất, người dùng nên cài thường trực phần mềm bảo vệ Smartphone cho điện thoại của mình.
Theo vnreview
Xếp hạng ứng dụng bảo mật trên Android
Kết quả thử nghiệm từ AV-Test đã cung cấp những thông tin về những người thắng và kẻ thua trong cuộc chiến phần mềm bảo mật cho hệ điều hành di động của Google.
Báo cáo được thực hiện vào tháng 1/2014 liệt kê tất cả các ứng dụng trong phân tích của AV-Test, trong đó một cột cung cấp các ứng dụng ở tình trạng được bảo vệ cơ bản, trong khi một cột hiển thị khả năng làm việc của ứng dụng trên nền tảng Android.
Thang điểm được liệt kê từ 1 đến 6, trong đó 6 là cao nhất..
Các tiêu chuẩn AV-Test thực hiện để đánh giá khả năng sử dụng và bảo vệ, nó cũng mang đến cho người dùng biết tính năng bảo mật quan trọng trong các ứng dụng,
Về khả năng sử dụng cũng như khả năng bảo vệ, các ứng dụng đạt điểm cao trong phép thử bao gồm: Avira Free Android Security 3.0, Bitdefender Mobile Security 2.6, G Data Internet Security 25.0, Kingsoft Mobile Security 3.3, KSMobile Clean Master 4.0; KSMobile CM Security 1.0, McAfee Mobile Security 3.1, Qihoo 360 Mobile Security 1.5,Trend Micro Mobile Security 3.5 và TrustGo Mobile Security 1.3.
Riêng 2 ứng dụng từ G Data và Trend Micro cũng cung cấp cho người dùng các tính năng bảo mật quan trọng. Theo Google thì người dùng Android đã được bản thân hãng bảo vệ mà không cần phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp bảo mật. Tuy nhiên, kết quả từ AV-Test mang đến những cái nhìn cần thiết cho những ai muốn bảo vệ thiết bị của mình.
Theo VNE